Wednesday, December 14, 2011

Món Quà Đầu Xuân

                            MÓN QÙA ĐẦU XUÂN.
Tôi từ phòng khám của bác sĩ phụ khoa ra, lòng lâng lâng một niềm vui khó tả mặc dù tôi biết trước là mình đã thụ thai sau khi mất kinh hơn 1 tháng nay.
Bác sĩ đã xác nhận và nói tôi hoàn toàn khỏe mạnh trong tình trạng hiện nay để mang thai..
Tôi không muốn về nhà một mình, nên lái xe đến nhà mẹ tôi, bà sẽ là người được nghe tôi báo tin vui đầu tiên, chồng tôi thì đang ở sở làm, tôi muốn dành cho anh một sự bất ngờ và tận mắt nhìn thấy vẻ mặt sung sướng của anh.
Khi mẹ tôi vừa mở cửa thấy tôi là nét mặt bà thóang lo âu, áy náy:
-         Lại có chuyện gì đây? Hôm nay sao con không đi làm ?
-         Ơ kìa, mẹ hãy để con vào nhà đã…
Mẹ vừa mở rộng thêm cửa vừa lẩm bẩm:
-         Lại cãi nhau, giận hờn nhau và nghỉ làm ở nhà …đình công chứ gì? Mẹ đếm rồi, 2 năm nay từ ngày cưới nhau, mỗi năm hai vợ chồng con cãi nhau giận nhau ít nhất là 5 lần, và lần nào con cũng về nhà mẹ ăn vạ như thế này…
-         Bao giờ mẹ cũng đúng, nhưng lần này thì không, trái lại chúng con đang vui vẻ hạnh phúc, con đến báo mẹ một tin vui..
Mẹ tôi nghi ngờ:
-         Tin gì? Cô nói nhanh đi đừng làm tôi sốt ruột. Chắc lại vui vì …nằm mơ trúng số độc đắc lấy về mấy chục triệu đô la sau khi đã trừ thuế như cô hằng mơ ước?
-         Lần này con chẳng vui hão huyền như thế nữa, mà vui thực tế đây, chúng con sắp có em bé rồi mẹ ơi ! con vừa đi khám bác sĩ xong là về đây ngay.
Nét mặt đang sa sầm mẹ tôi đổi ngay thành vui mừng:
-         Thế hả..Vậy mà mẹ cứ tưởng…Con trai hay gái nhỉ?
-         Còn sớm qúa chưa biết được nhưng trai hay gái chúng con đều thích.
-         Dĩ nhiên trai hay gái đều là con mình, nhưng ai cũng cần có con trai để nối dõi, thờ cúng tổ tiên chứ..
-         Xưa rồi mẹ ơi, con gái cũng thờ cúng tổ tiên được mà, mai sau nếu con có cháu nội hay cháu ngoại là gái thì con cũng coi nó là cháu gái đích tôn luôn. Nó cũng có giòng máu của vợ chồng con, cần gì phải phân biệt trai với gái cho mệt.
-         Thôi, mẹ không tranh cãi với cô nữa, ngang như cua bò. À, nói đến thờ cúng tổ tiên mẹ mới nhớ là gần tết rồi đấy, nhanh qúa…Thế thì năm nay vợ chồng con phải mừng Xuân lớn nhé, nhà có tin vui mà.
Mẹ lại quay ra băn khoăn:
-         Năm nay vợ chồng bảo nhau về cái chuyện đóng góp gởi tiền cho thân nhân bên chồng con ở Việt Nam nhân dịp tết đến nhé, kẻo lại như năm ngoái chỉ vì chồng con tự ý làm không hỏi ý con mà cãi nhau, giận hờn nhau tưởng như sắp li dị đến nơi làm mẹ còn lo sợ đến bây giờ. Mà bây giờ cãi cọ, tức giận là ảnh hưởng đến bào thai đấy.
Tôi chưa kịp trả lời mẹ thì cell phone của tôi reo lên, tôi mở ra nghe:
-         Em đây, anh hả?
-         Ừ, anh chợt nhớ ra nên gọi cho em ngay kẻo bận bịu lại quên mất, chiều nay ra làm anh sẽ rút ít tiền và ghé đưa cho mẹ anh để mẹ gởi qùa tết cho họ hàng ở Việt Nam em nhé? Em đồng ý không?
Tôi vui vẻ chọc anh:
-         OK. Anh báo cáo em y như báo cáo ông boss ở sở ấy..
Anh cũng chọc tôi:
-         Không, phải nói là Việt Kiều anh tự giác khai báo với hải quan Việt Nam em khi qua cửa khẩu phi trường Tân Sơn Nhất thì đúng hơn.
Và anh tiếp:
-         Anh kinh nghiệm năm ngoái rồi, không thông báo cho em nên hai vợ chồng cãi nhau một trận, mà cuộc sống thì ngắn ngủi, giận hờn nhau phút nào phí đi phút ấy của mùa Xuân cuộc đời khi hai chúng ta đều còn trẻ.
Tôi cố kìm nén niềm vui đang dấu trong lòng để không bật ra và chào tạm biệt anh, rồi nói với mẹ tôi:
-         Mẹ thấy không , anh ấy vừa gọi con, xin phép để đóng góp tiền Tết bên nhà anh ấy rồi, từ giờ trở đi mẹ đừng lo cho con nữa nhé. Cuộc sống nào cũng có va vấp, buồn đau thì mới chín chắn ra, mới thấy niềm vui trước mặt chứ chẳng đâu xa.
Mẹ tôi vui vẻ nói:
-         Ừ mẹ cũng mừng, nhất là chúng con sắp có em bé, hai vợ chồng sẽ “người lớn” thêm ra, có tình thương và trách nhiệm chung với con mình và cuộc sống thuận hòa hơn, gắn bó hơn. Thật đúng là món qùa đầu Xuân của gia đình chúng ta.
Tôi ngồi ở ghế sô fa và ngước nhìn ra ngoài khung cửa sổ, những cành cây khô đang vươn cánh tay giữa trời đất cuối Đông, những chùm lá non đang rung rinh nơi đầu cành như đang chờ những cơn gío ấm hơn để sinh sôi nẩy nở. Mùa Xuân đang đến…
Tôi bật reo lên:
- Mẹ ơi, mùa Xuân năm nay sẽ là mùa Xuân đẹp nhất đời của con đấy. .
Tiếng mẹ tôi êm ái:
-         Người ta thích mang thai vào mùa Xuân và tin là đứa bé sẽ thông minh mạnh khỏe khi cây cối hồi sinh, hoa lá hé mầm non, đơm nhụy, và đứa bé đang thành hình dần trong bụng mẹ cũng tận hưởng được những ân huệ của trời đất ấy.
Tôi liu riu nhắm mắt, lời mẹ nói như đang ru tôi ngủ, sáng nay tôi rộn ràng dậy sớm nên bây giờ hình như tôi cảm thấy buồn ngủ. Mẹ tôi hiểu ý, lấy chiếc gối ra cho tôi gối đầu để cho tôi có một giấc ngủ trưa ngắn nhưng êm đềm. Mẹ tôi âu yếm:
-         Ngủ một tí cho khỏe, mẹ đi nấu cho con bát cháo đậu xanh ăn cho tỉnh người rồi hãy về nhà.

