Tuesday, March 20, 2012

Sinh Nhật Một Mình- Anh Trễ Hẹn Rồi


SINH NHẬT MỘT MÌNH.
Sinh nhật tôi chỉ một mình tôi,
Tự thắp cho mình ngọn nến thôi,
Chúc mừng sinh nhật chính mình nhé,
Tôi vỗ tay reo, gượng mỉm cười.
Một năm có biết bao nhiêu ngày,
Để nhớ để quên như hôm nay,
Ổ bánh cũng ngọt ngào lắm chứ,
Sao tôi chưa nếm đã chua cay?
Cả bó hoa kia cũng thắm tươi,
Tôi mua về cho sinh nhật tôi,
Hưong thơm cũng ngất ngây lắm chứ,
Sao lại ru tôi những ngậm ngùi?
Đếm ngọn nến, tuổi tôi bao nhiêu?
Thắp hết lên cho đời thêm vui,
Dù sao tôi cũng thêm một tuổi,
Thêm ngọn nến mà vẫn lẻ loi.
Tôi rót ra một ly rượu mừng,
Tôi mời tôi uống với hư không,
Sóng sánh rượu nâu nhớ tình cũ,
Sinh nhật của tôi, anh đã quên..
Không có một ai để gần kề,
Tôi mỉm cười chỉ là vui hờ,
Đôi mắt rưng rưng đêm sinh nhật,
Mới thật là lòng tôi bây giờ.
Tôi muốn quên đi một quãng đời,
Thổi tắt ngọn nến tuổi của tôi,
Đôi mắt đẫm lệ đêm sinh nhật,
Ngọn nến buồn theo lệ ứa rơi.
Nguyễn Thị Thanh Dương


NHỚ SÔNG, NHỚ BIỂN.
Anh bây giờ như một xác tàu không,
Nằm phơi mình trên bờ cùng năm tháng,
Anh đếm mây trời qua đây phiêu lãng,
Biết bao giờ mây dừng kiếp giang hồ?
Biển và sông vẫn đang đợi tàu về,
Những con sóng ngàn năm lên tiếng gọi,
Xác tàu buồn nhớ một thời trôi nổi,
Nhớ áng mây bay lơ lửng chiều tà.
Anh bây giờ người thủy thủ đã gìa,
Nhưng hồn anh vẫn một thời trai trẻ,
Anh vẫn là cánh buồm căng lộng gío,
Trên cột buồm vươn thẳng giữa trùng khơi.
Đứng trên bờ nhớ góc biển, chân trời,
Hồn anh lại là những khoang tàu ướt,
Chuyến hải hành biển vào mùa gío chướng,
Sóng đánh tràn vào vẫn đẹp như thơ.
Và khi biển êm anh cũng mộng mơ,
Màu nước biển xa bờ, màu xanh qúa,
Mặt rám nắng, tóc rối bời vì gío,
Hai bàn tay anh vì biển dạn dày.
Khi tàu qua sông bờ cỏ gío lay,
Bao thương nhớ dù sông dài hay ngắn,
Anh là lính giữ bình yên sông nước,
Để thuyền ai về đẹp giữa sông quê.
Anh bây giờ người thủy thủ lên bờ,
Bao nhiêu năm đã rời xa sông biển,
Sóng ở đâu cũng thấy màu áo trắng,
Sông biển nào cũng thấy kỷ niệm xưa.
“Tổ quốc đại dương” lồng lộng màu cờ,
Bay ngạo nghễ khi tàu, thuyền rẽ sóng,
Giữa đời thường hôm nay anh đang sống,
Vẫn chạnh lòng thời lính biển ngày xưa.
Nguyễn Thị Thanh Dương







MÙA CÁ CƠM.
(Cảm tác:”Ngư dân trúng muà cá cơm” trên báo VN).

Biển đã rạo rực từ sớm tinh mơ,
Cùng với ngư dân đón mừng mùa cá,
Sóng biển tràn trề lên bờ lấp lóa,
Quấn quýt chân người chẳng muốn rời xa.
Đám đông trải dài bờ biển Mỹ Khê,
Xã Tịnh Kỳ huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi,
Những ngư dân và những người thương lái,
Bên sọt cá từ thuyền thúng chuyển về.
Tháng Hai âm lịch đàn cá di cư,
Cá bắt lên còn thơm mùi nước biển,
Như thuyền cắm neo, thuyền vừa ghé bến,
Cánh buồm còn thơm mùi gío phương xa.
Luồng cá cơm về sinh sống gần bờ,
Những luồng cá cơm năm nay dày đặc,
Từng mẻ lưới kéo lên đầy chĩu nặng,
Món quà hào hiệp biển tặng cho người.
Những người con của biển đã ra khơi,
Thuyền và lưới cùng gian nan kiếm sống,
Mùa biển yên cũng như mùa biển động,
Mơ lần trở về cá sẽ đầy khoang.
Những sọt cá cơm tươi rói trắng trong,
Lấp lánh dưới ánh bình minh rạng rỡ,
Thuyền thúng, thuyền con trên bờ nằm nghỉ,
Cùng vui lây với kẻ bán người mua.
Rồi cá cơm sẽ theo ai về nhà,
Cá cơm kho tiêu đậm đà đơn giản,
Cá cơm làm khô, cá cơm làm mắm,
Món ăn nào cũng là món thân quen..
Đã thấm vào hồn từng người Việt Nam,
Những mùi vị cá cơm từ biển cả,
Miếng cá kho lúc giàu hay nghèo khó,
Miếng nước mắm ăn từ thuở ấu thơ.
Cuộc sống nổi trôi người Việt đi xa,
Nhìn biển quê người thấy lòng rất lạ,
Cá cơm quê người không bằng quê cũ,
Không mùi vị nào ngon bằng quê hương.
Cầu mong nơi đâu trên biển Việt Nam,
Cá tôm sinh sôi không bao giờ hết,
Mỗi tháng Hai mùa cá cơm lại đến,
Biển và người lại thắm thiết mùa vui.
Nguyễn Thị Thanh Dương.
( March, 2012)

TIÊU CHUẨN.
Nhiều phụ nữ đã ước ao,
Người đàn ông của họ,
Với những tiêu chuẩn hàng đầu cần phải có,
Đẹp trai, tài giỏi hay lắm bạc, nhiều tiền.
Nhưng với em,
Hạnh phúc đơn giản,
Một bữa cơm chiều thịnh soạn,
Chẳng khác gì bữa ăn đạm bạc với rau.
Nhà rộng cửa cao,
Xa hoa lộng lẫy,
Hay một căn nhà bình thường,
Chỉ khác nhau về gía trị bán buôn,
Không thể làm tình yêu thêm đẹp.
Em chẳng cần anh hào hoa đẹp trai như diễn viên màn bạc,
Vai chính trong những phim truyện tình yêu,
Vì với em,
Mong chi nhiều,
Những thứ chẳng bền lâu.
Em cần ở anh,
Bản chất người đàn ông,
Một vòng tay nâng đỡ,
Một tâm hồn rộng mở,
Anh hiểu những gì em đang suy nghĩ,
Và hiểu cả những gì em không thể nghĩ ra.
Anh sẽ đi cùng em từ đầu đường đông vui kia,
Và nhớ về với em cuối đường này vắng vẻ.
Cho em một thời tuổi trẻ,
Cho em lúc tuổi gìa nua.
Yêu thương em,
Che chở em,
Anh hãy là người từng trải với nhiều kinh nghiệm,
Vì đường đời ta đi luôn có bờ vực thẳm,
Lỡ khi lòng em chông chênh,
Bước hụt chân.
Tiêu chuẩn của em,
Với người mình yêu thương,
Em vẫn đi tìm,
Dù không dễ gì gặp anh,
Khi duyên nợ chỉ là hạt bụi mong manh,
Trong cõi vô thường…….
Nguyễn Thị Thanh Dương



.

EM VÀ MÙA THU PORTLAND
Em đến Portland một rừng Thu chín,
Con phố nào cũng lá đỏ, lá vàng,
Góc trời nào cũng là mây lang thang,
Và gió hiu hiu cũng là điệu nhạc.
Em đợi anh giữa mùa Thu mê hoặc,
Gió thay em đang gọi mãi tên người,
Vì tóc em bay che khuất trời chiều.
Anh biết em ở đâu mà tìm đến?
Thì cứ theo dấu lá vàng rơi xuống,
Có hương tóc em quanh quẩn đâu đây,
Có sợi tóc em vừa rụng trên vai,
Sợi tóc ấy bay đi cùng với lá.
Oregon mùa Thu vời vợi qúa,
Những ngày mưa, những ngày ướt tưởng như,
Cây thêm xanh và trời đất âm u,
Mùa Thu buồn lây vẫn còn hơi lạnh.
Có phải từ trên núi đồi hiu quạnh,
Có phải từ những rừng Thông bạt ngàn,
Có phải từ khi anh hẹn hò em,
Mùa Thu Portland chiều nay mới đẹp?





BÀ VÀ MẸ.
Ngày tôi còn bé,
Được bà che chở yêu thương,
Nên mỗi khi có chuyện buồn,
Tôi hay úp mặt vào lòng bà,
Khóc nức nở…
Nước mắt tôi làm ướt tay áo bà.
Bà là chỗ dựa,
Cho tôi được giây phút bình an.
Bà tôi gìa, nhà quê, ít học,
Nhưng với tôi bà là một trời hiểu biết,
Tôi học ở bà bao điều cần thiết,
Và ước mai kia tôi sẽ là người phụ nữ như bà.
Khi bà đã đi xa,
Tôi và bà chỉ còn là kỷ niệm,
Ngôi mộ bà đôi lần tôi thăm viếng,
Vẫn nhớ mùi thơm ấm áp của bà,
Nhớ tay áo mà tôi đã dụi đầu vào khóc.
Mất bà tôi vẫn còn có người đàn bà khác,
Mẹ của tôi,
Tôi vẫn là một đứa trẻ con thôi,
Mỗi khi có chuyện buồn,
Tôi lại úp mặt vào lòng mẹ,
Khóc nức nở..
Mẹ cũng như bà cho tôi nương tựa,
Hai người đàn bà,
Trong cuộc đời tôi sao mà kỳ diệu thiết tha…
Bà ơi, Mẹ ơi..!!
Bây giờ tôi khôn lớn với đời,
Đã bao lần buồn, bao lần tôi khóc,
Nhưng không có ai để cho tôi úp mặt,
Không có ai âu yếm chìa vòng tay,
Đón tôi vào lòng,
Nghe tôi tâm sự…
Tôi úp mặt vào gối giữa đêm nức nở,
Giữa bốn bức tường câm,
Mẹ và bà ở nơi nào xa xăm,
Có nhớ tôi không?
Mà mỗi lần tôi khóc,
Lại gọi hai người,
Bà ơi…Mẹ ơi…!!!
Nguyễn Thị Thanh Dương.
( Mother’s day. 2012)

CON GÁI TRUNG.
Nếu ai đã từng đi qua miền Trung,
Sẽ để lại nhiều cảm tình lưu luyến,
Mảnh đất giữa bản đồ hình chữ S,
Giữa hai đầu Nam-Bắc của Việt Nam.
Mảnh đất nghèo có những vẻ đẹp riêng,
Huế cổ kính của một thời vua chúa,
Huế khép kín bình phong che trước cửa,
Lối vào nhà em khuất dưới hàng cau..
Anh tình cờ gặp em bước qua cầu,
Vành nón lá bài thơ che nghiêng mặt,
Con gái Huế nên thơ mà kiểu cách,
Từ bao giờ như núi Ngự sông Hương. .
Khánh Hoà, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam,
Đà Nẵng, Phú Yên… và nhiều nơi nữa,
Con gái miền Trung chịu thương chịu khó,
Vẫn dịu dàng như hoa nở trong vườn.
Em tự hào về mảnh đất quê hương,
Trong nghèo khổ có mẹ cha vất vả,
Nhiều người con học thành tài rạng rỡ,
Nhiều người con dựng nghiệp từ trắng tay.
Anh về miền Trung mà nhìn mây bay,
Hồn bâng khuâng trên đỉnh đèo Ngoạn Mục,
Không muốn rời Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng,
Mơ sông Thu Bồn nhớ đất Quảng Nam.
Anh về miền Trung chia nỗi đau thương,
Những dòng sông trở mình mùa bão lũ,
Nước tràn ngập trên ruộng đồng trắng xóa,
Trời bày thiên tai đói khổ, mất mùa.
. Người miền Trung ai bỏ xứ đi xa,
Vẫn da diết mong có ngày trở lại,
Nhớ miếng ngon quê, nhớ thời no đói,
Đất và người thương lắm lúc xa nhau.
Ngôn ngữ miền Trung không dễ hiểu đâu,
Cách phát âm sẽ làm anh bỡ ngỡ,
Như trái ớt hiểm trong tô bún Huế,
Ăn rất cay, nhưng tô bún thêm ngon.
Anh sẽ yêu cả giọng nói của em,
Như gia vị của tình yêu em đó,
Đất và người không dễ gì từ bỏ,
Thì tình này cũng gắn bó anh ơi.
Nguyễn Thị Thanh Dương
( Feb. 2012) .




ĐƯỜNG VÀO Z30C.
Thăm anh, đường vào Z30C,
Trại tù “cải tạo” ở nơi Rừng Lá,
Hàm Tân, Thuận Hải sao mà lắm gío,
Có phải gío từ Phan Thiết thổi vể?
Đường dài hun hút chẳng thấy phía xa,
Chỉ thấy đất cát trải đầy trước mặt,
Cát vướng chân em bước đi rất chậm,
Mấy cây số đường giữa lúc nắng lên.
Khu tiếp nhận nằm giữa rừng buồn tênh,
Những lán trại cất vội bằng tre nứa,
Cây Phượng Vỹ ngoài cổng xanh tươi lá,
Xanh như tóc người vợ trẻ thăm tù.
Giây phút đợi anh như cả thiên thu,
Chồng của mình bỗng xa như cổ tích,
Sau 1975 anh đi biền biệt,
Anh đi tù, không được biết ngày về.
Trại tù đầu tiên em biết qua thư,
Anh ở Long Giao, cái tên rất lạ,
Em quanh quẩn lớn lên ở thành phố,
Có nhiều nơi em chưa biết bao giờ.
Trại tù thứ hai khi anh chuyển về,
Thành Ông Năm, Hốc Môn. Chiều mưa đó,
Em đến thăm anh đôi giòng lệ đổ,
Tại trời mưa hay em khóc như mưa?
Rồi anh chuyển trại tù lần thứ ba,
Z30 chia thành nhiều khu vực,
Khu A,B,C,D…nào có khác,
Cũng người tù, người thua trận miền Nam.
Em ngồi trong lán nhìn ra xung quanh,
Bốn bề núi rừng, nơi nào anh ở ?
Dù nơi nào cũng ngút ngàn thương nhớ,
Vượn hú, chim kêu mỗi lúc chiều buông.
Chỉ có mười lăm phút để hỏi thăm,
Bao điều muốn nói mà chưa kịp nói,
Em tủi thân nhìn anh quay trở lại
Núi rừng kia tiếp tục một thân tù.
Em trở về với cuộc sống chia lìa,
Chào lán trại những phút giây gặp gỡ,
Chào cây Phượng vẫn hồn nhiên trong gió,
Đâu hiểu lòng người ở lại, người về.
Chào anh, em rời Z30C,
Cũng con đường ấy, trở về ngao ngán,
Cũng gió ấy, nghe tiếng anh vọng đến,
Anh gọi tên em mỗi lúc một xa.
Nguyễn Thị Thanh Dương
(Tháng Tư, 2012)




MỘT TÌNH YÊU TUYỆT VỌNG.
( Cảm tác theo nhân vật trong phim “Đôi Mắt Ân Tình”)

Em biết tình yêu của em tuyệt vọng,
Tình ba người, sẽ có một người thua,
Sẽ có người con gái thấy mình thừa,
Giữa anh và người mà anh yêu mến.
Em và cô ấy không hề quen biết,
Cùng nhìn về một phía chẳng ai hay,
Cùng yêu lần đầu lãng mạn, thơ ngây,
Cùng yêu một người với lòng chân thật.
Nhưng em không là người anh lựa chọn,
Đường đến tìm anh càng lúc càng xa,
Anh càng gần càng thắm thiết tình kia,
Em như mây trời bơ vơ cuối nẻo.
Dù ở đâu, dù lòng em khô héo,
Tình của em vẫn như thuở ban đầu,
Vẫn cám ơn anh một vết thương đau,
Vẫn cám ơn tình cho em biết khóc.
Cây xương rồng còn nở hoa trên cát,
Thì tình em sẽ nở triệu đóa hoa,
Là sắc hương theo từng bước anh qua,
Em gởi gấm một mối tình tuyệt vọng.
Hãy bình yên với người yêu bên cạnh,
Em sẽ vui khi biết được anh vui,
Chắc mình không duyên, không thể thành đôi,
Anh chỉ xem em như người em gái.
Đường hạnh phúc anh đi, em ở lại,
Một đoạn đường qúa khứ vẫn còn anh,
Dù mai này rẽ đường khác, sang sông,
Em vẫn chưa quên mối tình tuyệt vọng
Nguyễn Thị Thanh Dương
( Jan. 27-2012)

HÓA VÀNG.
( Cảm tác bài “Hóa vàng” trên báo VN Express).

