Monday, September 5, 2011

TRONG VÒNG TAY MẸ

                         TRONG VÒNG TAY MẸ.
Tammy đi làm về đến nhà , như thường lệ chị mở hộp thư mang tất cả những thư từ vào nhà và để trên bàn. Chị liếc sơ xem có thư gì quan trọng không ngoài vài lá thư quảng cáo. Chị ngạc nhiên vì có một là thư mà tên người gởi chính là bà Sarah, mẹ của chị. Nếu có gì muốn nói mẹ có thể gọi phone nhanh hơn chứ.
Chị vội vàng mở lá thư ra, một mẩu giấy có vài dòng chữ ngắn gọn của bà Sarah: “ Mẹ nhận được lá thư lạ lắm, họ dùng cái tên Việt Nam của con là Nga Nguyễn và gởi về địa chỉ cũ của chúng ta ở Florida, nên mẹ gởi lại cho con”.
Chị cầm lá thư lạ lên xem, đúng là một lá thư hoàn toàn xa lạ với tên người gởi là Bình Nguyễn, và người nhận là Nga Nguyễn, cái tên Việt Nam mà Tammy tưởng như không bao giờ được ai nhắc lại nữa.
Chị vừa tò mò vừa hồi hộp mở vội lá thư lạ ra đọc, lá thư được viết bằng Anh ngữ:
                     Kansas ngày…tháng…năm…
Thân gởi Nga Nguyễn,
Tôi là chú ruột của Nga nếu qủa thật cháu là Nguyễn Thị Nga, con ông bà Nguyễn văn An, cô bé bị thất lạc trong cơn biến loạn 30 tháng Tư năm 1975, khi gia đình cháu dắt díu nhau chạy ra bến cảng Sài Gòn, chen lấn, xô đẩy giữa đám đông kinh hoàng để mong được bước xuống tàu chạy trốn đám Bắc quân đã tràn vào thành phố. Cuối cùng gia đình cháu còn lại đầy đủ trên bờ, chỉ thiếu mình cháu, cô con gái mới 9 tuổi đầu.
Cháu không thể tưởng tượng cha mẹ cháu đã buồn khổ chừng nào, nhất là mẹ cháu đã khóc ròng rã suốt mấy ngày liền vì không rõ cháu sống chết ra sao? Cho đến vài năm sau khi những người Việt Nam di tản qua Mỹ được thư từ liên lạc về quê hương, có một vài người quen nào đó khẳng định đã gặp cháu trên tàu, trên đảo Guam. Chỉ có thế thôi, cũng đủ cho gia đình cháu có niềm tin mãnh liệt là cháu còn sống, đang định cư một nơi nào đó trên nước Mỹ.
Gia đình tôi định cư tại Mỹ mấy năm nay, mang theo sứ mệnh cha mẹ cháu gởi gấm bằng mọi cách, mọi nỗ lực tìm lại đứa con bị thất lạc của họ, tôi có mang theo một số hình ảnh của cháu chụp trước năm 1975 và gởi kèm theo thư này một tấm hình mới nhất trước ngày định mệnh ấy. Hình cháu đứng cạnh mẹ trong dịp Tết, cái Tết cuối cùng của cháu ở Việt Nam. Tôi hi vọng cháu sẽ nhớ ra.
Tôi đã nhờ các hội đoàn Việt Nam liên lạc các hội hồng thập tự và báo chí Mỹ để tìm ra tung tích cháu, nên đã có địa chỉ và gởi lá thư này.
Sau đây là số điện thoại và địa chỉ của tôi để cháu liên lạc biết thêm về gia đình hầu xác định cháu có phải là Nga Nguyễn mà tôi đang tìm kiếm hay không? Còn ngược lại tất cả chỉ là sự lầm lẫn thì xin cháu vui lòng gởi trả lại tôi tấm hình.
Thành thật cám ơn cháu.
                   Bình Nguyễn.
Tammy buông rơi lá thư trên bàn, cuốn phim dĩ vãng bỗng hiện về trong trí nhớ chị, từng chút một nhưng rõ ràng, vì những cảm xúc ấy chị không thể nào quên.
