Saturday, August 25, 2012

Thơ: Hôm Ấy


HÔM ẤY.
Hôm ấy anh đã đến thăm em,
Chiều xuống thành phố vừa lên đèn,
Anh đến như một vì sao lạc,
Vào hồn em giữa bầu trời đêm.
Em đã gặp anh đầu phố kia,
Vượt bao dặm đường từ nơi xa,
Anh đi trên những con đường lạ,
Những thành phố nào anh đã qua.
Và anh đã dừng chân ở đây,
Phút đầu tiên anh mở vòng tay,
Chào đón em niềm vui tao ngộ,
Đường vắng lá cuối mùa Thu bay.
Hôm ấy cuối Thu hay đầu Đông?
Giữa hai mùa có em và anh,
Giữa đường có hai người ngơ ngác,
Ấm tay nhau gío lạnh vây quanh.
Anh gọi tên em như giấc mơ,
Trong ánh đèn đường soi bóng mờ,
Mái tóc anh rối bời vì gío,
Lòng em rối bời vì bất ngờ.
Hôm ấy anh cũng rời xa em,
Quán nửa khuya về sáng buồn tênh,
Nắm tay rồi chia tay anh nhé,
Tình chơi vơi giữa ngày và đêm.
Anh đã quay trở về nơi kia,
Cũng như em đã trở về nhà,
Hôm ấy anh là vì sao lạc,
Ra khỏi đời em, anh rất xa.
Nguyễn Thị Thanh Dương







MẸ NGOÀI ĐƯỜNG, NGÒAI CHỢ.
Mẹ vất vả từ bao lâu rồi?
Tuổi gìa vẫn chưa được nghỉ ngơi,
Chợ xa, quang gánh mẹ dậy sớm,
Sợ không kịp họp chợ đông người.
Mẹ đi khi trời còn mù sương,
Đường quê tất tả đôi chân không,
Lưng còng, vai lạnh vươn trong gío,
Đường mẹ đi có bùn lấm chân.
Đôi chân trần chịu khó, chịu thương,
Đất quen chân mẹ, mẹ quen đường,
Đường quê, đường chợ đi bao lượt,
Mẹ giữa chợ đời, giữa bán buôn.
Mẹ vất vả từ thuở đôi mươi,
Tuổi gìa vẫn chưa được thảnh thơi,
Gánh hàng và mẹ bên hè phố,
Mưa về hắt ướt chỗ mẹ ngồi.
Mẹ ngoài đường nhiều hơn ở nhà,
Mời chào khi có bước ai qua,
Hôm nào đắt hàng mẹ về sớm,
Hàng ế mẹ ngồi cho đến khuya.
Giờ này ai đã ngủ trên giường,
Ai ấm trong mái nhà yêu thương,
Lặng lẽ mẹ về trong ngõ hẹp,
Đường mẹ về bóng tối vây quanh.
Mẹ gìa với một gánh hàng rong,
Phố nọ, phố kia mẹ mỏi chân,
Chắc gì được no cơm ấm áo?
Mẹ chắt chiu kiếm lời từng đồng..
Đồng lời mua con cá, bó rau,
Góp với cháu con trong cảnh nghèo,
Còn sức lực mẹ còn bươn chải,
Đường mẹ về có nắng mưa theo.
Mẹ chưa nghỉ ngơi, mẹ đảm đang,
Lưng mẹ còng không vì thời gian,
Mẹ gánh cả cuộc đời vất vả,
Chỉ nghỉ ngơi giấc ngủ ngàn năm.
Nguyễn Thị Thanh Dương
( August, 17, 2012)