Làm mâm cơm cúng sau ba ngày T ết,
Thắp nén hương thơm, tạm biệt tổ tiên,
Khói hương bay về hồn khuất linh thiêng,
Lời nhắn gởi từ người thân trần thế.
Đốt lên đi những giấy tiền, vàng mã,
Những cảnh đời cho hồn hưởng phù hoa,
Cửa rộng nhà cao, lộng lẫy ngựa xe,
Quần áo lụa là thời trang đủ kiểu.
Cây mía hơ trên lửa không thể thiếu,
Để tổ tiên làm đòn gánh trên vai,
Gánh về cõi âm vật chất Xuân nay,
Gánh qùa tặng cho người thân vui vẻ.
Hay đường xa cây mía dùng nương tựa,
Làm gậy chống khỏi ngã bước chân run,
Đừng ngại ngần vì thương nhớ cháu con,
Đừng nhìn lại rưng rưng cây mía khóc .
Đây chén rượu từ trên bàn thờ cúng,
Mời tổ tiên về uống mấy ngày Xuân,
Đổ vào đống tro vừa hóa vàng xong,
Để các cụ mang theo đừng thất lạc.
Châm lửa đi, hoá vàng là xong Tết,
Có người bâng khuâng khi đốt hóa vàng,
Ngọn lửa bùng lên đốt cháy thời gian,
Niềm vui, nỗi buồn chất chồng năm cũ.
Có người hóa vàng tình yêu dang dở,
Đã xa vời tưởng như chết từ lâu,
Xuân về lẻ loi mình vẫn nhớ nhau,
Đón vào lòng vài phút giây hạnh ngộ.
Xuân đã tàn niềm vui chia tay nhé,
Em hoá vàng bao thương nhớ tặng anh,
Lửa hóa vàng dù ngắn ngủi, tàn nhanh,
Nhưng kỷ niệm ân tình còn cháy mãi.
Nguyễn Thị Thanh Dương
( Mồng 3 Tết Nhâm Thìn)



HAI HÌNH ẢNH, MỘT NGƯỜI LÍNH.

Tôi đã gặp anh, một người lính gìa,
Tại những nơi của cộng đồng người Việt,
Đâu có gì lạ mái tóc anh đã bạc,
Mà giữa đám đông tôi vẫn nhận ra anh.
Tôi biết mái tóc này một thuở xuân xanh,
Đã là mây trời trong lòng thiếu nữ,
Mái tóc đã trải qua bao mùa nắng gío,
Bao mùa chiến trường người lính xông pha.
Đâu có gì lạ đôi mắt trầm tư,
Giữa cuộc sống hôm nay và quá khứ,
Dù tôi gặp anh cuộc đời viễn xứ,
Vẫn nhận ra người của một thuở chiến chinh.
Tôi biết đôi mắt này chan chứa ân tình,
Đôi mắt ngày xưa làm hồn ai đắm đuối,
Đôi mắt người lính sáng ngời khi chiến đấu,
Đôi mắt lệ rơi khi đồng đội tử vong.
Đâu có gì lạ bờ vai người đàn ông,
Giữa những bờ vai cùng thời gian khổ,
Không thể lầm với ai. Tôi vẫn nghĩ,
Bờ vai buồn năm tháng đã đi qua.
Tôi biết bờ vai này có lúc nên thơ,
Bờ vai ấm áp của người lính trẻ,
Cô gái yêu anh từng mơ nương tựa,
Chiều hẹn hò anh về phép thăm em.
Đâu có gì lạ, cũng là bước chân,
Của anh, người lính gìa tôi đã gặp,
Dù bây giờ bước anh đi chậm chạp,
Vẫn là một người từng trải chiến tranh..
Thay đổi thế nào tôi vẫn nhận ra anh,
Người lính miền Nam Việt Nam ngày trước,
Tôi biết bước chân anh từng đi khắp chốn,
Giữa tiếng đạn bom sinh tử ai ngờ.
Tôi ngưỡng mộ anh, người lính đã gìa,
Dù mai này thêm tuổi đời, bệnh hoạn,
Dù mai này anh xuôi tay nhắm mắt,
Vẫn còn trong tôi người lính trẻ năm xưa..
Nguyễn Thị Thanh Dương
( March, 2012)


HOA XƯƠNG RỒNG.
( Cảm tác từ hình ảnh Hoa Xương Rồng)

Khi mà giữa thời tiết luôn nắng khô,
Mặt trời như đốt nóng từng hạt cát,
Cây Xương rồng vẫn chia cành, vẫn mọc,
Màu xanh tươi dù nghiệt ngã quanh mình.
Khi mà giữa thời tiết luôn đảo điên,
Gío thành bão thổi về vùng hoang vắng,
Cát xô nhau chạy dài trên sa mạc,
Chỗ thấp chỗ cao cát vẫn mênh mông.
Khi mà không giọt nước, đất khô cằn,
Cây xương rồng vẫn nở hoa xinh đẹp,
Từng màu sắc, từng nụ hoa cánh mỏng,
Hoa mượt mà, lộng lẫy giữa thân gai.
Không như hoa Sen cần chỗ bùn lầy,
Cần ao nước để cho cây mọc rễ,
Rồi kiêu kỳ như từ trong gian khổ,
Hoa vươn lên khoe vẻ đẹp trinh nguyên.
Khi mà vùng sa mạc bị lãng quên,
Không ai đến, bước chân người xa lạ,
Hoa Xương rồng mỗi chu kỳ vẫn nở,
Vẫn đong đưa nhan sắc của đời mình.
Như cô gái đẹp không gặp tình quân,
Như hương phấn biết về đâu nhắn gởi?
Như màu áo kiêu sa mà phận tủi,
Hoa xương rồng giữa sa mạc lẻ loi.
Thì có nghĩa gì tình em. Người ơi,
Cây xương rồng giữa lòng anh sa mạc,
Em kiên nhẫn dù quanh mình bội bạc,
Em vẫn chờ mùa chín của tình yêu.
Và hoa em sẽ nở giữa buồn hiu,
Tình vẫn xanh giữa tình đời khô héo,
Hoa vẫn tươi. Và anh không thể hiểu,
Phút uá tàn, phút cuối vẫn yêu anh.
Nguyễn Thị Thanh Dương.
( Jan. 19- 2012)

SINH NĂM 1975.
( Tặng Bí 1975)
Tôi sinh một chín bảy lăm,
Miền Nam Việt Nam xụp đổ,
Theo mẹ cuộc sống gian nan,
Những tháng năm dài xa bố.
Bố đã vào trong trại tù,
Gọi là “Học tập cải tạo”,
Sau ngày Ba Mươi tháng Tư,
Đất trời buồn rầu thay áo.
Mẹ kể đường phố tan hoang,
Người lạ nên đường phố lạ,
Quân lính miền Nam tan hàng,
Bao nhiêu mảnh đời đau khổ.
Sinh năm một chín bảy lăm,
Tôi chưa được biết mặt bố,
Người “tù cải tạo” xa xăm,
Ở nơi rừng sâu cách trở.
Đầu óc bé thơ của tôi,
Bố vẫn là người xa lạ,
Nào hiểu tiếng mẹ thở dài,
Những đêm mẹ nằm không ngủ.
Được thăm bố lần đầu tiên,
Khi tôi vừa lên ba tuổi,
Cùng mẹ đi chuyến xe than, *
Đến vùng Hàm Tân, Thuận Hải.
Đường dài quanh co đất cát ,
Đường vào Z30C,
Mẹ bế tôi lê từng bước,
Gío thổi cát bay bụi mù.
Mẹ thuê người thồ hàng hoá,
Đôi vai vẫn nặng ân tình,
Thương bố thân tù đói khổ,
Sợ đời bất trắc tử sinh.
Sinh năm một chín bảy lăm,
Có đứa trẻ thơ tội nghiệp,
Mỗi năm gặp bố một lần,
Cũng là một điều mơ ước.
Sinh năm một chín bảy lăm,
Là năm đau buồn lịch sử,
Bây giờ tôi đã lớn khôn,
Nỗi đau vẫn còn như cũ.
Nguyễn Thị Thanh Dương.
* Xe chạy bằng bình than luôn được đốt nóng.

QUÀ TẾT.
( Cảm tác bài “Quà tết chỉ có tờ lịch treo tường”).

Căn nhà vách gỗ nằm bên chân núi,
Chênh vênh như kiếp sống đã chênh vênh,
Bốn bề là mây, là núi bao quanh,
Đâu phố chợ ? Đâu ánh đèn đô thị ?
Mây mù cả ngày, đồi cao hứng gío,
Cửa đóng, cửa che hơi lạnh không vào,
Không gian ẩm ướt, rừng núi lao xao,
Có tiếng thở dài đôi vợ chồng trẻ.
Họ ở đây nghề giáo viên gieo chữ,
Như nhà nông đi gieo hạt cấy cày,
Cho những con em miền núi xa xôi,
Như cây mọc hoang cần người chăm sóc.
Người chồng là giáo viên dạy tiểu học,
Người vợ giáo viên dạy trường Mầm Non,
Mỗi ngày ba giờ đi bộ xuyên rừng,
Từ trường mầm non đến trung tâm xã.
Lương giáo viên nghèo, quen đời khốn khó,
Cơm trắng ăn với muối lạc khô khan,
Rừng mênh mông nhưng không đủ rau ăn,
Lá chuối non nấu canh cho mát ruột.
Mấy năm ở rừng chưa về ăn Tết,
Ai chẳng nhớ quê? chẳng muốn về xuôi?
Mường Tè, Lai Châu, thương lắm rừng ơi,
Thương những con người vùng cao thiếu chữ.
Nhưng hi sinh mà đời chưa cho đủ,
Bị lãng quên như cây cỏ trong rừng,
Nhiều năm qua họ đã sống mỏi mòn,
Chỉ ràng buộc vì miếng cơm manh áo.
Tình vẫn thừa, nhưng bạc tiền túng thiếu,
Đứa con xa, Tết không thể về nhà,
Tiền đâu đi xe? tiền đâu mua quà?
Tết rừng núi ngậm ngùi mây cũng khóc.
Quà tết nhà trường tặng cho tờ lịch,
Treo trên tường ngắm bằng mắt đón Xuân,
Miếng thịt, bó rau vẫn qúa xa xăm,
Như mây đỉnh núi nào ai bắt được?
Tết ở lại căn nhà trên dốc ngược,
Vẫn sương mù, vẫn gío núi hoang vu,
Không có lịch nào biết mùa Xuân qua !
Không có lịch nào biết đời hoang phí !
Nguyễn Thị Thanh Dương.

( Jan.6-2012)
******************
HỘP KẸO TÌNH YÊU.
Anh tặng hộp kẹo ngày lễ Tình Yêu,
Ngày hôm nay em là cô em nhỏ,
Hộp quà đẹp trang trí màu hồng đỏ,
Anh bất ngờ thay cho một bó hoa.
Quà tặng Chocolate cũng thiết tha,
Những viện kẹo hình trái tim xinh xắn,
Ngày Lễ Tình Yêu lời anh muốn nhắn,
Kẹo ngọt ngào tình cũng ngọt ngào thơm
Viên kẹo màu nâu anh nhớ em hơn ?
Em cảm nhận mùi ca cao nguyên chất,
Nếm một chút thấy tình anh chân thật,
Màu nâu đậm đà quyến rũ tình ơi.
Viên kẹo chocolate sữa tuyệt vời,
Màu nâu nhạt không nhạt nhoà nỗi nhớ,
Hạt hạnh nhân yên vui nằm ở giữa,
Gói ngọt bùi, gói trọn vẹn tình nhau.
Kẹo trái tim, nhưng chẳng để tim đau,
Em lại nếm tình anh thêm chút nữa,
Cám ơn anh kẹo Chocolate sữa,
Món quà thường mà như một chiêm bao.
Chocolate trắng từ bơ ca cao,
Đường, sữa, va ni trộn đều tình ý,
Nếm thật nhẹ em muốn đời duyên nợ,
Chẳng nỡ nào để viên kẹo vỡ tan.
Chocolate trắng như em và anh,
Với những ước mơ đời thường trong trắng,
Mười hai viên kẹo làm sao nói hết,
Chỉ trong một ngày lễ của Tình Yêu?
Nhưng em đã nhận từ anh rất nhiều,
Em đã nếm được bao nhiêu mùi vị,
Từ ánh mắt, từ nụ cười giản dị,
Đều ngọt ngào như hộp kẹo Tình Yêu.
Nguyễn Thị Thanh Dương.
( Valentine day Feb. 14- 2012 )

LUÔN Ở BÊN ANH

Bên anh những ngày vui,
Trong tiệc tùng chào đón,
Trong ánh mắt nụ cười,
Anh là người thành đạt.
Anh cho em phù phiếm,
Những danh vọng cuộc đời,
Cho em niềm hãnh diện,
Được cùng anh sánh vai.
Họ khen anh, chúc mừng,
Toàn những lời gấm hoa,
Cuộc sống là chiến trường,
Bạn và thù không xa.
Bên anh những ngày buồn,
Khi đường đời thất bại,
Khăn áo sẽ vô tình,
Quên ngày vui xếp lại.
Dù anh có trắng tay,
Không lợi danh, tiền bạc,
Tất cả đã như mây,
Về cuối trời tan tác.
Bạn bè không còn thân,
Chén rượu mời đã nhạt,
Bàn tay thôi ân cần,
Khi xã giao gặp mặt.
Dù nhân gian khép cửa,
Làm mặt lạ với anh,
Nhưng lòng em vẫn mở,
Như bầu trời vẫn xanh.
Anh sẽ không còn ai,
Đường anh đi giông tố,
Vẫn còn em sánh vai,
Chung đoạn đường đau khổ.
Em xin anh chớ buồn,
Giữa tình đời đen bạc,
Vẫn còn tình của em,
Đủ cho đời phiêu lãng...
Nguyễn Thị Thanh Dương
( Jan. 2012)

VỀ VIỆT NAM ĂN TẾT.
Hôm nay chị về Việt Nam ăn Tết,
Có mang theo cơn gió lạnh mùa Đông?
Có mang theo những bông tuyết trắng không?
Nơi chị sống bao năm dài viễn xứ.
Quê hương thứ hai chị có tất cả,
Vẫn nhớ quê hương thứ nhất cội nguồn,
Tết đến Xuân về như chim nhớ rừng,
Người Việt nhớ quê lòng đau khắc khoải.
Chị ăn Tết quê nội hay quê ngoại?
Ăn giùm em một miếng bánh chưng xanh,
Mùi nếp thơm hay mùi của lá dong?
Ôi mùi vị một thời em thân thiết.
Món thịt đông kho chiều Ba Mươi Tết,
Ăn với dưa hành mồng một đón Xuân,
Bát thịt gà nấu canh miến, canh măng,
Trên bàn thờ cúng ông bà đã khuất.
Chị ăn giùm em một vài miếng mứt,
Cay cay gừng, mứt bí ngọt đầu môi,
Sợi mứt dừa béo ngậy miếng non tươi,
Làm em nhớ hàng dừa soi bóng nước.
Cắn giùm em nắm hạt dưa tí tách,
Vui bạn bè những câu chuyện đầu năm,
Xác hạt dưa như xác pháo ngoài sân,
Em cũng có thời áo hồng, áo đỏ.
Những ngày Tết từ trong nhà ngoài ngõ,
Ngắm giùm em rực rỡ các loài hoa,
Hoa Cúc, hoa Mai, Thược Dược, Mào Gà…
Hoa bốn mùa vào mênh mông trời đất.
Chị ơi, một năm chỉ ba ngày Tết,
Nhưng có người vẫn không đủ ăn no,
Chị có đi qua những cảnh đời kia,
Nhờ chị gởi lời hỏi thăm, an ủi.
Bên cuộc vui đừng quên người buồn tủi,
Bên gia đình đừng quên kẻ cô đơn,
Ăn Tết xong chị tạm biệt quê hương,
Có mang về chút ngậm ngùi, chua xót?
Nguyễn Thị Thanh Dương.
( Jan. 2012)

CON GÁI NAM.
( Viết theo yêu cầu của Mai Nguyễn và Phù Viên).