                  ******************
Buổi chiều, tôi về nhà mình để chờ đợi chồng. Tôi đón anh từ cửa và nũng nịu:
-         Sao anh đi lâu thế ! làm em đợi mãi…
-         Thì anh ghé vào mẹ, ngồi nói chuyện với mẹ một lát chứ chẳng lẽ đưa tiền xong và quay về với vợ ngay sao? Mỗi năm nhân dịp Tết đến mẹ gởi qùa cho thân nhân còn ở Việt Nam, gia đình nào qúa nghèo thì mẹ ưu tiên gởi riêng thêm, thôi thì của ít lòng nhiều bày tỏ tình cảm họ hàng làng nước. Nói tóm lại đó là chút qùa Xuân của chúng ta gởi đến họ.Vì gia đình em không còn thân nhân ở Việt Nam nên em không hiểu được niềm vui ta nhận được khi mang lại niềm vui cho những người khác đâu, nhất là khi tết đến Xuân về.
-         Dạ, em hiểu rồi. Hôm nay em cũng có một món qùa Xuân dành cho anh đây.
Chồng tôi tò mò suy đóan:
-         Em mới đi coi bói hay coi phong thủy cầu cho năm mới sắp đến gia đạo mình bình yên hả?
Tôi vùng vằng:
-  Em không tin những thứ ấy nữa. Những năm trước em cũng coi bói và nhờ thầy phong thủy mà năm nào cũng cãi nhau mấy lần. Hạnh phúc, bình yên là do chính mình chứ chẳng thầy bói hay phong thủy nào xếp đặt được.
-         À,  em nghỉ ở nhà đi bác sĩ khám bệnh cảm cúm nhức đầu.? Bây giờ em đã đỡ chưa?
-         Em đang tươi như hoa đây anh còn hỏi.
-         Thế là vui rồi, còn nũng nịu anh gì nữa?
-         Lại đây em bảo…
Anh đến gần tôi, tôi cầm lấy bàn tay của anh và nhẹ nhàng đặt lên bụng mình:
-         Chúng ta đang có baby đấy anh !
Chồng tôi mừng rỡ ôm lấy tôi:
-         Trời ơi, thế mà bây giờ em mới nói. Thì ra hôm nay em đi bác sĩ khám thai.?
-         Em muốn dành cho anh một sự ngạc nhiên bất ngờ mà. Tình trạng mang thai của em hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng mẹ em dặn dò là chúng mình không được bất hoà cãi nhau anh nhé, kẻo ảnh hưởng tới baby.
Anh bắt chước câu tôi nói lúc nãy:
-         Dạ, anh hiểu rồi. Từ giờ trở đi bất cứ chuyện lớn nhỏ gì anh cũng hỏi ý kiến em cho chắc ăn, lúc nãy anh đã thi hành rồi đó..
Rồi anh lại reo lên:
-         Tuyệt vời, chúng ta sắp có con. Đúng là món qùa đầu Xuân đẹp nhất của chúng ta.
-         Anh ơi, mùa Đông đang luị tàn và mùa Xuân đang âm thầm vươn lên từ lòng đất, lòng em cũng đang phơi phới như mùa Xuân này…
. Anh hân hoan nói:
-  Ừ, mùa Xuân đang bắt đầu đấy em, như con của chúng ta cũng đang bắt đầu tạo hình..Món qùa đầu Xuân của trời đất và món qùa đầu Xuân của riêng vợ chồng mình sẽ chung vui, sẽ là một, em nhỉ…
                Nguyễn Thị Thanh Dương
                  ( Xuân 2011)



