Sunday, September 18, 2011

ÔNG BỐ ĐẢM ĐANG

               ÔNG BỐ ĐẢM ĐANG.
Ba giờ sáng, chị khều chồng:
- Em đang đau bụng lâm râm, anh dậy chở em đến bệnh viện.
Anh mở choàng mắt, làu nhàu:
- Sao lại đau bụng vào giờ này?
Tuy nói thế, anh đã biết điều nhanh chóng ngồi dậy, vội vàng thay quần áo, và đánh thức hai cô con gái Tabi và Betsy dậy. Một người đi sinh đẻ mà cả nhà cùng đi, vì không thể để hai đứa nhỏ ở nhà mà không có người lớn được.
Chị xách giỏ đồ ra xe ngồi trước, ôm bụng nhăn nhó. Anh tay bế con Betsy còn ngủ vùi và tay kéo con Tabi  đi cho nhanh, lên xe sau.
Bệnh viện không xa nhà, sáng sớm đường vắng nên chỉ 15 phút là tới, anh đưa chị vào  bên trong thì chị giục anh đưa các con về cho chúng ngủ tiếp, anh ở đây cũng chẳng ích lợi gì, vì ba bố con không thể vào phòng sinh với chị được. Khi nào sinh xong chị sẽ gọi.
Anh đồng ý:
-         Ừ, sáng ra anh sẽ gọi hãng xin lấy 4 tuần vacation bắt đầu từ hôm nay để ở nhà chăm sóc vợ đẻ.
-         Em cũng sẽ gọi hãng xin nghỉ đẻ một tháng. Vậy thì anh gọi day care cho Tabi và Betsy nghỉ 4 tuần luôn, nhân dịp này để các con ở nhà, quây quần với bố mẹ, và ngủ thêm tí nào hay tí ấy. Tôi nghiệp, trẻ con ở Mỹ cũng vất vả, sáng sớm phải thức dậy và lên đường như bố mẹ.
Anh cảm động:
-         Anh sẽ là một người bố đảm đang chăm sóc các con, đền bù cho chúng trong 4 tuần lễ em ạ. Hay để anh đăng báo tìm người đến nhà trông 3 đứa trẻ cho tiện, em nhỉ? Nay mai chúng mình sẽ khỏi phải mang con đi gởi nữa.
-         Anh đăng thì cứ đăng, nhưng không dễ đâu, cô bạn em cũng có 3 con, thuê được một bà Việt Nam và chiều bà hơn cả chiều mẹ chồng khó tính mà còn không giữ được lâu dài. Có điều  không vừa ý, nó đã khéo léo nhẹ nhàng phê bình thế mà bà cũng giận, bà tự ái, tự nguyện xin “lay off” bất thình lình làm nó đỡ không kịp, phải nghỉ làm một ngày, bôn ba đi tìm day care cho con. Chủ thì lập luận trả lương 1,200 đồng một tháng, bằng những đồng tiền họ làm ra sau khi đã trừ thuế là cao rồi, lại còn bao ăn ở, bà chỉ việc cất trọn tiền lương vào túi. Còn bà trông trẻ thì có lập luận của bà, cái khoản bao ăn ở tại nhà mới là tai hại đấy, thà tôi đến đây sáng đi chiều về, còn có thời gian riêng tư, nghỉ ngơi. Ở lại, công việc như vô tận, khi chủ nhà đi làm về, vợ chồng con cái rối rít, bận rộn chẳng lẽ tôi lại làm ngơ? Cho nên coi như tôi làm việc trọn gói từ sáng sớm cho đến giờ đi ngủ, hậu hỉ gì mà ham?.
-         Hèn gì anh thấy mục rao vặt tìm người giữ trẻ đầy cả ra, gía cả từ 1,000 đến 1,200 và thậm chí 1,400 đồng một tháng, tiền càng cao chắc càng nhiều việc? Bên nào cũng có những toan tính có lợi cho mình, chẳng ai tử tế cho không ai đâu.
                                      ***************
Về tới nhà ba bố con ngả lăn ra giường ngủ tiếp không khó khăn gì, đến khi anh  tỉnh giấc thì đã 7 giờ sáng, anh vội vàng gọi Tabi dậy và chở nó đến trường, cách nhà một block đường, dĩ nhiên cũng phải mang con Betsy theo. Một tiếng sau thì nhận được phone của chị từ bệnh viện, chị đã sinh xong, mẹ tròn con vuông. Thằng cu Tí dài 21 inches, nặng 7.4 ounces, đạt tiêu chuẩn một đứa bé khỏe mạnh bình thường của Mỹ.