Em đây nè, con gái Nam chất phác,
Dù xa quê hay còn ở miệt vườn,
Dù tiểu thư hay chân lấm đất, phèn,
Vẫn có chung nét dịu dàng đôn hậu.
Như bánh ít nhân dừa hay nhân đậu,
Khó mà lầm dù hai thứ đều ngon,
Cởi mở lòng, ngay thẳng giữa đa đoan,
Không đẩy đưa tình yêu nhiều lối rẽ.
Em vẫn tìm giữa dòng đời thác lũ,
Chút hiền hòa của sông nước miền Nam,
Em theo đò dọc, em về đò ngang,
Bao nhiêu chuyến bấy nhiêu tình mong ước.
Con gái nào cũng một thời hoa bướm,
Đâu phải riêng em, con gái miền Nam,
Dễ giận hờn và cũng dễ làm quen,
Người ta nói em dễ thương, dễ tánh.
Ruộng vườn miền Nam cò bay thẳng cánh,
Nên tình người cũng rộng rãi bao dung,
Dù mái tranh nghèo, con rạch, bờ mương,
Hốn đất, hồn quê theo người đây đó..
Con gái Nam, ở nơi nào cũng thế,
Không cầu kỳ, không khách sáo lắm đâu,
Có sao nói vậy dù mất lòng nhau,
Khi hiểu ra càng thương nhau hơn nữa.
Bữa nào rảnh anh về quê em nhé ?
Nghe tiếng hát hò buông thả trên sông,
Nhìn cánh chim bay mỏi mắt chờ trông,
Tình quê, tình em những điều đơn giản.
Em đây nè, con gái Nam hiền lắm,
Trước sau gì tính nết vẫn thế thôi,
Khi trái tim đã trao gởi anh rồi,
Anh hãy giữ một tình yêu có thật.
Nguyễn Thị Thanh Dương.
( Dec.-2011)







ĐOÀN QUÂN TRỞ VỀ.
Ngày 15 tháng 12 năm 2011,
Là buổi lễ hạ cờ ,
Kết thúc sứ mệnh,
Quân đội Mỹ tham gia chiến đấu tại Iraq,
Một trang sử đã khép,
Có chiến thắng,
Và có cả cay đắng,
Cuộc chiến tranh gần 9 năm dài
Cuối tháng Mười Hai,
Những đoàn quân đang rời khỏi chiến trường Iraq,
Những người lính Mỹ sẽ trở về nhà.
Merry Christmas and Happy New Year !
Cái giá phải trả cho cuộc chiến,
Đếm được bằng tiền bạc,
Hơn 805 tỉ ,
Nhưng không đếm được những điều vô giá,
Của máu xương,
Và của tâm hồn.
Vơi bớt những vết đau hỡi 32,226 quân lính bị thương,
Vơi bớt nỗi buồn hỡi những tâm hồn mất mát,
Vì ngày hôm nay,
Cuối tháng Mười Hai,
Đoàn quân chúng ta đang trở về nhà,
Merry Christmas and Happy New Year !
Linh hồn của gần 4,500 người lính Mỹ,
Đã hi sinh,
Đã bỏ lại gia đình,
Hãy yên nghỉ nơi nghĩa trang,
Trong cõi bình an.,
Lá cờ tổ quốc cắm trên mộ anh chiều nay nhẹ lay trong gió,
Chào đón đoàn quân chúng ta đang trở về,
Merry Christmas and Happy New Year !
Cuối tháng Mười Hai,
Chúng ta cùng cầu mong,
Trên thế gian này sẽ không còn chiến tranh,
An vui và hoà bình,
Đến với mọi người, mọi nhà,
Merry Christmas and Happy New Year !
Nguyễn Thị Thanh Dương.
( Dec.18- 2011)




CHÍNH TRỊ VÀ TÌNH YÊU.
Nếu anh là một nhà chính trị,
Đôi khi,
Anh không thể nói hết những gì mình suy nghĩ,
Anh phải cẩn thận lựa lời,
Dù là quanh co, dối trá,
Để vừa lòng đám đông.
Lời anh nói có người cảm thông,
Có người bực mình phản đối.
Anh được tung hô như một anh hùng,
Hay thất thế như một tướng quân thua trận.
Nhưng nếu anh yêu em,
Anh ơi,
Như một chàng thi sĩ,
Anh sẽ thoải mái,
Viết lên bài thơ bằng bất cứ cảm nghĩ,
Từ đáy lòng mình,
Cho một người duy nhất là em.
Em sẽ lắng nghe những điều anh nói,
Có lúc tình vội vàng nông nỗi,
Có lúc tình lênh đênh,
Nhưng em vẫn hiểu và vẫn tin anh,
Em trân trọng,
Bằng tất cả tình yêu,
Với lòng ngưỡng mộ.
Và nếu một ngày anh không còn yêu em nữa,
Như chính trị gia không có lập trường,
Chạy theo lợi danh, quyền lực.
Bài thơ tình ngụy biện,
Chối bỏ một tình yêu.
Anh đổi thay một sớm một chiều,
Làm em tổn thương,
Nhưng em vẫn chịu đựng,
Em vẫn là người duy nhất,
Thương yêu và ngưỡng mộ anh,
Vì suốt đời,
Người thua trận chính là em.
Nguyễn Thị Thanh Dương
( Dec.-2011)
.
ANH ĐẾN TRỄ HẸN RỒI.
( Theo “Gối Lụa” của Võ Thị Trúc Giang).

Anh đến trễ hẹn rồi,
Không một ngày, một tháng
Khi tình yêu chưa nguôi,
Em chờ anh lâu lắm.
Em chờ những phong ba,
Đi qua đời đôi lứa,
Em chờ anh phương xa,
Về tìm em gõ cửa...
Anh đến trễ hẹn rồi,
Không một năm, vài năm,
Trễ hẹn cả một đời,
Muộn rồi. Anh biết không?.
Em giã từ qúa khứ,
Khăn áo đi lấy chồng,
Anh mịt mù đâu đó,
Giữa cuộc đời mênh mông. .
Anh đến trễ hẹn rồi,
Làm sao em đợi được?
Hơn 30 năm trời,
Người về như giấc mộng.
Em còn gì để trả ?
Cho anh mối tình xưa,
Những tờ thư ngày cũ,
Gởi về đâu bây giờ? .
Thà anh cứ bạc tình,
Đừng bao giờ tìm kiếm,
Em đã cố quên anh,
Xem như tình đã chết.
Bao năm mới tìm nhau,
Tóc không còn xanh nữa,
Bao năm chợt tình đau,
Như ngày chia tay đó.
Thì ra trong cuộc đời,
Những sân ga, chuyến t àu,
Người ta vẫn ngược xuôi,
Nhưng dễ gì gặp nhau?
Nguyễn Thị Thanh Dương
( Jan. 2012)

Hai Đường Thẳng Song Song

HAI ĐƯỜNG THẲNG SONG SONG.
Chị Bông đi ra vườn sau thấy một đống cành của cây lê vừa chặt xong lúc nào mà chị không hay biết, chắc là trong lúc chị đi chợ?.
Cái tính đi chợ lâu vì hay la cà của chị lần này tai hại thật, đã thừa thời gian cho anh Bông ra tay hạ cành, đốn ngọn cây lê mà không bị chị cản trở…
Chị tức giận nhìn cây lê thân yêu giờ đây ít cành đi, những cành dài vươn lên hay xoè ra đều ngắn bớt đi…Nay mai những ngày Xuân ấp áp về cây lê sẽ không còn nhiều chỗ để đơm lá trổ bông, và cũng có nghĩa là cây lê sẽ không còn nhiều cành để chĩu qủa xum xuê nữa.
Nhớ những mùa Xuân trước cây lê này đã làm đẹp vườn và đẹp lòng chị, hoa trắng nở đầy cành, chi chít trên cành làm sáng rực rỡ cả khu vườn, rồi hoa rụng rơi làm lòng chị xót xa, nhưng lại có niềm xao xuyến khi nhìn hoa tàn dưới cội và niềm vui khi những hoa còn trên cành đậu thành quả. Chị lại thích thú ngắm những qủa lê bé tí ấy lớn dần từng ngày, như người mẹ âu yếm ngắm đứa con mới hạ sinh lớn dần mỗi ngày vậy.
Chị hối hả quay vào nhà “hỏi tội” chồng:
- Anh vừa chặt cành lê của em đấy hả?
Chắc anh đã chuẩn bị trước, trả lời nhũn nhặn:
- Mong em …thông cảm, anh phải chặt bớt cho thoáng đãng khu vườn. Cây lê này gìa và to lớn qúa rồi, để cành lá xum xuê, trên cao thì vướng víu vào dây điện, dưới thấp thì vướng víu lối đi và chật cả vườn.
- Trời ơi, anh biết là em thương nó biết bao nhiêu rồi mà, và em đã từng dặn anh là đừng bao giờ đụng vào cây lê của em.
- Nhưng anh vẫn… ngứa mắt, chịu không nổi. Tuy chặt bớt cành nhưng vẫn còn nhiều cành khác cho hoa và qủa, vừa ăn vừa cho bạn bè suốt mùa cũng không hết, em đừng lo, đừng tiếc…
Chị Bông giãy lên đùng đùng:
- Thì ra anh vẫn chẳng hiểu gì, anh đánh gía tôi là một mụ đàn bà chỉ thích ăn lê thôi hả? anh không nhớ mỗi mùa lê chín rộ vào tháng 8, tôi đã thích những cành lá xanh tươi chĩu nặng những quả lê to, xà la đà xuống gần mặt đất, thật nên thơ, thật trữ tình, một vẻ đẹp như tranh để cho tôi ngắm nghía không bao giờ chán. Thậm chí tôi không muốn hái lê, ăn lê, và sợ cả thời gian qua đi, mùa lê không còn cho tôi ngắm nữa.
Anh Bông tiếp lời:
- Anh nhớ chứ, và em đã chui ra chui vào những bóng mát lùm cây ấy để …chơi như trẻ con, hay bắt anh chụp hình đủ trò, đủ kiểu để làm kỷ niệm, bất chấp muỗi hay côn trùng từ trên cây và dưới đất có thể cắn em, đốt em, châm chích em..…
Chị Bông ngang bướng:
- Đúng thế, tôi bị côn trùng chích và cắn mấy lần quen rồi, “phong sương” quen rồi, nhưng tôi không bao giờ từ bỏ sự yêu thích của mình. Cây lê gọn gàng trơ trụi qúa thì còn gì là đẹp nữa?
Anh Bông cao giọng, không hài lòng:
- Tại sao em không mơ ước đi du lịch như người ta, đi cruise trên biển cho thơ mộng, lãng mạn mà cứ quanh quẩn với cây lê này và bắt bẻ anh đủ thứ?…
- Tàu đi trên biển xanh, ghé vào những bờ đảo đẹp thần tiên thì em thích lắm, nhưng cứ nghĩ đến phải chen chúc với mấy ngàn người trong một con tàu em cụt hứng ngay. Lỡ mà xảy ra hỏa hoạn, hay đắm tàu thì mấy ngàn người ấy sẽ chà đạp lên nhau để tìm sự sống. Thêm nữa, đi cruise em sợ ma, vì có nhiều vụ chết biển do tai nạn hay tự tử từ rồi đấy, có cặp trai gái yêu nhau nửa đêm dẫn nhau ra mạn tàu hóng gío kiểu Titanic, chàng tình tứ âu yếm bế nàng đặt lên lan can tàu , chẳng ngờ qúa đà nàng ngã nhào xuống biển chết, hoặc mới đây có chàng thất tình đi cruise chỉ để ra giữa biển nhào xuống mà tự vẫn, làm khổ cho đoàn cứu hộ trên tàu phải nhảy xuống tiếp cứu, và những người du lịch một phen hãi hùng và thương cảm…
- Bởi thế em toàn yêu thích…khác người, suốt đời mơ ước được đi hái nho, hái cam, hái táo thuê, chỉ để được ngắm những trang trại mênh mông với hoa lá cành, cây trái xum xuê.
Rồi anh Bông xuống giọng năn nỉ:
- Anh biết tính em yểu điệu mộng mơ, nhưng …
- Nhưng anh thì ngược lại chém to kho mặn, thực tế phũ phàng chứ gì?.
Anh Bông không còn kiên nhẫn nữa, anh cũng bực mình:
- Cô chỉ biết thưởng thức cây lê um tùm của cô, nhưng người quét lá, quét rác là tôi, và khi những trái lê chín bị sóc và chim ăn rơi rụng đầy dưới gốc, người quét dọn cũng là tôi…Nói tóm lại những người có tâm hồn lãng mạn như cô chỉ hoa mỹ bề ngoài, thực tế đời thường thì lười và dở hơi.
- Tại tôi không có thì giờ quét dọn mà thôi…với lại cây lê to lớn qúa, lá rơi nhiều qúa, mà sức người có hạn.
- Còn tôi là người máy hả? thế còn cây ớt bé tí xíu cô cũng than khổ khi trái ớt ra chín đầy cây làm cô hái không kịp là sao?
Chị Bông than thở:
- Anh đừng có chuyển từ cây lê sang cây ớt, chuyện nọ xọ sang chuyện kia hòng tôi quên đi cái tội anh chặt cành lê của tôi nhé. Bây giờ tôi càng biết anh luôn là vật cản trong đời tôi về những sở thích của tôi. Anh còn nhớ ngày chúng ta còn sống ở Việt Nam không?
- Cô lại muốn nhắc đến cây Lan Leo cô đã trồng trước sân và tôi đã…chặt phéng nó đi không thương tiếc chứ gì?
- Ừ đấy, tôi đã thích thú với giàn hoa Lan Leo thơ mộng, lá rậm rạp, ngọn cây bò lan man, rủ xuống bao phủ cả bức tường ngoài sân, căn nhà luôn chìm trong bóng mát êm đềm, tĩnh lặng nên thơ. Tóm lại căn nhà đẹp…não nùng !
- Căn nhà đẹp…não nề thì có. Nhà thì cô đòi sơn màu nâu cho dịu dàng lại thiếu ánh sáng mặt trời nên trong nhà âm u buồn bã.. Tôi thích căn nhà mặt tiền thoáng đãng, sáng sủa, đón ánh sáng thiên nhiên ùa vào.
Chị Bông ngậm ngùi khi nhắc lại:
- Chỉ vì anh nói cành và lá Lan Leo màu xanh lục là hang ổ của…rắn lục. Anh đã thấy mấy con rắn xanh lè, lòng thòng giữa những ngọn Lan Leo cũng lòng thòng trên giàn, không biết đâu là ngọn Lan không biết đâu là rắn, làm tôi sợ qúa, đồng ý để anh chặt nhẵn nhụi cây Lan Leo của tôi.
- Bây giờ thì tôi nói thật nhé, tôi bịa đặt ra đấy, chứ chưa trông thấy con rắn lục nào ở giàn Lan Leo nhà mình cả. Phải nói thế mới hạ gục được cây Lan Leo chết tiệt ấy.
Chị Bông gào lên, giọng tức tưởi:
- Trời ôi, thì ra tôi đã bị lừa bấy lâu nay, anh thật vô tâm, chỉ biết mình mà không biết đến người khác, lại là vợ của anh..
Anh Bông giải thích:
- Tôi chiều vợ đủ thứ, nhưng điều không thể thì không bao giờ. Như hiện nay mấy lần cô đòi mua căn nhà khác, toàn là những căn nhà nơi “khỉ ho cò gáy”, cuối nẻo trời mây, cuối đường, cuối dãy, “Dead end Street” hay “cul-de- sac” cho riêng tư vắng vẻ, xa lánh thế gian. Hoặc xung quanh là cây cao, đằng sau là rừng, bờ hồ hay con rạch cho nên thơ, cho tình tứ… trong khi chiều xuống, đêm về thì cô lại là người nhát gan sợ ma vì hay tưởng tượng.. Nếu tôi nhẹ dạ nghe theo lời cô thì cô đã bị bệnh đau tim vì khủng hoảng tinh thần từ lâu rồi.
Chị Bông ai oán:
- Ối giời ôi, nhưng tôi có đòi hỏi gì cao xa? không như người ta thích mua sắm hột soàn, kim cương, đá qúy, không thích ra vào thẩm mỹ viện o bế cái nhan sắc đáng lẽ phải sửa chữa từ lâu…
- Thôi, cô đừng nêu ra những vấn đề vô lý nữa, vì nhà này tiền bạc đâu cho cô thích những thứ ấy? mua một căn nhà để ở cũng trả nợ suốt cuộc đời đây…
- Đã không chiều tôi mua những căn nhà ấy, thì cũng phải chiều tôi trang điểm căn nhà cũ và xấu này chứ. Trước sân tôi muốn trồng cây Maple cho mùa Thu lá vàng rơi lả tả hay vài cây hoa Crepe Myrtle, loài hoa đẹp của Texas mà anh cũng không cho. Anh là người đàn ông ích kỷ và độc đoán nhất thế giới mà tôi cưới phải.
- Cây Maple thuộc loại cây lớn. Rễ cây có thể làm hư foundation hay cành cây làm hư mái nhà, cô muốn cho nhà mình…nghèo mạt rệp thêm hả? tiền đâu mà sửa chữa?. Còn Crepe Myrtle là cái loài hoa mà cô ca tụng là đẹp và bền bỉ, ra hoa từ tháng sáu tới cuối mùa Thu ấy hả?
Chị Bông không khỏi mơ màng:
- Nó đấy, có màu hoa đỏ như hoa giấy, hay màu trắng, màu hồng…muà hè hoa nở rực rỡ, khi hoa chín rụng thì cây lại ra hoa khác thay thế. Tôi thích nhìn hoa nở trên cây và càng thích nhìn những cánh hoa rơi rụng tơi bời dưới gốc cây, lãng mạn tuyệt vời, không văn thơ nào diễn tả giùm tôi được.
Anh Bông nhấn mạnh:
- Cũng chính vì hoa rụng tơi bời mà tôi quyết chí phản đối đấy. Giây phút cô ngắm nó thì đẹp rồi, nhưng người quét dọn đống hoa tơi bời ấy chẳng đẹp tí nào.
Chị Bông vẫn mơ màng:
- Nhưng chỉ một vài cơn gío thoảng là những cánh hoa chín mỏng manh thi nhau rắc những sắc màu đỏ, trắng, hồng vào không gian, và nằm rưng rưng trên mặt đất, không làm anh xao xuyến hay sao?
- Tôi chẳng hơi đâu mà xao xuyến vu vơ như cô.
Chị Bông lạnh lùng tuyên bố:
- Thì ra hai chúng ta trái tính trái nết, chúng ta là hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau.
Chị Bông nói xong liền dỗi hờn quay ngoắt vào phòng, tìm thế giới riêng của mình. Chị nghĩ đến cây lê của chị, cây lê Châu Á chị đã mua tại vườn ươm Việt Nam cách đây gần chục năm, nó lớn nhanh, chỉ 1 năm sau khi mua, dù mới cao hơn đầu người một chút là đã ra qủa. Qủa lê để gìa rám nắng Texas càng ngọt ngào, cũng như cam Texas, nhờ nắng Texas cũng đã nổi tiếng ngọt ngào hơn hẳn cam California. Chị không thích loại lê bán tại thị trường Mỹ, ăn mau chán, không ngọt bằng loại lê Châu Á này.
Mùa lê chín vào tháng Tám, là tháng mùa hè nóng cao độ của Texas, không gì thú vị bằng được ra vườn tìm bóng mát trong lùm lá cành loà xòa đầy những qủa lê chín, vừa hái ăn quả ngọt vừa thưởng thức chút “dân dã” vườn nhà.
Ngày còn bé chị Bông chơi đùa nghịch ngợm lắm, chơi nhảy dây, nhảy lò cò với đám con gái là chuyện thường tình, đằng này chị còn chơi mấy món “ác ôn” hơn, với đám con trai cùng xóm.
Khi thì đá cầu, cái cầu làm bằng mấy cái lông gà túm lại, và đế cầu là những miếng giấy bìa cứng cắt khoanh tròn chồng chất lên nhau. Chị quần xắn lên, bên thấp bên cao, đá cầu bằng chân phải và nếu cần bằng chân trái luôn rất điệu nghệ, có khi chị đá hàng trăm lần mà chiếc cầu chưa rơi khỏi chân, lũ con trai cũng phải phục chị luôn..
Khi thì chơi tạt lon chạy hùng hục, hay đi bắt dế, chơi đá dế và nhất là trò bắt ong.
Đó là một loài ong đen từ cột kèo nhà bằng tre, chị phụ với một thằng, lấy cái chai kê vào miệng lỗ, còn thằng kia cầm khúc cây gõ gõ vào cột kèo liên tục cho đến khi ong chịu không nổi phải bò ra khỏi tổ, chui tọt vào chai, xong hai đứa để ong ra mâm, lấy cái đĩa để ngửa, đè chôn đĩa lên con ong, nó càng vùng vẫy thoát ra thì hai cánh càng đập liên hồi vào mâm và tạo ra âm thanh o o vui tai.
Chiều nào con bé ấy cũng chơi đùa tung tăng đến giờ cơm hay gần tối mới chạy về nhà khi người đã thấm mệt, tóc tai lù xù, mặt mày phờ phạc.
Mẹ chị đã thường mắng:
- Con ranh kia, ai đời con gái mà nghịch như con trai thế, hả? Lớn lên thằng nào dám rước, hả?
Thời bé chị chơi đùa “lỗ mãng” thế mà càng lớn càng ra vẻ dịu dàng nữ tính, thích mộng mơ, lãng mạn. Hồi mới quen anh Bông, anh âu yếm nuông chiều mọi sở thích của chị lắm, nhưng khi cưới nhau, sống bên nhau thì con người thật của anh mới hiện ra. Hai người là hai sự khác biệt, chị lãng mạn, mộng mơ bao nhiêu thì anh thực tế đời thường bấy nhiêu, nên hai vợ chồng đã nhiều phen bất đồng ý kiến, cãi nhau như ngày hôm nay.
Có tiếng gõ cửa phòng:
- Em ơi…đường thẳng kia ơi…
Chị Bông không thèm trả lời, thì anh Bông đã tự động mở cửa bước vào và ngồi xuống mép giường, cạnh vợ.
Chị giận hờn nhếch môi:
- Hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau. Anh còn muốn gặp tôi làm gì?
Anh nằm xuống cạnh vợ, thủ thỉ:
- Nhưng hai đường thẳng song song luôn đi bên nhau, luôn nằm cạnh nhau như thế này. Đường thẳng kia ơi, cho đường thẳng này xin lỗi nhé..Lần này anh tuy có chặt bớt cành lá cây lê, nhưng chỉ chặt ít thôi, cũng là cách kích thích cho cây ra thêm cành, nay mai cây lê của em vẫn đầy hoa, đầy trái. Anh chỉ làm cho khu vườn gọn gàng xinh đẹp thêm cho em vui hưởng thôi mà.
Chị lắng nghe xuôi tai nhưng vẫn lên giọng dỗi hờn tiếp:
- Nhưng…còn bao nhiêu thứ bất đồng ý kiến khác, chúng ta vẫn là hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau ở một điểm.
Anh Bông ôm choàng vợ trong tay, vẫn thủ thỉ ngọt ngào:
- Định luật này chỉ đúng trong toán học. Hai đường thẳng song song chúng mình vẫn…có thể gặp nhau ở nhiều điểm khác.
Chị Bông ngoe nguẩy:
- Chưa chắc……
- Chắc mà, vì anh yêu em và em cũng yêu anh. Anh hứa chuộc tội bằng cách anh sẽ tưới nước cây lê suốt mùa hè, cho lá thêm xanh, cho qủa thêm to và ngọt ngào. Chịu chưa?
Chị Bông lắng nghe những lời ngọt ngào của chồng rồi nghĩ đến cây Lê vào mùa Xuân tới sẽ ra hoa, mùa hè ra qủa mà chị khỏi phải mất công tưới nước mà mềm lòng và mềm người trong tay chồng lúc nào không hay.
Nỗi giận hờn nhẹ nhàng tan biến mất và hai đường thẳng song song trên giường hình như đang là một….
Nguyễn Thị Thanh Dương
( Jan.2012)