ĐƯỜNG BIÊN GIỚI.
Đường biên giới,
Việt Nam - Trung Quốc,
Lợi dụng tình hữu nghị giúp đỡ Việt Nam,
Trung Quốc xây dựng những công trình,
Hay đưa dân sang nhập cư canh tác,
Để chiếm đất.
Những phần đất Việt Nam bị mất,
Hồn tổ tiên, sông núi cũng đau lòng.
Nhưng đường biên giới,
Ngày ấy vẫn thắm thiết tình,
Ải Nam Quan,
Thành Hữu Nghị Quan,
Đẹp biết bao tình láng giềng, đồng chí.
Miền Bắc Việt Nam từng được Trung Quốc giúp đỡ,
Trong hai cuộc chiến tranh Đông Dương và Việt Nam.
Mây trời từ Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn,
Mây cũng trôi qua bên kia biên giới,
Gío từ Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu,
Gió cũng thổi qua bên kia biên giới,
Người dân hai bên gần gũi.
Đứng núi bên này trông thấy núi bên kia.
Nhưng cuộc chiến tranh biên giới đã xảy ra,
Năm 1979 đầy tang tóc,
Trung Quốc chuyển bạn thành thù,
Tấn công Việt Nam,
Chiếm thêm đất,
Thêm những cột mốc biên giới bị lùi sâu vào lãnh thổ Việt Nam,
Đường biên giới đau thương !
Đường biên giới máu xương !
Thị xã Cao Bằng,
Một trong những nơi bị quân Trung Quốc tấn công và phá hoại….
Có dòng sông Quây Sơn vẫn chảy,
Có thác Bản Giốc bị chia hai, *
Nửa bên này thương nhớ nửa bên kia,
Cột mốc số 53,
Bị di dời nằm bơ vơ,
Bên núi cao,
Bên dòng sông trên thác Bản Giốc.
Chắc là cột mốc 53 đã khóc !
Đường biên giới,
Nay lại là tình bạn,
Nhưng người bạn lớn vẫn nhiều mưu mô, tính toán,
Người ta qua lại buôn bán,
Từ Trung Quốc,
Những nông lâm sản quế, hồi, trái cây, rau qủa…
Những mặt hàng công nghiệp gía rẻ,
Làm thiệt hại nền kinh tế Việt Nam.
Họ tuồn sang,
Bao món hàng độc hại,
Hàng kém chất lượng và hàng gỉa,
Đường biên giới,
Người ta vận chuyển mua bán ma túy,
Mua bán cả con người.
Những phụ nữ Việt Nam bị lừa sang Trung Quốc,
Làm vợ hay làm nô lệ tình dục,
Cổng Hữu Nghị Quan vẫn còn,
Mà đường về quê sao qúa xa xăm?
Đường biên giới của lòng tham và tội ác.
Tìm đâu chút mộng mơ, lãng mạn ?
Đường biên giới nào ?
Có chiếc cầu trong bài hát của Phạm Duy:
“Bên cầu biên giới,
Tôi lặng nghe dòng đời,
Từ từ trôi..”
Đường biên giới phía Bắc quê hương tôi ơi !!!
Nguyễn Thị Thanh Dương
( Augs.-2012)
* Thác Bản Giốc chia hai theo hiệp ước biên giới giữa 2 nước, năm 1999.