Anh lại mang Betsy lên đường  đến bệnh viện. Anh sung sướng vì sau hai cô con gái là một thằng con trai, vợ chồng anh không coi trọng con trai  hơn con gái, nhưng có nếp phải có tẻ, phải thay đổi cho hào hứng. Thử tưởng tượng lần này chị đẻ con gái nữa, vài năm sau trở thành một cô bé đỏng đảnh, nhõng nhẽo như hai bà chị và mẹ nó, thì anh chịu sao nổi?
Thằng bé đang nằm trong nôi, quấn mình trong lớp khăn bông trắng tinh, để lộ ra một khuôn mặt xinh xẻo chỉ nhỉnh hơn qủa cam một chút. Hai mắt nó nhắm nghiền, chưa thèm nhìn đời, nhân trung nó dài và sâu là phúc hậu và sống lâu, sách tướng số bảo thế. Anh hân hoan nói với vợ:
-         Nó đẹp trai giống anh.
-         Ừ, giống cả cái trán gồ lì lợm nữa. Chị bổ sung thêm.
Betsy ngồi trên giường với mẹ để nhìn em bé với vẻ thích thú, nhưng khi thấy bố đang nâng niu trìu mến thằng em thì Betsy ghen tị, chồm ra ôm chầm lấy bố:
-         Bố ơi, bố có thương Betsy không?
Lại câu hỏi quen thuộc của Betsy, luôn bắt bố phải khẳng định tình yêu dành cho nó, mỗi ngày nó hỏi tới mấy chục lần, dù đang chơi, hay đang ăn uống cứ chợt nhớ ra là nó hỏi, và anh cũng trả lời nó mấy chục lần như cái máy đã được ghi âm sẵn: “ Có, bố yêu Betsy”.
Những đứa trẻ luôn cảm thấy bị tổn thương khi chúng có em bé. Ngày xưa vợ chồng anh đã yêu thương chiều chuộng Tabi, hai năm sau đẻ Betsy, con bé Tabi đã ghen tức, hờn dỗi, và nay đến lượt Betsy ganh tị với thằng cu Tí. Cuộc chiến ganh tị giữa Tabi và Betsy chưa bao giờ chấm dứt, nay có thêm thằng cu Tí lại càng gay cấn.
Sau một  đêm ngủ ở bệnh viện, hôm sau chị đã trở về nhà, để giám sát và chỉ huy chồng con tại chỗ.
Ba phòng ngủ đều ở trên lầu, tầng dưới là hai phòng khách và nhà bếp. Thằng cu Tí  được đặt nằm  giữa chiếc giường rộng thênh thang cho thoải mái  trong căn phòng ngủ của bố mẹ, những lúc đói nó khóc ọ ẹ như tiếng mèo rên, và những lúc ấy nó mới hé mở cặp mắt bé nhỏ ra, cái nhìn vẫn còn  khờ khạo. Hai bà chị dành nhau nhìn em và đưa cho nó đồ chơi, dù thằng bé nào đã biết gì, thế là hai đứa lại cãi nhau như đã từng cãi nhau:
-         Bố ơi, con Betsy làm rơi con gấu bông vào người em bé.
Betsy đổ lỗi:
-         Tại Tabi đụng vào tay con mà.
Anh  đang nấu cơm dưới nhà vội phóng ngay lên lầu để phân xử, nếu không cuộc cãi cọ sẽ kéo dài và làm điếc tai người khác. Hai đứa luôn cạnh tranh nhau từng tí một, nên mua cái gì cho hai đứa cũng phải giống nhau, cùng màu, cùng kiểu, nếu khác nhau thì bao giờ đứa này cũng thấy món đồ của đứa kia đẹp hơn của mình.
 Mới lúc nãy, mỗi con ngồi vào cái bàn nhỏ của mình, Tabi đang học mẫu giáo, có thể đọc được vài cuốn sách truyện bằng tranh đơn giản, còn con Betsy mới hơn 3 tuổi đang hí hoáy với hộp bút chì màu, với giấy trắng để vẽ lên những hình ảnh ngộ nghĩnh. Tabi đụng vào bàn của Betsy và làm rơi những cây bút chì xuống đất, cô em đanh đá khóc thét lên, anh đã phải kê lại cho hai bàn cách nhau xa hơn, và bắt Tabi xin lỗi em. Nhưng anh vừa quay đi thì Tabi hậm hực kêu lên:
-         Bố xem kìa, con đã xin lỗi rồi mà Betsy còn nhìn con với cái nhìn đầy vẻ độc ác.