Mẹ Vắng Nhà Một Tuần

MẸ VẮNG NHÀ MỘT TUẦN.
Chủ Nhật cả nhà ăn cơm trưa sớm, để chị Bông lo sửa soạn hành lý cho chuyến bay buổi chiều đi Florida. Chị sẽ đi training, công việc sẽ bắt đầu vào ngày thứ hai và kết thúc vào thứ sáu, coi như chị sẽ xa chồng con gần một tuần lễ, mà lòng chị buồn buồn. Từ ngày đi làm, đây là lần đầu tiên chị đi training xa nhà và lâu nhất.
Chọn mấy bộ quần áo và vài đồ dùng cá nhân như khăn mặt, bàn chải răng…chị xếp gọn gàng vào chiếc va ly nhỏ xách tay cùng với cái laptop là xong.
Ba đứa con đang bu quanh chị. Betsy vòi vĩnh:
- Con muốn đi với mẹ, Florida có Disney World thích lắm.
Vẫn là Betsy:
- Có biển nữa, con muốn tắm biển và nhặt vỏ sò trên cát.
Chị ngẩn ngơ, con Betsy ăn nói mộng mơ như một thi sĩ.
Cô Tabi chị cả 9 tuổi thì đòi hỏi thực tế hơn:
- Mẹ mua cho con cái vòng đeo cổ, vòng đeo tay bằng vỏ sò nhé…con thích màu hồng.
Khi Tabi thích màu hồng, có nghĩa là Betsy không được chọn cùng màu vì sẽ “đụng hàng” Cô chị luôn hiếp đáp cô em như thế. Chắc là có …di truyền? vì ngày xưa còn bé chị Bông là chị cả, cũng chuyên môn hiếp đáp, giành ăn, giành chỗ ngủ với các em. Nên chị biết chẳng thể nào thay đổi tính nết Tabi cho được.
Betsy dịu hiền, là em mà luôn phải chiều lòng chị. Nó phải “né” màu Hồng, dù đó cũng là màu nó yêu thích:
- Mẹ mua cho con vòng đeo cổ, đeo tay bằng vỏ sò màu trắng nhé..
Chị đi Florida, hãng sắp đặt cho những nhân viên ở khách sạn Walt Disney World Swan and Dolphin ngay trong khu Disney World cho gần với phòng hội họp. Thật tiện lợi.
Thế là các con chị hào hứng sôi nổi lên, làm như mẹ chúng đang đi vacation để tắm biển Florida và rong chơi trong khu giải trí Disney World không bằng.
Chị Bông âu yếm giải thích:
- Các con cưng ơi, mẹ có đi chơi đâu, mẹ đi làm việc mà. Nếu như bây giờ các con nghỉ Hè thì cả mấy bố con cùng đi với mẹ, bố sẽ trông các con, khi nào xong việc mẹ về khách sạn, cả nhà ta cùng đi chơi..
Thằng út Holden cũng bắt chước hai bà chị nũng nịu:
- Con cũng muốn đi Florida với mẹ
Với mái tóc mới cắt cao, gương mặt bầu bĩnh sáng sủa của nó phụng phịu trông càng xinh. Mỗi khi cắt tóc xong, Holden đều soi gương và không hài lòng: “ Con xấu qúa, con giống Indian, con giống chú hề”. Làm vợ chồng chị phải bật cười vì sự so sánh dễ thương ấy.
Chị giải thích cho con:
- Holden ơi, nếu con đi Florida với mẹ, mẹ sẽ phải gởi con cho day care ở Florida mỗi khi mẹ đi học, đến chiều mới về khách sạn, chịu không?
Chắc thằng bé 4 tuổi nghĩ đến một nơi chốn day care xa lạ ở Florida, không có mấy đứa bạn quen, không có cô giáo quen, nên nó từ chối:
- Không, con sẽ ở nhà với bố và đi day care của con. Nhưng mẹ đi Florida nhớ mua puzzle cho con nhé?
.Món này Holden đã dặn dò từ chiều hôm qua, nó thích chơi trò xếp puzzle lắm. Holden làm như mẹ đi công tác ngay …trong cửa hàng bách hoá, có hàng trăm thứ để cho nó muốn mua.
Cuối cùng thì các con đã hiểu ra không thể đi cùng với mẹ, hay giữ mẹ ở nhà, ngoài chuyện nhờ mẹ mua quà và chấp nhận ở nhà một tuần không có mẹ.
Đúng 3 giờ chiều anh Bông chở vợ con ra Salt Lake City airport. Màn chia tay cũng…rơi nước mắt giữa mẹ và con...
Chị Bông ôm hôn từng đứa con rồi tổng chào:
- Ba đứa ở nhà nghe lời bố này, tự ăn uống đầy đủ này. Đừng để đói bụng, không “ai” lo cho con đâu. Rồi thứ sáu ra đây đón mẹ về nhé.
Anh Bông tự ái:
- Em nói thế là “ám chỉ” anh bỏ bê con ?
- Thì anh có biết nấu cơm hay đút cơm cho con bao giờ? Mà đứa nào cũng thuộc loại lười ăn, kén ăn và khó tính.
Anh Bông chợt phấn khởi:
- Anh có cách. Em đừng lo. Cờ tới tay ai người ấy phất…
- Chúc 4 bố con ở nhà vui vẻ, mạnh khỏe
Nói xong chị vội kéo valy đi vào trong, không dám nhìn những bàn tay bé bỏng đang vẫy vẫy tạm biệt mẹ yêu. Người mẹ có đàn con nhỏ chân bước một hướng mà lòng thì còn ở lại một nơi.
Về nhà, buổi chiều 4 cha con vẫn có cơm ăn, những thứ từ buổi trưa chị Bông làm sẵn, nên anh Bông thảnh thơi.
Buổi tối đầu tiên vắng mẹ, cô Tabi và Betsy không dám ngủ riêng phòng, cùng dọn chăn gối sang phòng ngủ với bố và Holden. Vui quá, 3 chị em đùa giỡn đến khuya mới thật sự nằm yên để ngủ.
Buổi sáng anh Bông sẽ dậy sớm để đưa 2 con gái đi học và thằng út Holden đến Day Care trước khi anh đi làm..
Buổi chiều, đón 3 con về nhà đầy đủ, bếp núc nguội lạnh, nhưng tình cha ấm nồng, anh Bông tuyên bố:
- Nào, chúng ta cùng đi ăn nhà hàng…
Lũ trẻ nhảy tưng lên reo vui:
- Thích qúa,.vui quá..
- Nhưng hôm nay không phải cuối tuần mà bố? cô Tabi ra vẻ hiểu biết thắc mắc.
Anh Bông khẳng định:
- Những ngày vắng mẹ đều là cuối tuần. Ngày nào chúng ta cũng ăn nhà hàng và long rong ngoài đường.
- Ở với bố thích qúa.
- Bố thật là đáng yêu.
Bây giờ là đầu mùa Đông, mùa Đông Utah bao giờ cũng đến sớm và lạnh, thành phố Centerville đã mấy lần tuyết rơi, cũng không làm 4 cha con ngại ngùng.
Lũ con chạy ùa ra closet chọn áo ấm, chọn mũ len, hí hởn mặc lấy, xong ra chỗ xỏ giày.
Thế mà có mẹ, chị Bông phải vừa giúp các con mặc đồ vừa vất vả hò hét lắm mới xong phần ăn mặc này.
Hôm thì anh Bông cho chúng ăn nhà hàng Mỹ, hôm thì nhà hàng Việt Nam, về nhà chiều tối đứa nào còn đói bụng thì lấy những hot dog, bánh mì, chip, chesse, bánh ngọt, ice cream hay trái cây, nước uống có sẵn ở nhà mà ăn thêm, cho nên nhà lúc nào cũng bừa bộn đủ thứ ăn vặt trên bàn như vừa xong một bữa tiệc.
Chiều nào lũ trẻ cũng sung sướng thay quần áo đẹp theo bố ra nhà hàng, vừa được ra ngoài trời, vừa được đi ăn, đứa nào cũng thích. Có mẹ ở nhà, mẹ sợ các con ra ngoài khi trời nhiều gío, nhiều tuyết, lại cảm cúm, lại ho hen hay sổ mũi mà thương, mà xót.
Mỗi buổi tối mẹ đều gọi điện thoại về nói chuyện với từng đứa, lo lắng hỏi con có ăn ngon không? Có no không?
Chúng giành nhau phone để khoe với mẹ:
- Con thích ăn kiểu của bố.
- Con thích sống kiểu của bố.
- Mỗi ngày đi ra nhà hàng thật là vui.
Bà nội chúng ở tiểu bang khác cũng mỗi buổi tối gọi tới hỏi han, làm như xa mẹ, cuộc sống của chúng sẽ…đảo điên, sẽ mất thằng bằng. Khi hay tin mẹ chúng sẽ đi xa vì công việc, bà đề nghị sẽ bay sang Utah để “nuôi” đàn cháu mấy ngày “hiu quạnh” ấy, nhưng bố chúng không muốn làm phiền bà, và muốn chứng tỏ cuộc sống luôn tươi đẹp dù trong “hoàn cảnh” nào.
Bà và mẹ, hai người phụ nữ qúa lo xa.
Ba chị em đã sống những ngày tự do thần tiên, không bị mẹ ép ăn no, ăn đúng món bổ dưỡng, hay hạn chế những món có chất đường, chất béo.
Chúng tha hồ mặc quần áo theo ý thích, dù quên không mặc cái áo dày vào mùa Đông, hay quên đeo găng tay bằng len khi ra ngoài, bố cũng không hề hay biết.
Giày dép đi về chúng quăng lộn xộn, giày đứa này lẫn với vớ đứa kia bố cũng chẳng quan tâm. Nhất là thằng Holden, nó ngồi bệt xuống để cởi giày, xong nó cầm giày, cầm vớ hất tung lên về phía sau, mà không cần biết giày vớ sẽ đi về đâu.
Ngày mai chúng lại có màn đi tìm kiếm những giày dép, và vớ thất lạc của mình càng thêm vui vẻ náo nhiệt.
Vui thì vui, nhưng mỗi khi tối đến đêm về đứa nào mà không nhớ mẹ, mong mẹ về với những món quà nhắn gởi.
Chiều thứ Năm, từ ý tưởng của cô Tabi, hai chị em Tabi và Betsy đã hí hoáy viết lên 3 tờ giấy trắng tinh hàng chữ “Welcome Home” to tướng, rồi tô màu xanh, đỏ, vàng thật lộng lẫy. Chúng sẽ đứng đón mẹ trước cửa lối ra bằng cách xếp hàng ngay ngắn cạnh nhau, tay mỗi đứa giơ cao tờ giấy của mình để ghép lại thành hàng chữ “Welcome Home” cho mẹ bất ngờ và cảm động.
Chiều nay thứ sáu, 4 bố con đã có mặt ở Salt Lake City Airport để đón mẹ về vào lúc 2 giờ trưa. Cả 4 bố con đều hào hứng, anh Bông đã chán cảnh mỗi ngày chăm sóc con và dẫn con đi ăn nhà hàng rồi, có vợ về trao trả bổn phận lại cho vợ.
Đến nơi mới biết hãng máy bay thông báo chuyến bay sẽ đến trễ 2 tiếng nữa. Nghĩa là chị Bông còn đang bay lơ lửng trên không hay đang đợi chờ ở một phi trường nào đó.
Ba đứa trẻ ban đầu còn hào hứng chạy chơi lăng quăng với nhau, chừng nửa tiếng sau thì bắt đầu thấm mệt và chán nản, hết ngồi ghế lại đứng lên kêu khát nước, kêu đói bụng, bây giờ anh Bông mới biết sự lo xa của vợ luôn có lý. Đi đâu, dù lâu hay mau chị Bông cũng xách theo một giỏ những đồ ăn thức uống cho trẻ con, dù anh đã khó chịu nói chị chỉ bày vẽ ra cho thêm bận rộn. Chị thường nói:
- Trẻ con động một tí là đòi ăn đòi uống, phải mang sẵn cho con.
Chúng quên đang đợi đón mẹ về, Betsy nhăn nhó nói:
- Bố ơi, con đói bụng lắm, đi nhà hàng đi…
- Bố ơi con muốn ăn Pizza. Holden cũng nhăn nhó theo.
Anh Bông phải dỗ dành:
- Chúng ta đợi mẹ về cùng đi nhà hàng luôn cho vui.
Anh Bông rủa thầm hãng máy bay, không hiểu sao lại trễ vào đúng chuyến bay có vợ anh để cả nhà cùng vạ lây như thế này. Anh biết, chị Bông ở “nơi kia” cũng đang sốt ruột lắm..
Giờ phút trôi đi thật chậm khi người ta đang mong ngóng. Lũ trẻ vừa đói vừa mệt, 3 tờ giấy ghi chữ “Welcome Home” lộng lẫy được nâng niu lúc nãy, bây giờ nằm hững hờ trên ghế, đến nỗi một tờ rơi xuống đất cũng chẳng đứa nào nhặt lên.
Khi chuyến bay đến thì 3 đứa đã mệt mỏi vì đói bụng, chúng quên 3 tờ giấy, quên xếp hàng để chào đón mẹ về như người ta chào đón một vị khách yêu qúy đến thăm như chúng đã sắp đặt.
Để valy sang một bên, chị Bông ôm chầm lấy các con. Câu nói đầu tiên của thằng Holden làm chị xót xa lòng:
- Mẹ ơi, con muốn ăn cơm với trứng
Thật đơn giản món trứng chị vẫn làm vội cho con khi không có nhiều thì giờ, để chảo cho chút dầu, phi hành hương cho thơm rồi đập trứng vào, cho chút nước mắm quậy …lộn xộn lên vài giây là xong, thế mà bây giờ thằng bé ao ước.
Thằng bé thèm cơm, thèm trứng, chẳng thèm món ngon nào khác. Chắc là Holden đang đói bụng lắm, hay nó nhớ cơm? nhớ món của mẹ?
Ra chỗ lấy xe, anh Bông đưa cả nhà đến nhà hàng, vì về nhà thì có gì mà ăn? Ai cũng đói bụng lắm..Gía người đi xa là anh Bông thì về nhà đã có sẵn nồi phở nóng hổi hay bữa cơm ngon chờ đợi rồi.
Chiều thứ sáu bữa ăn nhà hàng ngon và vui vẻ hẳn lên vì có thêm chị Bông về đoàn tụ với chồng con.
Vừa đặt chân vào nhà là nề nếp cũ hiện ra. Chị Bông ra lệnh cho các con:
- Này, tháo giày, vớ cẩn thận và xếp ngay ngắn lên kệ nhé.
- Con biết rồi, vớ để vào trong giày…
- Con biết rồi, mỗi đứa một tầng, không để lộn xộn đâu mẹ ơi…
Chị Bông tiếp tục nhắc nhở:
- Này, cởi áo lạnh và treo vào closet thẳng thớm nhé.
- Con biết rồi, và mũ thì treo vào móc…
- Con biết rồi, bao tay thì để vào túi áo của mình.
Chị Bông thay quần áo xong, công việc đầu tiên của chị là gọi 3 con vào phòng tắm, làm anh Bông ngạc nhiên:
- Em muốn tắm cho 3 con ngay bây giờ hả?
- Cái cân ở trong phòng tắm mà, em chỉ muốn cân lại bọn nó xem sau gần 1 tuần em vắng nhà, anh nuôi nấng chúng như thề nào. Trông đứa nào cũng có vẻ …xơ xác, tiêu điều qúa..
- Em làm như người ta cân…heo sau 1 tuần vỗ béo vậy. Bảo đảm toàn ăn đồ nhà hàng có chất lượng tốt, toàn món đắt tiền em ơi..
Tiếng chị Bông thốt lên đầy vẻ xót xa từ trong phòng tắm vọng ra:
- Giời ôi, thế mà đứa nào cũng mất 1 pao. !!…
Anh Bông ngạc nhiên bước vào phòng tắm:
- Tại sao lại thế nhỉ?
Chị Bông trách móc:
- Còn hỏi tại sao? Ăn nhà hàng chẳng bằng cơm nhà, với lại trẻ con vừa ăn vừa chơi, anh có để ý gì đến chuyện đói no của chúng đâu.
- Hèn gì anh thấy ngày nào chúng ăn xong cũng còn dư thừa đồ ăn , anh tưởng chúng chán ngán, no nê rồi chứ. Thật không ngờ tốn tiền mà con vẫn …đói.
Chị Bông tiếp tục oán than:
- Đấy là em mới vắng nhà có 1 tuần, nếu vắng 2 tuần thì thể nào ba đứa con mình cũng…suy dinh dưỡng.
Anh Bông trêu vợ:
- Và nếu em vắng 3 tuần thì chúng vào cấp cứu bệnh viện đấy.
- Chứ còn gì nữa ! Bởi thế ca dao tục ngữ Việt Nam mới có câu “ Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường”. Vì người cha không biết lo cho con bằng người mẹ .
- Em nói gì mà qúa đáng thế chứ…Lần sau anh sẽ rút kinh nghiệm.
Chị vẫn cằn nhằn:
- Anh thật qúa lười, chỉ đặt nồi cơm và làm đồ ăn như kho tôm, kho thịt, tráng trứng, luộc rau như em đã chỉ dẫn là bố con có cơm ăn ngay mà anh cũng không làm. Ở Florida mỗi ngày em đều cầu nguyện cho các con được ăn no ngủ kỹ, mà kết quả thì ngược lại.
- Đùng một lúc em chỉ anh cách nấu nướng một đống các món ăn làm sao anh nhớ hết và biết làm ngay cho được? Với lại anh muốn nhân dịp này chiêu đãi các con như khách qúy, đổi mới cho các con được tự do ra ngoài ăn nhà hàng cho vui. Mà chúng nó vui thật em ạ, cứ chiều về là chúng nó ríu rít thay quần áo và lựa chọn nhà hàng…Tối đến thì cùng chơi đùa đến khuya mới chịu ngủ.
Chị Bông không có nhiều thì giờ tranh cãi với chồng, sau khi “kiểm tra” sức khoẻ các con xong là chị lôi quà ra cho con. Sau khóa training, ngày cuối cùng các nhân viên tha hồ dạo chơi Disney World, chị vào Gift Shop mua qùa cho các con, cô Tabi có sợi dây đeo cổ bằng những con sò màu hồng, và Betsy thì dây đeo cổ bằng những con sò màu trắng đúng như chúng đã mơ ước, ngoài ra còn có những con hải sản nhồi bông, còn bộ Puzzle của Holden, chị Bông phải thuê xe ra phố và vào tiệm mua cho nó, để thằng bé vui lòng.
Sáng thứ Bảy chị Bông đi chợ mua về một con cá Hồi Canada to, con cá nằm trong lớp đá vụn phủ kín thật tươi mát, bà nội trợ nào thấy mà chẳng muốn mua ngay. Chị nhờ anh thợ cá làm sạch sẽ và cắt ra từng khoanh cá màu hồng tươi và đẹp mắt..
Về nhà, anh Bông thấy vợ làm bếp, lân la đến gần:
- Hôm nay đầu bếp gia đình cho nhà ăn món gì mà nhiều thứ thế này?
Chị chỉ vào bịch cá khoe với chồng:
- Một con cá Hồi tươi ngon nhất chợ đấy nhé, chỉ hơn 30 đồng bạc tha hồ ăn, khúc đầu, khúc đuôi em sẽ nấu canh chua, vài khúc giữa em chiên sơ và rim nước mắm làm đồ mặn ăn cơm.Con cá này phải ăn hai ngày mới hết.
Anh Bông chép miệng tiếc rẻ:
- Thế mà mỗi ngày bố con anh đi ăn nhà hàng tốn tiền…hơn con cá Hồi này mà đứa nào cũng sụt cân..
Chị Bông lườm và mắng yêu chồng:
- Anh chỉ gây thiệt hại cho vợ con, chẳng nhờ vả được gì…
Bữa cơm nóng dọn ra. Cả nhà quây quần ăn uống vừa vui vừa ngon.
Vẫn là những món canh chua, cá kho chị Bông thường nấu trước kia, mà sao hôm nay anh Bông thấy ngon khác thường thế?
Thì ra anh cũng nhớ cơm, nhớ những món ăn Việt Nam, như thằng Holden chợt thốt lên một cách thèm thuồng với mẹ nó ở phi trường “Mẹ ơi con muốn ăn cơm với trứng” cái món ăn vừa rẻ vừa dễ làm ấy.
Anh cảm thấy ân hận khi mấy ngày qua anh đã không nấu cơm cho các con.
Bữa cơm gia đình bao giờ cũng là bữa cơm ngon, chẳng nhà hàng nào sánh được.
Chị Bông như đọc được những ý nghĩ trong đầu óc chồng, chị mỉm cười hài lòng:
- Anh và các con ăn cho lại sức đi nhé. Ngày mai em lại nấu cơm với món ăn ngon khác nữa, để bù đắp cho bố con anh. Bảo đảm mấy ngày sau sẽ lấy lại mỗi đứa 1 pao như cũ.
Nguyễn Thị Thanh Dương
( Mother’s Day, 2012)

