SÔNG CHIA MẤY NHÁNH.
Vừa nghe tiếng phone reo bà Bông vội vàng bốc lên, nhưng không phải của Phúc-con trai bà- như bà đang mong đợi, mà là bà Xuân, một người bạn cũ từ thời Trung học bên Việt Nam. Bà Xuân hớn hở:
- Tôi có tin vui đây, chị lo chuẩn bị tinh thần đi, nhóm bạn học cũ của mình sẽ tổ chức một buổi họp mặt ở Las Vegas . Này nhé, có chị Hợp từ Washington , chị Phú từ Chicago , chị Lan ở Kansas , anh Thân , anh Toàn ở Florida và vài người nữa. Thật khó có dịp quy tụ được nhiều người như thế này, nhất định chị phải đi nhé?
Thấy bà Bông im lặng, bà Xuân xăng xái tiếp:
- Mừng qúa không thốt nên lời hả?. Phen này gặp đông đủ các bạn cũ chúng ta tha hồ ôn lại những kỷ niệm và đùa vui, rong chơi ở Las Vegas vài ngày cho thỏa thích. Uả! sao chị im lặng hoài vậy? Có gì đâu mà phải suy nghĩ, OK một tiếng để tụi này book phòng khách sạn luôn.
Bà Bông bối rối:
- Tôi rất tiếc, tôi không thể…
Bà Xuân chưng hửng:
- Ơ kià, hồi nào tới giờ chị từng mong ước một ngày họp mặt như thế này mà, mang tiếng cùng sống ở Mỹ nhưng đâu có dễ gặp gỡ nhau. Nay chị lại từ chối, thật tình tôi không hiểu chị nữa, bọn mình gìa đến nơi rồi, đời còn mấy lần vui?
- Cho tôi gởi lời xin lỗi đến các bạn, tôi đang bận một chuyện riêng.
Bà Xuân cụt hứng, nói thêm vài câu rồi chào tạm biệt, để mặc bà Bông ngồi thẫn thờ. Lòng dạ nào bà nghĩ đến niềm vui cho riêng mình?, gia đình Phúc vừa ly tan, đổ vỡ, nó đang sống thui thủi một mình ở California, lúc bận rộn thì quên đi, nhưng nghĩ đến Phúc lúc nào là lòng bà quặn đau lên lúc đó, chưa kể ở đây mấy đứa cháu nội làm bà bận rộn cả ngày.
Lúc nãy bà gọi phone cho Phúc và để lại lời nhắn mà tới giờ này nó vẫn chưa gọi lại làm bà lo lắng sốt ruột chỉ sợ có điều gì không may xẩy ra cho Phúc, vì chẳng bao giờ bà gọi mà Phúc không nhanh chóng bốc phone hoặc gọi lại cho bà ngay.
Lại có tiếng phone reo, bà Bông hồi hộp chỉ sợ bà Xuân gọi “tái bút” như thói quen, mỗi khi nói chuyện xong, thể nào cũng gọi lại để nói thêm vài điều còn thiếu sót. Nhưng tiếng Phúc làm bà vui mừng như lâu lắm mới gặp lại con, bà trách:
- Con ơi, sao giờ này mới gọi lại cho mẹ?
- Con xin lỗi mẹ, nãy giờ con ngủ quên.
Bà lắng nghe và chẩn bệnh cho con trai:
- Con đang bị cảm phải không?. Giọng nói của con yếu và khan …
Phúc thán phục mẹ:
- Mẹ chẳng học trường Y ngày nào mà làm bác sĩ gia đình được rồi đấy. Đúng là con bị cảm, đi làm về uống viên thuốc xong là ngủ thiếp đi, mẹ gọi phone mà con không biết.
Bà xót xa:
- Giá mà con ở đây, mẹ nấu cho con bát cháo hành nóng hổi, ăn xong là giải cảm ngay.
- Mẹ khỏi lo, chốc con ra nhà hàng thiếu gì loại cháo, cháo gà, cháo vịt, cháo lòng, cháo thập cẩm đồ biển…Tha hồ mà ăn.
Bà thở dài thậm thượt trong phone:
- Khổ! Ăn một bát cháo cũng phải lái xe đi.
