Sunday, September 18, 2011

Tình Không Đẹp Như Thơ

                    TÌNH  KHÔNG  ĐẸP  NHƯ  THƠ  .

Chị đến Mỹ muộn màng và yêu cũng muộn màng. Các anh chị của chị đến Mỹ từ lâu, họ làm bảo lãnh cha mẹ, rồi đến chị, diện anh chị em không được ưu tiên cao, nên lá đơn bảo lãnh nộp sở di trú khi chị 25 tuổi, đến 37 tuổi, chị mới được đặt chân đến Mỹ.
Mười hai năm chờ đợi ấy, chị đã phải hi sinh rất nhiều, không dám yêu ai và chẳng dám đáp lại tình ai. Bố mẹ chị đã răn đe “ Bất cứ giá nào cũng phải đợi đi Mỹ để đoàn tụ với gia đình, con nhé! không được yêu thương thằng nào hết”. Chị vừa vâng lời cha mẹ, vừa mộng mơ, tưởng tượng: “Thôi thì ráng hi sinh những tình cảm bên này, qua bên ấy, tha hồ lựa chọn một tấm chồng, cỡ bác sĩ, kỹ sư…trở lên, thà muộn mà ngon lành, còn hơn sớm, phải ở lại Việt Nam, tình yêu nào cũng sẽ lụi tàn, mà chuyện áo cơm thì vất vả cả đời”. Và chị hớn hở chờ đợi.
Qua Mỹ, đến nay đã 3 năm, chị đã sốt cả ruột mà chưa tìm đâu ra một ông bác sĩ, hay kỹ sư. Vậy mà, ở Việt Nam, người ta cứ đồn rằng qua Mỹ lấy chồng dễ ợt, bạn bè, hàng xóm khoe con em họ lấy chồng có đủ loại bằng cấp nọ kia, dù những cô gái may phước đó chẳng đẹp hơn chị là bao ! Thì chị cũng có quyền hi vọng như thế lắm chứ.
Bây giờ chị mới hiểu rằng, người Việt Nam ở Mỹ, học hành,thành đạt thật đấy, nhưng con gái Việt Nam ở đây không còn khan hiếm nữa, những thế hệ sau này đã lớn lên, đủ “cung cấp” nhu cầu tại chỗ, chưa kể “thị trường” trong nước Việt Nam thì vô tận, các cô gái trẻ đẹp luôn khao khát, chờ mong được Việt Kiều về cưới và mang họ qua Mỹ.
Thế nên, chị lạc lỏng giữa dòng đời, giữa xứ Mỹ và giữa cái tuổi không còn trẻ và chưa đủ già của chị..
Nước Mỹ, sau vụ 9-11 kinh tế khó khăn, công ăn việc làm bị hạn chế, chị không có tay nghề, kinh nghiệm.Vốn liến tiếng Anh chỉ lưu loát được 3 chữ: “ No,Yes,Thank you”,nên chị xin việc hãng nào là cầm chắc bị hãng đó từ chối. Cuối cùng, chị cũng được một chỗ làm để kiếm ra tiền, khỏi sống nhờ vào các anh chị, là làm may cho một shop của người Việt Nam, họ chỉ cần chị biết may, thế là đủ! Nên khả năng nói lưu loát 3 chữ “ No,Yes,Thank you”của chị vẫn dư thừa, để dành đó, không cần đụng tới.
Cả ngày chị cặm cụi vào cái máy may, vào những miếng vải cắt sẵn, và dăm ba câu chuyện vặt với người bạn may bên cạnh, dần dần cũng thành tẻ nhạt, người ta có chồng có con, nên cứ nói đến đề tài này là chị “né”, vì sợ động vào nỗi đau âm thầm của chị. Chị chỉ còn một niềm vui duy nhất đó là cuối tuần đi chợ, nhìn đủ các gương mặt lạ, những hàng hoá, thực phẩm, để nghĩ đến những món ăn ngon sẽ nấu.Và nhất là xin được mấy tờ báo, về nhà nằm khểnh đọc chơi !
Ở thành phố này, có bao nhiêu tờ báo phát hành, chị đều xăng xái xin đủ cho bằng được, thiếu một tờ là chị áy náy. Báo free mà, không mất tiền thì cứ hưởng tối đa, không đọc được mục này thì cũng đọc mục nọ, mà nếu không đọc gì hết cũng…chẳng sao, tờ báo sẽ đem ra lót bàn, đựng rác. Khi gọt trái cây, dùng để đựng vỏ, đựng hột, và túm lại dễ dàng trước khi nhét vào thùng rác.Tiện lợi mọi bề !
Thường thì chị hay đọc mục “Tìm bạn bốn phương”, thấy người ta đăng báo tìm bạn, chị cũng ham quá, nhưng vẫn thấy ngần ngại, sợ cha mẹ, anh chị biết rõ “tâm địa” chị đang muốn lấy chồng, nên chị chưa bao giờ có ý định đăng lên những lời khao khát của chính mình.
Một hôm, chị ngồi buồn, chẳng biết làm gì, bèn gọt một trái xoài ăn chơi. Trải tờ báo ra bàn, chị vừa gọt vỏ xoài vừa lơ đãng đọc một bài thơ nằm chình ình trên trang báo trước mặt chị. Bài thơ than thân, trách phận và oán đời, nghe mà não nề của tác giả Phong Trần.
Bài thơ đã làm chị xúc động, cái bút hiệu Phong Trần càng làm chị xúc động hơn, chị tưởng tượng nhà thơ Phong Trần dày dạn gió sương, cũng đang là một kẻ cô đơn, mòn mỏi như chị, chị muốn cắt bài thơ ra để dành, nhưng những vỏ xoài đã dính lên bài thơ làm ướt nhẹp. Nghĩ mà tội nghiệp cho nhà thơ, có biết đâu tác phẩm tim óc của mình bị ngược đãi, ơ hờ như thế.  Nếu chị không vừa gọt trái xoài vừa liếc mắt đọc bài thơ cho đỡ sốt ruột thì có lẽ chẳng bao giờ chị biết đến nhà thơ Phong Trần cả.
Từ hôm ấy trở đi, mỗi tuần chị đều chăm chú giở từng trang, tờ báo mà chị đã  “gặp” nhà thơ Phong Trần trong lúc gọt xoài, để tìm thơ anh. Chị đọc từng chữ, từng dòng và ghiền thơ anh hồi nào không hay. Chị liền bạo gan, gọi phone tới toà soạn báo để hỏi thăm và xin số điện thoại của nhà thơ Phong Trần với tấm lòng ái mộ. Chị không ngờ, cú phone đầu  tiên chị gọi nhà thơ Phong Trần được hân hoan đón nhận đến thế, nghe chị nói rất thích thơ anh, nhà thơ Phong Trần đã kiên nhẫn chép tay cả chục bài thơ và gởi bằng bưu điện cho chị.
Từ đấy, ngành bưu điện đang hồi ế ẩm, bỗng nhiên vớ được hai khách hàng chăm chỉ viết thư cho nhau, nhờ bưu điện chuyển giùm, và cũng từ đấy, mỗi lần thơ anh đăng lên báo, đều ghi tặng tên chị phía dưới, những bài thơ anh dịu dàng hơn, tình tứ hơn, làm chị cảm động.
Chị mang đến shop may một trái tim vui đang yêu, chị dò dẫm để khoe khéo với bà thợ may bên cạnh, mà chị từng trò chuyện mỗi ngày:
-         Nhà chị có hay đọc báo chí Việt Nam không?
-         Có chứ, cả nhà cùng đọc, ở xứ Mỹ buồn thấy bà. Cuối tuần có báo “chùa” đọc cũng vui.
-         Thế chị có đọc tờ báo…
Bà kia cướp lời, nhanh nhẩu:
-         Đã nói là báo nào cũng đọc hết trơn, báo cuốn, báo tờ có đủ cả. Một mặt ông xã đi lấy, một mặt tôi đi chợ xin thêm, nên không sót tờ nào. Có khi còn lấy dư, ê hề chật cả nhà..
Chị vừa trách vừa thấp thỏm vui mừng:
-         Lần sau lấy báo vừa đủ coi thôi, lấy dư người khác không có đọc, tội người ta. Thế chị có đọc thơ của nhà thơ Phong Trần không?
Bà bạn may khựng lại:
-         Ủa!...thằng đó là thằng nào?
-         Sao chị bảo báo nào cũng đọc hết? Phong Trần là một nhà thơ…
Bà kia lại nhanh nhẩu:
-         Ôi, ai hơi đâu để ý tới mục thơ thẩn, tôi chỉ khoái coi mục tử vi hàng tuần thôi hà. Thơ của thằng Phong Trần hay của bất cứ ai cũng không nhằm nhò gì với tôi hết.
Chị bực mình, nghĩ thầm “ Con mẹ này trước ở Việt Nam, chuyên mua bán ve chai, lông vịt, trình độ đâu mà đọc văn thơ?”.
Chị lại gói niềm riêng, đợi khi nào gặp được người “cao cấp” hơn sẽ hỏi. Một hôm, có cặp vợ chồng , bạn của người anh, đến nhà chị chơi, cả hai đều là kỹ sư điện, họ rất thân với gia đình chị, chị liền lân la đến gần người vợ để chuyện trò:
-         Chị ơi, chị có thích đọc thơ của nhà thơ Phong Trần, đăng trên báo Việt Nam ở đây không?
Bà kỹ sư điện trả lời nhanh như điện:
-         Chị không có thì giờ đọc mấy bài thơ đăng trên báo chợ đâu em ạ, thơ chẳng ra thơ, vần một nơi, ý một nẻo, có đọc chỉ thêm bực mình !
Chị cố gỡ gạc, giải thích:
-         Cũng tuỳ chứ chị. Em thấy thơ của nhà thơ Phong Trần có hồn lắm…
Bà kỹ sư vẫn chua ngoa:
-         Ở Mỹ người ta ai cũng lo đi cày để kiếm tiền, đa số những đứa dở hơi mới rảnh để làm thơ đăng báo.
Rồi bà hùng hồn chỉ trích:
-         Báo chí ở Mỹ ai làm chả được! Trước kia ở Việt nam, là một anh thợ mổ thịt heo hay đạp xe 3 bánh, sang đây cũng có thể làm chủ báo ngon lành, bài vở lên internet lấy xuống, hay dịch vớ vẩn từ báo Mỹ. Lại thêm có những đứa dở hơi như nhà thơ Phong Trần nào đó, cặm cụi, bỏ thì giờ, sáng tác thơ văn, gởi về đóng góp cho tờ báo.
Chắc bà kỹ sư ngày xưa thất tình một anh nhà báo, nên mới cay cú thậm tệ giới này? Làm một tờ báo ít nhiều cũng phải có kiến thức hay năng khiếu về báo chí, văn thơ, và nhất là lòng yêu nghề thì tờ báo mới sống còn. Chị chẳng hơi đâu tranh luận vấn đề này làm gì !
Chị buồn quá, thế là từ thành phần lao động đến trí thức, không ai biết đến nhà thơ Phong Trần của chị cả, nói gì đến tên chị, đứng khiêm nhường, bé nhỏ dưới mỗi bài thơ của anh? Thì thôi, mình chị đọc thơ anh, mình chị hãnh diện vậy.
Mối tình thơ của hai người kéo dài được hơn hai chục số báo, và mấy chục lá thư qua đường bưu điện, thì họ bắt đầu hẹn để nhìn mặt nhau cho thoả lòng thương trộm nhớ thầm. Chị đã e ấp nhìn anh :
-         Anh ơi,tại sao anh lấy bút hiệu Phong Trần, nghe lãng mạn và bụi đời thế?
Anh trả lời thản nhiên:
-         Có gì đâu, tên anh là Trần văn Phong !
Thì ra thế! tên anh Trần văn Phong viết ngược theo kiểu Mỹ thành Phong Trần, vô tình trở nên lãng mạn ,rất thích hợp cho một người làm thơ như anh. Chứ anh có phải cất công suy nghĩ cho cái bút hiệu của mình đâu !