Đừng Tặng Hoa Cho Tôi

ĐỪNG TẶNG HOA CHO TÔI.
Shop sửa xe hôm nay ít việc, để mặc mấy anh thợ làm lai rai bên ngoài, anh Bông ngồi trong gian phòng nhỏ chật, trên bàn bừa bộn giấy má, sổ sách, hóa đơn…Mọi thứ còn lấm lem dấu vết dầu nhớt hay vương vấn mùi dầu nhớt. Nhưng dù thế nào nó cũng là office của chủ nhân tiệm sửa xe.
Anh ngả người ra, gác chân lên bàn, ngửa mặt sờ râu, vừa nghỉ xả hơi vừa lo lo nghĩ đến vợ. Suốt từ chiều hôm qua đến giờ vợ giận hờn anh, mặt lạnh và không thèm đếm xỉa đến chồng, mà lỗi cũng tại anh “nhẹ dạ” với người khách sửa xe sồn sồn xinh đẹp, chị ta bước vào văn phòng này để thanh toán hóa đơn sau khi xe chị đã được sửa xong với định gía là 500 đồng, chị ta không móc bóp trả tiền ngay cho anh nhờ, mà ngồi tán hưu tán vượn, khen shop của anh lớn và tối tân, giàn thợ của anh toàn những người giỏi tay nghề và …khen anh tử tế, tính gía hợp lý, phải chăng, rất đáng tin cậy theo như lời đồn đãi của nhiều người, để cuối cùng chị ta xin anh chủ bớt tiền vì chị là khách quen, sửa xe ở đây nhiều lần.
Gía 500 đồng là gía đã cân nhắc gồm tiền phụ tùng và tiền công thợ, nhưng nghe một người phụ nữ xinh đẹp hết lời khen ngợi, đề cao mình, anh Bông đã cao hứng bất ngờ bớt ngay cho bà khách hàng trẻ tuổi xinh đẹp 100 đồng cho …hào hoa và đẹp mặt, vì không lẽ bớt vài chục lẻ tẻ..?
Khách hài lòng hớn hở vừa bước ra khỏi văn phòng thì chị Bông xầm xập bước ngay vào, không hài lòng chút nào, mặt đỏ lên vì giận:
- Nãy giờ tôi đứng ngoài cửa nghe hết rồi, anh dễ bị đàn bà dụ ngọt qúa vậy? chị ta mới nịnh nọt 5 phút được bớt ngay 100 đồng, nếu nịnh thêm chút nữa không biết sẽ tới đâu ?
Anh Bông lúng ta lúng túng:
- Sao em… rình mò nghe mà không… thẳng thắn bước vào trong thì …đỡ cho anh…
Chị Bông càng sôi giận lên:
- Tôi mà thèm rình mò anh hả ? chẳng qua là tôi đi shopping về, sẵn đi ngang qua đây ghé vào định khoe anh cái áo mới mua. Thấy anh có khách nên tôi phải đứng ngoài chờ nhờ thế mới thấy cảnh “dại gái”của anh.
Rồi chị đay nghiến:
- Chắc bà khách này quen thuộc và ưu tiên lắm chứ gì? Vào trả tiền mà nói chuyện đẩy đưa với ông chủ không muốn dứt.
Anh Bông khổ sở phân bua:
- Mặt mày tay chân luôn dính dầu mỡ chứng tỏ anh luôn bận rộn thế này thì giờ đâu mà để ý đến mặt mũi khách hàng, nào biết ai lạ hay quen…??
- Đúng thế, nhưng với một người đàn bà đẹp thì người ta sẽ nhớ hoài, khó quên, kể cả đàn bà và đàn ông. Đàn bà nhớ đến vì ganh tị, còn đàn ông vì xao xuyến. Sách báo tâm lý nói thế đấy .
Anh Bông vụng về chống đỡ:
- Ừ, thì bà ấy là khách quen nên anh bớt, chứ không vì đẹp hay xấu…
- Trời ơi, thử nhan sắc Thị Nở anh có bớt không? anh đã “cho không” người ta 100 đồng dễ dàng, trong khi tôi đi chợ thiếu 1 đồng cũng không bước ra khỏi chợ được, anh biết chưa?
- Biết rồi mà !
Chị Bông vẫn đay nghiến:
- 100 đồng đó tôi đi shopping hàng on sale cũng ôm về nhà một đống đồ, anh biết chưa?
- Biết rồi mà !
Thế là về nhà anh Bông bị vợ giận, bây giờ nghĩ lại anh thấy mình “dại gái” thật, vợ giận cũng đáng đời vì bớt 100 đồng là mất trắng tiền công thợ, coi như sửa xe…miễn phí cho người đẹp, tiết kiệm giùm chồng con nàng, chứ anh có sơ múi được gì ngoài nụ cười và lời cám ơn rối rít của nàng trong vài phút giây phù du ngắn ngủi?
Công nhận phụ nữ đẹp “lợi hại” thật, anh từng tự hào mình là người đàn ông đứng đắn, chung tình với vợ mà đôi khi cũng bị những cơn gío phất phơ làm lung lay cành lá cây đại thụ.
Giờ đây anh đang moi tim, moi óc mà chưa tìm ra cách làm hòa với vợ cho vui nhà vui cửa, mặc dù anh đã thề thốt, hứa hẹn với vợ là không bao giờ bớt tiền sửa xe cho phụ nữ nữa, nhất là “con mẹ” kia, nhưng vợ anh vẫn chưa tha.
Đang mải suy nghĩ thì tiếng phone reo, thì ra là Hiếu thằng bạn thân từ hồi trung học và tiếp tục chơi thân với nhau khi gặp nhau bên Mỹ :
- Ê Bông, tuần sau tao về Việt Nam nè, mày về với tao một chuyến đi? Tháng này vé máy bay đang on sale rẻ bèo.
Anh Bông quên chuyện mình, ngạc nhiên hỏi:
- Gì mà về liên tục vậy, mới cách đây vài tháng mày đã về Việt Nam rồi mà?
- Ừa, bữa đó ba tao đau . Kỳ này má tao…đau.
- Trời, mày luôn có lý do để về thăm Việt Nam. Hết ba đau tới má đau…
Hiếu bổ sung thêm:
- Còn bà nội, bà ngoại tao nữa, cứ ai đau ốm là tao về thăm ngay, cho nên tao về Việt Nam thường xuyên như người ta đi buôn. Đến nỗi có lần tao về Việt Nam đợt một trở lại Mỹ và quay về Việt Nam đợt hai, tình cờ gặp một người quen, nó ngạc nhiên hỏi: “Ủa, tao đã gặp mày cách đây 2 tháng mà sao tới giờ này mày vẫn còn ở đây? chuyến này mày về Việt Nam ở lâu dữ vậy?”
Hiếu thích chí khoe:
- Nhà tao làm business thành công, đắt hàng, vợ luôn tham công tiếc việc đâu dám đóng cửa nghỉ đi chơi, nên bên Việt Nam có chuyện lớn nhỏ gì cũng cho tao về “đại diện”. Xong việc gia đình là tới việc của tao, về Việt Nam có các em trẻ măng tha hồ cho mình lựa chọn, có tiền, có đô la Mỹ trong tay mình là Thượng Đế mà. Các em hầu hạ, chiều chuộng dạ thưa ngọt ngào để…bù lỗ cho mụ vợ gìa, dịu dàng thì hiếm, cáu gắt mắng mỏ thì luôn hậu hĩnh đổ vào đầu mình suốt nhiều năm nay. Tội gì không về?
Anh Bông phản đối:
- Vợ mày khỏang 40 như vợ tao mà mày đã liệt kê vào tuổi gìa sớm thế?
Hiếu cãi:
- Tao hỏi mày 40 tuổi so với 18, đôi mươi thì không gìa chát gìa chúa à? Chưa kể là “hàng” cũ xài rồi…Mà tao rủ mày về Việt Nam là chọc mày cho vui thôi, chứ tao thừa biết.mày là thằng đàn ông yêu kính vợ. Tính nết mày từ thời học chung trung học, quen ai, yêu ai thì chỉ biết có người ấy. Không hiểu sao tao vẫn thân với mày dù chúng ta là hai con đường ngược chiều.
Anh Bông kể cho bạn:
- Không ai hiểu tao bằng mày. Tao đang bị vợ giận hờn đây, vẫn cái tính đỏng đảnh như hồi mới quen nhau, yêu nhau. Hôm qua tao chỉ bớt cho bà khách sửa xe chút tiền mà bị vợ giận cho tới hôm nay luôn.
- Nhưng vấn đề là bà khách này gìa hay trẻ? xấu hay đẹp?
- Vừa trẻ vừa đẹp thì tao mới cảm động và bớt ngay cho bà ta 100 đồng chứ. Thử một ông gìa hay bà già, có ngồi nịnh nọt và trả gía cả giờ đồng hồ chưa chắc tao bớt cho đồng nào.
- Tao biết ngay mà, vợ mày tiếc tiền thì ít nhưng nổi cơn ghen thì nhiều đấy, vì khách hàng là một thiếu phụ trẻ đẹp Thôi chào nhé, chiều nay đóng cửa tiệm sớm về nhà với vợ ngay để làm huề đi.
Anh Bông buông phone, thì vài phút sau tiếng phone lại reo, anh cầm phone lên và chán nản nói ngay:
- Tao vừa nói rồi mà, không bao giờ tao về Việt Nam một mình như mày đâu, đừng có nhiều lời rủ rê nữa cho mất công cả đôi bên..
Giọng lạnh lùng xoáy vào trong máy nghe:
- Tôi đây…
Anh Bông giật mình khi nhận ra tiếng nói của chị Bông:
- Ủa, em đó hả?
- Phải, tôi đây…
Anh Bông mừng vui nói một hơi dài:
- Em gọi là tha lỗi cho anh và hết giận anh rồi hả? Lòng anh luôn ngay thẳng em ơi, nãy có thằng bạn gọi phone rủ anh về Việt Nam chơi, anh từ chối ngay, khi phone em gọi lại anh tưởng nó nên khẳng định thêm một lần nữa, em nghe thấy chưa?.
Giọng chị Bông vẫn lạnh lùng:
- Nghe rồi, nhưng mặc kệ anh, tôi không thèm để ý đến chuyện đó…
- Trời ơi, em giận dai nhách như mấy cái rẻ rách lau dầu nhớt của shop anh vậy đó, chốc nữa về nhà thấy em giận anh buồn lắm. Vậy chứ em gọi anh có chuyện gì?
- Nghe đây nè, anh hãy nghe cho kỹ đây nè…
Anh Bông hồi hộp:
- Ừ, anh đang nghe đây, có chuyện gì xảy ra nữa mà em căng thẳng thế?
- Tôi muốn nhấn mạnh với anh rằng hôm nay là ngày lễ Valentine, ngày lễ Tình Yêu, anh đừng mua hoa tặng tôi nhé. Tôi không thèm nhận đâu. Nhất định tôi không thèm nhận đâu. Tôi cúp phone đây.
Nghe giọng nói anh tưởng tượng ra ngay cả điệu bộ của vợ đang ngoe nguẩy cúp phone. Anh Bông mừng húm vội hét lên như ngày xưa Archimede đang ngồi trong bồn tắm bỗng tìm ra sức đẩy của nước, của chất lỏng:
- Ôi, em ơi, anh hiểu ra rồi !
Nhưng chị Bông đã cúp phone nhanh hơn anh tưởng.
Thì ra hôm nay là ngày lễ Tình Yêu.
Anh Bông nhìn đồng hồ, đã hơn 2 giờ trưa, sự bận rộn cộng thêm sự giận hờn của vợ làm đầu óc anh rối ren và u mê đi, anh quên mất hôm nay là ngày Valentine, hàng năm cứ ngày này anh đã order hoa gởi về nhà cho vợ từ buổi sáng để chị đón hoa tươi của chồng và chưng bày trong nhà, rồi buổi chiều anh về sớm để cùng vợ con đi ăn tối.
Thì ra chị Bông đã “sốt ruột” nhắc nhở anh Bông khi qúa nửa trưa mà không nhận được hoa của anh gởi tặng, cái vẻ “lạnh lùng” nói chuyện lúc nãy mới đáng yêu làm sao. Chị đã tha “tội” cho chồng và “gợi ý”cho anh cơ hội làm hòa, đơn giản thế mà anh chẳng nghĩ ra.
Ngày xưa anh Bông yêu chị Bông cũng ở nét nũng nịu đáng yêu ấy, sống với nhau mười mấy năm mà cái duyên của chị vẫn còn, vẫn hấp dẫn anh .
Anh Bông nhẹ tênh cả lòng, bước ra khỏi văn phòng, xuống shop, nói với mấy anh thợ:
- Chiều nay chúng ta về sớm nhé…về mà mua hoa tặng vợ hay người yêu rồi còn hẹn hò nhau.
Một anh thợ trêu chọc:
- Và anh chủ cũng về nhà đưa chị chủ đi chơi ngày lễ tình yêu nữa đấy.
Anh Bông vui vẻ xác nhận:
- Đúng thế. Hoan hô tình yêu dù mới hay cũ. Hoan hô ngày lễ Tình Yêu.
Thay vì order bình hoa gởi về nhà vẫn kịp, anh Bông sẽ ra tiệm mua và tận tay mang về . một bó hoa với những loại hoa mà chị yêu thích để “tạ lỗi” vợ.
Anh Bông về nhà, vào tận phòng ngủ khi chị đang ngồi soi gương chải tóc, chắc là đang làm dáng, làm điệu để đón anh về, nhưng chị không ngờ anh về sớm đến thế. “Chính sách mỹ nhân kế” của vợ mỗi khi vợ chồng giận nhau anh đã quen thuộc và vẫn là kẻ bị ngất ngư, choáng váng….
Anh ngắm vợ, khen:
- Ngày lễ Tình Yêu có khác, trông em càng đẹp ra, càng tình thêm ra…
Anh đứng sát vào chị, lịch sự nhưng âu yếm chìa bó hoa ra:
- Cho anh lời xin lỗi và được tặng em bó hoa ngày lễ Tình Yêu này nhé em?
Tức thì chị vênh mặt về hướng khác, lạnh lùng:
- Đừng tặng hoa cho tôi, anh mang ra bếp mà cắm hoa cho nồi niêu, soong chảo nó ngắm.
- Em nỡ lòng nào để bó hoa yêu này vào bếp?
- Vậy thì anh mang hoa của anh vào phòng tắm cho xà bông, khăn mặt và khăn bông nó ngắm.
Anh Bông năn nỉ:
- Thôi, em đừng hành hạ bó hoa tình yêu của anh nữa, nhưng chính em đã ra “tín hiệu” cho anh, nhắc nhở anh mà…
Mặt chị vẫn vênh lên như miếng bánh tráng vừa nướng trên than hồng:
- Tôi gọi phone để nói cho anh biết là đừng tặng hoa cho tôi trong ngày lễ Tình Yêu này, tôi sẽ không thèm nhận đấy..Trăm ngàn lần không và triệu triệu lần cũng không. Thế thôi.
Anh Bông cương quyết:
- Trăm ngàn lần “có” và triệu triệu lần “có”. Anh tin thế, vì khi phụ nữ nói “không” là “có”, là em muốn nhắc anh mua hoa về tặng em, khi em chưa thấy hoa anh gởi đến như mọi năm. Em sợ trễ, em sợ anh quên luôn, em đã hết giận anh và em vẫn yêu anh…
Chị xích người ra xa khỏi anh và ngắt ngang:
- Này, anh ngừng đi nhé, anh đừng tưởng tượng qúa lời nhé. Tôi lập lại thêm một triệu lần nữa là “Đừng tặng hoa cho tôi”
Anh lại áp sát người vào vợ, đây cũng là một “chiến dịch lì lợm tấn công” làm lành của anh để đáp lại “chiến dịch mỹ nhân kế” của vợ.:
- Em vẫn như ngày xưa, bắt anh chơi trò đuổi bắt và đong đưa tình làm anh “mệt mỏi” và “tan nát” cả trái tim. Anh biết lỗi rồi, anh xin thề thêm một triệu lần nữa là không bao giờ để lòng “nghiêng ngả” vì lời tán dương của bất cứ bà khách hàng sửa xe nào mà bớt tiền cho chúng nó cả, dù chúng có đẹp đến nỗi làm chim sa cá lặn .
Chị Bông vùng vằng:
- Nói thì nhớ lời đấy. Thà bớt tiền sửa xe cho bà gìa hay các ông, các chú bác lớn tuổi thấy phước đức hơn…còn mấy mụ đàn bà trẻ đẹp anh cứ “chém” gía đắt vào, tội lỗi gì em chịu.
Anh biết là vợ giận nói thế thôi, chứ chém giá đắt qúa thì tiệm sẽ ế ẩm, lấy gì nuôi vợ nuôi con? Đúng là vợ anh đang ghen, thằng bạn chỉ nghe sơ câu chuyện mà đoán đúng tâm lý phụ nữ qúa trời, Anh Bông sung sướng hãnh diện cười thầm, nhưng vẫn ra vẻ “nhún nhường” cho vừa lòng “kênh kiệu” của vợ:
- Vậy em nhận hoa giùm anh, rồi chiều nay anh mời em và hai con một buổi ăn tối tưng bừng. Hai con đâu rồi hở em?
- Anh về sớm hơn mọi ngày nên chúng nó đi học chưa về…
- Chỉ có hai đứa mình ở nhà thôi, vậy em cho anh tặng em một nụ hôn thắm thiết nhất, tình tứ nhất ngay bây giờ nhé, như lần đầu tiên anh hôn em đó.
Chị Bông vừa đặt bó hoa xuống giường thì anh Bông đã ôm lấy chị bằng vòng tay rất chặt và anh hét to lên trong căn nhà vắng:
- Anh hạnh phúc qúa vợ yêu ơi…Cám ơn ngày lễ Tình Yêu, cám ơn em.
Chị nũng nịu dụi đầu vào ngực chồng:
- Người gì đâu mà lì ghê vậy đó, người ta đã nói “ Đừng tặng hoa cho tôi” mà sao anh cứ tặng chứ ?
Anh nheo nheo mắt trêu vợ:
- “Đừng tặng hoa cho tôi” nghe sao mà nũng nịu, êm ái, mời chào thế? Chẳng khác nào em đã nói “Hãy tặng hoa cho em” đi.
Chị mỉm cười, đôi má hơi ửng hồng không biết vì mắc cở hay vì đã có chút phấn hồng?
Chị vén lại mái tóc vừa rối lên trong tay chồng và ôm bó hoa ra ngoài để trang trí nơi chiếc bàn phòng khách như mỗi mùa Valentine chị đã từng làm.
Bó hoa của ngày lễ tình yêu, của người chồng sống với chị bằng tình yêu từ ngày cưới nhau đến giờ, mỗi năm mỗi thêm đậm đà, thêm gắn bó cả tình lẫn nghĩa.
Bó hoa như nhắc nhở cho gia đình chị là tình yêu đẹp khi ta biết tôn trọng và yêu thương lẫn nhau, nên bao giờ chị cũng thấy bó hoa của anh mua tặng chị là bó hoa xinh đẹp nhất trong ngày lễ Tình Yêu, và chị không thể nào thiếu nó được.
Nguyễn Thị Thanh Dương.
( Valentine Day. Feb. 14- 2012)

BA GIANG HỒ

BA “GIANG HỒ”
Tôi đến phi trường với tấm lòng chĩu nặng lo buồn, mặc dù đã biết trước những điều này sẽ đến. Ba tôi bị ung thư gan, khi phát hiện ra thì căn bệnh phát triển theo chiều hướng xấu rất mau lẹ, mỗi ngày gia đình nhận thêm vài thông tin buồn từ các bác sĩ, không còn hi vọng gì…
Tôi dự tính cuối tuần này sẽ mua vé máy bay về thăm ba nhưng dường như không kịp nữa, tôi nhận được điện thoại của má báo và phải về gấp rút ngay hôm nay để gặp mặt ba lần cuối.
Ba đang chờ đợi tôi, đứa con gái lớn nhất của ba và gần gũi với ba trong những tháng năm dài cơ khổ.
Ngồi vào máy bay tôi chỉ biết cầu mong cho chuyến bay vượt không gian mấy tiếng đồng hồ sẽ trôi qua thật mau để đưa tôi về bên ba.