VẠN NẺO ĐỜI.
( Tặng Như Thương tác gỉa thi tập “Thượng Đế Lỡ Tay”)
Cho dù Thượng đế lỡ tay,
Vạn nẻo đời chẳng có ai tương phùng,
Nhưng chưa đi hết cội nguồn,
Biết đâu có lúc cuối đường gặp nhau?
***********
Có thể ta đi chung một con đường?
Nhưng hai chúng ta không hề quen biết,
Anh đi phía sau, em đi phía trước,
Dửng dưng nhau mỗi ngã rẽ lối về.
Một con đường mà khoảng cách rất xa,
Anh như buổi chiều em như buổi sáng,
Anh hướng Tây Nam, em về Đông Bắc,
Đường ngược chiều nên không thể gặp nhau.
Có thể ta đã chung một niềm đau,
Anh trống trải như lữ hành lạc hướng ,
Còn em buồn ở một chân trời khác,
Người xa người như tăm cá bóng chim.
Và cả khi niềm vui đến với em,
Trong cuộc sống không dễ gì chia sẻ,
Anh ở đâu? tâm hồn em khép mở,
Ngọn gío tình không có chỗ dừng chân.
Cuộc đời chỉ là trò chơi trốn tìm,
Không thể gặp đúng người ta muốn gặp,
Bao người lạ đã trở thành quen biết,
Bao tâm hồn trót hợp lại ly tan.
Cuộc đời chỉ là tất bật đám đông,
Ta đối diện nhìn nhau trong khoảnh khắc,
Em và anh chưa bao giờ là bạn,
Em là trăng, anh mây hững hờ trôi..
Thì ra ta đã đi qua vạn nẻo đời,
Đã hăm hở đi tìm ai phía trước,
Đã thất vọng khi quay về dĩ vãng,
Nhưng chưa bao giờ gặp một người thương.
Chẳng có duyên nên vẫn là tha nhân,
Ta vẫn đi những con đường riêng lẻ,
Nếu chung đường vẫn vô tình như thế,
Vạn nẻo đời có lẽ chẳng gặp nhau ???
Nguyễn Thị Thanh Dương
( July, 19, 2012)












BÁM BIỂN.
Những con tàu đánh cá ngoài biển khơi,
Mỗi ngư dân hào hùng như chiến sĩ,
Trong tay họ không súng đạn, vũ khí,
Chỉ có tình yêu biển, tình yêu quê.
Mồ hôi ngư dân rơi xuống biển xa,
Tay kéo lưới, tay chèo cùng sóng dữ,
Tay căng buồm khi con tàu nghiêng ngả,
Tay che nắng về, tay hứng hạt mưa..
Biển của ta, vùng Hoàng Sa, Trường Sa,
Cá từ nơi này theo ta về bến,
Ta quen bao lần con đường ra biển,
Ta quen bao mùa sóng gío đầy vơi.
Vùng biển Hoàng Sa cha ông bao đời,
Thời nhà Nguyễn đạo binh đi cắm mốc,
Thuyền bè thô sơ người đi sống chết,
Xác định chủ quyền vùng biển Việt Nam.
Ngày nay bao chiến sĩ đã hi sinh,
Để bảo vệ chủ quyền trên biển đảo,
Ngư dân bám biển mưu sinh cơm áo,
Đối diện biển khơi, đối diện hiểm nguy.
Bị quân Trung Quốc bắt giữ, giết đi,
Giọt máu oan khiên thấm vào biển mặn,
Hồn oan khiên lạc đường về vất vưởng,
Hoàng Sa, Trường Sa khóc giữa biển sầu.
Những ngư dân là người lính dãi dầu,
Thuyền đạp sóng như khi chân đạp đất,
Biển của ta dù bạo quyền xâm lấn,
Bờ là nhà, biển nước cũng là nhà.
Nhưng có khi tàu thuyền giữa phong ba,
Biển thân yêu là chiến trường bất trắc,
Sóng biển bạc đầu một màu tang trắng,
Sinh nghề tử nghiệp biển khóc mưa gào.
Ngư dân chết biển. Hồn ơi, hồn ơi !!
Hãy nương theo sóng về quê quán cũ,
Nhập xác gỉa này nằm trong mộ gío,*
Biển gần kề. Hồn bám biển trăm năm.
Nguyễn Thị Thanh Dương
* Mộ gío là mộ không có xác người, chỉ có hình nhân làm bằng đất sét, người thân làm lễ gọi hồn người chết mất xác trên biển về nhập vào xác gỉa này và an táng nghi lễ như thông thường.



MIẾNG NGON, MIẾNG SẦU.