Thì ra con em vẫn đang nhìn con chị với ánh mắt chưa hề tha thứ.
 Nhưng con bé mau quên lắm, chốc nữa hay ngày mai có hỏi Betsy yêu ai thì nó sẽ hớn hở kể từ bố mẹ, chị Tabi đến thành viên mới là thằng cu Tí, chỉ có một thứ không bao giờ nó yêu nổi là…con bug. Mỗi lần nhìn thấy con bug bò ngoài khung kính cửa sổ là nó sợ hãi ôm chầm lấy bố cần sự che chở.
Ngoài ra Betsy còn mau mồm mau miệng, đứng chơi ngoài sân thấy con chó nhà hàng xóm đi qua cũng hớn hở chào “ Hi, doggie”. Con  bé khôn khéo, biết xã giao, mai mốt không sợ ế chồng.
Còn Tabi nếu hỏi nó cùng câu hỏi như đã hỏi Betsy thì lúc nào nó cũng giữ vững lập trường trước sau như một, yêu mọi người trong nhà trừ Betsy. Ấy vậy mà tuần trước Betsy bị dị ứng, mặt , hai mắt sưng vù và đỏ lựng lên trông thật thảm hại, Tabi đã lo lắng hỏi bố với nước mắt ràn rụa:
-         Bố ơi, Betsy có chết không?
Anh trấn an nó, Betsy sẽ khỏi sau khi đi khám bác sĩ và uống thuốc, thế là Tabi mừng rỡ, hôm ấy nó thương em ra mặt, cái gì cũng chiều và nhường em.
Dàn xếp cho hai con gái xong anh lại chạy xuống bếp tiếp tục. Chợt nhớ ra món cá chưa kho, anh lại tất tả lên lầu để hỏi ý kiến vợ:
-         Em ơi, làm ơn chỉ anh cách kho cá.
Như một bà mẹ chồng ra oai trước mặt con dâu, chị lên mặt:
-         Anh từng ăn cá kho, từng nhìn em kho cá  mà không học hỏi ra được điều gì à? Này nhé, cá ướp tiêu muối đường cho thấm,  cho đường vào chảo thắng nước màu rồi cho cá vào…
Anh làm theo lời vợ, rồi thái rau để chuẩn bị cho nồi canh khi chảo cá đang sôi trên bếp. Một lần nữa anh lại mang thắc mắc lên lầu:
-         Em ơi, khi nào thì xong  món cá kho?
-         Anh cứ để lửa riu riu cho đến khi gần cạn hết nước là thấm cá rất ngon.
Thấy cu Tí đang bú sữa mẹ thật dễ thương, anh cúi xuống nựng nhẹ vào má con thì chị  kêu lên làm anh giật cả mình:
-         Trời ơi, có mùi gì khen khét kìa anh?
 Ôi, anh nhớ ra là chưa hề vặn nhỏ lửa chảo cá kho, và anh lao xuống lầu với một tốc độ khủng khiếp chưa từng thấy để kịp thời nhắc cái chảo ra khỏi bếp. May quá, vừa mới cạn nước, chỉ cháy khét một chút không đáng kể, nếu chậm thêm vài phút là coi như mất cá kho và tiêu đời luôn cái chảo nonstick yêu qúy của vợ.
Cuối cùng ông bố đảm đang cũng dọn được bữa cơm ra bàn, nấu cơm đã cực khổ mà cho hai đứa con gái ăn càng cực khổ hơn, Betsy ăn nhiều và  thích tự ăn một mình, nhưng rơi vãi tùm lum, cùng với ly nước cam để bên cạnh, mỗi khi uống vơi nó lại gọi bố, như người ta gọi anh bồi bàn phục vụ bữa ăn trong nhà hàng:
-         Bố ơi, rót thêm nước cam cho con. Please!
-         Bố ơi, cho con tờ napkin. Please!