- Con quen rồi mẹ ạ, đi ăn ngoài có khi còn thoải mái hơn ở nhà, khỏi phải bắc nồi lên bếp nấu nướng.
Bà dặn dò như thường lệ:
- Tối nay con đừng thức khuya với cái computer nữa, đi ngủ sớm cho khoẻ mai còn đi làm. Con nhé?
***** *****
Vợ chồng bà có hai người con trai là Hạnh và Phúc, đặt tên cho con là ước mong các con được hạnh phúc như thế. Từ thuở nhỏ hai đứa đều ngoan dù cá tính khác nhau, Hạnh mạnh khoẻ, cứng cỏi, Phúc thì ngược lại, Phúc hay ốm vặt, có lẽ vì thân thể gầy gò, nên thằng bé trở nên nhút nhát, đi đâu với mẹ cũng nắm chặt tay mẹ hay vạt áo mẹ, không dám rời xa, nó hay đứng bên lưng mẹ như cần sự chở che.
Khi lới lên Hạnh lập gia đình trước, hạnh phúc vuông tròn, vài năm sau đến Phúc, cũng là lúc chồng bà qua đời. Khi người ta về già, ai cũng muốn nương tựa vào những người thân của mình, nên bà bán nhà cửa, cùng bao nhiêu tiền bạc dành dụm của hai vợ chồng bấy lâu chia đều cho hai con, rồi về ở với vợ chồng Hạnh lúc ấy đã có hai mặt con.
Tiền của trước sau cũng cho con, bà muốn cho ngay khi bà còn sống, để nhìn thấy đồng tiền của cha mẹ giúp ích cho con cái như thế nào. Cả hai con trai bà đều mua nhà mà không phải vay nợ trả góp dài hạn như bao nhiêu người khác.
Vợ chồng Phúc sống ở tiểu bang khác, thỉnh thoảng họ lại về thăm mẹ và gia đình Hạnh, hay ngược lại mẹ và anh chị đến thăm gia đình họ. Cuộc hành trình tình cảm ấy chấm dứt khi vợ chồng Phúc li dị. Tên Phúc mà vô phúc, cô vợ ngã lòng vì một mối tình khác và đi theo tiếng gọi của tình yêu, cô vẫn muốn nuôi hai đứa con. Thế là bỗng nhiên Phúc xa lìa cả vợ và con, một mình anh trong căn nhà cũ đầy ắp những kỷ niệm, chỗ nào trong ngôi nhà cũng có hình ảnh của họ. Anh bị ám ảnh đến phiền muộn và sợ hãi khi buổi chiều đi làm về bước chân vào ngôi nhà của chính mình.
Phúc quyết định bán nhà để thuê một căn phòng apartment với chút đồ đạc cần thiết mang theo. Anh muốn quên tất cả.
Ngày anh dọn về căn apartment, mẹ anh từ Texas bay tới, bà thu vén, xắp xếp từng món đồ dùng cho con, bà đi chợ mua sắm nồi chảo, bát đũa và đồ ăn thức uống chất đầy trong tủ lạnh. Nhìn chiếc giường chông chênh, nhìn căn bếp lạnh vắng, thiếu hình bóng người vợ, thiếu tiếng cười nói trẻ thơ, bà thương cảm cho Phúc, nhưng cố dấu giọt nước mắt rưng rưng của mình, sợ con trông thấy tủi thân .
Vợ chồng Hạnh đã có ba đứa con, đủ cho bà bận rộn cả ngày, đưa đón cháu đi học, lo cơm nước và tắm giặt cho chúng. Cô con dâu có học và khôn khéo, luôn kính nể bà. Tìm đâu ra người mẹ chồng vừa cho con tiền của và cả tấm lòng như thế?
Bà Bông có một người bạn, cũng bận rộn vì con vì cháu như bà, nhưng bằng cách khác. Vợ chồng bà Duyên sống riêng, mấy đứa con đã lập gia đình mỗi đứa một nơi, khi họ cần thì nhờ bà về trông cháu. Có lần bà Bông gọi phone cho bà Duyên, chỉ có ông Duyên ở nhà, ông trả lời bà:
- Nhà tôi đi “Show” rồi chị ạ, đến nhà con gái, cháu mới sinh con.