**************
Ngày xưa, khi tôi còn là một con bé, tôi thân thiết với cha lắm, vì tôi là đứa con duy nhất. Má sanh tôi ra vài năm sau thì ốm yếu, đau bệnh gì đó không thể mang thai sinh đẻ được nữa. Má buồn rầu lắm vì e ngại không có con trai cho ba nối dõi tông đường
Ba nhiều lần nói cho má vui lòng:
- Con nhỏ này là con cầu tự của tôi mà, mình đừng lo chi cho mệt, sau này con nó đẻ ra sẽ là cháu đích tôn của mình, cháu nội, cháu ngoại cũng là ruột gìa máu mủ của mình chứ ai.
Nghiễm nhiên ba coi tôi như một thằng con trai, đi đâu ba cũng dắt tôi theo, như mỗi sáng ra tiệm cà phê của chú Lù ở đầu hẻm, ba ngồi nhâm nhi tách cà phê đen ngòm và hút thuốc, còn tôi ung dung điểm tâm với chiếc bánh bao nhân thịt nóng hổi. Khi ra về ba lại mua thêm chiếc bánh bao nóng hổi khác cho má ở nhà.
Ba làm thợ xây cho mấy ông cai thầu, lương ba cọc ba đồng mà thỉnh thoảng vẫn phải đi xa khỏi thành phố vì nhu cầu của công việc, còn má ở nhà quán xuyến một cửa hàng tạp hóa đông khách, háng bán đủ thứ, lại còn thêm vài món má tự làm như muối dưa chua, cà pháo, chưng nước màu dừa, làm mắm, nên cửa hàng tạp hóa kiêm luôn vài món thức ăn bình dân cho các gia đình trong xóm.
Má tôi chết vì bệnh ung thư cổ tử cung, năm ấy tôi mới 8 tuổi.
Thế là hai cha con tôi sống thui thủi trong căn nhà đã vắng đi hình bóng người đàn bà, dù chỉ là một người đàn bà đau yếu thường xuyên nhưng cũng có hơi ấm một mái gia đình, có khói bếp, có tiếng nói cười….
Buồn chán vì mất đi người vợ hiền đảm đang và vì thương tôi bé bỏng không ai chăm sóc, ba tôi đã từ chối những lần phải đi xây cất xa nhà, nên lợi tức càng ngày càng kém. Ba như chiếc kiềng ba chân bỗng bị gãy đi một chân, chông chênh muốn đổ.
Ba sinh ra cờ bạc và nhậu nhẹt, số tiền dành dụm ít ỏi của gia đình dần dần biến mất. Hai cha con tôi là một trong những nhà nghèo mạt rệp trong khu xóm.
Ba thường khoác vào người chiếc áo sơ mi ca rô, chiếc quần jean cũ mèm, để tếch ra ngoài đường, đến một đám nhậu hay một sòng bài con nào đó. Trong xóm này có mấy sòng tôi đều thuộc hết, mỗi lần tìm ba tôi cứ đi vòng vòng là sẽ thấy ba. Khi vừa thấy tôi thò mặt vào, các tay bài bạn ba ai cũng biết mặt biết tên tôi, đã kêu lên trêu chọc:
- Ê, kiếm ba về cho má…nhỏ hả?
Tức thì tôi không hài lòng đáp:
- Dạ, đâu có má nhỏ nào, con kêu ba về đi ngủ mai còn đi làm. Khuya qúa rồi.
Một người khác:
- Ba Giang mày là ba Giang…hồ, khỏi cần kiếm con ơi, khi nào chán thì ba sẽ về…
Thật ra ba tôi tên là Giang, nhưng trong đám bạn bè bài bạc, ăn nhậu của ba đã gọi ba là “Giang Hồ”, vì cả ngày lẫn đêm ba đều lang bang ở ngoài đường hơn là ở nhà. Riết rồi lối xóm cũng cứ thế mà gọi tên ba.
Dù ham mê bài bạc nhưng ba cũng lịch sự với con, ba hay nháy mắt âu yếm năn nỉ tôi:
- Con gái, chờ ba chơi hết ván này nghe?
Tôi sà xuống chiếu bạc, ngồi cạnh ba nhìn vào từng lá bài của ba dù tôi không hiểu gì, nhưng trong bụng cứ thầm cầu mong những lá bài này sẽ làm cho ba thắng nhiều tiền.
Khi hai cha con ra khỏi sòng bài, đêm đã khuya, con đường hẻm về nhà có một hàng bán khô nướng về đêm, là một bàn thấp kê dưới một cột điện sáng choang, chị bán hàng thỉnh thoảng quạt bếp cho than hồng lên mỗi khi cần nướng khô cho khách, và mùi khô nướng thơm ngát mũi, ai đi qua mà không thèm thuồng chỉ muốn dừng chân.
Ba biết tôi thích ăn mấy món khô nướng, nên dù khuya cỡ nào, dù tiền trong túi còn hay hết ba cũng dắt tôi tấp vào hàng.
Hai cha con ngồi xuống chiếc ghế thấp quanh bàn, ba kêu cho ba một ly rượu đế Gò Đen nhỏ và một miếng mực nướng, còn tôi, lúc nào cũng tham lam và hoa mắt trước những món khô đủ loại bày trên bàn, vì món nào tôi cũng muốn ăn, cả trái trứng vịt lộn nóng hổi, rắc muối tiêu ăn với rau răm. Tôi muốn ăn…tất cả.
Hôm nào biết ba ăn bài, tôi làm sang ăn trứng vịt lộn và thêm miếng khô mực nướng thơm phức chấm tương đen tương đỏ cho thật nhiều ớt cay, vừa ăn vừa hít hà sung sướng.
Hôm nào thấy ba thua bài sạch túi, tôi không nỡ ăn sang sợ tốn tiền ba, chỉ kêu một miếng khô cá đuối rẻ tiền mà …to, cái búa của chị hàng khô gĩa lên miếng cá đuối nướng tưng tưng lên vì thịt cá đuối khô và dai, nhưng giã xong thịt nó tơi bông ra nhai trong miệng rất đậm đà, cũng chấm tương đen tương đỏ, cũng ngon lành.
Khi ấy ba sẽ kêu chủ hàng ghi sổ, bữa khác trả…
Ăn xong, cha có chút mùi rượu, con có vị tương cay trên đôi môi còn thèm thuồng, ba dắt tay tôi, trong ánh đèn điện soi sáng một khỏang đường, bóng hai cha con liêu xiêu về trong đêm vắng.
Những ngày cuối tuần ba cũng không ở nhà, ba đi cả ban ngày luôn. Xóm tôi ở đi ra đầu đường là băng qua một con đường nhựa, bên kia đường là một nghĩa trang lớn, sau nghĩa trang đó là một khu làng xóm khác, nhà quê hơn bên xóm tôi, dù chẳng cách nhau bao xa.
Người ta vẫn gọi bên ấy là xóm Mô.
Xóm Mô nằm sát phía sau của phi trường Tân Sơn Nhất, chỉ cách nhau mấy lượt hàng rào kẽm gai và những buị cây cỏ rậm rạp hoang sơ. Dân xóm Mô làm nghề vườn, trồng rau và chăn nuôi. Còn bên xóm tôi là khu bình dân lao động, cả hai xóm có điểm giống nhau là nhiều nhà nghèo.
Ba tôi hay qua đó để chơi thảy “bun”, vì xóm Mô có nhiều con đường làng rộng rãi bằng đất có nhiều cát rất thích hợp cho trò chơi này. Những trái “bun” đều bằng sắt, nặng nề, trước hết họ thảy một cục “bun” nhỏ như trái banh tennis ra thật xa về phía trước để làm chuẩn, sau đó mỗi người lần lượt thay phiên nhau thảy từng trái “bun” lớn hơn, bằng cỡ trái cam, đến càng gần trái “bun” chuẩn càng có điểm. Ai thảy trái “bun” lớn xa hơn thì thua điểm. Họ có thể thảy “bun” tống khứ trái “bun” của người khác để giành vị trí gần tiêu điểm hơn, nên cuộc chơi càng lúc càng gay cấn, ác liệt.
Ba rất mê thích trò chơi này. Và tôi không bao giờ bỏ lỡ dịp theo ba sang xóm Mô, từ ngoài nghĩa địa tôi đi vào xóm bằng con đường đất, là tới một khu đất trống, dọc theo là mấy lũy tre xanh, có con trâu cột bên bụi tre đang thảnh thơi nhai rơm hay trâu đang nằm nghỉ ngơi hóng mát.
Tôi thích nghịch ngợm, lượm mấy lá tre khô thảy cho trâu xem nó có …ngu không, có ăn lá tre khô thay rơm khô không?, hay tôi chơi với lũ trẻ xóm Mô, chơi chạy đuổi bắt, chơi lò cò, chơi tạt lon.v..v.. chán chê tôi chạy lại chỗ chơi “bun” của ba, tôi đứng chen chân với đám đông để xem cuộc thảy “bun” bất phân thắng bại khi hai người thảy hai cục “bun” gần cục “bun” nhỏ, khỏang cách tương đương nhau, mắt nhìn khó đoán được. Tôi đã tà lanh chạy đi nhặt mấy cọng rơm khô vất vưởng trên đường, cạnh mấy con trâu, đưa cho ba để đo cho chính xác
Nếu ba thua, tôi đợi cho ba chơi thêm ván sau, và đứng tại chỗ theo dõi, hồi hộp cầu mong cho ba thắng.
Ngày nào từ xóm Mô về chân tay, quần áo tôi cũng dính đầy cát bụi, tôi thường lười không tắm, buổi tối chỉ phủi phủi hai chân vào nhau, coi như sạch sẽ, lên giường ngủ ngon lành.
Ba tôi càng ngày càng ăn chơi đủ thứ, mỗi khi bên xóm Mô không có đám chơi “bun” thì ba nhảy qua đám đá gà. Ba chơi thứ gì tôi rành về thứ đó ngay.
Hai cha con như thày và trò trên con đường đời, trên con đường ăn chơi chưa hề rời nhau..
Nhưng cũng có hôm ba không có nơi chốn nào để đi, ba nằm chèo queo ở nhà, là lúc cha con tâm tình:
- Con ơi, ráng học cho chăm cho giỏi, có chữ nghĩa lớn lên không khổ như ba.
Tôi học dốt lại lười, với lại chiều tối về nhà không có ba tôi cô độc, tủi thân, chỉ học bài qua loa lấy lệ là gấp tập vở lại chạy đi tìm ba.
Đi học với tôi là một cực hình, tôi thường lấy cớ đau bụng, nhức đầu để nghỉ học. Ba buồn tôi về chuyện này lắm, nhưng thương con, chiều con qúa ba đành chịu thua và làm ngơ. Tôi học dốt bị ở lại lớp, tôi mắc cở đòi nghỉ học luôn nhưng ba không cho nên tôi đi học cho có lệ, thường đứng chót bảng trong lớp.
Tôi nũng nịu lắc đầu:
- Khỏi cần, con nghèo như ba cũng được, miễn là ba đâu con theo đó nè…con thích theo ba vô bàn nhậu, ăn ké mồi của ba, theo ba vô sòng bài hốt tiền giùm khi ba thắng, rồi hai cha con mình đi ăn tiệm vui thấy mồ luôn.
- Những hôm ba thua hay không tiền thì buồn lắm con à…Con từng ăn mì gói, hay khoai lang trừ cơm mà không ớn sao?
Tôi bắt chước một câu nói đã thuộc lòng từ mấy ông bợm nhậu của ba đã từng nói:
- “Kệ bà nó, cuộc đời lên voi xuống chó” mà ba.
Trong đầu óc non nớt ngây thơ của tôi, tôi thấy thế là đủ hạnh phúc rồi
Ở xóm, đứa trẻ nào mà cãi nhau hay đánh nhau với tôi là coi như…tới số, vì ba luôn bênh vực tôi bất kể phải trái. Ba tới nhà đối phương của tôi hung hăng làm dữ, nhất là khi uống rượu vào thì ba càng nóng máu hơn.
Thằng Minh lé đánh tôi sưng u một cục trên trán, má nó đã biết điều dẫn nó sang tận nhà tôi hết lời xin lỗi cha con tôi, dù thực ra tôi cũng chẳng vừa, cũng túm áo đánh lại thằng Minh và chửi xa xả cả cha mẹ ông bà nhà nó.
Khi má thằng Minh dắt con ra về khỏi cửa nhà tôi, tôi đắc thắng vênh mặt đi theo ra tới cửa và nghe thấy má nó cằn nhằn con:
- Lần sau mày chừa đụng tới con nhà Giang Hồ này, nghe chưa? Con chả như vàng như ngọc, đụng tới nó là không yên đâu.
Tôi đã khoái chí vì thấy người ta “kính sợ” ba tôi như vậy đó, tôi được ba thương yêu, che chở vì như má thằng Minh đã nói tôi là vàng ngọc của ba tôi.
Xóm tôi có cô thợ may, chưa bao giờ lấy chồng, chẳng hiểu sao cô thương tôi qúa chừng, thỉnh thoảng cô Hoa vẫy tôi lại cho gói bánh hay bịch chè, chắc là cô mua sẵn chỉ đợi tôi đi qua là cho. Nhưng một hôm cô không đưa tôi món đồ ăn như thường lệ, mà một gói to hơn, cô dặn dò:
- Con mang bộ quần áo này về cho ba Giang nghe..
Chỉ có cô Hoa là trân trọng gọi ba tôi là Giang, không là “Giang Hồ” như những người khác. Tôi ngạc nhiên:
- Ủa, ba con đặt may quần áo tiệm cô hả?
Cô Hoa bối rối:
- Con cứ mang về là ba hiểu mà..
Tôi thắc mắc:
- Nhưng sao chỉ có quần áo cho ba còn của con không có?
Cô Hoa hứa hẹn:
- Bảo đảm mấy ngày nữa con cũng sẽ có một bộ đồ đẹp. Chịu chưa?
Tôi vui thích ôm gói quần áo chạy như bay về nhà khoe ba. Nét mặt ba vui vui, tôi nghĩ là ba đã ưng ý bộ đồ này.
Rồi tôi cũng có bộ quần áo như cô Hoa đã hứa, cô Hoa hay sang nhà tôi chơi, ba cũng hay sang nhà cô Hoa. Từ ngày đó ba ít đi hoang hơn, chăm chỉ đi làm và ở nhà.
Một buổi chập tối ba dẫn tôi sang nhà cô Hoa, dường như hai người đã hẹn nhau trước, cô Hoa đóng cửa tiệm may sớm, đón cha con tôi vào nhà. Cô Hoa trịnh trọng rót nước trà và lấy bánh ngọt ra:
- Mời anh Giang ăn bánh, uống trà.…
Quay sang tôi, cô Hoa trìu mến:
- Con ăn bánh ngọt đi, có nước ngọt cho con nè…
Ba tôi vào đề ngay:
- Cô Hoa à, tôi muốn bàn với cô một chuyện quan trọng, nếu cô thương yêu tôi thì thương yêu luôn con gái tôi được không? Có như vậy tôi mới vui vẻ mà kết duyên cùng cô, còn không thì thà tôi ở gía. ..
Cô Hoa cảm động và mau mắn đáp:
- Anh Giang, em thương anh và thương con anh như con em mà. Tội nghiệp con nhỏ mồ côi mẹ từ nhỏ, ai nỡ lòng nào ghét bỏ …
Thế là sau đó ba và cô Hoa chính thức về ở với nhau sau một đám cưới nhỏ mời họ hàng và những người hàng xóm. Năm ấy tôi 12 tuổi.
Có cô Hoa như có phép nhiệm màu, ba đã dần dần bỏ nhậu nhẹt, bài bạc và đi làm thợ xây cất rất đều đặn, kể cả phải đi xa nhà năm bảy bữa hay một tháng. Ba yên chí vì ở nhà đã có cô Hoa lo cho tôi.
Qủa tình cô Hoa rất thương yêu tôi, dù có mặt ba ở nhà hay dù ba đi làm xa, thì lúc nào cô Hoa cũng đối xử như nhau. Cô gọi tôi là “con” và xưng “má”, dần dần tôi cũng gọi cô Hoa là “má” một cách tự nhiên từ đáy lòng.
Hai đứa em trai cùng cha khác mẹ của tôi lần lượt ra đời.
Biến cố 1975, gia đình tôi may mắn xuống tàu trong dòng người di tản và được định cư ở Mỹ.
Ba má tôi xin đi làm hãng xưởng ngay để nuôi ba chị em chúng tôi, tôi tuy là con lớn nhất nhà nhưng tuổi đời 16, học tiếp thì không có khả năng, đi làm thì chưa đủ tuổi. Ba má cho tôi đi học tiếng Anh còn hơn ngồi không ở nhà.
Hai đứa em cùng cha khác mẹ của tôi đã lớn lên ở Mỹ và ăn học nên người, cả hai đều tốt nghiệp đại học làm kỹ sư và vợ con yên ổn. Tôi cũng lập gia đình.
Ba đứa con như ba cánh chim đã tung cánh rời tổ ấm của cha mẹ, lập tổ ấm của riêng mình. Chúng tôi mỗi người ở một nơi nhưng sự liên hệ với ba má, với chị em vẫn gắn bó với nhau..
******************
Tôi tất tả đi vào bệnh viện, hai em trai tôi cũng đã về, cả nhà thay phiên nhau luôn ở bên ba. Ba đã dặn dò nhắn nhủ vợ con xong, chỉ còn mình tôi.
Tôi nhào tới ôm lấy tấm thân gày guộc của ba nghẹn ngào:
- Ba ơi, con đây…
Ba hé mắt cố nhìn thấy mặt của tôi và yếu ớt đáp lại:
- Giờ phút này…có đông đủ vợ con…ba mãn nguyện lắm rồi, riêng với con, ba chỉ muốn nói lời cuối cùng là ba xin lỗi con thời thơ ấu cực khổ…con có giận hờn gì ba không?
- Sao ba lại nói thế? Con luôn hạnh phúc sung sướng khi được ở bên ba mà.
- Nhưng con thiệt thòi…thời đó ba hư quá, chỉ biết ăn chơi mà không lo được gì cho con…chuyện học hành không đến nơi đến chốn…tha lỗi cho ba…
Tôi khóc nức nở lên:
- Không bao giờ ba có lỗi với con hết. Quãng đời thơ ấu ấy con thương nhớ mãi cho tới bây giờ…
Đôi môi khô héo của Ba cố mỉm cười, ba không còn sức để nói thêm gì nữa. Ba tôi thiêm thiếp đi vào hôn mê.
Buổi tối ba tôi đã vĩnh viễn ra đi trước sự chứng kiến của những người thân vây quanh. Má Hoa là người đầu tiên vuốt mắt cho ba, người đàn ông, người chồng mà má đã hết lòng yêu thương.
Khi đến phiên tôi vuốt mắt cho ba, nhìn khuôn mặt ba thanh thản, tôi tin là ba đã vui lòng, vì ba biết chắc rằng vợ con đã yêu thương ba, kể cả tôi, đứa con gái gần gũi với ba qua đoạn đường ấu thơ nghèo khó nhất.
Ba Giang, ba Giang Hồ của tôi vẫn là cái tên đẹp mà tôi yêu qúy mãi.
Nguyễn Thị Thanh Dương