Còn Tabi, anh đã từng thấy vợ phải bưng bát cơm chạy theo năn nỉ và chờ đợi từng cơ hội, khi Tabi sơ ý vì mải chơi hay mải làm gì đó để đút được thìa cơm vào miệng nó mà không bị từ chối. Tabi lười ăn, hơn 5 tuổi rồi mà mẹ vẫn phải vất vả đút cơm, người nó chỉ có chiều cao mà không có bề ngang, chị  rầu rỉ chỉ sợ con suy dinh dưỡng. Anh an ủi chị:
-         Dù sao, vai gầy trơ xương và chân dài như Tabi là tiêu chuẩn ước mơ của các cô người mẫu đấy, và còn là nguồn cảm hứng trong thi ca,  âm nhạc. Trịnh Công Sơn đã viết: “Vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi…”. Hay Lê Trọng Nguyễn  với :” Qua bến nước xưa, dáng em gầy gầy…” có nhà thơ nào, nhạc sĩ nào mang các cô gái mập over weight vào sáng tác của họ, em nói anh nghe?
Hôm nay đến lượt chính anh phải đút cơm cho cô người mẫu tương lai, anh mới hiểu vợ anh kiên nhẫn biết bao, anh bê bát cơm đi theo Tabi từ chỗ bàn của nó đến chỗ ti vi mấy lượt mà chưa đút cho nó được miếng nào, sốt cả ruột chỉ muốn túm nó lại, quát tháo nạt nộ cho đến khi nó mở miệng ra ăn cơm anh mới hả dạ. Bố đang lên cơn như thế mà con thì vẫn đủng đỉnh, hay nó chê món cá kho của anh không ngon bằng mẹ nó nấu?.
 Đối với trẻ con mà nổi giận quát tháo là thất bại, anh biết thế,  nên cố nén giận, nở một nụ cười thân ái bất đắc dĩ:
-         Con ngoan nào!. Nếu con không chịu ăn thì sẽ gầy và chết như cô người mẫu Brazil đấy.
Tabi sợ chết, ăn liên tiếp mấy thìa cơm. Nhưng anh bị vợ mắng:
-         Anh hù dọa, khủng bố tinh thần con bé 5 tuổi như thế à?. Hãy nói những điều vui tươi, tốt đẹp với nó.
Anh vội sửa lại cho vừa lòng vợ con:
-         Nói một cách khác, nếu con ăn nhiều con sẽ trở nên xinh đẹp như Cinderella đấy.
Phía bên kia, con Betsy chen vào xí phần:
-         Con cũng xinh đẹp như Cinderella nữa.
 Ôi, con bé Betsy cưng của bố, chẳng hiểu sao lại khác biệt nhất nhà, xấu nhất nhà: nước da nâu nâu, trán gồ, mũi gẫy, môi vểnh, mà luôn bắt bố mẹ phải khen nó xinh đẹp. Sau này con sẽ là một phụ nữ sống trong ảo mộng đó con ơi.
-         Ừ, Betsy cũng xinh đẹp. Anh không thể nào nói khác hơn nếu không muốn nó gào khóc, dỗi hờn.
Vợ anh thì luôn lạc quan phơi phới:
-         Một gương mặt như thế mới gây ấn tượng anh ạ, tới tuổi dậy thì trổ mã khối anh mê, cái mặt gẫy mà duyên dáng như bà Jacqueline Kennedy, môi cong vếu càng hấp dẫn giống cô đào Hollywood Angelina Jolie, và làn da nâu nâu  mạnh khỏe gợi cảm y chang cô ca sĩ  Jennifer Lopez vậy đó.
-         Nói tóm lại, theo ý em con Betsy nhà mình đẹp…tòan diện chứ gì.
Thì ra con Betsy ảo mộng di truyền từ mẹ nó. Đàn bà nào cũng thích được khen là đẹp, dù là lời khen giả dối.
Đút xong bát cơm cho Tabi mất hơn một tiếng đồng hồ, đã xuống tinh thần, anh lại còn phải dọn dẹp cái bàn ăn bừa bãi cơm rơi, nước rớt của Betsy và lau lại sàn nhà. “Đời là bể khổ” chắc cũng chỉ thế này?
Đến tối, được ngả lưng trên giường mà vẫn chưa yên, Tabi và Betsy xúm vào với bố để hỏi cùng một câu hỏi:
-         Bố yêu ai nhất?
Thì ra chúng đang tranh cãi về vấn đề này, Betsy luôn nghĩ rằng bố yêu nó nhất nhà, nhưng Tabi đã cho nó vỡ mộng, là bố yêu thằng cu Tí nhất nhà, nên chúng muốn bố trực tiếp trả lời.
Betsy đang mở to đôi mắt vốn đã to và cái môi cong vếu của nó ra, thở mạnh và hồi hộp chờ đợi. Anh chậm rãi nói rõ từng chữ một:
-         Bố… yêu… Tabi… nhất….
