CÂY HOA TÌNH YÊU.
Khu duplex tưng bừng đón gia đình chị Maria dọn vào, ba chiếc xe vừa truck vừa van lớn nhỏ ùn ùn chở đồ đến, đậu trước cửa căn nhà 902A. Họ ồn ào nói với nhau bằng tiếng Spanish và khuân đồ đạc vào nhà, nhộn nhịp như ngày hội, gia đình chị Maria chỉ có 3 người sao mà nhiều đồ thế? hết chuyến xe nọ đến chuyến xe kia, vậy mà chị “khiêm nhường” nói với tôi chỉ có ít đồ thôi vì đã cho đi một mớ rồi, và chị cũng kể với tôi, những đứa lái xe truck và xe van đó là con trai, con rể chị, tổng cộng chị có 5 đứa con, chúng lấy vợ lấy chồng hết, chỉ còn cô út độc thân ở chung với chị.
Người Mễ đông con tôi không lạ gì, nhưng chị Maria độ chừng ngoài 40 mà đã có đàn con trưởng thành, chắc chị phải lấy chồng từ thuở mười lăm, mười bẩy? Chị lại khoe đàn cháu nội ngoại gần chục đứa càng làm tôi giật mình, các con chị đã “noi gương” chị, lấy vợ, lấy chồng sớm và thi đua nhau làm tăng dân số Mỹ, hèn gì người ta tính toán rằng chẳng bao lâu nữa thì dân số những người nói tiếng Spanish sinh sống tại Mỹ sẽ đông hơn người Mỹ bản xứ.
Khi chị Maria hỏi thuê nhà, chị khai là đi làm hãng xưởng, có một mẹ già đang lãnh tiền trợ cấp của chính phủ và một đứa con gái là nhân viên trong một khách sạn. Cả ba người đều có income, đều là người lớn thì nhà cửa đỡ hư hỏng, thế là tôi hớn hở cho chị thuê nhà ngay mà khỏi cần check credit, chị lưu lạc mấy đời apartment, mà luật lệ apartment nào chẳng đòi hỏi người thuê phải good credit, phải deposit một tháng tiền nhà, rồi đúng ngày đúng giờ mới được nhận chìa khoá vào nhà, đằng này, tôi lấy tiền deposit ít, và khi chị yêu cầu cho chị dọn vào sớm vài ngày, chị sẽ trả thêm tiền, tôi đưa chìa khoá cho chị ngay, nhưng không tính tiền mấy ngày đó, làm chị ngạc nhiên, chị tưởng tôi nói đùa.
Chị Maria là một người thích trưng bầy diêm dúa, chỉ nhìn bộ bàn ghế sa lông to kềnh và hoa lá cành sặc sỡ là đủ biết, với những cái gối tai bèo rườm rà trên ghế để tựa lưng hay gối đầu khi nằm coi ti vi, và bộ bàn ăn có bốn cái ghế nệm phủ vải cũng nhún tai bèo. Ngay bên cạnh cửa ra vào chị bầy một bình bông thật to, toàn là những bông hoa ni lông màu đỏ, vàng, chói chang cả mắt. Thế giới của chị toàn là màu sắc hoa lá cành, phòng tắm và phòng ngủ tôi chưa được vào, nên không biết nó “hoành tráng” cỡ nào?
Chị ở được một tuần thì tôi thấy có thêm chiếc xe thứ ba hay đậu trước sân ngoài hai chiếc xe của hai mẹ con chị. Đó là một anh Mễ trẻ đẹp trai, ăn mặc bóng bẩy từ quần áo tới giày mũ. Tôi đoán chắc là người yêu của cô Rosa con gái chị, nhưng không, anh ta và chị thường soắn sít bên nhau ngay trước cửa rất thân tình, anh chở chị đi mua sắm thêm vài thứ lặt vặt gì trong nhà và mua về một cây để trồng trước cửa, anh Mễ đào xới đất trồng cây xuống và tưới nước bón phân, còn chị đứng cạnh anh, vừa phụ giúp vừa trò chuyện như đôi chim liền cánh.
Khi anh Mễ về, tôi nói chị không nên trồng cây loại cao to sẽ làm hư mái nhà và foundation, thì chị giải thích đây chỉ là cây hoa thôi, chị thích cây hoa này và anh đã mua về trồng để tặng chị, chị Maria chẳng biết cây hoa tên Mỹ là gì, nhưng chị gọi đó là “Cây Hoa Tình Yêu” Đủ biết chị lãng mạn chừng nào!
