Wednesday, December 14, 2011

Lễ Tạ Ơn Đầu Tiên

                          LỄ TẠ ƠN ĐẦU TIÊN.
Nghe tiếng Linh gọi, Chi đang nằm tán dóc với Hiền vội vàng chạy ra mở cửa và không quên cằn nhằn:
-         Làm gì mà réo lên thế? một ngày trở về nhà như mọi ngày mà cứ ầm ĩ cả lên như mới trở về làng quê cũ sau một chuyến đi Tây lâu ngày ấy.
Linh chìa cái xách nặng trên tay:
-         Thì tại…nó nặng qúa phải gọi mở cửa nhanh không thì gãy tay tớ mất.
Hiền từ trong phòng ngủ cũng chạy ra tham gia:
-         Gì thế? Hôm nay hàng ế nhiều thế cơ à? Tớ đang đói bụng chờ Linh về đây.
Linh mỉm cười bí mật:
-         Không phải đồ fast food như mọi khi đâu nhé. Hàng cũ nhưng…bất ngờ đấy.
Chi bĩu môi liệt kê hàng loạt:
-         Chỉ khéo nói cho đỡ ngán chứ gì? Không bánh xèo, mì xào, chả gìo, bánh tầm, bánh dày kẹp gìo lụa thì cũng mấy cái bánh bao ế ẩm từ mấy ngày trước bán không hết nên bà chủ cho nhân viên mang về còn hơn là…vứt đi phí của giời !!
Hiền thêm vào:
-  À, chắc có thêm mấy ly chè vét cho sạch khay chăng, trước khi họ đem khay đi rửa? thế là bọn mình có món ăn no bụng lại có chè ngọt tráng miệng miễn phí từ A đến Z.
Linh đặt mấy cái túi chợ nặng chịch xuống nền đất và tuyên bố:
-         Lần này cả hai đứa đều sai hết, hôm nay tớ chẳng thèm mang thứ gì về. Hết giờ làm tớ đi chợ mua gà tây và những thứ linh tinh cho bữa tiệc lễ Tạ Ơn vào ngày mai
Hai người bạn gái chung nhà của Linh đồng thời kêu lên:
-         Giời ạ…chuyện gì thế nhỉ??
-         Tớ vừa nói rồi đấy, chúng ta sẽ có một bữa tiệc Tạ Ơn linh đình đầu tiên trên nước Mỹ.
Chi ngạc nhiên:
-         Linh nói gì lạ thế Linh? Chúng ta chẳng đã ở Mỹ mấy năm nay rồi sao? Đã trải qua mấy mùa lễ Thanksgiving …
Hiền cũng băn khoăn:
-         Mấy mùa lễ Tạ Ơn ấy, bạn bè mời đến nhà thì cũng ăn gà tây cho đúng kiểu, chứ có thiết gì đâu. Sao hôm nay Linh lại vác gà tây về cho bận nhà?
Chi lanh chanh:
-         Biết rồi, để kỷ niệm Lễ Tạ Ơn cuối cùng Linh còn ở Mỹ, Linh đã học xong cử nhân, hai đứa tớ còn 1 năm nữa. Biết đâu sau đó 3 đứa mình đều khăn gói hồi hương với mảnh bằng từ USA trong tay..
-         Nhưng Linh nó nói lần này là bữa tiệc Tạ Ơn đầu tiên trên nước Mỹ cơ mà?? Hiền lại băn khoăn.
-         Ừ nhỉ…khó hiểu qúa ??
Kiên nhẫn đợi cho hai bạn tha hồ đoán gìa đoán non, Linh mới giải tỏa, cô nghiêm chỉnh nói:
-         Nghe đây hai đứa, bệnh viện nơi mới nhận tớ làm việc tạm thời mấy tháng nay, họ đã đồng ý nhận tớ vào chính thức, và sẽ lo giấy tờ thẻ xanh cho tớ ở lại Mỹ.
