Monday, September 5, 2011

2009 BUỒN

                             2009 BUỒN.
Chị Tư Chuột lái xe vào bãi đậu của hãng thấy lỏng le, không chật xe như trước kia nữa. đến trễ một chút là kiếm chỗ đậu xe ngon lành không phải dễ.
Chị xách gỉo, xuống xe bước vào hãng, cảnh bên ngoài đã tiêu điều, bên trong càng u ám hơn, người thưa thớt và gương mặt ai cũng phảng phất nỗi lo, trao nhau cái nhìn  đồng cảm như hỏi nhau rằng trong chúng ta mai này ai đi ai ở?.
Cả tháng nay hãng liên tiếp lay off nhân viên văn phòng và công nhân sản xuất. Mới tuần trước chủ hãng họp đột xuất toàn bộ công nhân viên để thông báo tình hình khó khăn của hãng, thời buổi khủng hoảng kinh tế  của nước Mỹ đã ảnh hưởng đến hãng này, một hãng luôn tự hào là vững mạnh, làm ăn giỏi suốt hơn 30 năm qua.
Chị vào phòng giải lao thì bà Bông đã đến bên chị với nét mặt như vừa trong một đám tang gia:
-         Tội nghiệp qúa! Hôm nay con Maria và thằng Ivan bị lay off rồi.
-         Sao chị biết?
-         Thì hai đứa bị gọi lên văn phòng ông quản lý, rồi xách đồ ra về. Không biết mai tới lượt ai đây? Con Maria đỏng đảnh thì  chẳng đáng tiếc cho lắm, còn thằng Ivan, thấy mà thương…
-         Bộ gia cảnh thằng Ivan khó khăn lắm hả chị?
-         Tôi không biết gia cảnh nó thế nào, chỉ vì cái dáng gầy gò khốn khổ của nó, và gương mặt với đôi chân mày kéo xuống gần đuôi mắt trông buồn thảm, nên chạnh lòng.
Chị Tư Chuột rối tung cả lòng mà cũng không nhịn được cười:
      - Bà chị đa cảm qúa, thương người chỉ vì dáng vẻ bề ngoài. Biết đâu dấu bên trong cái dáng vẻ khốn khổ đó, Ivan là một anh Mễ chịu chơi, bất cần đời thì sao? Xá gì chuyện bị lay off.
Chị trấn an bà Bông như trấn an cho chính mình:
-         Thôi, lo cho mình đi, em và chị đều làm việc chăm chỉ, lo gì!
-         Sao không lo cô? Hãng gần xập tiệm thì mình cũng xập luôn.
Chị Tư Chuột rầu rầu:
-         Nhưng em mới là lo, vì còn con thơ, còn nợ nần nhà xe một đống, có công ăn việc làm cũng phải mười mấy năm mới hết nợ. Còn chị, chẳng nợ nần gì cả, tuổi ngoài 50 nếu có mất việc thì coi như về hưu non, hưởng nhàn sớm, hai đứa con đều lập gia đình ở riêng, khỏe re.
Bà Bông vẫn đăm chiêu:
-         Dù sao anh Tư Chuột nhà cô làm nghề sửa xe vẫn đắt hàng, dù kinh tế tệ hại đến đâu người ta vẫn phải mang xe hư đến tiệm sửa, không thể nhịn được, cũng như ngành nghề y tế, người ốm đau thời nào cũng cần. Rút kinh nghiệm sau này cô cứ cho con cái theo hai ngành nghề này cho chắc ăn. Còn tôi có những nỗi lo riêng cô Tư Chuột ạ. Hai đứa con tôi….
-         Em nghe chị kể vợ chồng thằng con trai của chị ở California làm ăn thành công, nhà cao cửa rộng lắm mà, hai vợ chồng cô con gái thì làm chủ mấy tiệm nail.