Cây Hoa Tình Yêu lớn nhanh như tình yêu của họ, ngày nào anh Mễ cũng đến, thường là lúc cô Rosa vắng nhà, chỉ có chị Maria và bà mẹ già vô cảm ngồi trong chiếc xe lăn.
Hôm tôi sang lấy tiền nhà thì chị hãnh diện giới thiệu:
- Đây là người yêu của tôi, anh ấy là Juan.
Tôi có dịp nhìn anh Juan kỹ hơn, họ có vẻ chênh lệch tuổi tác, anh Juan ít nhất cũng trẻ hơn chị Maria 5 tuổi. Nhưng mà tình yêu có biên giới bao giờ!
Tôi thấy chị bày ra bàn mấy món ăn để đãi người tình, nên lấy tiền xong là tôi chào ra về ngay, để trả lại không gian và thời gian cho hai kẻ đang yêu.
Ba tháng trôi qua, chị Maria trả tiền nhà răm rắp, đến tháng thứ tư thì bắt đầu bê trễ, chị hẹn lên hẹn xuống mấy lần tôi mới cầm được đồng tiền của chị trong tay. Tháng sau cũng thế, chị trả trễ chục ngày nhưng biết điều, ngoài tiền thuê, chị tự động trả thêm tiền phạt 20 đồng. Trong hợp đồng ghi thế cho có vẻ nghiêm minh, chứ tiền thuê nhà chị còn xấc bấc thế kia, thì tôi đâu nỡ lấy tiền phạt của chị làm gì! Chẳng hiểu chị tiêu xài làm sao mà túng thiếu đến thế? dưới mắt tôi, gia đình chị phải ổn định tài chính lắm.
Thấy chủ nhà dễ dãi chị Maria lờn mặt hay vì thực tình thâm thủng ngân sách, mà tháng nào chị cũng trả tiền nhà trễ, khi thì tôi phải đợi chị lãnh check lương, khi thì đợi chị thu thập tiền đóng góp từ cô Rosa. Nếu chẳng may, đùng một cái, hai mẹ con chị đều bị lay off thì chắc là chị sẽ “xù” tiền thuê nhà chăng?
Sau này dần dần qua những lời chị kể, tôi mới biết chị rất chịu chơi, ăn xài xả láng, mê shopping đủ kiểu quần áo, mỹ phẩm, cuối tuần đi bar nhảy đầm, uống bia, rượu. Chị Maria có mái tóc quăn tự nhiên, làn da nâu như màu đất bùn, dáng chị thấp, mập núc ních, với cái mông to bè ra, chị là nguyên bản người Mễ chưa bị pha trộn nòi giống, vậy chứ chị lại là người khiêu vũ hay nhất vũ trường, ai cũng biết điều đó. Chị khoe thế.
Thấm thoát cây hoa tình yêu đã mọc cao gần bằng đầu người và bắt đầu ra hoa. Tôi chưa bao giờ thấy loại hoa nào đẹp đến thế, hoa to bằng bàn tay, xoè ra mấy cánh màu trắng mượt mà tinh khiết. Chị Maria hay ngắm hoa cùng với anh Juan, chị âu yếm nhìn anh bằng đôi mắt đa tình và biết ơn.
Cho đến một hôm chị Maria trân trọng khoe với tôi là chị và Juan sẽ cưới nhau vào mùa Giáng Sinh này, và chị yêu cầu, khi ấy sẽ ký lại bản hợp đồng thuê nhà để có thêm tên anh Juan trong gia đình chị. Tôi mừng lây cho chị, người đàn bà không còn trẻ mà cũng chưa già, như con thuyền chông chênh đã tìm được bến đậu, cột neo, đàng hoàng vững chắc. Nhà chị có 3 người phụ nữ, nay thêm một người đàn ông sẽ ấm cúng hơn, anh Juan có công ăn việc làm, ít nhiều cũng sẽ phụ giúp chị chi phí trong nhà. Tôi hi vọng từ nay tiền thuê nhà chị sẽ trả đúng hẹn và tôi đỡ vất vả.
Giáng Sinh họ cưới nhau, trong nhà đã được trang hoàng thêm phần lộng lẫy, những rèm cửa bằng vải hoa, đèn màu hồng gắn trên tường, anh Juan chỉ việc lái xe đến nhà chị với một cái va ly là xong.