Những ngày tôi thơ ấu,
Trong tay mẹ nâng niu,
Những món ăn mẹ nấu,
Là món ngon trong đời.
Bát nước rau muống luộc,
Đập nhánh tỏi thơm vào,
Chút muối, cà chua chín,
Chan cơm, ngon biết bao ! .
Canh cua nấu mồng tơi,
Ăn với cà muối xổi,
Những bát cơm đầy vơi,
Công mẹ cha tần tảo.
Đậu hũ chiên quen thuộc,
Tôm đất rim đậm đà,
Đọt bầu xào tỏi ớt,
Thịt kho nước màu dừa.
Ngon cả miếng cơm cháy,
Chan nước mắm mỡ hành,
Hay ăn bát cơm nguội,
Cá kho mặn mấy lần.
Bây giờ không còn mẹ,
Tôi đã lớn khôn rồi,
Món xưa vẫn còn đó,
Nhưng thiếu tình mẹ tôi.
Vì khi tôi nhớ mẹ,
Miếng ngon thành miếng sầu,
Món quen thành món lạ,
Giờ biết tìm ở đâu?
Nguyễn Thị Thanh Dương




HỘI AN TRONG MƯA.
( Theo hình ảnh “Hội An trong mưa” )
Hội An chìm trong cơn mưa dầm,
Buổi chiều âm u, chiều sắp tàn,
Nhô trên mái ngói nhà màu xám,
Những hàng giây điện nằm giăng ngang.
Người đi, người về trong phố ướt,
Sợi mưa theo người đi từng bước,
Mưa rơi lả tả trên nón lá,
Trên chiếc dù che hay áo khóac.
Gánh Cao Lầu rong băng qua đường,.
Hàng ế chiều nay cô bán hàng,
Không nơi dừng chân đặt quang gánh,
Cao Lầu trong mưa cũng biết buồn.
Lẫn trong tiếng mưa có tiếng rao:
“Ai ăn Chí Mà Phù nóng nào?”,
Bước chân người về trong ngõ hẹp,
Tiếng rao kia vẫn còn vọng theo.
Bên hiên phố người đứng đợi mưa,
Hay tìm hơi ấm quán cà phê,
Hè phố lát gạch Tàu màu đỏ,
Vài chiếc lá rơi nằm bơ vơ. .
Trước những cửa hàng đèn lồng thắp,
Soi bóng xuống mặt đường mờ nhạt,
Lơ lửng đèn lồng chao theo gió,
Bóng cũng chập chờn, bóng hiu hắt.
Nhưng có cửa hàng nghỉ bán sớm,
Mặc ai qua, lạnh lùng cửa đóng,
Ngoài hiên giàn hoa leo vẫn đẹp,
Hoa đẹp trong mưa, trong cuộc sống.
Phố cổ Hội An mưa nhạt nhòa,
Người Hội An vẫn nhớ đường về,
Du khách bỗng thấy mình lạc bước,
Bỗng thấy cô đơn nỗi nhớ nhà.
Nguyễn Thị Thanh Dương
( June, 18, 2012)






NƯỚC MẮT ĐÀN BÀ.
Không phải ai cũng hiểu,
Giọt nước mắt đàn bà,
Khóc cho lòng gian dối,
Khóc gỉa dối điêu ngoa.

HAI DÒNG SÔNG GẶP NHAU.
( Tặng VTTG)
Hai giòng sông xa lạ,
Dù bắt nguồn nơi đâu,
Dù hai miền cách trở,
Vẫn có thể gặp nhau.
Con sông này quanh co,
Qua rừng sâu, núi thẳm,
Trải lòng theo nắng mưa,
Một mình nơi hoang vắng..
Con sông kia vươn mình,
Chảy lên vùng đồi cao,
Xuôi về vùng đồng bằng,
Qua thành phố lao xao.
Hai dòng sông không quen,
Không hẹn hò chung lối,
Hai tâm hồn dửng dưng,
Gặp nhau không mong đợi.
Nơi đầu tiên gặp gỡ,
Hai dòng sông khác màu,
Hai tâm hồn bỡ ngỡ,
Sẽ hòa hợp vì nhau.
Chúng mình không là sông,
Mà đời trôi khắp hướng,
Đã bao mùa nước dâng?
Đã bao mùa nước cạn?
Những người mình không thương,
Vẫn tình cờ gặp lại,
Và có những nẻo đường,
Gần mà xa xôi đấy.
Anh và em không lạ,
Một thời tình đã trao,
Bây giờ chia đôi ngã,
Biết bao giờ gặp nhau ??

