Sunday, September 18, 2011

Thời Buổi Kinh Tế Khó Khăn

                             THỜI BUỔI KINH TẾ KHÓ KHĂN.
Tới ngã tư, tôi dừng xe nối đuôi sau một dãy dài, thật sốt cả ruột! Thì giờ lái xe và chờ đợi đèn xanh đèn đỏ cũng chiếm một khỏang không ít trong đời sống con người. Cuộc sống ngắn ngủi mà phải chia cho nhiều thứ quá.
Đèn xanh hiện lên, những chiếc xe đứng trước đã bắt đầu nhúc nhích, người ta vội vàng để không lãng phí thời gian, ai cũng muốn lao nhanh về phía trước.
Khi đến lượt xe tôi lăn bánh, vừa ra tới đường thì  đèn đã nhanh chóng đổi màu từ vàng tới đỏ, cứ y như ai đó cố tình làm chậm trễ cuộc hành trình của tôi, nhưng tôi  chẳng chịu thua, nhấn ga vọt qua bên kia đường, và lái xe một mạch đến nơi mình muốn .
Khi đậu xe vào khu shopping, đi trong mall mát lạnh, lộng lẫy và thơm phức mùi hàng hóa, quần áo và mùi nước hoa, tôi mới chợt giật mình toát mồ hôi nhớ lại cú vượt đèn đỏ lúc nãy và tự hỏi không biết khúc ngã tư ấy có gắn máy camera không? Cái máy chuyên chụp hình những xe vượt đèn đỏ và ân cần gởi giấy phạt về tận nhà cho thủ phạm ngoài sự mong đợi của họ. Tiền phạt cả trăm đồng chứ ít gì! số tiền ấy cũng mua được vài bộ váy áo đang on sale 75% của ngày hôm nay.
Từ khi kinh tế nước Mỹ khó khăn, mọi hàng hóa lên gía, làm ngân quỹ gia đình tôi lộn xộn theo, phải bớt đầu này, giảm đầu kia để giữ quân bình, tôi bỗng dưng trở thành người đàn bà tính toán.
Rừng quần áo đã nhanh chóng giúp tôi quên đi những lo âu, muộn phiền. Tôi lùng sục hết dẫy nọ đến dẫy kia, treo lên, hạ xuống, rồi hí hửng ôm một đống váy áo vào phòng thử, rồi thất vọng ôm một đống ấy ra trả vào chỗ cũ, cứ như một đứa trẻ con nghịch ngợm, làm rối tung hàng hóa của người ta lên suốt mấy tiếng đồng hồ mà không biết mệt ( thế mà không hiểu sao, nếu chồng tôi cùng đi, anh ta chỉ có mỗi việc ngồi chờ, mà cũng than nhức đầu, chóng mặt?).
Đi mall mua sắm như đi câu, may thì lựa được món vừa đúng ý vừa rẻ, có khi tay không như ngày hôm nay, cho tới giờ mall sắp đóng cửa tôi mới lê bước ra khỏi tiệm, buồn vì không mua được gì, uổng phí cả một buổi chiều, uổng phí cả sự náo nức, chạy xe nhanh,  vượt đèn đỏ. Bây giờ tôi mới thấy lo âu vì chuyện này.
Ra tới cửa thì gặp ngay một con bạn, nó mua được hai túi xách đầy, chẳng biết những thứ gì bên trong. Sau vài câu hỏi thăm, bạn tôi than thở như một phụ nữ chắt chiu từng đồng từng xu:
-         Thời buổi đắt đỏ, gạo lên gía làm tao lo quá.
-         Cái nỗi ám ảnh này trong dòng máu người Việt Nam từ trước kia, còn di truyền cho tới bây giờ. Gạo ở xứ Mỹ thiếu gì, nhưng ăn gạo có là bao, lo những thứ khác kìa.
-         Ừ,  những vật gía khác cũng lên ào ào. Vì thế gia đình tao phải hạn chế mua sắm từng tí một..