-         Giời ơi ! Thế thì chẳng khác nào Linh trúng số mà không hề mua vé số…
-         Linh may mắn thật đấy. Tớ có nằm mơ  cũng chả thấy cơ hội nào cả…
Linh mỉm cười:
-         Tại sao là không mua vé số chứ? Chúng ta sang Mỹ du học là đã mua cái vé số đắt gía ấy từ lúc còn ở Việt Nam rồi, nào lo về tiền bạc, lo phỏng vấn, lo cho cuộc sống xa nhà nơi xứ sở hoàn toàn xa lạ, để mong “trúng số” một tương lai tươi sáng….
-         Ý tớ muốn so sánh với nhiều trường hợp du học sinh Việt Nam sang được Mỹ còn phải tốn bao công lao, tiền bạc nữa để tìm cách được ở lại, định cư chính thức tại Mỹ. Chỉ trong vòng nhóm nhỏ 3 đứa mình cũng đủ thấy bao nhiêu khê rồi, đứa nào cũng mơ ra trường sẽ tìm được việc hầu xin ở lại, hoặc làm quen với các anh giai người Việt Nam quốc tịch Mỹ, thậm chí không có tình thì chi tiền, coi như hợp đồng hôn nhân giả tạo, xong việc thì chia tay đường anh đường em hai lối rẽ.
Chi xen vào:
- Nhiều người vừa đặt chân lên nước Mỹ là lo đăng báo, đăng net tìm bạn bốn phương trời ngay, tìm bạn Mỹ, hay lai căng bất cứ chủng tộc nào miễn là mang quốc tịch Mỹ để đi đến hôn nhân...
Hiền so sánh:
- Y như các sinh viên ngoại thành lên Hà Nội học đại học, khi ra trường luôn tìm cách ở lại thủ đô, cầu cạnh xin việc làm hoặc lấy được tấm chồng, cô vợ có hộ khẩu Hà Nội là coi như trúng số.
Rồi Hiền kết luận:
-         Bây giờ thì tớ hiểu ý của Linh rồi, Lễ Tạ Ơn này là tiệc Tạ Ơn đầu tiên vì có ý nghĩa nhất, đã thay đổi cuộc đời Linh, phải không?
-         Ừ, Hiền thông minh thế lo gì không kiếm được một nửa của Hiền tại Mỹ. Anh chàng kỹ sư David Trần của Hiền tới đâu rồi?
-         Anh ấy có cảm tình với tớ lắm, nhưng mẹ anh không cùng quan điểm, bà mẹ vốn thành kiến với việc cho con trai cưới vợ còn ở Việt Nam hay vợ diện du học sinh, sợ  xong cái “vé” thẻ xanh cho vợ định cư ở Mỹ, con trai mình sẽ mất vợ. Mấy anh chàng lông bông thì mình chẳng thèm, gặp được anh đàng hoàng tử tế thì lại  trở ngại …linh tinh.
Chi ngao ngán thở dài:
-         Còn tớ vẫn chưa tìm ra mối nào, dù chỉ để làm “hợp đồng hôn nhân”. Trò chơi này là con dao hai lưỡi, tiền mất tội mang dễ dàng.
Linh an ủi hai cô bạn thân:
-         Cuối cùng chúng ta vẫn còn 1 con đường khác tuy tốn kém thời gian và tiền bạc là đăng ký học tiếp, kiểu “hàng ngang” hay “hàng dọc” học lấy cái bằng cử nhân khác hoặc học lên Cao học…để được kéo dài thêm thời gian ở Mỹ, vừa thêm kiến thức bằng cấp vừa…chờ thời.
-         Uí giời ôi ! thêm bằng cấp, thêm tốn tiền mà vẫn chưa lấy được chồng để làm gái gìa trở về Việt Nam báo đời bố mẹ hở ?
Chi tiếc rẻ:
-         Biết thế hồi ấy hai đứa tớ không học ngành Business mà học Nursing như Linh nhỉ? Những nghề thuộc về y tế có vẻ dễ xin việc được ở lại Mỹ hơn.
