Friday, September 9, 2011

MỘT KẺ DƯ THỪA

                       MỘT  KẺ    THỪA

Xong bữa điểm tâm,hai đứa con rời khỏi nhà,chỉ còn hai vợ chồng,anh cũng đang sửa soạn để đi làm.Chị muốn nói một câu gì đó,nhưng chị cảm thấy không khí không tự nhiên vì vẻ mặt lạnh tanh của chồng,và người cất tiếng nói chính là anh,anh nói một câu ngắn gọn cũng đủ làm chị xây xẩm,choáng váng cả mặt mày khi anh ra tới cửa:
-         Anh đã quyết định rồi,chúng ta phải li dị !
Chị ngồi phịch xuống ghế,tủi hờn và tức giận, để mặc cho những giọt nước mắt lăn dài xuống má,cái điều ghê gớm này chị biết là sẽ xảy đến,nhưng không ngờ rằng anh đã nói ra bằng vẻ mặt không chút xót xa,vợ chồng ăn ở với nhau 20 năm dài, đâu phải chỉ mới hôm qua mà hôm nay anh nói chuyện chia tay vô tình đến vậy !
Mấy tháng nay,ngôi nhà này đã xảy ra bao nhiêu bão tố, đã là địa ngục trần gian giữa hai vợ chồng,tính tình anh thay đổi hẳn,anh hay gắt gỏng và nổi nóng vì những lí do không đâu vào đâu với vợ con,giờ giấc đi làm của anh xáo trộn bất thường, đi sớm về khuya,và weekend thì cũng biến khỏi nhà,lúc thì nói đi thăm bạn,lúc thì nói đến hãng làm thêm vì nhiều công việc còn tồn đọng lại.Những lúc anh đi thất thường như thế,chị gọi cell. của anh thì chẳng bao giờ liên lạc được,cell phone của anh đã off,gọi phone hãng tại phòng anh làm việc thì chẳng ai bốc,chứng tỏ anh chẳng hề có mặt tại hãng. Chị có tra vấn gạn hỏi thì anh trả lời cáu gắt và áp đảo chị cho đến khi chị đành ấm ức chịu thua vì không thể làm gì hơn.
Những sự bất thường không chỉ ngừng ở đây,anh ở nhà cũng có người gọi vào cell phone của anh,thế là anh ra vườn hay lên lầu nói chuyện,chị không thể đến gần,không thể biết người mà anh đang nói chuyện là ai ? Cứ như thế mấy lần,cũng có lúc cell của anh reo lên và chị vồ được nó,tiếng một người phụ nữ bên kia”Hello”,nhưng khi chị hỏi ai đó thì họ cúp máy luôn,chị lại tra hỏi anh lại chối bay chối biến.
Bao nhiêu nghi vấn đặt ra trong đầu chị: Anh ấy đang có một tình yêu??!!
Người chồng hào hoa của chị đã an phận 20 năm qua, đã bước vào tuổi trung niên,chắc vẫn chưa quên thói hào hoa,lụy tình ? Những cú gọi đến cell phone của anh càng ngày càng nhiều và lộ liễu,mỗi lần như thế là anh lái xe ra khỏi nhà,anh thì vẫn cứ chối bai bải là mấy thằng bạn gọi rủ đi nhậu,chị thừa hiểu chẳng có thằng bạn nào rảnh đến độ ngày nào cũng gọi như thế, và dần dần,anh chẳng cần che dấu nữa,có khi anh đi hai ba ngày mới về. Anh ăn ở đâu? ngủ ở đâu? Nếu không có một nơi chốn thân tình cho anh đến,có một người đàn bà ấp ủ cho anh vui??
Những trận cãi nhau,giận hờn xảy ra thường xuyên, những bất hạnh hình như đang chờ đợi chị.
Thuở ấy chị mới 20 tuổi,cha mẹ chỉ có 3 người con gái,cả ba đều xinh đẹp,những năm đó phụ nữ Việt Nam còn hiếm hoi ở xứ Mỹ,nên nhà chị được bao nhiêu chàng trai chiếu cố,hai người chị đã lấy được người vừa ý,còn mình chị,hết người này làm mai, đến người kia dạm hỏi,làm cha mẹ chị cũng sốt cả ruột,cả nhà khuyên chị,chọn ai thì chọn cho xong, để những người khác khỏi tốn công và hi vọng đợi chờ.Trong vài người ngang ngửa nhau về nghề nghiệp lẫn ngoại hình, đang cố công theo đuổi và cầu hôn chị,thì chị đã chọn anh, anh có nụ cười hiền lành,chỉ có thế mà chị thích anh,dù anh nghèo hơn những người kia,lúc đó anh vừa ra trường kỹ sư và xin được việc làm cho chính phủ, đồng lương còn ít ỏi,anh đang thuê căn phòng trong một apartment bình dân, đằng sau là một lạch nước,mùa mưa lúc nào cũng luẩn quẩn rác rưới và lá khô mà chẳng ai buồn quét dọn,chị đã về ở chung với anh tại căn phòng đó sau ngày cưới.