Nguyễn Thị Thanh Dương.
( June,14, 2012)








NGÀY CHIẾN SĨ TRẬN VONG.
Lá cờ Mỹ trên nửa cột cờ sáng nay,
Gắn trên xe hay cắm trên mặt đất,
Giữa bận rộn, ồn ào của cuộc sống,
Một chút buồn về vào cuối tháng Năm.
Tại nghĩa trang quốc gia Arlington,
Niềm thương tiếc đến với từng ngôi mộ,
Cắm lên đó mỗi lá cờ Mỹ nhỏ,
Làm bạn với hồn chiến sĩ trận vong.
Ôi, những người ra đi trong chiến tranh !
Vì lý tưởng tự do và dân chủ,
Bao mồ hôi và máu xương đã đổ,
Trên các chiến trường, quốc gia khác nhau.
Có những người chết ở quê hương tôi,
Quê hương Việt Nam một thời khói lửa,
Tôi gởi lời thương, lời cám ơn theo gió,
Đến thăm từng người, từng mộ bia kia.
Tôi theo gió thăm bức tường đã ghi,
Tên 58,000 người tử sĩ,
Đã cùng chúng tôi, những người lính Mỹ,
Tên các anh và lịch sử còn đây.
Và đến với những người lính chúng tôi,
Những mộ bia ở quê nhà xiêu lạc,
Những mộ bia không còn hương khói thắp,
Cuộc chiến đã tàn hồn tử sĩ chưa yên.
Dù có tên hay chiến sĩ không tên,
Họ đã chết cho niềm tin, danh dự,
Hỡi người lính Việt Nam, hỡi người lính Mỹ,
Xin hãy yên nghỉ nơi hoà bình vĩnh cửu.
Nguyễn Thị Thanh Dương.
( Kỷ niệm Memorial Day, thứ Hai, May, 28, 2012)












MUỐI MẶN.
Hạt muối mặn được lấy lên từ biển,
Đơn giản mà thấm thía những mồ hôi,
Mồ hôi cũng mặn như muối. Muối ơi!
Từ sức người nhọc nhằn trên thửa ruộng.
Những đống muối vun cao mùa thu họach,
Nằm phơi mình trên ruộng muối biển quê,
Muối đầy hai thúng nặng chĩu đường về,
Nặng chĩu trên vai người gìa, người trẻ.
Hạt muối công lao, mà tầm thường thế,
Tôi vẫn thường gặp trong mỗi bữa ăn,
Món nào nhạt thêm muối sẽ thấy ngon,
Tôi chưa bao giờ biết ơn muối mặn.
Muối trộn tiêu, ớt…Người ăn lạ miệng,
Muối ướp thực phẩm: thịt, cá… tươi lâu,
Muối với dưa, cà, khô, mắm nhà nghèo,
Nuôi ta lớn có mặn mà của muối.
Món ăn nào, khắp nơi trên thế giới,
Cũng không thể thiếu những hạt muối đâu !
Muối vào ngõ hẻm đến phố đẹp giàu,
Muối qúy hiếm với người miền rừng núi.
Tôi dùng hàng ngày, qúa quen với muối,
Vẫn làm rơi vãi mà lòng thờ ơ,
Phung phí đi bao giọt biển hong khô,
Bao hi vọng nắng về cho muối tốt.
Nhưng hạt muối hôm nay tôi nghĩ đến,
Bỗng thương vô cùng vị mặn biển khơi,
Giọt biển hóa thành hạt muối nhỏ nhoi,
Vẻ đẹp chân phương đơn sơ màu trắng.
Ca dao có câu “Gừng cay, muối mặn”,
Tình nghĩa vợ chồng gắn bó dài lâu,
Dù hoàn cảnh nào đừng phụ tình nhau,
Chia sẻ khi mặn nồng, khi cay đắng. .
Nguyễn Thị Thanh Dương
( May, 2012)
..