Chị không đẹp lắm, độc thân và trinh nguyên nhưng hơi cứng tuổi, còn anh, hơn chị đúng 10 tuổi, đã một đời vợ, li dị, hai con theo mẹ, cho nên mấy năm nay anh trở thành người đàn ông độc thân, đi về một bóng, anh mong có một người đàn bà cho căn nhà ấm lên, cho lòng anh đỡ trống trải.
Thế là họ không có gì để chê nhau cả, mối tình thơ đã đi đến đoạn kết mong muốn: Họ cưới nhau.
Chị lấy anh vì sau 3 năm sống ở Mỹ, chị biết rằng khó có thể kiếm một tấm chồng bằng cấp Bác sĩ, kỹ sư, khi tuổi chị đã xế chiều và nhan sắc chẳng có gì đáng nhớ. Như món hàng ế ẩm, muốn bán được, cần phải hạ giá đến đại hạ giá. Chị đã “on sale” cuộc đời chị, lấy một người chồng chẳng những đã không bằng cấp mà còn có một quá khứ lòng thòng vợ con, dù anh hết tình hết nghĩa với người vợ, nhưng hai đứa con, chắc vẫn đậu lại trong lòng anh nỗi thương nhớ xót xa? Trái tim anh có yêu chị cách mấy, đôi khi cũng tạm ngừng nghỉ để quay về với hai con. Chị cũng đành thôi, ở đời có gì tuyệt đối đâu?
Khi đọc một bài thơ, không nhìn thấy tác giả, bài thơ hay sẽ làm rung cảm lòng người, nhưng khi nhìn thấy tác giả thì những rung cảm ấy sẽ giảm đi một ít, và nếu sống cùng một nhà với tác giả, thì bài thơ bỗng trần trụi như đời thường của người đã sáng tác ra nó.
Những ngày, những tháng trôi qua, chị không còn thấy thơ anh hay nữa, dù mỗi khi đăng báo, anh vẫn đề tặng tên chị, và chị đã ngạc nhiên, không hiểu sao chị lại thay đổi nhanh chóng thế?
Nhà thơ Phong Trần mà chị ngưỡng mộ và yêu mến ngày nào, bây giờ là một thằng đàn ông suốt ngày cởi trần trùng trục vào mùa Hè, anh mặc duy nhất cái quần đùi, đôi vai anh gầy, nhô lên, tưởng gío cũng có thể lung lay, vậy mà trước kia anh đã làm bài thơ với câu: “Đôi vai anh sẽ là nơi em tựa”. Thơ chỉ là bịa đặt và hoang tưởng.
Anh thường ngồi ở ghế, hai chân thô lỗ gác lên bàn, vừa nhâm nhi ly trà nóng vừa sáng tác thơ, trong khi ngoài bếp, chị đang nấu nướng, dao thớt khua lên, chảo mỡ kêu ì xèo. Và trong phòng thì thằng cu Tí bé bỏng của hai người đang nằm o oe chơi một mình, nhưng khi nó khóc ré lên, chính anh là người phải vội vàng hạ chân xuống bàn, cắt đứt dòng tư tưởng đang tuôn ra, để chạy lại tủ lạnh.lấy bình sữa, nhét vô miệng thằng con, hoặc tệ hại hơn, anh phải thay diaper cho nó, mất nhiều thời gian hơn, xong việc thì ý thơ cũng bay xa.Tác phẩm bằng xương bằng thịt, đã hại tác phẩm tinh thần của anh.
Có lần, anh ngồi lì để viết cho xong một ý thơ, không chạy ra đáp ứng ngay tiếng khóc của thằng Cu Tí, thì vợ anh đã lớn tiếng:
-         Không ra mà lo cho nó đi! Thơ với thẩn, để thằng nhỏ…chết đói bây giờ.
Anh tức giận nhìn “nàng thơ”của anh, người đã từng dịu dàng, âu yếm đi vào những bài thơ của anh, bây giờ hiện nguyên hình là một con mẹ khô cằn sỏi đá, đầu óc lúc nào cũng toan tính đến chuyện thực tế, đói no, bạc tiền. Trước chị ngưỡng mộ anh, coi thơ anh là hương hoa trong cuộc sống, bây giờ những hương hoa ấy đã bay đi, đã trở thành những món phụ tùng không cần thiết.
Một buổi sáng thức dậy, trời chuyển gió lạnh, lòng anh bỗng vu vơ cảm xúc yêu thương khi nhìn ra ngoài trời những chùm lá cây đẩy đưa trong gió. Anh thèm được rủ chị cùng anh đi sóng đôi trong cái không gian lạnh lẽo ấy để tìm hơi ấm của lòng nhau. Anh phấn khởi hỏi chị:
-         Em ơi, ngoài kia đang gió lạnh. Em có biết anh đang mơ ước gì không?
Chị đáp sỗ sàng:
-         Mơ ước có một tô phở nóng hổi với đầy đủ tương ớt, ngò gai, húng quế ngay trước mặt để ăn cho ấm người chứ gì? Hôm nay tôi không có rảnh mà hầm xương nấu phở cho anh đâu !
Trời ơi! Khi không mà anh thấy lạnh cả lòng, lạnh hơn cả những chùm lá trên cây đang run lên vì gió lạnh ngoài kia.
Nhưng cũng chưa lạnh, chưa đau bằng những bài thơ anh đang viết dở dang, những ý thơ chợt đến, anh đã ghi vội trên tờ giấy để trên bàn đã bị chị “clean up” vứt vô thùng rác thẳng tay, không một thắc mắc. Anh tiếc đứt ruột, trách chị, thì chị nghênh mặt lên, đe doạ:
-         Quý hoá gì? Thơ với thẩn viết lung tung rác cả nhà. Lần sau anh còn để bừa bộn tôi giục thùng rác nữa đó.
Anh đành ngậm ngùi ra…moi thùng rác tìm lại mảnh giấy thơ lẫn lộn với những tã dơ của Cu Tí, và những thứ rác rưới khác. Chị đâu biết rằng một cảm xúc nào đó đã qua rồi đâu dễ gì tìm lại được nếu không ghi vội trên những mảnh giấy kia.
Thỉnh thoảng anh gọi phone thăm hai đứa con của đời vợ trước, một đứa đã lớn, một đứa còn đang học high school, thương con,anh muốn gởi cho nó một hai trăm làm quà, “Nàng thơ” của anh đã trề môi mai mỉa:
-         Lương công nhân có là bao, mà hứa hẹn cho nó tiền? Hãy làm bài thơ tặng nó cho có tình nghĩa…Thế mới là vô giá .
Anh đau xót và tủi quá, chẳng lẽ lại cãi nhau, lại li dị? Cuộc đời đâu có đủ dài cho con người, để họ thử thách lấy nhau, bỏ nhau, như trò chơi trẻ con, thích đó, rồi lại chán chê, muốn bỏ?
Anh vẫn đi làm công nhân và vợ anh đi làm ở shop may, thằng Cu Tí đem gởi bà ngoại chiều tối mới mang về.Vợ anh đang chạy đua với thời gian, chị sang Mỹ muộn, lấy chồng muộn, và có con muộn, nên muốn làm gấp rút, kiếm nhiều tiền để mua nhà như người ta, ở nhà thuê, trả tiền tháng nào là mất luôn tháng đó. Ước mơ bình thường thế mà trời cũng không để yên. Anh bị lay off, anh không có tội gì cả, hãng không có việc nên phải giảm bớt nhân viên. Vậy mà chị đổ tội cho anh:
-         Sao bao nhiêu người, hãng không lay off mà lại là anh? Chắc tại anh mải nghĩ thơ nghĩ thẩn, làm không được việc, nên họ đuổi cho bõ ghét chứ gì?
Anh làm ngơ, chấp chi con đàn bà nông cạn! Anh lo đi làm giấy tờ xin hưởng tiền thất nghiệp, rồi thủng thỉnh xin việc làm sau, nhân lúc rảnh rỗi bất đắc dĩ này, anh nghỉ ngơi và làm thơ. Cuộc đời là thế, ngay cả khi hoạn nạn, cay đắng cũng có thể thành thơ. Nhưng con vợ, không để anh yên, chị đi ra, đi vào, lườm nguýt, thấy anh vẫn cầm bút, vùi đầu vào trang giấy, chị chịu không nổi, ghé mắt vào sinh sự:
-         Anh đang làm gì đó?
Anh cười dù thật lòng chẳng muốn cười:
-         Làm thơ !
Chị kêu lên, như chưa từng thấy anh làm thơ bao giờ:
-         Trời ơi, không lo viết đơn xin việc mà còn ngồi làm thơ? Thơ có ăn được không? Có đổi ra tiền để  đi chợ hay trả bill được không?
Anh kiên nhẫn:
-         Tất nhiên là không! Nhưng nó cho anh một niềm vui…
“ Nàng thơ” ngày nào của anh lồng lộn lên:
-         Anh sống không có…lập trường như thế à?, phải đối diện với thực tế, phải đi tìm việc làm chứ.
Rồi chị nghẹn ngào như một người vợ đau khổ khi bị chồng phụ rẫy:
-         Bây giờ tôi mới hiểu lời của chị kỹ sư, bạn của anh tôi, chị ấy nói “Mấy đứa làm thơ toàn là mấy đứa dở hơi, sống trên mây…”
-         Em cứ làm như nếu anh không đi làm thì vợ con chết đói ngay ấy. Ở Mỹ, chuyện lay off thất nghiệp, đến với tất cả mọi người, bất cứ lúc nào, việc gì em phải đau khổ thế? rồi anh cũng sẽ xin được việc làm khác thôi, nhưng trong lúc rảnh rỗi, anh vẫn có quyền mơ mộng, làm thơ. Thơ đến với anh những lúc hạnh phúc và cả khi thất vọng, khổ đau…
Nhìn vẻ mặt nghiêm trang của anh, nhìn đôi mắt anh ngời sáng long lanh đang nhìn thẳng vào mắt chị với sự phản kháng âm thầm, chị bỗng thấy…khớp  không dám làm ầm ĩ thêm nữa. Chị chợt nhớ đã mấy lần mẹ chị khuyên chị rằng: “ Mày có thằng chồng hiền lành, thương vợ thương con là tốt phước rồi, đừng hiếp đáp nó, con chó bị dồn đến nước cùng cũng quay đầu lại cắn chủ. Nó mà tức giận quá, mất khôn, nó li dị, thì mày chỉ có nước ôm con nuôi tới già. Còn nó, nếu ham vui như người ta, về Việt Nam lấy vợ trẻ, vợ đẹp thiếu gì”.
Cho nên chị không dám quát tháo thêm nữa, chị đành bỏ đi làm việc khác sau khi đã quẳng lại cho nhà thơ một cái nguýt mắt đầy đanh đá.
Một mình anh ngồi lại, giận vợ nhưng cũng thương vợ, đàn bà thường thực tế và nông cạn như thế. Anh hiểu, cái tình yêu thơ mộng mới ngày nào, đã  thay thế bằng những lo âu, toan tính trong cuộc sống, chị quá lo cho gia đình, cho tương lai của con, chị sợ tuổi đời của cả hai người không đủ dài để làm nên cơ nghiệp như chị mong muốn.
Trên tờ báo hàng tuần vẫn tiếp tục đăng thơ anh, thơ anh vẫn tình tứ, vẫn ướt át, nhưng nếu người ta để ý, thì dưới mỗi bài thơ, anh không còn ghi lời tặng cho chị nữa.
Mục tiêu của đời chị là có tiền để mua nhà, để dành lo cho tương lai thằng Cu Tí, làm đến cả đời chưa chắc xong. Nên chị cần quái gì điều đó, cái tên chị có dính trên báo cũng chả làm túi tiền chị tăng thêm một xu nào!
Những bài thơ của anh đã trở thành vô nghĩa, và mối tình thơ của chị đã chết tự lúc nào.
                   Nguyễn thị Thanh Dương