Hiền tán thành:
- Ừ nhỉ, tại tâm lý du học sinh Việt Nam vẫn “tự ái” chê nghề y tá không có vẻ gì là “đại học” cả dù thực tế Register Nurse là học 4 năm cử nhân, nên nhiều người cứ chọn ngành Business vừa dễ học vừa bằng cấp nói ra ai cũng biết là đại học.
Linh gật đầu rồi lại lắc đầu:
-         Tưởng thế mà…cũng chưa chắc thế. Bây giờ nền kinh tế Mỹ đang khủng hoảng, ngành Y tế cũng lay off bớt người kia kìa. Tớ may mắn thôi.
Linh vào phòng tắm, cô thấy nhẹ bổng cả người suốt từ lúc sáng khi nhận được tin vui này, Linh đã gọi phone về Việt Nam báo tin cho cha mẹ ngay, cả nhà cùng chia sẻ niềm vui với Linh.
Mọi hôm Linh tắm vội tắm nhanh cho xong, nhưng chiều nay Linh bày trò mở nước đầy bồn tắm và pha chút dầu thơm vào rồi nằm ngâm mình trong đó để tận hưởng phút thảnh thơi của thể xác, nhất là thảnh thơi cho tinh thần.
Linh và hai bạn Hiền, Chi đều là du học sinh, quen nhau tại Mỹ nhưng nhanh chóng thân nhau vì cả ba cùng có mục đích khi đến Mỹ sẽ tìm cách ở lại Mỹ, và đều xuất thân từ miền Bắc. Họ tiết kiệm thuê nhà duplex 2 phòng, chủ là người Việt Nam để dễ dàng ở chung cho đỡ tốn kém.
 Đứa nào cũng vừa đi học vừa đi làm part time thêm, Hiền làm cho văn phòng một bác sĩ , Chi tính tiền tại một quầy chợ Việt Nam, còn Linh bán hàng cho một cửa hàng food to go Việt Nam, bởi thế nên mới có những thức ăn ế thừa mà chủ nhân cho mang về mỗi ngày.
Cả ba sống hòa hợp, biết điều và cũng là để nương tựa lẫn nhau nơi xứ lạ quê người. Nên sự chung đụng càng vui và cần thiết.
Khi mới sang Mỹ, Linh đã có chút mặc cảm về bản thân mình, chỉ vì cô đến từ miền Bắc, trong khi đa số những người Việt Nam định cư ở Mỹ là di dân tị nạn, họ đến từ miền Nam Việt Nam.
Có lần Linh ra một chợ Việt Nam để lấy cái bánh sinh nhật đã đặt sẵn, cô gọi chị bán bánh đang bận làm gì đó trong quầy :
-         Chị ơi, cho em thanh toán tiền.
Chị bán hàng quay ra bỡ ngỡ:
-         Sao em ăn nói ghê gớm thế? trả tiền thì nói trả tiền, lại nói “thanh toán” như dân dao búa thanh toán nhau không bằng.
Một bà khách hàng sồn sồn đứng cạnh đấy lên tiếng hỏi thẳng Linh:
-         Em là dân Bắc kỳ hả?
Linh thành thật:
-         Vâng ạ, bố mẹ em gốc Hà Nội.
Khi chị chủ tiệm bánh trao tiền thối lại cho Linh, theo thói quen cô lịch sự nói:
-         Em xin !
Cô mang ổ bánh quay đi, Linh có cảm tưởng rằng bà khách sồn sồn đó đang nói gì với chị chủ hàng bánh, chắc chắn họ đang nói về Linh.
Người Việt Nam tinh mắt thật, ở đâu họ cũng nhận ra Linh là Bắc Kỳ, khi Linh đi chợ chỉ mở miệng ra nói vài câu dù từ ngữ bình thường, nhưng nghe âm hưởng là họ biết ngay.
Nhưng Linh chẳng quan tâm điều ấy, tính cách cô thế nào thì cứ sống thế ấy, miễn là không đụng chạm hay thiệt hại đến ai. Là một người con sinh đẻ ở miền Bắc, nhưng khi cô sinh ra đất nước đã hết chiến tranh, cô chỉ biết qúa khứ qua sách vở, qua cha ông, như một vở kịch đời và cánh màn nhung đã khép từ lâu.