-         Tao cũng thế !
Tôi nhìn nó nghi ngờ:
-         Nhưng mày mua được nhiều món đấy?
-         Tao nói hạn chế mua sắm mọi thứ, nhưng … trừ quần áo, mỹ phẩm, nữ trang và  tất cả những thứ gì mà tao ưa thích.
-         Nghĩa là chỉ hạn chế với chồng mình thôi chứ gì.
Nó hớn hở khoe, quên ngay đề tài tiết kiệm:
-         Tao mua được mấy cái váy, mấy cái quần và một đôi giày đẹp lắm. Nhưng còn một cái váy tao hết sức ưng ý mà chưa dám mua vì mới ra nên gía rất đắt, từ tuần sau trở đi, mỗi tuần tao mỗi đi mall để canh chừng khi nào cái váy ấy xuống giá một chút là vớt liền.
-         Tao e rằng trong khi chờ đợi cái váy ấy xuống gía thì mày đã mua những thứ khác rồi, và cuộc mua sắm cứ triền miên như dòng sông trôi không bao giờ ngừng nghỉ.
Chia tay bạn, tôi lái xe trở về nhà. Sắp đến ngã tư định mệnh lúc nãy, tôi hồi hộp cầu mong  sẽ không nhìn thấy máy camera, nhưng từ xa tôi đã thấy nó rồi, nó vươn cao ngạo nghễ như đe dọa, thách đố những chiếc xe đang chạy dưới vùng kiểm soát của nó. Tôi tự an ủi: “ Hôm nay không mua được gì cũng là may, để dành tiền ấy đóng phạt vượt đèn đỏ”.
Tôi lặng lẽ bước vào nhà, chồng tôi thắc mắc ngay một tràng dài lê thê:
-         Em sao thế? vẻ mặt em…không bình thường so với những lần đi shopping khác, về tới nhà mặt em tươi roi rói như tôm cá mới đánh bắt lên từ sông, từ biển, rồi em chạy ngay vào restroom để mặc thử váy áo, và lượn ra lượn vào như người mẫu, bắt anh  ngắm nghía và chấm điểm. Sau đó em chơi trò “Đố vui để học”, đố anh cái váy này, cái quần nọ giá bao nhiêu? Anh nói giá càng cao, em càng vui thích để khoe rằng em đã mua được với giá bèo chưa từng thấy.
Và anh ta ngạc nhiên hỏi tiếp:
-         Sao lần này em lại về tay không với nét mặt ủ rũ thế nhỉ? Hay em đang thi hành kế hoạch tiết kiệm thời buổi kinh tế khó khăn do em đề ra?
-         Nhưng anh ơi, anh có biết công dụng của cái máy camera gắn trên ngã tư đường đèn xanh đèn đỏ không?
-         Trời ơi đang chuyện nọ em xọ sang chuyện kia một cách đột ngột làm anh chóng cả mặt. Ý em nói camera để thu hình, chụp bảng số xe những chiếc xe vượt đèn đỏ mà thành phố đang nỗ lực gắn ở những ngã tư đông đúc ấy hả?
-         Vì chiều nay em…vượt đèn đỏ anh ạ.
Chồng tôi kêu lên:
-         Thế là sắp tốn bộn tiền đấy, vài ngày nữa em sẽ nhận giấy phạt thôi.
-         Em cầu mong…máy camera ấy bị hư, không quay được em lúc đó.
-         Gắn một máy camera nghe nói tốn kém lắm, mà em cầu cho nó hư thì tôi nghiệp city quá. Lỗi tại mình thì phải chịu, ai bảo thấy đèn đỏ không dừng lại? đi đâu mà vội mà vàng, đồ trong mall còn đó, có ai giành giựt, mua hết của em đâu?, để bây giờ sắp phải nộp phạt cả vài trăm đồng cho một hai phút mau lẹ, ngắn ngủi ấy.