                       ***     ***               ***     
         CON BÉ NGỐC .
Nếu tôi được sống trở về quá khứ,
Sẽ bắt đầu từ lứa tuổi đôi mươi,
Tôi đã lớn lên từ con phố nhỏ,
Phố nên thơ vì hình ảnh một người.
             Tôi vẫn là tôi một con bé ngốc,
              Mắt mở to chỉ thấy chuyện thiên đường,
              Và anh đến như từ trong giấc mộng,
               Tôi đã chờ muôn kiếp để yêu thương.
Ngọn gió nào đã mang mùa Xuân đến?
Hoa cỏ vì anh làm đẹp cho đời,
Ngọn gió nào thổi vào tôi mê đắm?
Tôi vì anh khát vọng một biển khơi.
                            Tôi vẫn là tôi một con bé ngốc,
                             Tình của anh là một thoáng mây bay,
                             Anh đâu biết tôi vẫn thường hay khóc,
                             Bao dung chờ anh, ấm lại vòng tay.
Sao tôi chỉ mơ những điều như thế?
Vết đau xưa chưa rời khỏi tim mình,
Cũng vẫn là  những con đường phố nhỏ,
Đưa tôi về,người ấy vẫn là anh.
                            Anh ơi,vì tôi yêu anh chân thật,
                            Tự nhiên như cây trái đến theo mùa,
                            Anh cứ xem tôi là con bé ngốc,
                             Trái tình này tôi nhận dẫu ngọt,chua !
Nếu tôi được sống trở về quá khứ,
Sẽ bắt đầu từ lứa tuổi đôi mươi,
Tôi và anh,những người yêu nhau cũ,
Thêm một lần yêu nữa, dẫu chia phôi…
                           Nguyễn thị Thanh Dương .
                   ****               ****            *****            ****
     NGƯỜI  PHỐ  NÚI MÙA ĐÔNG.
Tôi yêu sao người phố núi !
Và yêu khi mùa Đông phố giăng sương mù,
Đôi mắt anh buồn,
Trong buổi chiều âm u…
Phố núi những ngày ướt lạnh,
Trời mưa bụi bay…
Anh ngồi trong quán nhỏ,
Khói thuốc lá làm ấm bàn tay,
Khói cà phê làm đầy thêm nỗi nhớ.
               Tôi yêu sao người phố núi !
               Lang thang anh dạo phố chiều,
               Những sợi tóc rối bời trong gió,
               Anh đã nhìn tôi,
               Nhưng không là trăm năm hò hẹn,
               Đôi mắt ấy lạnh như mùa Đông,
               Đôi mắt ấy dửng dưng, 
               Mà sao tôi vẫn nhớ nhung theo mấy đoạn đường.
Tôi yêu sao người phố núi !
Mỗi lần gặp, mỗi lần về bối rối,
Người phố núi ơi!
Nhỡ mai không còn sương mù,
Đôi mắt anh có buồn như hôm qua?
Nhỡ mai không còn gió lạnh,
Anh có ngồi trong quán cà phê ,
Tìm hơi ấm qua mơ màng khói thuốc?
               Người phố núi ơi!
               Nhỡ mai tôi giã biệt,
               Không bao giờ trở lại,
              Với cõi lòng tê tái,
               Anh có còn nhớ đến tôi không?
               Nhưng tôi nhớ mãi,
               Đôi mắt anh và buổi chiều phố núi,
               Tôi về nhà sám hối,
               Một tâm linh chết trong mắt một người.
         Nguyễn thị Thanh Dương
              