Chỉ khi lấy anh ,một thời gian sau chị mới biết ngoài cái nụ cười hiền lành dễ thương đó,anh là một người hào hoa và rất si tình,có nhiều mối tình đi qua đời anh,mối tình nào anh cũng đều…thương tiếc ! đều cho là tuyệt vời !
Một người hào hoa như thế gặp một người xinh đẹp như chị là anh ra tay chinh phục ngay,chị cũng tự nguyện sa vào lưới tình của anh,từ chối những đám kia,nhà cao cửa rộng,tiền bạc,chắc chắn hơn hẳn anh.Anh biết điều đó,nên lấy được chị,anh cưng chiều lắm,không cho vợ đi làm, ở nhà để anh nuôi và đẻ con giùm anh.
Chị đã hãnh diện và ngụp lặn trong hạnh phúc,một năm sau con trai đầu lòng ra đời,nó giống anh,hai năm sau nữa,một bé gái ra đời,xinh đẹp như chị.Hai đứa con mọn và người chồng đã quấn quýt vào cuộc đời chị,chị sung sướng được bận bịu vì họ,hết đưa đón con đi học, đi chơi,rồi lại chợ búa cơm nước,thu vén nhà cửa lúc nào cũng tinh tươm,vì khi đứa con thứ hai ra đời,anh chị đã mua một căn nhà trả góp,nên chị thích trưng bày,sửa sang trong,ngoài căn nhà cho thật ấm cúng, dễ thương.
Vào những mùa lễ Tết của Việt Nam hay của Mỹ,chị bày ra nấu nướng đủ thứ,gia đình lúc nào cũng có những bữa ăn quây quần đầm ấm bên nhau.
Nhưng hai người chị của chị thì vẫn chưa hài lòng về cuộc sống ấy,họ tỏ ý tiếc cho chị, đáng lẽ chị nên tiếp tục học và có một nghề trong tay,sống ở Mỹ và ở thời đại điện tử văn minh này,người phụ nữ trẻ chỉ ở nhà,lúi húi trông con,làm bếp là lạc hậu,là thua kém thiên hạ,là mụ cả người ra ! Cho dù chồng yêu,chồng chiều,nhưng cuộc đời có lúc vui buồn,thăng trầm,người đàn bà lệ thuộc chồng sẽ hụt hẫng và thấy mình vô tích sự.
Chị cũng cảm thấy lung lay vì những lời khuyên chí tình của hai người chị ruột,nhưng mấy năm ở nhà nuôi con quen rồi, phải đem con đi gởi baby sit chị xót xa thương con, phải làm lại từ đầu,cầm lại sách vở để học, để đến trường đến lớp,chị ngao ngán quá !
Ở đời chẳng ai biết được chữ ngờ ! có thể chính anh cũng không ngờ có ngày anh sẽ đổi thay,chuyện tình yêu là chuyện của trái tim,nó có sức mạnh ghê gớm,làm cho người ta mê muội,chạy theo nó và sẵn sàng ruồng bỏ những gì mình đang có.
Mấy tháng nay vợ chồng lạnh nhạt,vòng tay anh từng ôm, đôi môi anh từng hôn, ánh mắt anh từng nhìn….Tất cả là cho chị,của chị,vậy mà nay đã trở thành xa lạ,những cảm xúc đó,chắc anh đã hiến dâng cho một người đàn bà khác ? Chị rùng mình đau đớn khi tưởng tượng đến một người đàn bà nào đó đã nằm trong vòng tay anh,họ âu yếm và nói với nhau những lời tình tự,trong khi chị đang ở nhà,chờ đợi chồng về, để rồi lại phải nghe những lời nói dối hay những lời gắt gỏng hành hạ chị. Có hôm chỉ vì không tìm thấy bộ quần áo ngủ đúng ý,anh mắng chị, ở nhà làm mấy việc vặt mà cũng không xong,giặt đồ để lộn xộn,mất công anh tìm kiếm. Lúc này chị càng thấm thía những lời khuyên của các chị,khi hết tình hết nghĩa,người chồng đã từng thương yêu mình cũng có thể quay ra mắng mỏ mình,coi người vợ ở nhà làm nội trợ như một người làm công vô tích sự.