Rồi ông “khoe” tiếp:
- Ba tháng sau bà ấy lại “bay” đến tiểu bang khác để nuôi con dâu út có baby, và cuối năm nay thì đến nhà con trai lớn ở một tiểu bang khác nữa, trông nhà, trông cháu, cho vợ chồng nó về Việt Nam thăm gia đình bên vợ.
- Thế anh không cùng đi với chị để thăm con gái và cháu ngoại mới chào đời à?
Ông Duyên than thở:
- Chán lắm!. Đã từng đi, nhưng nay rút kinh nghiệm ở nhà sướng hơn, cho dù ăn mì gói, cho dù cơm tôi nấu lấy chẳng ra gì, thịt cá chém to kho mặn, canh đại dương mênh mông lạt lẽo. Này nhé, bà ấy nuôi cháu mà vẫn không quên sai vặt chồng như ngày xưa nuôi các con, nào ông lấy cho tôi bình sữa trong tủ lạnh, bỏ vào microwave đúng 15 giây không hơn không kém, nào vứt hộ tôi cái diaper vào thùng rác, và nhớ đậy nắp lại thật kỹ kẻo hôi nhà. Hay bà ấy giao cho tôi nằm cạnh cháu đang ngủ, dặn dò mỗi khi nó trở mình ọ ẹ, thì nhớ vỗ nhẹ vào mông nó cho nó ngủ tiếp, để bà đi làm công việc khác. Nó ngủ ngon thì không sao, bà chẳng khen tôi lấy một câu, nó mà không chịu ngủ nữa dù tôi đã vỗ đến mỏi cả tay, thì bà ấy lại “mắng” tôi có mỗi việc nằm trông cháu mà cũng không xong.
*** ****
Sau khi nói chuyện với Phúc xong bà Bông muốn đi Calif. thăm con một lần nữa, cứ nghĩ đến con đang bị cảm, đêm về nằm trơ trọi trong căn phòng nhỏ, không một người thân bên cạnh là lòng bà bồn chồn không yên.
Buổi chiều, khi vợ chồng Hạnh đi làm về, bà nói lên ý nghĩ của mình, Hạnh không dám cản mẹ mà chỉ ái ngại :
- Mẹ mới đi Calif cách đây mấy tháng, nay lại đi nữa, có giúp ích hay thay đổi gì cho cuộc đời của Phúc được đâu?
Hạnh nói đúng, nhưng cái điều tưởng như vô lý ấy chỉ đơn giản là tình mẹ thương con, bà muốn được nhìn thấy con, bên cạnh con trong những lúc trống vắng hay đau khổ để chia sẻ, như ngày xưa còn bé nó từng nắm chặt tay bà cần sự chở che, nương tựa.
Hạnh book vé máy bay cho mẹ đi Calif. một tuần. Bà đi chợ mua thịt nạc thăn về làm món thịt chà bông, cái món mà Phúc vẫn thích, và tiện lợi nữa, khi nào bất chợt bận rộn hay ốm đau như hôm nay thì Phúc có sẵn mà ăn với cơm, với cháo, khỏi phải đi ra tiệm . Rồi bà sắp xếp sẵn trong đầu, một tuần lễ ở Calif. sẽ nấu những món ăn gì cho con. Tội nghiệp Phúc, sống cuộc sống độc thân bất đắc dĩ, ở Calif. khu phố Việt Nam có nhiều nhà hàng, nên Phúc chỉ ăn cơm hàng cháo chợ.
Chiều thứ sáu vợ chồng Phúc chở bà ra phi trường, ba đứa cháu nội túm lấy bà nũng nịu:
- Bà ơi, bà đi có lâu không?
- Bà ơi, cháu nhớ bà lắm!
Bà ôm cả ba đứa vào vòng tay, nghĩ đến thứ Hai này bố mẹ phải đem gởi chúng cho người khác. Hạnh sẽ vất vả đón đưa, các cháu bà sẽ lạ người lạ chỗ, dù chỉ một tuần lễ, cũng đủ làm bà xót ruột. Bà âu yếm nói với chúng:
- Các cháu ở nhà ngoan rồi bà sẽ mua qùa về cho.