Thơ: Tâm Sự Một Người Con Lai

                        TÂM SỰ MỘT NGƯỜI CON LAI.
( Cảm xúc cho “Đêm hội ngộ Người Việt lai Mỹ” tổ chức vào ngày 14 tháng 7- 2007 tại nhà hàng Maxim ở Richardson.).
                               
Tôi là một người Việt Nam lai Mỹ,
Cha mẹ chẳng mong ngày tôi được sinh ra,
Vất vả, lạc loài sống nơi quê mẹ,
Vẫn lạc loài khi về đến quê cha.
                  Mẹ tôi đã qua bao mùa lam lũ,
                  Nuôi tôi từng ngày,mưa nắng ngược xuôi,
                  Những lời dèm pha vô tình hay cố ý,
                  Như nắng mưa,mẹ chịu đựng quen rồi.
Tôi cũng đã qua bao mùa lam lũ,
Tuổi thơ tôi biết mặc cảm với đời,
Nhà tôi nghèo,chuyện học hành dang dở,
Tương lai buồn như hoa lục bình trôi.
                    Cha tôi là một người lính viễn chinh,
                     Đêm phương Đông trong nỗi buồn xa xứ,
                      Người lính tìm vui trong những cuộc tình,
                      Trong men rượu,mỗi khi về thành phố.
Tôi đến quê cha như người khách lạ,
Hai bàn tay trắng tôi lại bắt đầu,
Trong ký ức lẽ nào cha không nhớ?
Một đứa con rơi,trong thời cuộc bể dâu .   
                       Có thể là cha tôi đã mất?
                       Linh hồn cha giờ yên nghỉ nơi đâu?
                       Tôi chưa một lần được rơi nước mắt,
                        Bên mộ cha, để thắp nén hương đầu.
Có thể bây giờ cha tôi vẫn sống?
Đang cô đơn khi tuổi đã về già?
Cha và tôi giữa trời cao,phố rộng,
Có thể gần? và có thể rất xa?
                             Tôi đã ổn định cuộc đời trên nước Mỹ,
                              Sống ở quê cha,quê mẹ vẫn chờ,
                              Hai quê hương rất gần trong suy nghĩ,
                               Tôi là dòng sông chảy giữa đôi bờ.
           Nguyễn thị Thanh Dương
              ( June-07)   

Thơ : Tạm Biệt California

TẠM  BIỆT  CALIFORNIA.

Tôi đến Cali. vào cuối tháng Mười,
Orange County đẹp màu cam , quýt….
Cây chanh nhỏ , trái đầy cành ríu rít,
Còn sót vài nụ hoa trắng cuối mùa.
        Tôi nhớ lại thời con gái chanh chua,
         Tuổi mới lớn nhìn cuộc đời kiêu hãnh,
        Ôi mộng mơ những lâu đài trên cát,
         Những tình yêu không có thật bao giờ !
Chiều cuối tuần đi dạo phố Bolsa,
Người đông vui bên dòng đời tất bật,
Tôi lạ lẫm giữa nụ cười , ánh mắt
Của người dưng đi bên cạnh hững hờ.
          Tôi ghé vào đây ăn một chén chè,
          ( Chè ba màu ,cho đời thêm hương sắc )
           Quán mở nhạc, bài tình ca ngăn cách,
           Bỗng dưng làm tôi khóc giữa chiều vui.
Tối vào Brodard , nhà hàng đông người,
Thơm son phấn giữa ồn ào vật chất,
Bữa ăn tối nay , tôi là du khách,
Chợt nhớ nhà, xa mấy nẻo chim bay.
            Tạm biệt Cali.buổi chiều Thứ Hai,
            Phi trường John Wayne có người bịn rịn,
           Ở lại nhớ nhà, ra về lưu luyến,
            Tôi ngẩn ngơ, quanh quẩn giữa đời mình.
Tôi đi rồi , Cali. có biết không ?
Phố Bolsa thiếu một người đi dạo,
Bản nhạc tình trong quán kia ai hiểu ?
Ai chạnh lòng rơi nước mắt như tôi ?
             Tạm biệt Cali. hàng cọ trên đồi,
              Đường ra biển gió mang về hơi lạnh,
              Ai sẽ thay tôi bước đi thật chậm ,
               Nghe biển rì rào tình tự chiều nay ??

         Nguyễn thị Thanh Dương
( California, Oct.20-24-2005 )    