Bà Bông thở dài:
-         Đúng thế. Vợ chồng thằng con trai làm chủ một cửa hàng bán Donut rất đông khách, thời điểm nhà cao gía ngất trời hai vợ chồng hí hửng mua ngay căn nhà bạc triệu, trả tiền down vài trăm ngàn. Bây giờ nhà cửa xuống gía thậm tệ, cửa hàng donut lại ế ẩm, xuống dốc trông thấy, vợ chồng tôi  phải gởi tiền phụ giúp chúng nó trả tiền nợ nhà hàng tháng, nếu không thì nhà băng tịch thu nhà, chúng nó ở vào đâu? Mà khổ qúa, hồi ấy tôi cũng đã khuyên chúng là mua nhà vừa túi tiền thôi, tranh đua với người ta nhà to xe đẹp làm gì cho khổ vào thân mà chúng không nghe, cứ lý luận mua nhà Cali chỉ có lời không bao giờ lỗ, nhà càng cao gía càng lời nhiều. Bây giờ thì ngược lại…
-         Vậy chị bảo nó bán căn nhà ấy đi, mua căn nhỏ ở cho bớt nợ nần.
-         Đã tính tới nước ấy rồi, nhưng gía nhà xuống thấp qúa, trị gía căn nhà không đủ trả tiền nợ nhà băng, thì lấy tiền đâu mà mua căn nhà khác dù là nhỏ hơn?
-         Trời ơi, như vậy là mấy trăm ngàn tiền down nhà trước kia cũng tiêu luôn hả chị?
-         Ừ, coi như bao năm trời làm ăn cật lực giờ trắng tay, mà còn nợ thêm. Không đánh bài mà bị thua cay, thua đậm, vì gía nhà đất ở California là gía ảo, thời cao gía, nửa triệu bạc chỉ mua được một căn nhà cũ, với số tiền ấy về Texas mua được căn nhà to lớn, lộng lẫy. Thế mà nhiều người Việt Nam vẫn mơ ước đất Calif. làm như nơi ấy có rừng vàng biển bạc.
-         Chị ơi, chẳng phải thế đâu, chắc vì nơi ấy có cộng đồng người Việt lớn mạnh, có tình quê hương đồng bào.
Chị Tư Chuột quên nỗi lo âu của mình, tò mò hỏi tiếp:
-         Thế còn cô chủ mấy tiệm nail?
-         Làm ăn cái gì cũng có thời thôi cô Tư Chuột ạ, con gái tôi mang tiếng có mấy tiệm nail, nhưng có tiệm đắt, có tiệm ế, bù qua sớt lại lợi tức là bao? nó phải bán lỗ vốn mấy tiệm, nay còn một tiệm chỉ đủ sống còn mà thôi. Cô tính, người ta không có công ăn việc làm, không có tiền thì ai mà đi làm móng tay móng chân? Bán nhà hàng cũng thế, rủng rỉnh bạc tiền người ta mới đi ăn, không thì ăn ở nhà cho đỡ tốn. Đã thế thiên hạ thất nghiệp nhẩy ra mở tiệm nail, mở nhà hàng tới tấp, càng cạnh tranh, càng hạ gía nên chủ nhân chỉ lây lất chứ mong gì làm giàu!
Chị Tư Chuột ngậm ngùi:
-         Làm ăn lúc thịnh lúc suy mà chị, như cái chợ Sack.N Save ở gần nhà em, từng đông khách nườm nượp, vậy mà sau này ế ẩm phải dẹp hàng loạt vài cửa tiệm của nó. Nghĩ mà tội nghiệp cho nhà băng, tịch thu nhà cửa, bất động sản thời buổi này cũng như rước của nợ vào người, thì giờ đâu mà chăm sóc? để không thì bị đám bụi đời, đến phá nhà, ăn cắp vặt bên trong, mà bán thì chẳng dễ gì, trong khi thiếu tiền mặt để kinh doanh. Phải chi em là nhạc sĩ Thanh Sơn, tác gỉa “Nỗi buồn hoa Phượng” em sẽ làm tiếp bài “Nỗi buồn nhà Băng” cho hợp thời hợp cảnh.
Bà Bông kể lể:
-         Nếu cuộc sống chỉ nói đến chuyện ăn mặc thì bên Mỹ này có ai chết bao giờ!. Những thứ hệ lụy khác mới khổ tâm. Ngoài việc cần tiền để phụ giúp con cái đang hoạn nạn, hàng năm tôi vẫn gởi tiền về giúp thân nhân, hay người nghèo khó bên Việt Nam, và tôi cần đi làm để có bảo hiểm sức khỏe cho chính mình nữa chứ. Mà có ở với con cái cũng chả thoải mái đâu, một người bạn tôi không có việc làm, cũng hớn hở bán nhà cửa về ở với vợ chồng thằng con trai, trông nom cháu nội, dần dần như người giúp việc không công cho nhà nó, mà còn mất cả quyền tự do của mình, vì ở đâu phải theo luật lệ đấy.