Ngày ấy cả nhà chị tay xách nách mang, xớn xác trong đám đông hỗn loạn trên bến cảng, người ta chen lấn xô đẩy nhau và chẳng hiểu bằng cách nào chị đã lên được con tàu đông nghẹt người mà không có lấy một người thân bên cạnh, chị đã sợ hãi gào khóc nhưng lúc đó chẳng ai để ý đến chị. Nỗi hoang mang, đau khổ ấy đã theo chị trong suốt thời gian ở đảo chờ đi định cư, chị nhớ thương mọi người trong gia đình, nhất là mẹ, hình ảnh mẹ vẫn còn trong chị dù đã phai mờ dần theo năm tháng.
Được vợ chồng bà Sarah bảo trợ và nhận làm con nuôi, chị lớn lên trong một gia đình Mỹ trung lưu, ăn học đến nơi đến chốn, và nhất là được cha mẹ nuôi thương yêu như ruột thịt. Chị quên hẳn ngôn ngữ Việt Nam vì từ lúc ở với gia đình bà Sarah chị hiếm khi có dịp gặp gỡ ngươì đồng hương Việt Nam nào.
Dù đã quen với nếp sống Mỹ, xã hội Mỹ và nói tiếng Mỹ như người bản xứ, nhưng trong một góc tâm tư sâu kín nhất chị vẫn biết mình là người Việt Nam, vẫn có một quê hương, một gia đình đông đủ cha mẹ, anh chị em. Họ cũng đang sống giữa đời như chị đang sống.
Nước Mỹ nuôi chị trưởng thành, quê hương Việt Nam đẻ ra chị, đã có những năm tháng chị sống bằng sữa mẹ, bằng cơm gạo Việt Nam, đôi chân ấu thơ của chị đã rong chơi, chạy nhảy trên xóm làng nào đó của Việt Nam và những ngày mưa ngày nắng chị đã được ấp ủ trong vòng tay của mẹ, trong tình yêu của cha.
Chị đã có ý tìm lại quê hương, gia đình, nhưng chị không nhớ rõ ràng chính xác địa chỉ, thành phố mà chị đã sống ở Việt Nam, mà chị cũng không biết một ai thân quen ở Mỹ để hỏi thăm.
Tammy nhìn tấm hình thật lâu, thật kỹ, đó là một người mẹ tay nắm tay đứa bé gái mặc bộ đồ có những chấm hình tròn nho nhỏ. Chị không thể nào phủ nhận đứa bé trong tấm hình chính là mình, và người đàn bà kia là mẹ chị. Mẹ đã bảo chị đứng cạnh chậu hoa tươi thắm để chụp hình với mẹ trong một ngày Tết Việt Nam.
Chị nhớ rõ bộ quần áo có những chấm tròn này chị đã yêu thích và náo nức chờ đợi để được mặc vào dịp Tết, chị đã chạy rong khắp xóm khoe với bạn bè, trong túi áo chị đầy những phong bao lì xì màu đỏ. Chị đã vui sướng, hạnh phúc biết bao.
Không thể chờ đợi thêm phút giây nào nữa, chị bấm số điện thoại gọi cho ông Bình Nguyễn và hồi hộp chờ đợi khi tiếng phone reo lên. Chị cất tiếng, dĩ nhiên bằng tiếng Anh:
-         Tôi là Nga Nguyễn, tôi xin được gặp ông Bình Nguyễn
Tiếng người đàn ông bên kia thảng thốt reo mừng, ông nói bằng tiếng Anh đủ để chị hiểu:
-         Ch ú l à B ình Nguy ễn đ ây, c òn cháu chính là Nga Nguyễn th ật sao?
-         Vâng cháu là Nguyễn thị Nga, cái tên Việt Nam đầy đủ mà cháu chẳng bao giờ quên. Ngay cả lúc trên đảo Guam chỉ là con bé lên 9 cháu đã khai tên như thế, cùng với ngày tháng năm sinh của mình. Cháu nhìn hình và nhận ra người mẹ năm xưa.
Giọng chú Bình nghẹn ngào:
-         Gia đình mình thật là có phước mới có ngày hôm nay. Để chú kể thêm cho cháu nghe vài chi tiết nữa, nhà cháu ở trong một xóm nhỏ quận Phú Nhuận, xóm lao động đông đúc cư dân, nhà chú ở đối diện nhà cháu. Cả hai căn nhà đều có những khung cửa sổ, khung cửa lớn màu nâu, cháu hay chạy qua nhà chú chơi…
Tammy reo lên:
-         A, cháu nhớ có một cây gì to lắm, trồng trước sân nhà chú, có phải không??