Tôi Sẽ Li Dị

                   TÔI  SẼ  LI  DỊ 
Tôi xách bóp đi ra cửa :
-         Em đi…họp đây, anh ở nhà nhé .
-         Biết rồi, từ hôm qua đến giờ thấy Thu gọi  em mấy lần, lại “ hội nghị 3 người” như ngày xưa chứ gì ? Các cô chỉ lắm chuyện !
-         Trời ơi, chuyện quan trọng tụi em mới phải họp, chứ ai ngu gì để phí một buổi chiều Thứ Bảy cơ chứ. Thôi, anh khỏi phải lo cho em, em sẽ ăn cơm ở nhà Vi, hay tụi em sẽ kéo nhau đi nhà hàng. Bye!
Tôi vào garage lái xe cái vèo ra tới đường thì thấy chồng tôi vội vã lao theo, vẫy tay ra dấu cho xe ngừng lại, anh ta đến bên cửa kính xe, ngơ ngác:
-  Em sẽ không ăn cơm nhà chiều nay chứ gì. Thế… còn anh ?
Tôi gắt lên:
-         Tự túc, có thế mà cũng hỏi !
Chợt thấy mình gắt gỏng vô lý, tôi dịu giọng lại:
-  Cá thịt, tôm tép, đầy trong tủ lạnh đó, và…một đống sách dạy làm bếp em để trên bàn viết của em đó. Chúc anh một bữa ăn ngon. Bye !
-  Khoan…em ơi, sách dạy làm bếp một đống, nhưng của ai dễ hiểu, dễ thực hành nhất ?
- Martin Yan ! Xưa nay em đã cho anh ăn bao nhiêu món của ông ta rồi mà.
-  Nhưng món nào …cũng hỏng, nên anh không tin là của ông ta.
Chồng tôi hỏi lại cho chắc ăn:
-         Là cái ông người Hoa, dạy nấu ăn trên ti vi mà em yêu thích, đã mấy lần em ghen tị nói rằng không biết con mẹ nào có phước, được làm vợ Martin Yan, tha hồ ăn ngon mà khỏi phải vào bếp nấu, ấy hả ?
-   Đúng rồi, nhưng sao anh nói to thế, lỡ ai nghe thấy…Thôi, bye nhé !
Qua kính chiếu hậu, tôi vẫn thấy anh ta đứng đó, ngẩn ngơ và hoang mang ! Chốc nữa vào nhà, mở tủ lạnh ra, nhìn ngăn đông lạnh, anh ta sẽ còn hoang mang hơn nữa : những bịch lớn, bịch nhỏ, gói lại, túm lại. Chính tay tôi mua và cất vào, mà mỗi khi cần, tôi cũng… hoang mang không biết đó là những gói gì, chứ đừng nói anh ta.
Phải nói”bye” đúng 3 lần tôi mới thực sự rời khỏi nhà, lấy ông chồng vụng về bếp núc quá cũng khổ! chẳng… nhờ vả được, đã thế còn phải chỉ dẫn cho anh ta đến mỏi cả miệng. Nghĩ đến “thần tượng” Martin Yan, lòng tôi lâng lâng, anh ta biểu diễn nấu nướng trên ti vi thật điệu nghệ, ăn nói vui vẻ, dễ thương.
Trong một phút cao hứng tôi thì thầm:
-  Martin Yan, kiếp sau anh đầu thai ở đâu? Hãy đợi em nhé.
Tôi đến nhà Vi thì Thu đã có mặt, nó đón tôi bằng một câu trách:
-  Mày đến trễ 10 phút !
-  Tại chồng tao, anh ta phải tự nấu cơm chiều nay nên lo âu, lúng túng, cứ hỏi mãi. Tội nghiệp, không biết bây giờ anh ta đã tìm ra gói thịt, gói cá nào chưa?  Nào bây giờ ba chúng mình họp.Vi ơi, lại đây !
Cô bạn Vi yêu quý của chúng tôi mỉm cười chào bạn nhưng mặt vẫn chảy dài ra như cục bột ủ men để quá lâu. Thu phê phán ngay:
-         Vi làm ơn sửa lại bộ mặt đi, tao là bạn mày mà trông còn thấy chán, chứ đừng nói chồng mày, anh ta đi léng phéng là phải.
Ba chúng tôi ngồi vào bàn, là ba đứa bạn thân từ hồi còn trung học, chúng tôi đã gắn bó với nhau, buồn vui chia xẻ như chị em ruột.
Vi lên tiếng trước:
-         Tao đang đau khổ quá, Linh ơi, Thu ơi, có cách nào cứu tao với?
Tôi thở dài nhìn bạn:
-         Biết rồi, thằng chồng mày đang có bồ chứ gì  Ai mà ngờ, vợ chồng ăn ở với nhau có 2 mặt con mà còn dở chứng.
Vi mếu máo:
-         Tại…mày! Hồi đó tao đã linh cảm nó là một thằng đàn ông bay bướm, không muốn lấy nó. Nhưng mày, chính mày khen nó tâm hồn đa cảm, dễ thương. Nếu tao mà không lấy nó thì mày sẽ…lấy, nên tao phải vội vàng như sợ mất một của quý.
Tôi bối rối:
-         Khi đó mày từ chối, thấy nó khóc làm  tao…cảm động, nên nói thế thôi. Khổ quá, không hiểu sao những giọt nước mắt luôn làm tao yếu lòng và quyết định ngược lại những gì mình đã nghĩ.
Thu gạt đi:
-         Thôi, không phải là lúc đổ tội nhau hay tranh cãi. Hãy đi vào thực tế, Vi, có chắc là ông xã có bồ chưa?
-         Người ta mét với tao nó có bồ nhí, nó hay vắng nhà bất thường, có ở nhà thì động một tí là gắt gỏng, tao khóc lóc tra hỏi thì nó chối phăng.
Thu nhìn tôi:
-         Đúng là dấu hiệu của kẻ phản bội. Linh, mày cho ý kiến trước đi.
-         Li dị ! Vi, hãy nói vào mặt nó “Tôi sẽ li dị”. Tôi cao giọng và đanh đá nói .
Thu nhăn mặt:
-         Không được, ý kiến của mày chỉ góp phần phá hoại gia cang người ta, hạnh phúc người ta đang lung lay, mày …kéo cho nó xập luôn.
-         Nhưng tao không chịu được, ngày xưa anh ta chạy theo tán tỉnh mãi mới lấy được nó, mà bây giờ trở mặt. Vi, mày hãy nghe tao, nói cho nó biết “ Tôi sẽ li dị”còn hơn là chịu đựng đau khổ hết ngày này đến ngày khác.
-         Nhưng còn hai đứa con tao, tụi nó đâu có tội tình gì mà phải chịu cảnh gia đình ly tán?
Thu tán đồng:
-         Giữ hạnh phúc thì khó chứ đạp đổ thì mấy hồi.
Tôi bướng bỉnh:
-         Nếu là tao thì cứ li dị cho nó biết tay! Tao sẽ ăn diện thật đẹp, sẽ đi thẩm mỹ viện trùng tu lại nhan sắc như… UNESCO đã trùng tu những di sản văn hoá của nhân loại. Lại mới, lại đẹp, tao sẽ nhởn nhơ  trước mặt thằng chồng cũ cho nó tiếc chơi.
-         Nhưng mày nên nhớ là thằng chồng đang có bồ mà li dị tức là cho nó được sung sướng tự do xổ lồng đấy. Mày có diện đẹp cách mấy cũng là.. đồ cũ, nó đã xài rồi, nó sẽ có một trời cơ hội để đi tìm tình yêu mới.
Vi tiếp lời bạn:
-         Thu nói đúng đấy,  đàn ông nó lợi thế lắm, lại có cái nhãn hiệu “ Việt Kiều” ở Mỹ, bay vèo về Việt Nam là có một đống cô gái trẻ đẹp sẵn sàng để anh ta chọn làm vợ. Còn mình, chẳng lẽ cũng về Việt Nam kiếm một thằng chồng…nhí qua đây để làm…chị hai nó à ?
Thu nhận xét:
-         Tao biết có vài cặp li dị, các ông đều lấy vợ nhanh chóng, vợ mới, con mới, và một mái gia đình mới ngon lành, còn các bà vẫn loay hoay tìm kiếm người đàn ông ra hồn để gọi là chồng, những đứa con lù lù bên cạnh đã là chướng ngại vật không ít trên con đường không còn dài để các bà tìm kiếm một nửa đời mình lần nữa, dù các bà đã dùng tới biện pháp tìm bạn bốn phương cho rộng rãi và mau chóng, các bà luôn kêu gọi “ Tìm người đàn ông rộng lượng, thương yêu con trẻ” Có nghĩa là nếu lấy bà thì hãy thương con bà giùm, cho trọn gói. Nhưng chớ hề thấy bà nào đăng báo tìm bạn, nói tôi sẽ rộng lượng thương yêu con của ông cả. Vi ơi, hãy kiên nhẫn, tìm cách lôi kéo thằng chồng lạc lối quay về, dịu dàng nói những điều hay lẽ phải, vì anh ta còn chối tội là còn sợ vợ, sợ mất một mái gia đình. Hãy cứu mình và cứu cả anh ta nữa.
Tôi không hài lòng:
-         Phải cho tụi đàn ông một bài học, như thế Vi lép vế quá. Tao thì không đời nào!
Thu giải thích:
-         Này Linh, mày “hên” lấy được người chồng tử tế, hiền lành và sợ vợ, nên mày coi đàn ông như đàn …kiến. Thử như chồng Vi, mày cũng sẽ bối rối và khó xử.
Tôi quay qua Vi an ủi:
-         Thôi Vi, nếu ý kiến của tao…khủng khiếp quá  thì Vi hãy theo ý kiến của Thu xem sao.
Và tôi đứng dậy, giận dỗi nói với Thu:
-         Tao hứa với mày, nếu chồng tao như thế, tao li dị liền, tao sẽ đương đầu với nó, chứ không đời nào chịu thua. Thôi tao về đây.
Tôi lái xe về nhà, trong lòng nặng chĩu nỗi buồn, thương cho Vi và giận chồng của Vi quá, tôi đâm xe thẳng vào garage và xồng xộc đi vào nhà, chồng tôi có lẽ vẫn đang lúi húi trong bếp nên không thấy tôi.
Thay quần áo, nằm lăn trên giường, tôi nghĩ đến những lời Thu nói, nếu như tôi lấy phải một người chồng như của Vi?
Ừ nhỉ, giá mà đời người ta có quyền sống thử? Giá mà nhân duyên được đến nhiều lần? Thì tôi sẽ…thử lấy một người chồng tệ bạc, đối xử với tôi phũ phàng, coi tâm trạng tôi sẽ đau khổ như thế nào ! Chắc tôi sẽ khóc, sẽ hờn duyên tủi phận, sẽ…đá bay thằng chồng khốn kiếp kia ra khỏi đời tôi.
Cuộc hôn nhân của tôi quá lý tưởng, hạnh phúc êm đềm như thảm cỏ non, xanh tươi  mãi. Nhưng dường như cuộc đời êm ả quá cũng…phát chán !
 Tôi mong sao cỏ héo, cuộc đời dậy phong ba bão táp, để tôi sẽ được…nếm mùi đau khổ, biết thế nào là tình phụ và kiêu căng mà quẳng vào mặt thằng chồng bội bạc một câu lạnh lùng và nặng nề như đá tảng: “Tôi sẽ li dị”, để nó biết rằng nó không phải là báu vật trên cõi đời này.
Hỡi các bà, đang phải chịu đựng những thằng chồng cà chớn, hãy mạnh dạn hét lên như thế đi, hãy mạnh dạn ly dị nó, cho dù bây giờ ta có lép vế hơn nó, ta có già đi, có xấu đi, nhưng cũng còn niềm kiêu hãnh của một thời con gái kiêu sa, của một thời ta là những ngọn núi Hy Mã Lạp Sơn cao vút, mà lũ đàn ông từng chạy theo, hòng chinh phục ta, và có khối kẻ phải bỏ cuộc, ngã lăn ra dưới chân ta đó.
Chốc nữa tôi sẽ …thử, sẽ ra ngoài với bộ mặt ”kiếm chuyện” coi có thể…cãi lộn với chồng tôi được không? Tôi bỗng cười thầm, mình xúc động vì hoàn cảnh của Vi quá nên mình muốn trả thù đàn ông , mình…điên rồi chăng? mình tưởng tượng nhiều quá chăng?
Bỗng cửa phòng ngủ mở ra, chồng tôi bước vào, ngạc nhiên:
-         Em đã về rồi đấy à?
Tôi đáp trống không, bắt đầu kiếm chuyện:
-         Thấy rồi còn hỏi!
-         Em về sớm thế, chắc chưa ăn gì, phải không?
-         Dĩ nhiên !  Mặt tôi vênh lên, đầy vẻ ngang tàng và thách thức, cố tình chọc giận anh ta.
Nhưng anh ta vẫn chưa chịu nổi nóng cho tôi …được nhờ, mà lại ân cần tiếp:
-  Vậy thì may quá, ra ăn cơm với anh cho vui để anh còn…rửa bát luôn thể.
Thấy anh ta đang luẩn quẩn bên closet, tôi có cớ gắt lên, hi vọng lần này anh ta chịu hết nổi:
-  Anh không ra dọn cơm đi, còn đứng xớ rớ đó làm gì?
Nhưng anh ta chỉ gãi gãi đầu, thắc mắc :
-         À, anh nhớ là cái áo ngủ em mặc ba ngày… chưa thay. Em để đâu? anh đang tìm nó, để sau khi rửa bát xong, anh sẽ giặt quần áo luôn em ạ. Vì ngày mai Chủ Nhật, anh sẽ chở em đi shopping cả ngày mà.
Rồi anh ta” mắng” tôi :
-  Em bừa bãi, cẩu thả quá. Lần sau quần áo thay ra nhớ để vào một chỗ, để anh tiện lấy đem giặt, nghe chưa !
Tôi thở dài, đành chịu thua, muốn cãi nhau một chút cũng không được, thì tôi sẽ chẳng bao giờ có cơ hội để thốt lên cái câu:” Tôi sẽ li dị” với chồng tôi cả.. 
                         