CHÀNG TRAI NĂM XƯA

CHÀNG TRAI NĂM XƯA.
Bà Xuân đang dọn cơm ra bàn, ông ngồi chờ sẵn và hỏi lại bà:
- Ăn cơm xong bà có đi với tôi ra “Đài chiến sĩ” tham dự buổi “mít tinh” kỷ niệm 30 tháng Tư không?
Bà dửng dưng lắc đầu:
- Coi như ông đi “đại diện” là đủ rồi. Ngồi chung xe với ông từ nhà mình tới đấy mất chừng 10 phút nhưng sẽ là 10 phút căng thẳng vì thể nào cũng…cãi nhau.
Ông nhìn bà phân bua:
- Nếu mà bà ngoan ngoãn ngồi yên như người ta thì làm gì có chuyện? tôi chạy chậm bà chê lù đù, tôi chạy nhanh bà bảo gìa rồi còn bạt mạng, xe chưa tới bảng stop bà đã bắt tôi chuẩn bị ngừng từ xa, tôi nhường cho người ta thì bà bảo tôi lép vế khép nép, tôi không nhường thì bà chê bất lịch sự, đi đâu mà hấp tấp, vội vàng …ngồi lái xe mà bà cứ khủng bố tinh thần tôi từng giây từng phút như thế, nếu tôi không vững vàng tinh thần thì lạc tay lái từ lúc nào rồi. Nhưng hôm nay tôi vẫn hân hạnh mời bà đi cùng mà…
Bà bĩu môi:
- Gớm, ông phân bua mà dài dòng như đọc điếu văn. Cám ơn lời mời nhé, để tôi ở nhà nằm võng đu đưa vừa coi ti vi vừa ngủ còn sướng hơn.
Hôm nay bà Xuân cho ăn món rau muống luộc dầm qủa cà chua chín với vài tép tỏi và thịt thăn kho tiêu, y như món bà đẻ vẫn ăn ngày xưa, bây giờ là món của hai vợ chồng gìa kiêng khem chất béo mỡ màng để bảo vệ sức khỏe vì cả hai ông bà đều cao máu, cao mỡ.
Bà chăm chăm nhìn ông ăn và nói như ra lệnh:
- Ông chan nước rau muống luộc vào cơm, rồi chấm rau vào nước mắm mà ăn chung thì mới ngon.
Ông vênh mặt phản đối:
- Đến ăn uống bà cũng chỉ huy tôi? Tôi có là tù nhân của bà đâu? gần 10 năm trời tù tội cộng sản đủ khổ cuộc đời tôi rồi nhé. Tôi cứ thích húp nước rau riêng, xong ăn rau muống riêng đấy. Việc gì đến bà !!
Bà cũng vênh mặt như ông:
- Ông thật là bướng bỉnh, thế món cà ri chấm bánh mì, ông thử chấm bánh đa có được không hả?
Ông dứt khóat:
- Nhưng không có quy luật nào bắt người ta phải ăn rau muống luộc kiểu của bà cả, tôi ăn kiểu của tôi và thấy ngon là đủ rồi.
Bà xụ mặt ra không thèm nói và nhìn ông nữa.
Ăn cơm xong ông Xuân lấy thuốc ra uống, có loại thuốc phải uống mỗi ngày cho đến hết cuộc đời. Coi như thuốc men song hành cùng với thực phẩm nuôi nấng tấm thân gìa.
Ông thay quần áo và mũ nón đi ra cửa thì bà gọi giật lại:
- Khoan đã…đợi tôi một chút…
Ông Xuân mỉm cười hài lòng:
- Cuối cùng thì bà cũng chịu đi với tôi dự cuộc họp kỷ niệm lớn lao này chứ gì?
- Không !!
- Hay là bà bắt tôi ở nhà coi ti vi với bà cho vui?
- Không !!
Bà đưa cho ông mẩu giấy vừa ghi vội:
- Một công đôi ba chuyện, đằng nào cũng một lần lái xe đi, một lần tốn xăng, chỗ mít tinh “Đài chiến sĩ” gần chợ Hồng Kông 4, hội họp xong ông ghé vào chợ mua cho tôi những thứ này, biết ông lẩm cẩm quên trước quên sau tôi đã ghi ra giấy đây, nhớ đừng có lú lẩn mà làm rơi tờ giấy nhé?
- Hừm, tôi chưa đến nỗi lú lẩn đâu. Dù say sưa hội họp, dù chen chân giữa đám đông người, tôi vẫn sẽ giữ kỹ mẩu giấy này còn hơn giữ tờ gia phả dòng họ nhà tôi để hoàn thành nhiệm vụ bà giao phó cho nhà cửa êm thắm.
Rồi ông mỉa mai:
- Thì ra bà kết hợp để sai tôi đi chợ cho bà luôn thể đấy. Bà thật là khôn ngoan tính toán..
Ông bước ra cửa còn ngoảnh lại cố nói thêm một câu:
- Thế sao ngày xưa bà lại học dốt môn toán hả? Tôi dạy kèm cho bà mà đôi lúc bực cả mình vì cô học trò vừa dốt vừa lười…
Bà điên tiết nhào ra cửa:
- Này ông có giỏi thì đứng lại. Ngày xưa….
Nhưng ông đã nhanh chân đi khuất rồi. Bà Xuân quay vào nhà, nằm ra võng mà bực mình, chẳng buồn mở ti vi ra xem. Hai vợ chồng bà càng gìa càng xung khắc, hay cãi nhau chẳng ai chịu nhường nhịn ai.
Bà bỗng nhớ lại chuyện ngày xưa mà ông vừa khơi ra nửa vời…
Ngày xưa bà Xuân là cô thiếu nữ tên Nguyễn Thị Hoa, tiểu thư con nhà giàu, trong một gia đình đông anh chị em. Bố cô Hoa là một công chức hiền lành nho nhã, trong khi mẹ cô Hoa đảm đang tháo vát như đàn ông, một tay bà kinh doanh làm nên nhà cao cửa rộng, nuôi đàn con đông.
Bà xông pha kinh doanh đủ mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực bà hoàn toàn xa lạ, nhưng cứ thấy lợi là bà không từ. Bà đã mua lại một cửa hàng sửa xe gắn máy ở đường Hồng Thập Tự, dù các con trai không đứa nào theo nghề sửa xe. Thợ chánh thợ phụ đều phải thuê mướn hết.
Đó là một tiệm sửa xe gắn máy đặc biệt vì chủ nhân trông coi tiệm là phụ nữ, là mẹ cô Hoa, bà “bổ nhiệm” cô con gái xinh đẹp Nguyễn Thị Hoa lúc ấy đang là nữ sinh trung học ra quản lý cửa tiệm những khi thời gian rảnh rỗi để phụ với bà.
Không ngờ nhờ thế mà cửa tiệm đắt hàng, anh nào đến sửa xe một lần thì thế nào cũng có lần sau dù có khi xe anh không mấy hư hỏng, dĩ nhiên các anh khách hàng này chỉ căn ngày nào có cô chủ ngồi trong quầy, nếu lướt ngang cửa tiệm thấy bóng dáng to đồ sộ của mẹ cô chủ là họ biết hôm ấy cô chủ không có mặt.
Tội nghiệp mấy anh khách hàng si tình, nào biết cô Hoa đã có người yêu, là anh chàng Xuân, sinh viên kiêm thày giáo dạy kèm môn toán tư gia cho cô.
Anh Xuân đẹp trai học giỏi chỉ mỗi tội con nhà nghèo. Anh sinh viên bỏ dở chuyện học hành để lên đường nhập ngũ ở Thủ Đức.
Mãn khóa anh Xuân về sư đoàn 21 ở Chương Thiện, đời lính trôi nổi hết Chương Thiện đến Bạc Liêu, rồi rừng U Minh…nơi nào cũng là vùng lửa đạn sinh tử. Những lá thư tình đầy ắp thương yêu của cô Hoa theo anh Xuân đi khắp mọi nơi, cô vừa lãng mạn vừa chung tình, hứa sẽ yêu anh, lấy anh dù trong hoàn cảnh nào.
Có mấy đám mai mối hỏi cưới cô Hoa, cha mẹ cô rất ưng ý vì chàng trai kia đều thành đạt, con nhà khá gỉa, tương xứng với gia đình cô, nhưng cô Hoa vẫn cương quyết từ chối.
Khi biết cô Hoa yêu anh Xuân, chàng sinh viên nghèo dạy kèm cho cô Hoa ngày nào, bây giờ lại đời lính chiến nay sống mai chết, mẹ cô nổi giận ngăn cản, bà đã khẳng định: “Thằng Xuân hội đủ những điều kiện để mẹ …không bao giờ gả con gái cho nó, con đừng có mơ”.
Thế mà những lá thư tình vẫn không hề thiếu, không hề vơi đi, vẫn từ tay cô Hoa bay đến chiến trường với anh Xuân, dù anh Xuân đã nhiều lần tự ái khuyên cô Hoa nên vâng lời cha mẹ lấy chồng ở thành phố cho cuộc sống ấm êm, và vì chính anh cũng cảm thấy thương cho Hoa quá, lấy chồng lính chiến là phiêu lưu, bấp bênh biết bao.
Mỗi lần anh Xuân về phép Sài Gòn, anh đi lướt qua cửa tiệm sửa xe gắn máy ở đường Hồng Thập Tự cho cô Hoa trông thấy là cô Hoa đã nhanh chóng cho nhân viên đóng cửa tiệm nghỉ sớm để hẹn hò với người yêu.
Anh Xuân không dám đến nhà cô Hoa đã đành, mà anh cũng không dám vào tiệm sửa xe, vì ngại những tay thợ trông thấy sẽ mách với bà chủ.
Một lần vào lúc 3 giờ chiều, cô Hoa vừa ra lệnh đóng cửa tiệm thì anh thợ chính băn khoăn nói:
- Cô chủ ơi, chúng ta có cái hẹn 5 giờ chiều nay giao xe gấp cho người ta rồi. Anh không quân đẹp trai hay sửa xe tiệm mình đó..
- À, anh có cái xe Vespa mang tới tiệm mình sửa gần chục lần rồi chứ gì? Tiệm mình kiếm bộn tiền sửa xe của anh ta rồi chứ gì?. Không sao đâu, chiều nay không có thì chiều mai anh ta sẽ đến lấy xe.
Anh thợ gãi đầu gãi tai:
- Nhưng cô ơi, chiều mai là ngày bà chủ trông cửa tiệm.
- Tôi hiểu rồi, đừng lo, bảo đảm với anh là chiều mốt có mặt tôi ở đây anh không quân sẽ đến lấy xe và không dám kêu ca phàn nàn gì đâu. Anh cứ đóng cửa tiệm về sớm mà đi chơi hay đi nhậu đi, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm với mẹ tôi và với anh khách hàng chủ nhân chiếc xe Vespa ấy.
Thế là cô Hoa ra phố gặp anh Xuân, cô sung sướng hãnh diện đi bên anh lính chiến vào quán kem, vào rạp xi nê để tha hồ tâm sự nhớ thương.
Mối tình em hậu phương anh tiền tuyến kéo dài cho tới khi anh Xuân đổi về Hậu Nghĩa làm đại đội trưởng sư đoàn 25 bộ binh.
Hậu Nghĩa, Củ Chi cách Sài Gòn không xa nên thỉnh thoảng cô Hoa lên thăm người yêu, nhiều lần hơn anh về phép thăm cô…
Hai người gắn bó keo sơn qúa cuối cùng cha mẹ cô Hoa đành chịu thua, đồng ý cho hai người thành hôn, chính thức nên duyên chồng vợ. Họ đã có một thời tuổi trẻ là tình nhân, là vợ chồng tha thiết và đầm ấm…
Cô Hoa năm xưa đang ngủ thiếp trong võng thì choàng tỉnh dậy khi ông Xuân về tới nhà, lên tiếng:
- Bà ơi…
Bà mở choàng mắt ra và bàng hoàng buột miệng::
- Anh Xuân !
Ông Xuân ngạc nhiên đặt ngay những túi xách vừa mua ở chợ về và dồn dập hỏi:
- Bà vừa nói gì thế? Hình như bà gọi tôi là “Anh Xuân”?
Bà Xuân hơi bẻn lẻn:
- Chắc tại tôi nằm mơ…
- Ôi, dù chỉ là giấc mơ cũng được, hôm nay nghe bà gọi âu yếm hai chữ “Anh Xuân” tôi sung sướng bồi hồi như thấy cô Hoa bé bỏng, dịu dàng của mấy chục năm về trước, chứ không phải là bà Xuân vừa gìa vừa đanh đá bây giờ….
Bà Xuân ngượng ngùng:
- Vậy hả ông. Nãy vô tình ông nhắc đến ngày xưa nên tôi vừa sống lại một thời qúa khứ, ngày xưa khi tôi và ông mới quen nhau, yêu nhau rồi lấy nhau.
- Ngày xưa bao giờ cũng đẹp, nên chuyện cổ tích nào cũng bắt đầu bằng hai chữ “Ngày xưa”. Cứ thế bà nhé, con cái ở xa chỉ có hai vợ chồng gìa, thỉnh thoảng cũng cần cho nhau những lời âu yếm yêu thương như thời trẻ chứ. Bà đừng có lắm lời, khó tính khó nết với tôi nữa nhé..
- Cả ông nữa, cũng lắm lời đâu kém gì tôi, lại còn bướng bỉnh trái ý tôi nữa chứ.
Ông Xuân cười gật gù:
- Chắc tại tuổi tác làm cho con người thay đổi tính nết thôi, tôi và bà cố gắng đối xử với nhau như lúc trước, được tí nào hay tí ấy…
Rồi ông chỉ vào những bịch chợ:
- Tôi mua đủ những món bà ghi trong giấy rồi. Ngoài ra tôi còn mua cả món bà không dặn là mấy hộp Blueberry mà bà yêu thích vì nó giống như quả sim tím thường làm bà chạnh lòng nhớ đến bài hát “Những đồi hoa Sim” đấy.. Hàng mới bày ra, tươi ngon lắm nên tôi phải mua ngay.
Bả cảm động:
- Thế hả? cám ơn ông đã để ý đến cả sở thích của tôi.
- Thì tôi đáp lại tấm lòng bà thỉnh thoảng làm món gà luộc chấm muối tiêu chanh sở thích của tôi, dù tay bà đã yếu chặt con gà luộc cũng là vất vả.
Bà trìu mến hỏi:
- Thế cuộc họp ở Đài chiến sĩ đông vui không hở ông?
Ông Xuân hào hứng:
- Dĩ nhiên là đông người chứ, giây phút chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, nhìn những người lính mặc quân phục xưa tôi lại bồi hồi nhớ thời mình trai trẻ đã chiến đấu dưới màu cờ thân yêu ấy.
Bà Xuân cũng hào hứng theo:
- Lần sau trở đi dù bất cứ hội họp gì của cộng đồng Việt Nam, của lính tráng, tôi sẽ đi với ông.
Ông Xuân vui mừng:
- Dù chuyện lớn chuyện nhỏ, đồng vợ đồng chồng mới vui bà ạ. Tôi cám ơn bà…
Bà Xuân lôi những món đồ ra xếp vào tủ lạnh, ông chồng gìa dưới mắt bà lù khù và bướng bỉnh vẫn còn nhiệt huyết với quê hương, với đồng đội chẳng khác gì anh Xuân, người lính trẻ hào hùng, xông xáo khắp nẻo chiến trường ngày nào mà bà từng ngưỡng mộ.
Thì ra bao nhiêu năm qua, cuộc sống và tuổi gìa đã vô tình che khuất đi hình bóng cũ, chỉ những dịp như hôm nay hình bóng anh lại trở về trong lòng cô Hoa, dù hai người đã gìa, đang bên nhau, cùng nhau đi đến cuối đường đời..
Bà quay ra dịu dàng nhìn ông và rất chân tình:
- Anh Xuân ơi, anh vẫn là chàng trai năm xưa của em đấy.
Nguyễn Thị Thanh Dương
( March, 2012)