Chị Tư Chuột ngợi khen bà bạn gìa:
-         Những bà mẹ Việt Nam thật bao la, trong số đó có chị, thương con vì con hết cả cuộc đời, chẳng bao giờ nghĩ sung sướng cho riêng mình, mà tùy thuộc vào sự vui buồn của con cái.
Rồi chị Tư Chuột quay ra oán trách:
-         Chỉ tại ông Bush ủng hộ chiến tranh nên kinh tế nước Mỹ mới điêu đứng thế này. Cho đáng đời, sau 8 năm làm tổng thống mặt ông ấy vừa gìa vừa xấu hơn xưa.
Bà Bông rủa thêm:
-         Làm tổng thống chắc gì đã sung sướng? có khi còn bị ám sát chết tươi. Một nghiên cứu mới đây nói rằng tổng thống mau gìa  trong thời gian làm tổng thống vì qúa căng thẳng, nghĩa là mình gìa một thì ông ấy gìa hai. Đợi đấy, vài năm nữa ông Obama cũng mặt mày phờ phạc, tóc sợi bạc sợi bay cho mà xem. Làm sao mà ông Obama cứu nổi nền kinh tế chết dầm chết tiệt này? 401K của tôi mất toi một nửa rồi.
Đã tới giờ vào làm, nên bà Bông và chị Tư Chuột tạm chia tay, câu chuyện đang hào hứng chắc sẽ được khơi dậy tiếp vào giờ nghỉ giải lao.
Chị Tư Chuột ngồi vào chỗ làm của mình, bên cạnh bà Mỹ gìa Jean càng làm chị ngứa mắt, vì bà này đã đến tuổi về hưu cả năm nay. Khi tình hình hãng bắt đầu sa sút, bà Sandy phòng quản lý nhân viên đã khuyến khích bà Jean về hưu, nhưng bà vẫn “ngoan cố” đòi làm thêm và luôn tự hào là tôi cảm thấy qúa trẻ nếu về hưu vào lúc này, trong khi mặt bà đầy vết nhăn từ trên trán xuống tới cằm, và mái tóc vốn dĩ đã mỏng, nay rụng lưa thưa trông thấy cả da đầu. Vô tình bà ta đã chiếm mất một chỗ làm của người khác, trẻ hơn bà, cần tiền hơn bà, như chị Tư Chuột chẳng hạn. Mà tại sao hãng lay off người nọ người kia mà không là bà Jean? Có lẽ vì tôn trọng  quyền làm việc của người gìa? hoặc họ là những người cần khích lệ và nâng đỡ làm việc?.
Mấy người nhiều chuyện trong hãng đồn rằng bà gìa Jean có người yêu thua kém bà mười mấy tuổi, nên bà luôn o bế, nuôi nấng nó, những đồng lương hưu còm cõi không đủ cho người tình nên bà phải tiếp tục làm việc để có thêm tiền.
Bà Susan ngồi phía bên kia khều chị Tư Chuột:
-         Tôi nghe nói nay mai hãng làm việc còn 32 giờ một tuần thôi. Chị biết chưa?
Chị Tư Chuột giật mình:
-         Để tiết kiệm tài chánh, những máy móc, đèn điện trong hãng phải tắt mở đúng lúc, rồi cắt giảm nhân viên, nay lại cắt giảm giờ làm việc. Hay là hãng sắp sửa đóng cửa?
-         Tôi cũng lo thế! Làm 32 giờ thì tôi không đủ sống, tiền thu nhập ít đi mà chi tiêu thì nhiều thêm, bill điện lên gía, mùa Đông năm nay tháng nào căn nhà nhỏ 1,200sqf. của tôi cũng hơn 200 đồng tiền điện. Tôi sẽ đi tìm thêm một công việc part time nào đó…
Chị Rita vừa đi ngang qua nghe thế nói chõ vào:
-         Tôi cũng thế, có bao nhiêu thứ cần chi tiêu trong cuộc đời này.