               Nguyễn thị Thanh Dương
                         ( Jan.-2006 )
                           ****

                                 NẾU  ANH  KHÔNG  CÒN  YÊU  EM .
              Nếu một ngày anh không yêu em nữa ,
              Trời chẳng mùa Đông cũng sẽ lạnh nhiều ,
              Không giông bão mà nghe đời đổ vỡ,
              Đời sẽ buồn vì không có tình yêu .
                            Thành phố không tình yêu.Thành phố chết !
                             Ngã tư đường bỗng chốc hoá hoang vu ,
                             Ngôi giáo đường nằm im như mộ huyệt ,
                             Lời kinh cầu tắt lịm giữa thâm u .
              Không một ai bước trên hè phố lạnh ,
              Những cột đèn đứng đó tự ngàn năm ,
              Tâm hồn em một khu vườn hiu quạnh ,
              Chưa bao giờ có khách lãng du thăm .
                              Thành phố không tình yêu.Thành phố cổ !
                              Bụi cuộc đời đã xoá dấu chân ai ,
                              Tâm hồn em  bức tường màu vôi cũ ,
                              Cũng đành nhìn nhan sắc sẽ tàn phai .
             Nếu một ngày anh không yêu em nữa ,
             Biết dấu vào đâu nỗi nhớ ngập đầy ?
             Chiếc lá khô rơi bên đường, có lẽ
             Cũng ngỡ ngàng khi ta chẳng qua đây .
                               Điều ấy sẽ chẳng bao giờ xảy đến ,
                               Anh hứa đi ! sông vẫn chảy miệt mài ,
                               Anh vẫn yêu em, tình không bờ bến ,
                               Chẳng bao giờ sông ấy rẽ thành hai . 
               Điều ấy sẽ chẳng bao giờ là thật ,
               Anh hứa đi ! mây vẫn bốn phương trời ,
               Anh vẫn yêu em như mây vô tận ,
               Chẳng bao giờ mây ấy sẽ ngừng trôi .
                               Khi vẫn còn những người yêu say đắm ,
                               Thành phố mùa nào cũng vẫn đẹp xinh ,
                               Đường chân trời sẽ không còn xa lắm ,
                              Thế gian kia khép lại chuyện chúng mình .
                        
                                              Nguyễn thị Thanh Dương  
                                                   ( Jan.-2006 )                
 

Tình Xuân

TÌNH  XUÂN.

Có lúc Xuân về thấy quạnh hiu,
Khi gió mơn man với nắng chiều,
Một hôm đôi mắt nhìn thương quá,
Xuân đến trong tôi, mộng thật nhiều.
             Mắt không là sóng vẫn đong đưa,
             Sóng dạt bờ xa, sóng lại về,
             Tôi chỉ là một con ốc nhỏ,
             Theo sóng trôi vào cõi đam mê.
Mắt không là biển vẫn mênh mông,
Thuyền tôi không bến đậu chờ mong,
Trong mắt anh biển đa tình quá,
Thương nhớ ai, tôi lạc giữa dòng.
            Thấy cả vườn kia xanh với tôi,
             Mùa Xuân cây nẩy lá đâm chồi,
            Tôi là chiếc lá xanh non ấy,
            Chờ đợi tay anh hái xuống đời.
Thấy cả một trời Xuân vấn vương,
Tình tôi như năm mới ngát hương,
Anh ơi ! Hãy đến lòng thanh thản,
Hãy rũ sạch đi bụi phố phường.
           Để cùng tôi đón mùa Xuân đầu,
           Mong tình đẹp mãi những Xuân sau,
            Phố vui có phải vì Xuân đến ?
            Hay vì Xuân này ta có nhau ?
       
     Nguyễn thị Thanh Dương 
         Dec. 2-05
            
                