Và bây giờ là lúc chị đương đầu với sự thật cuộc đời,nếu chị đồng ý li dị thì chị biết sẽ làm gì ở lứa tuổi 40 ? không bằng cấp,không nghề nghiệp,không một chút kinh nghiệm dù những công việc đơn giản nhất. Còn những kinh nghiệm nuôi dạy con,tài ba giỏi dang trong bếp núc,chẳng giúp gì được chị trong lúc này cả,chính chị cũng cảm thấy mình tầm thường và vô tích sự,sống lệ thuộc vào chồng, để khi bị bỏ rơi,mới biết mình đang đứng bên bờ vực thẳm,chênh vênh trước mặt bao nhiêu nỗi lo toan,bất trắc.
Anh đã thẳng thắn bàn chuyện li dị với chị,căn nhà đã trả hết,anh sẽ để lại cho chị và hai con,anh sẽ trả tiền child support hai con cho đến khi chúng trưởng thành. Đổi lại,chị trả cho anh sự tự do,anh xin lỗi chị,anh biết đã làm chị buồn khổ,nhưng tiếc thay anh không yêu chị nữa !
Khi người đàn ông đã nói thẳng vào mặt vợ những lời sòng phẳng và trần trụi như thế,chị biết là không thể níu kéo,sống bên nhau mà hai tâm hồn hai phía,chỉ dày vò và làm khổ nhau thêm. Chị đồng ý li dị.
Tội nghiệp chị,hai người chị,một ở Chicago,một ở California, đều rủ chị về gần họ, để chị em an ủi và nâng đỡ nhau,nhưng chị từ chối,chị vẫn muốn ở căn nhà của mình,nơi hai đứa con chị đã được sinh ra và lớn lên,nơi chị đã có một thời gian dài hạnh phúc bên chồng.Ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm,còn vang tiếng cười trẻ thơ,còn ấm vòng tay ân ái,dù anh đã quên,nhưng chị thật khó lòng quên.
Khi người ta không còn yêu nhau, ở chung một thành phố bỗng trở thành ngột ngạt,khó chịu,và anh là người ra đi,job chính phủ dễ thuyên chuyển,anh đã về một tiểu bang xa xôi nào đó với người vợ mới của anh,sau này chị biết đó là một cô kỹ sư trẻ làm cùng hãng anh,họ gặp nhau,tiếng sét ái tình và đã lấy được nhau như ý muốn.
Thằng con lớn bắt đầu vào đại học,vì thế nên nó vẫn có quyền được hưởng tiền child support cho đến khi học xong,còn đứa con gái đang học high school.Chị xin đứng bán hàng trong một tiệm fast food, đồng lương thấp,cộng với tiền trợ cấp của hai con,chị gói ghém chi li từng đồng một trong cuộc sống,vất vả thế,nhưng chị thấy mình trưởng thành,khôn ngoan hơn,tự tin hơn,trong mất mát,trong đau khổ,chị vẫn muốn gây dựng cho hai con một cuộc sống êm đềm, những bữa ăn tối quây quần ba mẹ con,chiếc ghế thứ tư vẫn để không,vẫn thiếu vắng một người. Đôi lúc theo thói quen,khi chị từ trong bếp bưng ra những tô phở nóng hổi cho hai con,chị vẫn nghĩ đến chiếc ghế anh từng ngồi,từng đợi chị mang đến tô phở như thế.Có lần chị  không cầm được nước mắt,con chị  hỏi sao mẹ khóc? chị đặt tô phở xuống bàn cho con và gượng cười chối,mẹ rắc tiêu vào tô phở cho con và mẹ bị cay mắt đấy ! Và hai con chị không biết rằng chị đã rơi nước mắt không biết bao nhiêu lần khi nhìn lại bất cứ kỷ niệm nào của anh,dù rất nhỏ nhoi,bình thường,một cái ly anh hay dùng pha cà phê để lăn lóc trong một góc tủ bếp vẫn còn đó, mấy chiếc vớ cũ còn sót lại trong ngăn quần áo….
Có những đêm chị đã ngủ mơ thấy anh trở về,cuộc sống như xưa,cái bàn ăn lại quây quần đủ 4 người.