-         Em ân hận qúa anh ạ. Tôi chân thành ngậm ngùi nói với chồng.
 -  Đã một lần rồi mà em còn chưa kinh nghiệm, lần trước, sự vượt đèn đỏ của em còn kinh khủng hơn nữa, em băng qua ngã tư, vượt gầm cầu để lên highway, cảnh sát đuổi theo mà em không biết, họ càng hú còi em càng chạy nhanh…nhường đường cho họ, cuộc đuổi bắt trên highway ly kỳ ngoạn mục như đuổi bắt tôi phạm, như săn bắt cướp. Cho đến khi họ chặn được xe em thì em mới dừng lại và biết là nẫy giờ họ đuổi theo mình. Hôm ấy cảnh sát phạt em thật nặng, ngoài chuyện vượt đèn đỏ, thêm tội bỏ chạy làm náo loạn trên highway, và bế tắc giao thông công cộng cả giờ đồng hồ trong giờ cao điểm.
Tôi chống đỡ:
-         Tại hôm ấy em cần về cho kịp một cái hẹn bác sĩ nên em mới hấp tấp vội vàng.
Chồng tôi than thở:
-         Hai lần em vượt đèn đỏ, bị phạt nặng thì không sao, còn tuần trước anh lái xe cán đinh phải vá vỏ xe mà em đã mắng anh xớn xác, đi không chịu để ý, không chịu  nhìn đường, mà ai có thể vừa lái xe vừa nhìn từng cái đinh trên đường cơ chứ? Em trách anh làm hao tốn ngân quỹ gia đình trong thời buổi kinh tế khó khăn. Ôi, hai lần vượt đèn đỏ của em đều có lý, chỉ có xe anh cán đinh là vô lý.
-         Thì xăng dầu lên gía vùn vụt, hôm nay 136 đồng một thùng dầu thô, người ta dự đoán July 4 sẽ 150 đồng một thùng, Nghĩ lại thời kinh tế huy hoàng của ông  Clinton mà thèm, khi ông nhận chức dầu thô khoảng 30 đồng một thùng, ông “kéo” nó xuống còn 22 đến 25 đồng. Thời ấy công ăn việc làm rất nhiều, chẳng những không lo bị lay off mà còn tha hồ nhẩy job và kén chọn nữa. Vì thế em thích ông Clinton.
-         Anh biết rồi, các bà yêu thích ông Clinton vì vừa giỏi vừa đẹp trai.
-         Ước gì kiếp sau….
-         Kiếp sau em lấy ông Bill Clinton làm chồng hả?
-         Không, em chỉ ước kiếp sau ông Clinton lại làm tổng thống cho dân nhờ. Anh thấy đấy, xăng dầu mắc mỏ, mọi thứ đều lên gía theo, mà đồng lương mình có lên đâu? Thế nên phải tiết kiệm thôi, nào tiền nhà, tiền xe và tiền để dành cho hai con vào đại học sau này. Nếu chẳng may anh hay em bị lay off thì còn có tiền mà tiếp tục trả nợ nhà, nợ xe. Thiên hạ bị mất nhà cả đống kia kìa.
-   Em kêu gào anh phải tiết kiệm, sao em vẫn nhởn nhơ đi shopping?
-         Em cũng tiết kiệm, chỉ mua món nào đang on sale mà thôi, chứ có hoang phí như con nhỏ bạn của em đâu, mỗi mùa mỗi kiểu, quần áo xếp đầy trong tủ mặc cả đời không hết. Hôm nay em gặp nó mua một đống đồ, vậy mà tuần sau nó lại đi mall  nữa đó.
                                     ********
Nhưng cái máy camera không bị hư như tôi âm  thầm mong ước mấy ngày nay, giấy phạt đã gởi về nhanh chóng và chính xác không cãi vào đâu được. Họ chụp hình cái xe đang băng qua đường và chụp đầy đủ bảng số xe. Nếu trả tiền phạt trễ sẽ bị cộng thêm tiền, nên tôi nhanh chóng chấp hành , ký check gởi trả ngay.