-         Đúng rồi, cây mận, không phải là plum giống ở Mỹ đâu nhé, nhưng chú chẳng biết gọi nó là gì bằng tiếng Anh để cho cháu hiểu.
Những hình ảnh qúa khứ lần lượt mở ra trong tâm trí Tammy:
-         Nhưng cháu nhớ là cháu thích ăn nó, ngon và ngọt lắm, cháu hay sang nhà chú để nhặt những trái mận rụng dưới gốc cây, mận rụng có sâu mà ăn rất ngọt, có lần cháu dành nhau trái mận với đứa nào đó rồi đánh nhau nên bị mẹ gọi về đánh đòn cháu…
Người chú bật cười:
-         Cháu với con gái chú chứ ai, chú cũng đã đánh nó mấy roi về tội chị em mà  không nhường nhịn nhau. Nãy giờ chú mừng qúa chưa nói về gia đình cháu, cha mẹ và anh chị em cháu vẫn sống ở Việt Nam, khỏe mạnh, còn phần cháu thế nào?
-         Cháu làm con nuôi trong một gia đình người Mỹ, họ tử tế lắm. Hiện giờ cháu có hai con, vợ chồng con cái sống hạnh phúc. Hôm nào vợ chồng cháu đến thăm gia đình chú sẽ kể chuyện chi tiết hơn.
                                    *****************
Sau cuộc nói chuyện với người chú ruột, Tammy cảm thấy mình đang là người hạnh phúc nhất trên đời, chị đã tìm thấy gia đình ở Việt Nam, và ở Mỹ từ nay chị không còn là một người Việt Nam lạc loài cô độc nữa vì đã có gia đình chú Bình.
Chú Bình đã kể lại những câu chuyện, những hình ảnh thuở ấu thơ của Tammy làm sống động lại nhiều kỷ niệm, làm Tammy càng thêm nao nức nhớ người thân, nhất là mẹ.
Nhất định Tammy sẽ rủ chồng về Việt Nam, tìm gặp gia đình mình, chị chờ đợi ngày ấy đã bao lâu nay.
Rồi chị sẽ đặt chân lên mảnh đất quê hương cũ dù quê hương với chị chỉ là một khoảng đời ngắn ngủi trong xóm nhỏ v ới v ài h ình ảnh th ấp tho áng trong k ý ức.
Là con đường đất đỏ với hai dãy nhà đối diện nhau, căn cao căn thấp, căn nhô ra căn thụt vào, mỗi nhà một kiểu, một vẻ.
Là vài ba cột điện cao, tỏa dây điện chằng chịt trên nóc những ngôi nhà như những màng nhện khổng lồ.
Là cây mận trước sân nhà chú Bình đầy những chùm trái ngọt, dù bây giờ cây mận không còn nữa.
Là những người bạn ấu thơ cùng xóm chơi nhảy dây, chơi lò cò…
Là những tiếng rao qùa mỗi ngày của những gánh hàng rong mà chị đã nhiều lần chờ đợi được mẹ gọi vào mua cho ăn.
Là những ngày mưa con đường trước nhà lầy lội dơ bẩn làm chị không được ra ngoài chơi, mẹ sai chị lấy mấy cái chậu để trước mái hiên hứng lấy những chậu nước trong vắt…
Ngày chị về tất cả hẳn đã nhiều thay đổi từ đầu đường góc phố, những người bạn nhỏ xưa đã trưởng thành và tản mác, chị chẳng nhớ một ai cũng như chẳng ai nhớ đến chị.
Nhưng căn nhà vẫn còn đó, cha mẹ, anh chị em còn đó.
Giây phút gặp gỡ đầu tiên chị sẽ ngả vào vòng tay mẹ- như ngày xưa còn bé- Chỉ trong vòng tay mẹ thôi, cũng đủ cho chị tìm thấy quê hương và những tình cảm thân thương tưởng đã mất sau những tháng năm dài xa cách.
                             Nguyễn Thị Thanh Dương


No comments:

Post a Comment