Thỉnh thoảng anh  liên hệ với hai con bằng e.mail và cellphone của chúng,còn chị,từ khi chia tay,chưa bao giờ nói chuyện với anh.Thật khủng khiếp,tình nghĩa vợ chồng bỗng chốc thành người dưng xa lạ và có cả oán hờn !
Vất vả nên chị thấy thời gian đi quá nhanh,nỗi đau theo ngày tháng cũng nguôi ngoai dần,chị bớt khóc,những kỷ niệm của anh trong nhà không còn làm chị đau đớn nữa.Qua thông tin của những bạn bè,chị biết anh đang có một cuộc sống hạnh phúc,anh đã có hai đứa con khác,cả hai vợ chồng anh đi làm,nên con đem gởi baby sit,tài chính của vợ chồng anh dĩ nhiên là dồi dào,nhưng chắc không khỏi bận rộn vì hai đứa con nhỏ nên anh chẳng có thì giờ về thăm hai đứa con lớn,dù theo lệnh toà án khi li dị,anh có quyền đến thăm chúng bất cứ lúc nào,hoặc có lẽ vì anh không muốn gặp lại chị, đơn giản thế thôi.
    Thằng con chị học xong đại học 4 năm,là 4 năm hai vợ chồng chị xa nhau,ngày con ra trường có mặt chị,nhìn những gia đình khác có đầy đủ cha mẹ trong ngày vui của con chị bỗng chạnh lòng.Chiều hôm ấy về nhà chị nấu một bữa cơm thật ngon,với các món ăn mà con trai chị yêu thích mà ít khi chị có thời giờ bỏ công nấu nướng thường xuyên như ngày xưa .
          Đồ ăn bày ra bàn,ba mẹ con đang nói chuyện vui vẻ thì có tiếng chuông cửa,con gái chị ra mở cửa ,anh đang đứng ở ngưỡng cửa,với một chút ngại ngùng .Con trai anh lên tiếng:
-         Mời ba vào nhà !
Chị ngồi chết lặng vì thấy khó xử,chị chưa bao giờ hình dung ra tình huống này,nhưng chị đã lấy được bình tĩnh,nói với anh:
-         Vâng,mời anh vào nhà !
Anh giải thích với con :
-         Ba định về dự lễ ra trường của con,nhưng không kịp.Chuyến bay bị delay bất ngờ
Anh nhìn rất nhanh khắp nhà,mọi thứ dường như vẫn như cũ,dù cuộc sống của mọi người trong ngôi nhà này đã thay đổi.Trong suốt 4 năm qua, trong cuộc sống bận bịu hiện nay của gia đình mới của anh,anh đã hiểu ra rằng,người vợ cũ,suốt thời gian ở với anh,chị không hề đi làm,không kiếm ra đồng nào,nhưng chị đã làm rất nhiều,anh đi làm mỗi ngày 8 tiếng,nhưng chị thì hơn thế nữa,chị đã là một người vợ,một người mẹ, và cả vai trò một người giúp việc, quán xuyến mọi thứ trong căn nhà này một cách tận tình và tuyệt hảo.Anh đã kiêu ngạo và coi thường chị khi ngày đó li dị,anh tưởng mình đã hào phóng và rộng lượng,cho không chị  căn nhà này,căn nhà đã có bao nhiêu công sức đóng góp của chị,bằng tình yêu chồng,thương con,cả một quãng đời tuổi trẻ,thanh xuân của chị chỉ dành cho chồng con,coi thành quả của chồng con như thành quả của chính mình.
Cô con gái kéo ghế mời anh:
-         Ba ngồi xuống đây đi,ba không dự lễ ra trường của  anh con thì bây giờ ba ăn với chúng con cho vui.
Chị đứng dậy đi lấy thêm bát đũa,vô tình anh đã ngồi đúng vị trí ngày xưa anh thường ngồi,bàn ăn lại đầy đủ 4 người,như hồi anh mới ra đi,chị đã từng mơ,từng mong anh trở về,dù chỉ một lần để chị được nhìn lại cái hình ảnh quen thuộc này.
      Vậy mà , không biết có phải vì ở một nơi nào đó vợ con anh đang chờ anh ,và ở nơi đây,cuộc sống chị đã quen chỉ có 3 mẹ con,cái hạnh phúc thu nhỏ lại sau những đổ vỡ,mất mát không ? Chị bỗng thấy lòng bình thản,thấy trong bàn ăn chiều nay có một kẻ dư thừa.