Chị Tư Chuột chợt nghĩ đến bà Bông, thì ra ai cũng có những lo toan của họ, dù ở tuổi gìa hay tuổi trẻ, mỗi người có một lý do khác nhau.
Bà Susan lại ngứa miệng tán dóc:
-         Thằng cháu tôi làm technical tại một hãng kia, bị lay off, lãnh tiền thất nghiệp đủ 6 tháng mà vẫn chưa kiếm ra việc làm, nay vừa mới xin một việc, tiền thấp, không đúng ngành nghề mà vẫn phải làm để sinh sống. Tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước không bao giờ biết nghỉ ngơi, mỗi tháng vẫn lù lù xuất hiện như những cơn ác mộng, nên người ta không thể ngồi yên
Chị Tư Chuột  não nề:
-         Còn đâu lúc hãng thịnh vượng, làm overtime đến ngao ngán, và nhiều người dãy nẩy lên, từ chối không chịu làm. Bây giờ hãng suy yếu làm ít giờ thì than van.
                                                **********
3giờ 30 chị Tư Chuột rời khỏi hãng, về đến nhà thì thằng Cu Tí đi học cũng vừa về đến, trường nó cách nhà nửa block đường nên cứ đi bộ về, khỏi cần ai đưa đón. Thằng bé 7 tuổi khoe:
-         Hôm nay con được cô giáo khen làm bài tập tốt.
Chị Tư Chuột mừng rỡ:
-         Con mẹ giỏi quá! Bài gì vậy con?
-         Bài home work tóan hôm qua mẹ làm giùm con đó, mẹ quên rồi hả?. Tối nay mẹ làm giùm con nữa nhé?
Chị Tư Chuột cụt hứng:
-         Tưởng gì!  khi nào gặp bài khó thì mẹ mới làm giúp con thôi. Nhưng mẹ sẽ giảng cho con hiểu bài, để lần sau con tự làm lấy.
Thằng Cu Tí ước mơ :
- Mẹ dạy cho con học giỏi tóan nhất lớp, mẹ nhé!
Chị thay quần áo và vào bếp, bữa cơm chiều xum họp có mặt đủ thành viên của gia đình. rất quan trọng (sách dạy tâm lý đã bảo thế). Xong chị đi tắm và đợi chồng về.
Anh Tư Chuột về đúng giờ, chắc hôm nay không có khách đột xuất đòi sửa xe gấp, lấy ngay. Nhìn bàn ăn tươm tất, nhìn vợ sạch sẽ tươi mát mà anh cũng tinh ý nhận ra :
-         Hôm nay em đi làm bị boss la hay sao mà mặt còn héo thế kia?
Chị Tư Chuột không ngờ chồng hiểu mình đến thế, chỉ nhìn vẻ mặt mà biết cả tâm can:
-         Anh ơi, không héo sao được, hãng em đang cho thôi việc tùm lum. Nếu như ngày mai đến lượt em ?
Anh Tư Chuột cười khà khà:
   -  Hãy vui hưởng 24 giờ ngày hôm nay vì em vẫn còn việc làm. Em lo trước chuyện chưa xảy ra, chẳng khác nào em khóc than, khi mình chưa nhắm mắt lìa đời.
- Anh lúc nào cũng lạc quan vô tư, hèn gì cứ ngả lưng xuống giường là ngủ, và người thì  phát triển mập ra. Trong khi em còn trằn trọc bao nhiêu chuyện cho ngày mai, ngày mốt.
- Nhưng em có gầy đi tí nào đâu? Và cũng phát triển mập không thua kém gì anh! Không phải em chỉ lo ngày mai, ngày mốt mà cho đến 15 năm sau, khi thằng Cu Tí học Đại học và  trả nợ xong ngôi nhà này. Em đã từng mơ đến ngày ấy. Có phải không?
- Ai mà không mơ như thế cơ chứ, nhưng còn đi làm thì ngày ấy mới đến.