NGƯỜI MẸ THÀNH ĐẠT.
Mẹ mặc váy áo thời thượng ra đường,
Đi dự tiệc tùng những nơi sang cả,
Mỹ phẩm lừng danh, ví tay đắt gía,
Mẹ sẽ là ngôi sao sáng đêm nay.
Mẹ bước vào xã hội chẳng thua ai,
Là giám đốc, là kỹ sư, bác sĩ…
Dưới quyền mẹ có nhân viên kính nể,
Trong sở làm có bè bạn tin yêu.
Mẹ là doanh nhân thành đạt, tiền nhiều,
Là khoa học gia bay lên vũ trụ,
Mẹ đọc diễn văn, mẹ làm chính trị,
Về nhà vẫn là người mẹ đời thường. .
Mẹ gây dựng nên nhà cửa cao sang,
Mẹ hào nhoáng và cũng đầy bản lĩnh,
Từ hai bàn tay và từ tim óc,
Người phụ nữ trẻ thành công đường đời.
Nhưng sau khi xong công việc bên ngoài,
Sau những xã giao lụa là khoe sắc,
Mẹ trở về nhà với điều đơn giản,
Với hạnh phúc là mẹ của các con.
Ở trong nhà mình mẹ chẳng chức danh,
Ngoài hai tiếng bình thường “Người mẹ”,
Mẹ không thể thuê ai làm điều đó,
Không ai yêu con bằng mẹ yêu con.
Người giúp việc chỉ bồng bế, chăm nom,
Hay nấu cho con bữa cơm ngon miệng,
Nhưng khi con buồn, khi con đau ốm,
Mẹ mới là người lo lắng xót xa.
Nếu phải đánh đổi những lợi danh kia,
Những địa vị mà người đời ngưỡng mộ,
Để con khôn lớn vào đời tử tế,
Mẹ vui lòng làm người mẹ không tên.
Mẹ trí thức hay mẹ bán hàng rong,
Mẹ thành thị hay mẹ quê chân đất,
Mẹ đại gia hay mẹ nghèo xơ xác,
Tình mẹ sông dài, biển rộng như nhau.
Nguyễn Thị Thanh Dương.
( Mother’s Day- 2012)







ĐÀ LẠT ƠI, TÌNH ƠI …
Đà Lạt có những con đường sắc vàng,
Của hoa Dã Qùy chạy dài lang thang,
Em đạp xe qua buổi chiều se lạnh,
Em mặc áo dài, em khoác áo len.
Em đi trên con đường đất khô bùn,
Vẫn hoa Dã Qùy mọc đầy hai bên,
Về con đường khác có hoa Cúc trắng,
Hoa khắp nẻo đường cho người bâng khuâng.
Mỗi góc Đà Lạt là một góc hoa,
Hoa mọc trong rừng, hoa trong vườn nhà,
Hoa trên hè phố, giòng đời chậm lại,
Phượng Tím đẹp buồn ai nỡ bước đi?
Đôi bóng kề vai bên Hồ Xuân Hương,
Buổi sáng quanh hồ vắng đến lạ thường,
Em ngồi trong quán ly cà phê ấm,
Mà hồn em còn lãng đãng mù sương.
Con đường quanh co thấp thoáng rừng thông,
Cành cây che một khỏang trời mênh mông,
Vài cô sơn nữ trên đường xuống núi,
Đường đi còn dài, gùi mang trên lưng.
Triền đồi cỏ xanh, trên trời mây bay,
Đàn bò gặm cỏ thong dong tháng ngày,
Không một bóng người dường như quên lãng,
Vẫn có một nơi êm đềm.thế này.
Nhà dưới đường thấp chìm trong hàng cây,
Nhà trên đường cao chìm vào trong mây,
Mái những ngôi nhà màu nâu, màu đỏ,
Mảnh vườn trước sân hoa cỏ nở đầy.
Em ra phố chợ đỏ mùa dâu tươi,
Thèm ăn qủa dâu chua ngọt trên môi,
Thèm củ khoai lang nướng trên than nóng,
Khoai lang Đà Lạt ngọt như tình yêu.
Đà Lạt nên thơ, Đà Lạt sắc màu,
Ai đến một lần chẳng dễ quên đâu,
Người ơi, tình ơi, về đây hò hẹn,
Gió lạnh, sương mù nên cần có nhau.
Nguyễn Thị Thanh Dương