Tạm biệt con cháu, bà đi vào phía trong, qua phần kiểm soát an ninh, bà đi thật nhanh về phía cổng ghi trong vé máy bay, để khỏi nhìn thấy vợ chồng Hạnh và ba đứa cháu vẫn đang đứng bên ngoài vẫy tay, kẻo lại không bước đi nổi.
Khi đã ngồi vào máy bay, tâm trạng bà buồn vui lẫn lộn, đang nôn nao mong máy bay cất cánh, vài tiếng nữa sẽ gặp Phúc, bà lại muốn một tuần lễ trôi qua mau để quay về cho vợ chồng Hạnh đỡ vất vả và gần gũi ba đứa cháu. Con nào bà cũng thương, cũng muốn chăm sóc, đỡ đần, nhưng bà chẳng có ba đầu sáu tay mà lo toan được cùng một lúc ở hai nơi, hai chốn khác nhau.
Ngày xưa, khi các con còn bé, sống chung dưới một mái nhà, một mẹ chăm sóc cả đàn con. Ngày nay các con đã khôn lớn, mỗi người ở một nơi, mỗi cuộc sống buồn vui khác nhau. Người mẹ lại như dòng sông chia làm mấy nhánh, nhánh nào cũng chuyên chở đầy ắp phù sa yêu thương đến với từng đứa con của mình.
Nguyễn thị Thanh Dương.
(Mother’s Day, 2008)
************* ***************
NỖI ĐAU CỦA MỘT NGƯỜI MẸ.
( Viết theo một câu chuyện thật).
Mỗi khi mẹ đi qua bệnh viện này,
Tưởng như con còn đang nằm ở đó,
Những hình ảnh mẹ còn nhớ rõ:
Bốn bức tường câm, khung cửa sổ buồn.
Con đã nghĩ gì khi ánh chiều buông?
Khi buổi sáng - ngoài kia- đời vất vả,
Nhưng họ có những gì con không có,
Cuộc sống bình thường, ước vọng tương lai.
Mẹ đã thức cùng con những đêm dài,
Khi cơn đau làm cho con mất ngủ,
Mẹ muốn được truyền cho con hơi thở,
Sống đi con! Qua căn bệnh hiểm nghèo.
Mẹ tất tả những buổi sáng, buổi chiều,
Đi như chạy giữa hành lang hun hút,
Đến thăm con đếm từng giây, từng phút,
Lo sợ một ngày con sẽ lìa xa.
Mẹ ngồi bên con thiêm thiếp hôn mê,
Căng thẳng với con mỗi lần lấy máu,
Trên cổ tay con gầy gò khô héo,
Những vết kim đâm, lòng mẹ vết thương.
Tội nghiệp con nằm một chỗ trên giường,
Cả ngày uống thuốc và truyền nước biển,
Từng giọt, từng giọt. Làm sao đếm được?
Như mẹ âm thầm từng khóc cho con.
Khi đợi chờ, hi vọng đã mỏi mòn,
Mẹ tin cả vào những điều vô nghĩa,
Cúng bái mười phương, lòng thành dâng lễ,
Xin phép nhiệm màu hãy cứu con tôi!
Nhưng vòng tay mẹ nhỏ qúa con ơi,
Không che chở con cơn đau vật vã,
Con đã chết khi tuổi đời rất trẻ,
Chưa kịp yêu, chưa có giấc mộng đầu.
Linh hồn con giờ yên nghỉ nơi đâu?
Quên bệnh tật, quên đớn đau con nhé,
Cửa sổ nhà mình hằng đêm vẫn mở,
Con hãy tìm về với mẹ trong mơ.
Nguyễn thị Thanh Dương.
( Mother’s Day, 2008) .
********* ************.
KHI TÔI LÀM THƠ.
Khi tôi làm thơ,
Tôi đi khắp nơi trong cuộc sống,
Là cánh buồm khát vọng,
Giữa biển khơi.
Tôi biết đường chân trời không bao giờ đến,
Góc biển là một điạ chỉ hư vô,
Nhưng tôi vẫn muốn đi xa….
Tôi mới là hoàng hôn trong rừng vắng chiều qua,
Sáng nay,
Đã là nắng trên thành phố,
Trong bốn mùa đều có nhịp tim tôi thở,
Mùa từng mùa không bao giờ cũ trong tôi.