Tiếng Việt Tiếng Anh

                             TIẾNG  VIỆT , TIẾNG  ANH.
-         Where are you, Andy, Jimmy? Come back here. Hurry up!
Tôi ngẩn người khi vừa nghe ai đó gào to giữa chợ một tràng tiếng Anh với âm hưởng đầy chất Việt Nam. Nhưng tôi không ngạc nhiên vì tiếng gọi con khơi khơi giữa chợ như ở giữa sân nhà chị ta, mà vì tôi thấy cái giọng nói này quen quen, lâu lắm rồi tôi mới được nghe lại.
Tôi hướng theo tiếng nói đó và trông thấy đúng là một người đã quen, liền bước vội lại, nhìn kỹ hơn và không khỏi reo mừng:
-         Ủa! Bông đó hả Bông?
Bông nhìn tôi, cũng mừng rỡ không kém. nhưng nó hạ thấp giọng chứ không gào rổn rảng như hồi nãy:
- Bông hoa gì! Bây giờ tao tên là Barbara rồi. Nhớ nghe, đừng gọi là Bông nữa, quê lắm.
- Ủa Bông…À quên Barbara, mày không còn tên là Lê thị Bông nữa hả?
- Đã bảo tao đổi tên là Barbara rồi mà, Barbara Le, hiểu chưa? Họ Lê, không có dấu thành Le, mày muốn hiểu là..Le te hay Le lói gì cũng được. Hồi năm ngoái, thi đậu quốc tịch, đổi tên luôn, dù gì cũng…lên chức công dân Mỹ rồi.
Lúc đó, hai thằng con chạy lại, chắc vừa chạy đuổi nhau trong chợ nên cả hai đứng thở không ra hơi. Bông tiếp tục cho hai thằng con một bài học ngay giữa chợ bằng tiếng Anh của mình:
-         What were you doing over there? I told you  not to…
Bông khựng lại, quay ra hỏi nhỏ tôi:
-         Chữ “quậy phá tùm lum” tiếng Anh là gì hả? Tao muốn nói với tụi nó là không được quậy phá tùm lum trong chợ người ta.
-         Tao…không biết, để chốc về nhà tao dò tự điển..
-         Trời ơi, tao cần ngay bây giờ. Hồi xưa học chung ESL với mày, tao thấy mày biết nhiều từ ngữ lắm mà.
-         Nhưng ai mà học cái từ “quậy phá tùm lum”này. Đùng một cái, mày hỏi, chữ ở đâu mà ra lẹ vậy?
-         Thôi được…
Bông quay ra hai thằng con, cao giọng:
- Do not do that any more. OK ?
Hai thằng con hiểu ý mẹ, đứng yên.Tôi phục Bông sát đất, không cần biết nhiều từ, vẫn giải quyết được vấn đề, vẫn nói tiếng Anh cho người khác hiểu như thường.
Giống như trường hợp một người bạn của tôi, bảo lãnh thằng em sang Mỹ, tiếng Anh nó biết lõm bõm và chủ yếu chỉ cần hai từ “This,That” mà được việc. Ông anh giao cho thằng em trông coi một cửa hàng bán cá kiểng. Khách hàng muốn mua gì, thì anh ta chỉ vào từng món và hỏi:
-         This one?.
Nếu không phải, liền chỉ sang cái khác:
-         That one?.
Cuối cùng cũng bán đúng món hàng mà khách muốn mua, mà không cần biết loại cá ấy, loại thức ăn cho cá ấy tên gì.
  Tôi hỏi Bông:
- Nếu không thể nói bằng tiếng Anh, sao mày không nói tiếng Việt Nam cho tiện?
- Trời ơi, tao kỵ nói tiếng Việt Nam với con tao, phải để tụi nó giỏi tiếng Anh chứ, chêm ba tiếng Việt vô làm gì, cho tụi nó nhức đầu! Hồi xưa, tao với mày học ESL khổ cực thế nào!
Tôi nhớ hồi mới sang Mỹ, gặp người Mỹ nói chỉ …mỉm cười, đó là kế “ hoãn binh” để đoán mò xem họ nói gì và suy nghĩ câu trả lời. Hên thì trúng.
Có khi bế tắc, họ đi rồi mới chợt hiểu ra hay đoán mò ra, chẳng lẽ lại gọi “Ông ơi, bà ơi  tôi hiểu rồi. Lại đây tôi trả lời cho mà nghe nè…”
Và một chuyện tôi còn nhớ đời, tôi làm tại một hãng ráp đồ điện tử, rất chăm chỉ, kỹ lưỡng. Một hôm tôi vừa bóc miếng gum cho vào miệng nhai thì ông cai trông thấy, nhưng không nói gì, cũng đã làm tôi lo ngay ngáy, vì luật hãng cấm ăn uống trong giờ làm việc.
Hôm sau, tôi bị gọi lên văn phòng ông manager, cõi lòng tôi tan nát, phen này coi như tôi bị đuổi việc. Nhưng ông Manager mời tôi ngồi, nói chuyện rất thân thiện, ông nói gì, trình độ tiếng Anh ESL của tôi làm sao mà hiểu nổi. Nhưng để đáp lại tấm lòng tử tế của ông, mỗi câu nói ông đợi tôi trả lời, tôi đều nói OK với tất cả lòng…biết ơn, không ngờ người Mỹ tử tế thế, công nhân có lỗi mà họ khiển trách rất lịch sự, dịu dàng.
Một tuần lễ sau, ông cai đưa tôi một tờ giấy, ghi rõ tôi sẽ đổi sang làm ca tối bắt đầu từ tuần tới, tiếng Mỹ tôi nghe không rành, nhưng đọc là tôi hiểu liền. Tôi thắc mắc quá, khi không họ đổi tôi xuống ca tối mà không hỏi ý kiến tôi gì cả? mà chỉ một mình tôi bị đổi, hay họ trừng phạt tôi về tội vi phạm kỷ luật đã ăn trong giờ làm việc hôm nọ?
Mấy người bạn Việt Nam làm cùng ca cũng xúm vào bàn luận, cho là tôi bị  “trả thù”, bị “xâm phạm quyền tự do dân chủ”, bị “kỳ thị”v..v..
Tôi bèn nhờ một anh giỏi tiếng Anh dẫn lên gặp ông Manager để khiếu nại, với bộ mặt đưa đám và xưng xỉa.
Thì ra, hôm ông Manager nói chuyện với tôi, là ông đã khen tôi làm việc giỏi, ông hỏi ý tôi có thể chuyển xuống ca tối không vì họ đang cần một người thợ giỏi như tôi, và ông sẽ lên lương cho tôi 50 cent một giờ. Tất cả, tôi đều OK vui vẻ. Ông đã cảm ơn sự hợp tác “mau lẹ” của tôi.
Tôi trở về thực tế nói với Bông:
- Mình khác, tụi nhỏ khác. Mình qua đây lớn tuổi rồi, tiếng Việt Nam đầy đầu, chỗ đâu mà vô tiếng Anh? Còn tụi nó sinh đẻ ra ở đây, lớn lên ở đây. Lo gì?
- Sống ở Mỹ phải Mỹ hoá mày ơi, vợ chồng tao đều vô quốc tịch Mỹ, hai con sanh ra tại Mỹ. Cả nhà Mỹ hết trơn rồi. Thôi mày cho tao địa chỉ, bữa nào đến nhà chơi, mấy năm nay mới gặp lại mà, bây giờ tao đi kiếm lọ mắm tép chua đây.
- Ăn món gì vậy?
-  Bánh tráng cuốn thịt heo luộc với mắm tép chua, rau thơm, ngon hết biết!
Nói xong Bông dắt hai con ra thẳng quầy nước mắm, nước tương. Chiều nay về nhà, cái gia đình Mỹ hoá ấy, nói toàn tiếng Anh ấy, gia đình bà Barbara Le, sẽ tha hồ thưởng thức món mắm tép chua, đặc sản của Việt Nam, chẳng liên quan đến Mỹ một tí nào.
                   ***            ****
Nghe tiếng chuông reo, thằng Cu Tí của tôi chạy ra mở cửa, Cu Tí nói:
- Mẹ cháu đang ở trong bếp, mời hai bác vào nhà.
Tôi vội vàng lau tay, bước ra phòng khách, đó là gia đình chị Bông:
- Mời cả nhà ngồi chơi. Cu Tí, con lên lầu nói ba xuống có khách nhé!
- Dạ, để con lên gọi Ba.
Cu Tí nhanh nhẩu chạy đi, Bông ngạc nhiên:
- Mày dạy nó nói tiếng Việt rành quá vậy?
Bông ái ngại tiếp:
-  Nói giỏi tiếng Việt là ảnh hưởng đến tiếng Anh đó. Mai mốt lên Đại học, nó sẽ lúng túng cho mà xem.
Chồng của Bông ngắt lời vợ:
-  Em chỉ lo xa - Anh ta phân bày với tôi - bà ấy sợ con dở tiếng Anh, nên không cho tụi nhỏ học tiếng Việt đã đành, mà còn ra luật lệ là ở nhà vợ chồng phải nói tiếng Anh khi có mặt hai con. Thiệt tình bực mình hết sức, nhưng bả thích thì chiều, không lẽ cãi lộn tối ngày vì vụ này?. Thà mình nói giỏi tiếng Anh, mình dạy nó, không sao. Đằng này mình nói thì chậm, âm hưởng thì sặc mùi Việt Nam, người Mỹ nghe có khi còn hoang mang không hiểu gì cả, thì dạy cái nỗi gì?
- Coi như mình…dợt tiếng Anh cho chính mình đi. Bông bướng bỉnh giữ vững lập trường của mình.
Chồng Bông phân bày:
- Thằng Andy đó, mới 9 tuổi đầu mà đã nói với mẹ nó khi nào con 18 tuổi sẽ ra khỏi nhà sống tự lập một mình, thấy mẹ buồn, nó…gia hạn thêm một năm nữa là 19 tuổi. Em vẫn muốn các con sống với em theo phong tục, tập quán người Việt Nam, con cái gần gũi, gắn bó với gia đình với cha mẹ, anh em, nhưng tiếng Anh đâu mà giảng giải cho tụi nó hiểu? còn tiếng Việt thì chúng nó lại không biết gì. Hiểu ngôn ngữ mẹ đẻ cũng sẽ hiểu được tập quán quê hương đó.
Chồng tôi ra tới phòng khách, hai ông bạn cũ gặp nhau, mừng rỡ. Trước đây hai gia đình ở cùng một apartment, cùng một hoàn cảnh mới qua Mỹ, nên chúng tôi chơi với nhau khá thân. Sau này vợ chồng Bông dọn đi thành phố khác và mất liên lạc, nay mới gặp lại.
Thằng Andy, Jimmy thì nhanh chóng làm bạn với Cu Tí, Cu Tèo nhà tôi, cùng lứa tuổi, nên chúng nói chuyện, đùa vui thoải mái.
Bông kín đáo, để ý đến bọn trẻ, và thốt lên:
-         Bốn đứa nói tiếng Anh, nghe mà sướng cả tai.Tao cứ tưởng là…
-         Tưởng Cu Tí, Cu Tèo biết nói tiếng Việt thì dở tiếng Anh chứ gì? Đấy mày xem, có dở đi tí nào không?
Chồng Bông lại được dịp phân bày:
-         Tôi nói hoài mà bà ấy không nghe.Tháng rồi cả nhà mới về Việt Nam, hai thằng con thật khổ vì không hiểu và nói đựoc tiếng Việt, được ông bà, chú dì xúm vào hỏi chuyện, nhưng tụi nó cứ ngố mặt ra, thiếu điều muốn khóc, mẹ nó phải đứng ra thông dịch cho đôi bên, rồi chúng e ngại khi đối diện với họ, vô tình mà chuyến đi chơi xa, về quê hương của chúng mất hết ý nghĩa và hứng thú. Hai đứa đều nói lần sau không về Việt Nam nữa…
Bông khoe:
-         Vậy mới vui chớ, bà con thấy hai thằng nhỏ nói ngọng ngiụ vài chữ tiếng Việt cũng không xong, họ cười rần rần, cứ hỏi cho nó nói…lung tung chơi. Ai cũng nói tụi nó thành Mỹ con rồi  Hai đứa nó thèm ăn hamburger, sáng sớm mấy bà dì phải xách xe chạy ra phố mua hamburger và sữa tươi cho chúng.
-         Tại em bày đặt, muốn mọi người đối xứ với chúng như đối xử với người Mỹ, chứ chúng nó không có hamburger cũng không chết đói. Có bữa bà Ngoại cho tụi nó ăn bánh cuốn, mỗi đứa xơi hết một dĩa đó.
-         Theo tôi cứ tập cho các cháu nói tiếng Việt, ăn đồ Việt, càng hay chứ sao. Chồng tôi góp ý.
Chồng Bông tuôn ra những ấm ức mà anh tin rằng có người nghe và đồng tình:
-         Biết thêm một ngôn ngữ là phong phú thêm cho đời sống, huống chi đó là ngôn ngữ của quê hương, dân tộc mình. Không thấy người Hoa đó sao? hồi ở Việt Nam, tôi thấy có những trường dạy tiếng Hoa cho người Hoa. Họ làm ăn, sinh sống trên đất Việt, thậm chí lấy vợ, lấy chồng Việt Nam, nhưng vẫn không để con cháu quên ngôn ngữ dân tộc của họ, nguồn gốc của họ.
Tôi tán thành:
-         Điều này rất đúng, hồi tôi qua Canada chơi, dạo phố Tàu ở Toronto, thấy những thanh niên người Hoa đứng rao hàng ơi ới bằng tiếng Việt Nam, nhưng khi gặp khách hàng người Canada, họ đổi sang nói tiếng Anh lưu loát. Vậy mà lát sau lại thấy họ nói chuyện với đồng hương bằng tiếng Hoa ngon lành. Họ biết ba ngôn ngữ, thật là tiện dụng và hữu ích.
Chồng tôi tiếp lời:
-         Chưa biết chừng gặp khách hàng dân QueBec, họ lại nói tiếng Pháp nữa đấy.
-         Trong các nhà hàng, chợ búa người Việt Nam, ngoài tiếng Việt, các cô thu ngân, bồi bàn nếu cần lại nói tiếng Anh với khách hàng đó thôi. Biết hai, ba ngôn ngữ càng dễ giao thiệp, dễ xin việc làm. Chồng Bông bổ sung thêm.
Chồng tôi dung hoà:
-         Thật ra, chúng ta đang sống ở Mỹ, nói tiếng Mỹ, sống theo phong tục Mỹ là điều rất đúng. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng nên duy trì những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình, ngôn ngữ là cây cầu nối tuyệt vời nhất. Chúng không thể yêu quê hương nếu không nói và hiểu được tiếng Việt.
Thử tưởng tượng anh David Nguyễn hay cô Tammie Trần nào đó, dù họ sinh ra và lớn lên ở Mỹ, thành công ở Mỹ. Nhưng nhìn họ, người ta biết ngay là người Mỹ gốc Châu Á, gốc Việt Nam, thì không thể nào họ phủ nhận được nguồn gốc của mình.
Tôi nói với Bông:
-         Tao mong cho Cu Tí, Cu Tèo của tao giỏi tiếng Việt càng tốt, chúng nó mới chính là người dạy tiếng Anh cho vợ chồng tao. Sau này trong cuộc sống, sẽ có nhiều dịp cần nó thông dịch, giảng nghĩa cho mình đấy.
Bông ậm ừ:
-         Mày nói cũng có lí, để từ từ tao tính…
Khi hai vợ chồng Bông chuẩn bị ra về, Bông gọi hai con:
-         Andy, Jimmy. Come here! Go home!
Bông chợt ngại ngùng sửa lại:
-         Andy, Jimmy! Lại đây con! Con chào hai bác đi!
Hai đứa nhìn mẹ, ngẩn tò te. Chắc chúng ngạc nhiên vì lần đầu tiên nghe mẹ nói tiếng Việt Nam với chúng trước mặt người khác? Thằng Cu Tí thấy chúng ngẩn ngơ, chịu không nổi, lanh chanh xen vào:
-         Say good bye to my mom, my dad.
Andy, Jimmy hiểu ra, chúng chào chúng tôi:
-         Good bye!
Gia đình người Mỹ gốc Việt Lê thị Bông, tức Barbara Le ra khỏi nhà tôi.Tôi hi vọng rằng một ngày nào đó hai thằng “ Mỹ con” kia sẽ không còn nghệt mặt ra với đồng hương của mình nữa. Chúng sẽ nói và hiểu được tiếng Việt Nam.
                                      Nguyễn thị Thanh Dương