-         Không! Không!...Betsy khóc nấc lên.
-         Nghe nè, bố chưa nói hết mà, bố cũng yêu Betsy nhất, yêu cu Tí nhất và  yêu mẹ nhất. Không ai nhiều hơn, không ai ít hơn, nghĩa là ai cũng nhiều nhất.
Betsy nín khóc ngay. Hai con bé đều hài lòng, mỉm cười sung sướng và ôm chầm lấy bố làm anh muốn ngộp thở.
                               ************.
Ba tuần lễ đã trôi qua, cu Tí lớn lên từng ngày, sự thay đổi thấy rõ, người nó mập hơn, gương mặt nó to tròn, phúng phính hơn. Cu Tí mở mắt nhìn cuộc đời bé nhỏ trong căn phòng này nhiều hơn.
Ba tuần lễ trôi qua, đều đặn sáng anh đưa Tabi đến trường, chiều đón về. Anh nấu cơm, đút cơm cho con lớn, hầu đứa con thứ hai, lăng xăng với thằng con thứ ba bé bỏng, và làm đủ thứ chuyện nhà để vợ nghỉ dưỡng sức.
Ông bố đảm đang tuy đã quen với công việc nhà nhưng trong thâm tâm chỉ mong mau tới ngày trở lại đi làm, dù sao 8 tiếng làm việc ở hãng cũng êm đềm gấp bội so với việc nhà. Ở hãng anh chỉ đối diện một ông boss, ở nhà boss lớn boss nhỏ làm anh tối tăm cả mày mặt.
Anh đã đăng mẩu rao vặt tìm bà trông trẻ bao ăn ở tại nhà, trên báo Việt Nam từ ngày sinh thằng cu Tí đến giờ chỉ có hai bà gọi, bà nào cũng hỏi han cặn kẽ từng chi tiết và thoái thác sẽ gọi lại sau.
Các bà giữ trẻ rất có gía,  nên tha hồ kén chọn. Anh luôn cầu mong một trong hai bà gọi lại và đồng ý nhận việc để ba đứa con anh đỡ vất vả và để anh thoát khỏi cái cảnh nội trợ bất đắc dĩ này càng sớm càng tốt.
                    Nguyễn thị Thanh Dương.
                       ( Father’s day, 2008)
                            ***************
           ÔNG CỤ GÌA TRONG NURSING HOME.
Tôi gặp ông cụ gìa trong nursing home,
Ngồi trong chiếc xe lăn lặng lẽ,
Ánh mắt  xa xăm,
Nhìn qua khung cửa sổ.
Ở ngoài kia có một khu vườn hoa nở,
Ông có biết không?
Có cả gió mênh mông,
Những con chim nhẩy nhót trong lùm cây đâu đó,
Và một khung trời qúa khứ,
Của ông.
Ông đã từng có một mái nhà,
Là một người chồng,
Là một người cha,
Ông đã có những tháng ngày êm đềm hạnh phúc,
( Dù dài lâu hay thoáng chốc ),
Vòng tay run rẩy này  xưa từng ôm ấp những đứa con,
Dắt chúng ra công viên,
Bờ vai héo gầy này  xưa từng cõng những đứa con,
Cha và con cùng đùa vui thỏa thích.
Bây giờ các con ông đã lớn,
Có những cuộc sống riêng,
Ông sống ở nursing home,
Giữa những người xa lạ,
Các con đến thăm ông vào những ngày cuối tuần vội vã,
Hay những ngày lễ,
Đến đón ông về nhà.
Các con ông đang là mẹ, là cha,
Cũng như ông ngày xưa,
Họ bận bịu vì đàn con,
Vì công việc, vì chuyện đời, cơm áo…
Chắc hẳn người cha trẻ cũng dắt con ra công viên những khi rảnh rỗi,
Và cõng con trên vai ,
Cho con mơ được với tới trời xanh,
Cũng ấp ủ, dỗ dành,
Khi chúng dỗi hờn.
Nên ông đừng buồn,
Khi đang bị chìm dần vào quên lãng,
Đó là quy luật của cuộc sống,
Có những người cha,
Đang về gìa,
Hay đã xuôi tay nhắm mắt,
Vẫn để lại bao kỷ niệm êm đẹp,
Cho lũ con yêu nối tiếp bước vào đời.
                  Nguyễn thị Thanh Dương.
                        ( Father’s day, 2008)



No comments:

Post a Comment