Ba ngày sau, tôi đi làm về trước, trong lúc đang băm thịt nấu cơm thì chồng tôi về tới với phong thư hớn hở cầm trên tay. Anh giơ cao lên cho tôi nhìn thấy và nói:
-         Em ơi, chúng ta lấy lại được tiền phạt xe hôm nọ rồi.
Tôi vội vã vui mừng:
-         Vậy hả? Có phải họ thấy em chấp hành gởi tiền phạt nhanh chóng nên…thương tình trả lại không? Anh đừng đùa với em nhé?
-         Thì cái check lù lù đây, bảo đảm là có tiền.
Tôi vội buông dao, rửa tay, chạy ra để nhìn mặt cái check đáng yêu ấy, thì chồng tôi mới nói:
-         Cơ quan nào rảnh việc, ngồi không mà thông cảm cho những đứa lái xe chạy ẩu như em?. Đây là tiền bonus hãng anh vừa thưởng, chẳng những “gỡ” được tiền phạt cho em lần này, mà lần trước nữa, kiêm luôn tiền vá xe cán đinh của anh. Nghĩa là ngân sách nhà mình vẫn chưa bị thâm thủng xu nào trong thời buổi kinh tế khó khăn vì những tai họa bất ngờ ấy nữa.
Tôi cười tươi như hoa, vào bếp làm tiếp, thì chồng tôi lại giơ lên một cái phong thư khác:
-         Em ơi, thêm một món tiền nữa…
-         Ôi, hãng anh thưởng tới hai lần bonus hay sao?
-         Đâu có hãng nào hào hoa đến vậy. Em hãy đoán đi…
Tôi buông dao, suy nghĩ mãi không ra bèn năn nỉ:
-         Em chịu thua. Anh nói ngay đi, tính em không kiên nhẫn, anh biết rồi đấy. Đợi đèn đỏ có mấy phút mà em còn sốt cả ruột gan nữa là…
-         Hôm nay đi làm về em quên chưa lấy thư, nên anh mới thấy phong thư này, tiền từ trên trời rơi xuống….
Tôi mở to mắt hồi hộp, ngạc nhiên, lắng nghe anh nói tiếp:
-         Phải nói là từ dưới đất chui lên mới đúng. Em không nhớ là cách đây một tháng em có nhận thư của nhóm người hàng xóm tự nguyện …
-         A! em nhớ ra rồi, họ đại diện hàng xóm để thương lượng gía cả với đại diện của công ty Chesapeake Energy để chúng ta ký hợp đồng Mineral Right chứ gì?
-         Chính thế, họ đã thương lượng xong với gía tuyệt vời là  $27,000/acre. Hôm nay gởi thư hẹn ngày đến ký hợp đồng, sau đó chúng ta sẽ nhận bonus check, và khi nào họ khai thác dầu lửa thì chúng ta sẽ được trả tiền royalty là 26%, lai rai vài trăm hàng tháng, không cần làm mà vẫn lãnh, thế mới sướng.
Tôi hớn hở vừa băm thịt vừa ca ngợi cuộc sống:
-         Nghĩa là mỗi cuối tuần vẫn đẹp, em vẫn có quyền đi shopping thoải mái.
Tôi chợt khựng lại, băn khoăn:
-          Nhưng nếu một ngày nào đó họ khai thác …hết dầu lửa thì sao?
-         Em lo xa quá, em đầu thai tới kiếp sau hãy còn kịp nhận tiền bonus nếu vẫn ở căn nhà này.
Tôi vẫn chưa yên:
-         Cứ nhìn riêng nước Mỹ, 50 tiểu bang xe cộ chạy nối đuôi ngày đêm thì mỏ dầu nào chịu cho thấu từ đời này đến đời kia hở anh?