BIỂN VÀ SÓNG.
( Cảm tác theo hình)
Có phải khi biển vui thì biển sóng?
Sóng tung mình những hạt nước trong veo,
Khoe trên đầu ngọn sóng có em theo
Từng hạt nước và tưởng mình là sóng.
Em đã nở trăm đóa hoa cánh mỏng,
Vừa hiện ra những cảnh sắc nên thơ,
Em lại vội đi như một giấc mơ,
Em rực rỡ cũng chìm vào biển lớn.
Có phải khi biển vui thì biển sóng?
Vươn lên cao những cột sóng thủy tinh,
Thướt tha như vạt áo tuổi thanh xuân,
Sóng và chân trời một màu trắng xóa.
Sóng buông mình thủy tinh rơi vụn vỡ,
Những niềm vui ngắn ngủi đã qua mau,
Sóng hôm qua ai biết đã về đâu?
Chẳng bao giờ sóng đứng yên chờ đợi.
Biển biết vui, biển cũng từng hờn dỗi,
Sóng buổi chiều nhuốm vàng nhạt tà dương,
Giữa biển khơi em là ngọn sóng buồn,
Hát bài tình ca ngậm ngùi thương nhớ.
Sóng khóac cho mình một màu ráng đỏ,
Khi mặt trời sắp lặn xuống biển xa,
Sóng hắt lên những giọt lệ nhạt nhòa,
Em khóc mãi cho biển đầy thêm nữa.
Và có khi biển chuyển mình giận dữ,
Sóng hung hăng kiêu ngạo đến lạ kỳ,
Em không muốn là ngọn sóng chia ly,
Để anh thất tình trên bờ biển vắng.
Sóng ngất ngưỡng từng bước chân chuyển động,
Sóng cuộn mình rồi vội vã lăn xa,
Nước biển tươi xanh bỗng hóa thành gìa,
Sóng bạc đầu vì đời người qúa ngắn.
Em và anh, nếu là biển và sóng,
Em xin được là những ngọn sóng ngoan,
Sóng vỗ về anh, tan biến vào anh,
Vào biển cả một tình yêu bất tận.
Nguyễn Thị Thanh Dương