Trước sân nhà chị bây giờ là 3 cái xe đi về hàng ngày, chị Maria có vẻ bận bịu lắm, chị nấu nướng đủ món cho vừa lòng anh chồng mới, lúc nào có dịp sang nhà chị, tôi cũng thấy những nồi đang trên bếp, hay là những món ăn la liệt trên bàn, có bia, có rượu. Anh Juan được cưng chiều như ông Hoàng, thì anh đã là ông Hoàng của lòng chị rồi đó. Chị Maria trông rạng rỡ hẳn ra, chị luôn miệng gọi anh là “Honey” làm như cả đời chị, chỉ chờ mong được thốt lên như thế với anh Juan.
Khi căn nhà 902B bên cạnh nhà chị Maria dọn ra, thì chị dặn tôi để dành cho một người bạn của chị vào thuê, hai người là bạn thân từ hồi mới lớn ở quê hương Mexico cho đến bây giờ sang Mỹ vẫn còn thân nhau. Tôi vốn “nhẹ dạ” nên cảm động mối tình bạn thiết tha ấy mà nhận lời dù chưa biết mặt mũi chị Ruth kia ra sao! Cho đến khi gặp chị, một người Mễ pha giống Châu Âu, cao to, trắng trẻo, lại cũng bài bản muôn thuở của những người đi thuê nhà, vô cùng dễ thương và ngon ngọt lúc ban đầu, rằng tôi có job, sẽ trả tiền nhà đúng hẹn, sẽ giữ gìn nhà cửa, v..v.. Đương nhiên, những tình cảm áp đảo ấy làm tôi luôn là người thua trận. Chị Maria trả tiền nhà trầy trật thế kia, thì chị Ruth là bạn thân, chắc cũng “cá mè một lứa” khác gì nhau! Mà thôi, dù sớm dù muộn cũng lấy được tiền nhà là tốt rồi. Tôi tự an ủi thế.
Ngày chị Ruth dọn vào nhà, không tưng bừng như chị Maria, dù nhà chị cũng có 3 người, một mẹ và hai con đã lớn, chị cũng thuộc loại “độc thân” như chị Maria trước kia. Vợ chồng chị Maria xúm xít vào dọn nhà cho bạn, nhất là anh Juan, anh hăng hái hơn bao giờ hết, tôi thầm phục anh, vì vợ mà hết lòng với bạn của vợ.
Vèo một cái, chỉ trong một ngày mà mọi thứ đồ đạc trong nhà chị Ruth đã ổn định. Hôm sau chị đã nhởn nhơ sang nhà chị Maria chơi, ăn uống và tán dóc, hoặc vợ chồng nhà Maria sang nhà Ruth, họ cứ tung tăng như trẻ con, chạy qua chạy lại, rủ nhau đi shopping, và cuối tuần đi bar nhảy đầm. Thật là đôi bạn tâm đầu ý hợp.
Từ ngày có anh Juan về, tiền thuê nhà vẫn trả trễ, không có gì thay đổi như tôi đã lạc quan nghĩ, cuối tháng, tôi phải gõ cửa nhà chị Maria ít nhất vài lần, chị nhặt nhạnh đủ loại tiền lẻ mới đưa cho tôi được nửa tiền thuê nhà và khất:
- Làm ơn đợi tôi một tuần nữa…
Rồi chị cao giọng cho anh Juan chắc đang ở trong phòng ngủ nghe thấy:
- Khi đó Juan sẽ lãnh lương và phụ với tôi tiền thuê nhà.
Tôi bực mình thì ít mà thương chị Maria thì nhiều, tôi chợt linh cảm rằng anh Juan chẳng hề giúp chị đồng cắc nào khi anh sống chung với chị, nên tình hình tài chính của chị càng sa sút thêm. Anh được thảnh thơi ăn ngon mặc đẹp, được hưởng tình yêu của chị, bất quá, anh chỉ tốn tí công ngày ngày ra tưới nước cho cây hoa tình yêu tươi tốt cho chị Maria hài lòng, và chuyện liếc mắt đưa tình, âu yếm chị, ngủ với chị, thì điều ấy đâu có khó khăn gì.