    ***        ***      ***              ***              ****
       LÁ THƯ TÌNH ĐẦU TIÊN.
Anh viết cho em một lá thư tình,
( Chẳng biết nhờ ai bỏ vào ngăn cặp?),
Em không biết,nên dĩ nhiên chưa đọc,
Rồi vô tình làm rơi mất thư anh.
              Mối tình đầu tiên thường rất mong manh,
              Tội nghiệp quá anh học trò thuở ấy!
             Anh và em,tuổi mười lăm,mười bảy,
              Yêu là gì? Ai định nghĩa được không?
Chắc hẳn từng ngày anh đã đợi mong?
Một lá thư,một tình yêu đáp lại,
Ôi đôi mắt đã đôi lần vụng dại,
Anh nhìn em,em có hiểu gì đâu !
                 Mấy năm trời mình vẫn học chung nhau,
                Khung cửa lớp hai người hai ý nghĩ,
                Anh học trò đang yêu, đang mộng mị,
                Em hồn nhiên như nắng gió bên ngoài.
Có lá thư tình mà để gió bay,
Có một người yêu mà em không biết,
Mấy mùa Phượng rơi,chúng mình tạm biệt,
Bỏ lại sân trường những buổi nắng mưa.
                Tình cờ em gặp người bạn năm xưa,
                ( Người đã bỏ giùm thư anh trong cặp),
               Cùng nhắc lại tình học trò vụn vặt,
               Bỗng nên thơ trong ký ức một người.
Ôi lá thư tình đầu tiên trong đời,
Lá thư ấy chưa bao giờ em đọc,
Nhưng em sẽ ,khắc ghi vào kỷ niệm,
Có một người thuở ấy đã yêu em.
         Nguyễn thị Thanh Dương