THÁNG BẢY.
Tháng Bảy đến trời vẫn là mùa Hạ,
Nắng vào nhà, nắng ngoài phố mênh mông,
Nắng và mưa, chuyện thời tiết dửng dưng,
Tôi vẫn chạnh lòng khi mưa thức dậy.
Cũng là mưa, nhưng cơn mưa tháng Bảy,
Sao tôi thấy buồn hơn mưa tháng Sáu?
. Tôi đếm những giọt mưa trên vai áo,
Bao nhiêu giọt mà ướt cả chiều nay?
Mưa như kể chuyện, sợi ngắn, sợi dài,
Những sợi mưa nghiêng nghiêng về trong gío,
Có phải nước mắt Ngưu Lang, Chức Nữ?
Giọt tao phùng, hạnh phúc lẫn khổ đau.
Mưa tháng Bảy chắc từ bờ sông Ngâu?
Nên giọt mưa mới thêm tình, thêm nhớ,
Tội nghiệp ai một mình về qua phố,
Chiếc dù nghiêng che không hết nỗi buồn.
Tháng bảy nhiều mưa không ai kết hôn,
Đời kém vui trong những ngày mưa ướt,
Những người yêu nhau sợ tình ly biệt,
Sợ mưa là những giọt nước mắt rơi.
Nhưng tháng Bảy sẽ có một niềm vui,
Mùa mưa Ngâu cũng là mùa báo hiếu,
Lễ Vu Lan cổng chùa thơm hương khói,
Có những bông Hồng để tặng mẹ yêu.
Bông Hồng đỏ con mừng mẹ sống lâu,
Bông Hồng trắng sẽ là niềm thương nhớ,
Bông Hồng nào cũng là con thương mẹ,
Cài lên áo mình, hoa nói thay lời.
Tháng Bảy mồng 4 là một ngày vui,
Nước Mỹ kỷ niệm mừng ngày Độc Lập,
Cờ Mỹ treo khắp mọi nhà, khắp chốn,
Đêm pháo bông nở đẹp một khoảng trời.
Tháng Bảy đang về, tháng Bảy nắng ơi !
Nếu có mưa đừng ướt lòng nhân thế,
Niềm vui ở lại, buồn chia tay nhé,
Nỗi buồn theo bong bóng vỡ trong mưa.
Nguyễn Thị Thanh Dương.
( July, 2012)













CON YÊU CỦA BỐ.
Con yêu của bố,
Những lúc mẹ đi vắng,
Hay những lúc mẹ bận,
Bố sẽ chăm sóc con như một người mẹ đảm đang,
Bố biết cho sữa vào bình,
Và thêm nước lắc đều trước khi cho con bú,
Bố biết hát,
Ru con vào giấc ngủ,
Tiếng ru của bố,
Của người đàn ông,
Cũng thắm thiết ngọt ngào,
Dù không thanh tao bằng tiếng ru của mẹ.
Bố cẩn thận nâng niu,
Chiếc núm vú giả,
Luôn gần gũi bên con những khi con ngủ hay khi con thức,
Miệng con ngậm núm vú giả thật dễ thương.
Ôi, con là mèo con,
Con là chó con,
Bố yêu con lắm.
Mai con lớn cái bình sữa và núm vú gỉa chỉ còn là kỷ niệm,
Chúng là người bạn của tuổi bé thơ,
Ghi nhớ một phần đời của con,
Cũng là một phần đời của mẹ của cha.
Mai con lớn bố sẽ dạy con chạy xe,
Từ chiếc xe đạp 3 bánh,
Đến chiếc xe đạp 2 bánh,
Bố luôn bên cạnh,
Mỗi khi con vấp ngã,
Có bố ra tay nâng đỡ.
Những chiếc xe đạp lại là kỷ niệm vô gía,
Đánh dấu con thêm được mấy tuổi đời.
Con yêu ơi,
Cứ thế bố sống theo con từng tháng, từng năm,
Khi con khỏe mạnh hay khi con đau ốm,
Bố sẽ gìa đi, và con thì khôn lớn,
Con sẽ là cây xanh vươn lên giữa trời cao.
Còn bố là cây gìa cũ hư hao,
Cây khô nhánh,
Giữa cuộc đời tất bật,
Dù con của bố có là một người thành đạt,
Hay con không may mắn,
Dù con ngoan,
Hay hư hỏng,
Bố vẫn luôn đi bên cạnh,
Để nâng đỡ và chia sẻ,
Những điều bố có thể,
Như khi các con còn là đứa bé năm xưa.
Nguyễn Thị Thanh Dương
( May, 2012)

No comments:

Post a Comment