Linh sống và lớn lên giữa xã hội mới mẻ, những người miền Nam Việt Nam cũ bây giờ là đồng bào trong nước. Tuổi trẻ và kiến thức đã cho Linh khách quan biết thế giới bao la, biết những điều hay lẽ phải về những kẻ thù xưa của thế hệ cha ông cô.
Bây giờ người ta không còn xem Mỹ là kẻ thù nữa, Mỹ thân thiện và dễ thương. Con gái Hà Nội lấy Mỹ thiếu gì.
 Hồi Linh chưa đi du học, còn ở Hà Nội, nhân mùa lễ Halloween toà đại sứ Mỹ đã cho mấy cái xe hơi của hãng chocolate Mỹ, mang kẹo chocolate ra đường phố phát cho trẻ con, cùng với những khăn áo, mặt nạ của ngày lễ ma qủy và những tờ giấy in bằng tiếng Việt Nam giải thích về ngày lễ Halloween ở Mỹ. Trẻ con Hà Nội vui thích với những món qùa lạ lùng này lắm.
Chẳng bù cho thời chiến tranh chống Mỹ, bố Linh kể trẻ con đã bị tuyên truyền chống giặc Mỹ ngay cả trong học đường, trong tất cả các môn học. Thí dụ trong một bài toán đố: “Các chiến sĩ phòng vệ huyện Y. lần đầu bắn hạ được 3 máy bay của giặc Mỹ, lần sau bắn được 7 máy bay nữa. Vậy tổng cộng các chú chiến sĩ phòng vệ đã bắn hạ được bao nhiêu máy bay Mỹ?”
Trong môn văn thì sự tuyên truyền không thực tế, vô lý đến ngốc nghếch và buồn cười, như có người dân nghèo căm thù giặc Mỹ đã nuôi đàn ong để làm vũ khí …tấn công giặc Mỹ. Hay 2 vợ chồng nhà kia chỉ có 1 cái cung để làm vũ khí giết giặc Mỹ, khi người chồng trèo lên cành cây nhắm bắn giặc Mỹ từ xa,  mỗi lần giết xong 1 mạng, người vợ vội vàng chạy ra xác tên Mỹ, nhổ mũi tên ra và chạy lại đưa cho chồng…bắn tiếp. Hay “Tay không đánh chiếm được xe tăng giặc Mỹ”. Hay “Lấy thân đè lỗ châu mai” Hay “Máy bay của ta bay trên không và …đậu sẵn trong đám mây chờ máy bay của giặc để bắn”.
Về môn nhạc thì các cháu học sinh hát các bài ngợi ca bác Hồ, các chú bộ đội hay căm thù giặc Mỹ.
Môn vẽ cũng là dịp để tuyên truyền, học sinh chỉ thích vẽ hình bác Hồ là được nhiều điểm.
Linh thấy lố bịch và qúa đáng. Những kiểu tuyên truyền ấy đã phản bội lại chính họ, kẻ tuyên truyền chỉ là người nói dối, lừa bịp.
Ngày nay chẳng ai còn thù ghét “giặc” Mỹ nữa,  những người lớn, có thể là những đứa học trò bị tuyên truyền năm xưa ra đường gặp khách “Tây” đều tưởng là người Mỹ và mỉm cười nói “Hello” để bày tò tình thân.
Chú Thế, chú ruột của Linh làm công an huyện, gần thủ đô Hà Nội, mấy lần chú nói với bố Linh:
-         Con cháu người ta đi Mỹ ầm ầm mà nhà mình chưa có ai, em muốn lắm mà chưa được, anh chị có điều kiện hơn em, lo cho cháu nào đi được thì lo ngay đi.