Tôi là nắng Hạ,
Là ánh trăng Thu,
Là ngọn núi già mùa Đông giăng sương mù,
Và rất trẻ khi mùa Xuân nẩy mầm hoa lá.
Khi tôi làm thơ,
Tôi nhìn thấy niềm vui và đau khổ,
Của một kiếp người,
Dù chỉ là một hạt bụi nhỏ nhoi,
Cũng làm tôi cay mắt,
Một cụm mây trong vắt,
Tôi bỗng thấy yêu đời.
Tôi tham lam,
Một vòng tay muốn ôm cả bầu trời.
Khi tôi làm thơ,
Tôi hư qúa,
Để cảm xúc mình buông thả,
Chạy theo những ánh mắt, nụ cười,
Tôi đã gặp,
Tình cờ đâu đó,
Tôi viết lên những bài thơ thương nhớ,
Mà thực ra,
Chắc gì tôi đã yêu ai?
Nguyễn thị Thanh Dương
( April, 2008)
************* ***********
CHUYỆN THẰNG BÉ DA ĐEN TÊN COLI..
( Viết theo bài: “9- year- old boy flees Islamic school that makes beggars of African kids” đăng trên báo “Fort Worth-Star-Telegram” ngày thứ Hai April 21, 2008.)
*****
Thằng Coli đi ăn xin trên đường phố Dakar ,
Cầm cái lon không, xin tiền xin thực phẩm,
Đêm trở về trong căn phòng dơ bẩn,
Nằm co ro như một chú chó con.
Trên sàn nhà những đứa trẻ vẫn ngủ ngon,
Sau một ngày lang thang mệt mỏi,
Vách nhà mỏng gió lùa trong đêm tối,
Có giấc mơ nào đến với các em không?
Cha mẹ ở làng quê nghèo không đủ sức nuôi con,
Nên gởi các em vào ngôi trường Hồi Giáo,
Học kinh Quran như bao người mộ đạo,
Mơ ngày sau sẽ lên được Thiên Đàng.
Ôi, thằng bé Coli chín tuổi da đen,
Của nước Châu Phi Guinea Bissau nghèo khổ,
Em đến trường học kinh, học chữ,
Trường cũng nghèo nên em phải ăn xin.
Thằng Coli bỏ trường, tìm nơi chốn bình yên,
Một shelter, cho trẻ em thực phẩm,
Em không nhớ tên ngôi làng mình sinh sống,
Khi em rời làng mới sáu tuổi ngây thơ.
Nhưng thầy tu Hồi Giáo tìm bắt em về,
Đánh đập em cho đến khi mệt lả,
Ba ngày sau em bỏ trường lần nữa,
Tìm đến shelter xin giúp đỡ chở che.
Lần này em không cần thực phẩm để ăn no,
Mà chỉ nói: “ Em muốn được về nhà với mẹ”,
Nhân viên xã hội giúp em điều mong ước đó,
Nhắn tin trên đài tìm cha mẹ cho em.
Coli cùng những đứa trẻ khác rời khỏi Dakar , Senegal ,
Để trở về quê hương Guinea Bissau của họ,
Mẹ của Coli, người đàn bà da đen khốn khổ,
Đi bộ mấy ngày đường để đến chỗ gặp con.
Coli chạy vội ra ngoài và bỗng dừng chân,
Để mặc những dòng nước mắt tuôn trào trên má,
Khi từ xa thấy bóng hình người mẹ,
Sau tấm khăn che mặt, mẹ cũng khóc như con.
Những giọt nước mắt có vơi bớt tủi hờn?
Coli khóc như chưa bao giờ được khóc,
Hai mẹ con ngồi bên nhau với bao cảm xúc,
Trước mắt lại là đói khát, thiếu ăn.
Họ rời shelter trở về ngôi làng cũ xa xăm,
Đi bộ trên con đường đầy bụi đất,
Ở nơi đâu người ta giàu sang phù phiếm?
Ở nơi đây họ đói khổ từng ngày..
Câu chuyện đăng trên báo thật chua xót, đắng cay,
Với hình ảnh thằng Coli khóc trong vòng tay mẹ,
Họ đâu biết có một người vô cùng xa lạ,
Tôi cũng đau lòng và nước mắt cũng rơi.
Nguyễn thị Thanh Dương
( April, 2008).
No comments:
Post a Comment