Bị dồn vào thế bí, anh ta nổi cáu:
-         Tới đời con cháu mình thì tụi nó sẽ giải quyết, sẽ phát minh ra nhiên liệụ nào đó để thay thế xăng dầu. Nếu vẫn không phát minh được thì…. tận thế sẽ xẩy ra cho nhân loại chết hết và con người lập lại thời khai thiên lập địa, ăn lông ở lỗ, ai cần chi tới xăng dầu nữa?. Thôi, mời em chấm dứt các câu hỏi vớ vẩn cho anh nhờ.
Tôi lẩm bẩm một mình:
-         Chuyện gì cũng có thể xẩy ra, có khi họ sẽ không bao giờ khai thác nếu dò xét thấy số lượng dầu qúa ít, vậy thì mình đừng vội mừng, đừng vội tưởng bở mà tiêu xài thoải mái, vẫn phải cảnh giác trong thời buổi kinh tế khó khăn này .
                           Nguyễn thị Thanh Dương
                                       ( June, 2008)
                         **************************.
                           CÔ GÁI NHỎ LÀNG CHÀI.
               ( cảm tác từ bài “Làng chài…” trên báo Trẻ)
Tôi là một cô gái nhỏ làng chài,
Từ thuở lọt lòng đã nghe sóng vỗ,
Biển quê tôi hàng phi lao che gió,
Che những cơn bão cát đến bất ngờ.
                  Biển là trò chơi từ thuở ấu thơ,
                   Tôi dạn dĩ chạy đùa theo con sóng,
                   Quà của biển là vỏ sò, vỏ ốc,
                   Rong rêu trôi như thân phận con người.
Những ngày thuyền cha đạp sóng ra khơi,
Căn nhà vắng chông chênh như quán trọ,
Mẹ dậy sớm đi làm thuê, phơi cá,
Tôi rong chơi với biển, với bạn bè.
                       Lũ chúng tôi những đứa trẻ nhà quê,
                        Mặt đen xạm, tóc vàng hoe cháy nắng,
                        Da chúng tôi đã thấm mùi biển mặn,
                         Như cá vào bờ ướp muối không ươn.
Có hôm mải chơi đến lúc chiều buông,
Tôi thấy đói vội chạy đi tìm mẹ,
Một mình tôi trên biển chiều vắng vẻ,
Chợt chạnh lòng tôi nhớ mẹ, thương cha.
                            Bóng mẹ chập chờn ở phía trời xa,
                            Đang sải bước về kẻo trời sắp tối,
                             Nếu đêm nay có trăng tôi sẽ hỏi,
                            Trăng có đầy thuyền, cho cha bớt cô đơn?
Nếu đêm nay gió bỗng thổi mạnh hơn,
Nghe tiếng sóng vọng về trong giấc ngủ,
Tôi sẽ nguyện cầu trời đừng giông tố,
Những người con của biển sẽ trở về.
                              Rồi ngày mai mẹ ra biển đón cha,
                               Người đàn ông tóc bồng bềnh nắng gió,
                               Người đàn ông bờ vai to, ngực nở,
                               Bàn tay chai sần vì kéo lưới, giăng câu.
Yêu biển, yêu cha, tôi ước mai sau,
Sẽ lấy chồng lớn lên từ xóm biển,
Chàng trai ra khơi với nhiều kinh nghiệm,
( Cũng như cha làm ngư phủ ruỗi rong ).
                                     Nhìn màu nước biển lúc đục lúc trong,
                                     Biết loài cá nào theo dòng nước đến,
                                     Nhìn chim biển bay biết mùa gió chướng,
                                     Biết cơn mưa sẽ đến tự hướng nào.
Biển vẫn còn đây với rặng phi lao,
Chứng kiến cảnh dân làng chài lam lũ,
Tôi sẽ làm thuê, đảm đang như mẹ,
Sẽ đón chồng về, thuyền đầy ắp cá tươi.
                          Nguyễn thị Thanh Dương
                                 ( June, 2008) 
        *********************************


     



No comments:

Post a Comment