Khi Linh được bố hỏi ý kiến đi du học nước ngoài, Linh đã chọn đi Úc cùng với một đứa bạn thân cho vui, vì nhỏ bạn có nhiều thân nhân đang định cư ở Úc, nhưng bố Linh gạt phăng:
- Đã đi thì đi hẳn Mỹ, ai cũng thế cả, như bạn bè bố ngày xưa chống Mỹ hăng lắm, hay mấy diễn viên điện ảnh đóng phim chống Mỹ cực kỳ, cũng đều cho con du học ở Mỹ, có đứa còn lấy chồng Mỹ chứ có trở về Việt Nam đâu.
Hầu như bằng mọi cách người ta chọn đi du học ở Mỹ, chuyện du học ở Úc, Anh, hay Singapore khi người ta không thể lựa chọn khác hơn mà thôi.
-         Linh ơi, Linh ơi…
Tiếng Hiền gọi, và tiếng Chi tiếp theo:
-         Linh làm gì mà hôm nay tắm lâu thế? Cũng là buổi tắm “đầu tiên” ở Mỹ, đánh dấu kể từ giờ trở đi Linh được định cư ở Mỹ đấy hở?
-         Xong chưa? ra đây chúng ta cùng lo món gà tây này. Còn cái Chi lên mạng tìm cho tớ công thức làm món gà tây ngày lễ Tạ Ơn đi…Tự nhiên tớ thấy hào hứng trước tin vui của Linh…
-         Ừ, ừ…tớ cũng thấy hào hứng đấy. Biết đâu cái Linh mở màn con đường may mắn cho 2 đứa mình
Linh từ trong phòng tắm, người quấn mảnh khăn bông, thò đầu ra :
-         Nhất định lễ Tạ Ơn năm nay chúng ta sẽ ăn một bữa đàng hoàng và ngon miệng, vì tớ muốn tạ ơn nước Mỹ mà. Chi lên mạng xong thấy còn thiếu món gì thì ghi ra, tắm xong tớ sẽ đi mua ngay.
Chi nhăn mặt trêu bạn:
-         Biết rồi cô nương ạ, bọn em sẽ hết lòng giúp cô bữa tiệc Tạ Ơn ý nghĩa này. Cô nương mà ổn định thì cho bọn em “tạm trú” trong nhà cho tới khi nào kiếm được tấm thẻ xanh nhé?
Hiến ý kiến:
-         Chúng ta sẽ mời bạn bè khác nữa chứ?
Linh nói vọng ra:
-         Tớ đã tính đến điều này rồi, sẽ mời mấy người bạn thân của chúng ta, và mấy người năm nào cũng mời bọn mình ăn lễ Tạ Ơn nhà họ đấy, và đặc biệt là…có anh David Trần của Hiền nữa. Mẹ anh lo xa, nhưng tớ tin là trước sau gì Hiền cũng “cưa” đổ anh David thôi.
Chi nghiêm giọng:
-         Còn phải “cưa” cả mẹ anh David nữa. Này Hiền, mỗi lần anh ấy đưa Hiền về nhà chơi, hãy chứng tỏ cho gia đình anh ấy biết mình là người thế nào.
-         Ừ, chính anh David cũng bảo tớ thế. Một cuộc hôn nhân có sự hài lòng của cha mẹ, của gia đình thì David sẽ vui hơn.
Linh đã đi ra, ba cô gái trẻ cùng xúm xít trong gian bếp nhỏ cuả căn nhà Duplex, họ lôi ra con gà tây tươi chưa hề đông lạnh để rửa lại cho sạch trước khi tẩm ướp gia vị.
Chi ra mở internet, một lúc sau thì reo lên:
-         Đây này, có mấy cách nướng gà tây cơ đấy, hai “chị” kia nghe “em” đọc xem thích cách nào thì chúng ta sẽ làm cách đấy nhé…
Ngoài trời, gío cuối tháng mười một lành lạnh, trong nhà ba cô gái tha hương thì đang cười cười nói nói vui vẻ cho bữa tiệc Tạ Ơn ngày mai và ấm lòng với những tin vui và hi vọng ở phía trước.
            Nguyễn Thị Thanh Dương
                ( Thanksgiving, 2011)




No comments:

Post a Comment