Hôm ấy trời mưa bay lất phất, cả dẫy duplex như đang ngủ trong mưa, chẳng ai buồn ra sân. Khi tôi đi công chuyện về thì gặp ngay chị Ruth che dù, chạy vội sang nhà chị Maria, tôi biết giờ này chị Maria và cô Rosa đều đi làm, chỉ còn bà cụ handicap và anh Juan ở nhà, không lẽ chị Ruth sang để ngồi nhìn bà cụ mất trí nhớ lúc nào cũng ngồi bất động trong chiếc xe lăn như một pho tượng? Vậy chị Ruth sang chơi với anh Juan? điều này có vẻ không được minh bạch cho lắm, tôi tò mò, thỉnh thoảng vạch màn cửa, nhìn xéo sang nhà chị Maria, thấy cửa vẫn đóng im ỉm. Ngoài trời mưa gió lạnh lùng, ở trong nhà, một người đàn ông và một người đàn bà xuân tình phơi phới, họ làm gì có mà trời biết!
Tôi bỗng thấy thương chị Maria hơn bao giờ.
Những điều mờ ám thì chẳng bao giờ tồn tại, sự quan hệ mật thiết giữa chị Maria và Ruth đột nhiên thay đổi, họ không bước qua nhà nhau và không thèm nhìn mặt nhau mỗi khi bất đắc dĩ chạm trán ngoài sân, và rồi hai chị cãi nhau một trận tưng bừng cả xóm, bằng tiếng Spanish, tiếng English họ chỉ nói được sơ sơ, nên phải dùng tiếng mẹ đẻ để chửi nhau cho mau lẹ và thâm thúy? Chỉ nhìn nét mặt phừng phừng giận giữ của hai chị, tôi cũng đoán ra bao nhiêu lời nhục mạ, lời cay độc nhất họ đang trút vào nhau.
Sau trận cãi nhau đó, tôi trở thành nơi tâm sự, nghe những lời oán trách và bêu xấu nhau của hai người từng là bạn thân tưởng không có gì chia cách được. Thì ra chị Maria đã mang 3 đứa con di dân sang Mỹ và không bao giờ bảo lãnh anh chồng tàn tật đang ngóng đợi ở quê nhà nghèo khổ, luôn mong được qua Mỹ đổi đời, sống với vợ con, còn 2 đứa con kế tiếp là của hai người đàn ông khác nhau, chưa kể những bồ bịch lặt vặt ở quán bar mà chị thường xuyên lui tới suốt mấy năm qua.
Qua chị Maria, tôi cũng được biết chị Ruth chẳng kém cạnh bạn mình bao nhiêu, chị có anh chồng Mễ vũ phu và gia trưởng, chị chán chồng và ngoại tình, bị chồng bắt gặp, anh chồng Mễ vũ phu đánh chị bầm dập lần cuối trước khi chia tay, xong nó bỏ chị, về Mễ cưới một cô vợ trẻ đẹp, còn chị thì lang bang cặp đủ thứ đàn ông trên đời nhưng tới giờ này vẫn chưa có ai để gọi là chồng.
Vậy mà thoạt đầu tôi cứ tưởng các chị xấu số goá chồng và thương cảm biết bao!
Sau chiến dịch cãi nhau, chửi rủa, rêu rao bôi xấu đời nhau cho tôi cũng như mấy gia đình đồng hương người Mễ trong khu duplex này biết, thì hai chị dù không hẹn mà cùng tính tới chuyện dọn đi.(cho tới phút ly tan, họ vẫn còn giống nhau). Lần này thì mỗi người đi một ngả, sẽ không bao giờ có chuyện chị Maria thuê nhà xong, rủ chị Ruth đến ở gần nữa, chị đã mất người tình, người chồng trẻ đẹp trai vì tin bạn. Anh Juan ngang nhiên cuốn gói đi theo chị Ruth, người tình mới.
Khi cả hai dọn đi khỏi, tôi được biết thêm về anh Juan, một gia đình Mễ biết chuyện và kể cho tôi nghe, Juan đã có vợ con ở Mễ, anh sang Mỹ làm việc kiếm tiền, chắt chiu gởi về nuôi vợ con, mẹ già và đàn em lông bông thất nghiệp. Chưa biết chừng Juan còn đang toan tính chuyện kết hôn để kiếm cái thẻ xanh, xong rồi li dị, quay về Mễ bảo lãnh vợ con.
Tôi thở dài, lại tội nghiệp cho chị Ruth, đang hí hửng tưởng kiếm được tấm chồng, để rồi một ngày nào đó, chị cũng sẽ nhận sự bẽ bàng, cay đắng như chị Maria thôi. Luật đời trả vay mà.