                                    Nguyễn thị Thanh Dương
                           ****              ***              ***          ***

                                NHỮNG  NGƯỜI  MẸ .
Tôi đã gặp những bà mẹ Việt Nam,
Rất bình thường,hàng ngày trong cuộc sống,
Nơi nhà người quen hay nơi công cộng ,
 bao bà mẹ,tất bật lo toan .
                   Những người tôi quen hay chưa hề quen,
                   Tôi không biết tên,cũng không đoán tuổi,
                   Bà đã qua bao đoạn đời trôi nổi?
                   Hay mới là người mẹ trẻ hôm nay?
Dù tôi không biết bà là ai?
Làm nghề gì? Giàu, nghèo trong cuộc sống?
Nhưng chắc chắn có một điều tôi biết,
Tình mẹ trong lòng cao hơn cả núi non . 
                   Tôi đã gặp những bà mẹ Việt nam,
                   Ngày cuối tuần rộn ràng đi mua sắm,
                   Chợ đông vui trong nụ cười ánh mắt,
                  Để bữa cơm chiều đầm ấm bên nhau.
Các bà về,dù địa chỉ nơi đâu?
Cũng là mái nhà,là nơi nương tựa,
Có những đứa con,có tình chồng vợ,
Có buồn vui, có sóng gió đâu ngờ.
                  Nhưng có bà mẹ nào chẳng ước mơ ?
                  Những đứa con ngoan cho lòng ấm lại,
                  Khi con lớn vẫn là con vụng dại,
                  Nên suốt đời mẹ âu yếm chở che.
Tôi đã gặp những bà mẹ hiền kia,
Nơi chùa chiền,nơi giáo đường khấn nguyện,
Những lời cầu xin dù trong thầm lặng,
Chắc không ngoài chuyện hạnh phúc chồng con.
                 Xin cám ơn những bà mẹ Việt nam,
                 Đã nuôi dạy con,cho con khát vọng,
                 Đường các con đi trời cao lồng lộng,
                Mẹ chỉ là bóng mát đứng bên đường.
Các con là chim bay khắp bốn phương,
Rồi có lúc chợt nhớ về ổ mẹ,
Nơi ngày xưa,từng cọng rơm nhỏ bé,
Mẹ đã tha về làm tổ ấm cho con .

                        Nguyễn thị Thanh Dương


                      
 
       







No comments:

Post a Comment