Anh Tư Chuột an ủi vợ:
-         Thời buổi này bao nhiêu hãng lớn, hãng nhỏ trên nước Mỹ đều cắt giảm nhân viên, xin chính phủ tài trợ để sống sót, nhiều business đóng cửa. Năm 2009 là một năm bắt đầu của tổng thống đảng Dân Chủ với nhiều khó khăn cần giải quyết. Nói tóm lại, năm 2009 buồn nhiều hơn vui. Cả nước Mỹ cùng gánh chịu gian nan chứ chẳng riêng ai, nếu em  bị mất việc thì anh sẽ ở lại shop xửa xe mỗi ngày vài tiếng kiếm thêm tiền cho qua cơn sóng gío, tới khi em kiếm được việc làm khác.
Chị Tư Chuột cảm động:
-         Và mình phải sống tiết kiệm lại anh ạ, đợi qua năm 2009  coi có thay đổi chút nào không?
-         Thế kế hoạch mua cái xe mới cho em đi làm thì sao? Em đã từng nói không muốn thua kém mấy cô Mễ làm cùng hãng, từ quần áo, tới xe cộ cơ mà.
-         Em quyết định lại rồi, kế hoạch mới thay cho kế hoạch cũ, vẫn đi xe này cho tới khi nào nó không chạy được mới thôi. Còn tụi nó ăn diện đẹp, xe đẹp thì nợ cũng “đẹp” chứ hay ho gì.
- Em thay đổi chớp nhóang y như chính quyền bên Việt Nam vậy đó. Kế hoạch nọ, nghị quyết kia, chòng chéo lên nhau, không biết đâu mà lần
Chị âu yếm giục chồng và réo gọi con:
-         Anh đi tắm rửa rồi ra ăn cơm. Cu Tí ơi, xong chưa?
Cả nhà quây quần ngồi bên nhau, vợ chồng hạnh phúc, thằng con ngoan. Chị có một mái gia đình ấm cúng vui vẻ thì năm 2009 buồn, với kinh tế khó khăn, cuộc sống cam go, cũng có thể vượt qua.
Chị mỉm cười nghĩ thế và thanh thản ăn bữa cơm ngon .
                    Nguyễn thị Thanh Dương.
                      ( Feb.-2009).
                                              **************
                           ĐÔI BỜ SINH TỬ.

Có thể một ngày em đến với anh,
Không mang theo lời yên vui hò hẹn,
Là ngày ấy anh lìa đời nhắm mắt,
Chưa kịp gĩa từ cho chuyến đi xa.
                            Góc vườn nhà anh vẫn nở bụi hoa,
                            Chim vẫn hót líu lo chào buổi sáng,
                            Họ vừa thức dậy, những người hàng xóm,
                            Đâu biết anh đi, không trở về nhà.
Cuộc sống này ngắn ngủi một giấc mơ,
Ta vẫn đứng giữa đôi bờ sinh tử,
Kiếp người buồn vui, điều lành điều dữ,
Khỏang cách vô hình vẫn ở quanh đây.
                            Có thể một ngày em sẽ buông tay,
                            Không viết nổi một câu thơ tình tự,
                            Em chập chờn giữa đôi bờ sinh tử,
                            Gọi tên anh trong lúc tỉnh lúc mê.
Anh đến thăm em với nắng ngoài kia,
Nắng vẫn thế sao bỗng thành xa lạ?
Bến bờ này giấc mộng đời tàn tạ,
Bến bờ kia đang chờ đợi em về.
                             Cửa sổ nhà em gío vẫn tràn trề,
                             Chắc không nhớ em từng ngồi ở đó?
                             Ngày em vui tâm hồn em rộng mở,
                             Ngày em buồn cửa khép lại âm u.
Con đường nhà em người vẫn đi qua,
Lá vẫn rụng như không hề hay biết,
Có một người vừa ra đi biền biệt,
Con đường này sẽ thiếu bước chân em.
                                 Một kiếp người như ngọn cỏ mong manh,
                                 Mặt trời lặn khi chiều tà nghiêng bóng,
                                 Ngày sắp hết, một ngày ta đã sống,
                                 Biết mai này còn gặp lại nhau không?
                Nguyễn thị Thanh Dương.
                       ( Feb.-2009)
                                 
                               
                                
                                
                                
                                                                             


No comments:

Post a Comment