Bây giờ tôi đang cắm bảng “For rent” đợi chờ khách thuê mới. Cây hoa tình yêu trước căn nhà số 902A vẫn đang nở hoa màu trắng, tươi thắm đẹp xinh, để đôi lúc tôi bâng khuâng lẫn ngậm ngùi thương tiếc cho mối tình ngắn ngủi của chủ nhân của nó.
Nguyễn thị Thanh Dương.
( Nov.-2007)
VỀ HỘI NGÀY MÙA.
( Cảm hứng theo bài “Texas Hội Ngày Mùa ” của Nguyên Trang).
Tôi sẽ theo anh về Hội Ngày Mùa,
Trên những cánh đồng bao la Texas ,
Những cáng đồng đã xong mùa thu hoạch,
Nằm phơi mình trong ánh nắng mùa Thu.
Qua thị trấn tôi bước vào đường quê,
Hai bên đất ruộng xa vời tít tắp,
Tôi cảm thấy rất gần và quen thuộc,
Gốc rạ, mùi bùn, như chốn quê xưa.
Quê chúng ta có những lúc mất mùa,
Trắng cánh đồng nước, những ngày mưa lũ,
Lúa gạo làm ra từ trong nghèo khó,
Tôi vẫn thương khi sống ở quê người.
Hối hả lòng với màu đất đỏ tươi,
Là lưỡi máy khổng lồ vừa cày xới,
Hội Ngày Mùa, dĩa cơm thơm lúa mới,
Thực khách ăn, vui với lễ hội này.
Ở nơi đây không có bóng trâu cầy,
Bác nông dân trên ruộng đồng lam lũ,
Những máy móc đã làm nên tất cả,
Hội Ngày Mùa chào đón vụ Hè Thu.
Rồi ngày mai trên đất mới cày kia,
Lúa sẽ mọc, cánh đồng xanh êm ái,
Lúa sẽ già, đợi chờ ngày gặt hái,
Nhưng cánh đồng thì mãi mãi thanh xuân.
Chào Hội Ngày Mùa, chào những cư dân,
Của miền đồng bằng Beaumont , Texas ,
Tôi ngẩn ngơ giữa mùa Thu tháng Chín,
Trên cánh đồng này, nhớ cánh đồng kia.
Nguyễn thị Thanh Dương
(Nov.2007)
********** ************* ******
VẦNG TRĂNG ĐI LẠC.
Đêm nay có một vầng trăng đi lạc,
Khi cuối mùa thoang thoảng gió Thu bay,
Trăng đi tìm ai mà ghé lại đây?
Tình cờ gặp cũng làm tôi xao xuyến.
Trăng đã đi qua mấy sông, mấy biển?
Qua mấy khu rừng lạnh cả núi non?
Buồn vui gì? Sao trăng khuyết không tròn?
Trăng dang dở như chuyện tình lỗi hẹn.
Vầng trăng trôi như con thuyền không bến,
Tôi như trăng cũng lỡ mấy bến chờ,
Đã hết rồi một thuở tóc xanh xưa ,
Tôi có những giấc mộng đời phù phiếm.
Hỡi người tình đã không bao giờ đến,
Giữa chúng mình là những nẻo trái ngang,
Giữa chúng mình là một ánh trăng tan,
Nên mùa Thu có một người ngơ ngác.
Tôi vẫn thích những vầng trăng đi lạc,
Khi phố phường khép lại những xôn xao,
Đường vắng thưa người, tôi với trăng sao,
Xin hãy vì tôi, mời trăng ở lại.
Đừng trôi nữa đêm sắp tàn rồi đấy,
Đừng giận hờn chìm lẫn giữa trời mây,
Rơi vào lòng tôi một ánh trăng gầy,
Để tôi nhớ bàn tay người thuở nọ.
Hai bàn tay chúng mình từng gắn bó,
Còn gì đâu để thương nhớ, chờ mong?
Anh ơi, đêm nay có một vầng trăng,
Ở nơi nào có làm anh trống vắng?
Đừng trôi nữa, hình như trời sắp sáng?
Biết mai này còn gặp lại nhau không?
Trăng và tôi giữa trời đất mênh mông,
Xin gần lại để đôi lòng chia sẻ.
Nguyễn thị Thanh Dương
( Dec.2007)
No comments:
Post a Comment