Lễ Tạ Ơn Đầu Tiên

                          LỄ TẠ ƠN ĐẦU TIÊN.
Nghe tiếng Linh gọi, Chi đang nằm tán dóc với Hiền vội vàng chạy ra mở cửa và không quên cằn nhằn:
-         Làm gì mà réo lên thế? một ngày trở về nhà như mọi ngày mà cứ ầm ĩ cả lên như mới trở về làng quê cũ sau một chuyến đi Tây lâu ngày ấy.
Linh chìa cái xách nặng trên tay:
-         Thì tại…nó nặng qúa phải gọi mở cửa nhanh không thì gãy tay tớ mất.
Hiền từ trong phòng ngủ cũng chạy ra tham gia:
-         Gì thế? Hôm nay hàng ế nhiều thế cơ à? Tớ đang đói bụng chờ Linh về đây.
Linh mỉm cười bí mật:
-         Không phải đồ fast food như mọi khi đâu nhé. Hàng cũ nhưng…bất ngờ đấy.
Chi bĩu môi liệt kê hàng loạt:
-         Chỉ khéo nói cho đỡ ngán chứ gì? Không bánh xèo, mì xào, chả gìo, bánh tầm, bánh dày kẹp gìo lụa thì cũng mấy cái bánh bao ế ẩm từ mấy ngày trước bán không hết nên bà chủ cho nhân viên mang về còn hơn là…vứt đi phí của giời !!
Hiền thêm vào:
-  À, chắc có thêm mấy ly chè vét cho sạch khay chăng, trước khi họ đem khay đi rửa? thế là bọn mình có món ăn no bụng lại có chè ngọt tráng miệng miễn phí từ A đến Z.
Linh đặt mấy cái túi chợ nặng chịch xuống nền đất và tuyên bố:
-         Lần này cả hai đứa đều sai hết, hôm nay tớ chẳng thèm mang thứ gì về. Hết giờ làm tớ đi chợ mua gà tây và những thứ linh tinh cho bữa tiệc lễ Tạ Ơn vào ngày mai
Hai người bạn gái chung nhà của Linh đồng thời kêu lên:
-         Giời ạ…chuyện gì thế nhỉ??
-         Tớ vừa nói rồi đấy, chúng ta sẽ có một bữa tiệc Tạ Ơn linh đình đầu tiên trên nước Mỹ.
Chi ngạc nhiên:
-         Linh nói gì lạ thế Linh? Chúng ta chẳng đã ở Mỹ mấy năm nay rồi sao? Đã trải qua mấy mùa lễ Thanksgiving …
Hiền cũng băn khoăn:
-         Mấy mùa lễ Tạ Ơn ấy, bạn bè mời đến nhà thì cũng ăn gà tây cho đúng kiểu, chứ có thiết gì đâu. Sao hôm nay Linh lại vác gà tây về cho bận nhà?
Chi lanh chanh:
-         Biết rồi, để kỷ niệm Lễ Tạ Ơn cuối cùng Linh còn ở Mỹ, Linh đã học xong cử nhân, hai đứa tớ còn 1 năm nữa. Biết đâu sau đó 3 đứa mình đều khăn gói hồi hương với mảnh bằng từ USA trong tay..
-         Nhưng Linh nó nói lần này là bữa tiệc Tạ Ơn đầu tiên trên nước Mỹ cơ mà?? Hiền lại băn khoăn.
-         Ừ nhỉ…khó hiểu qúa ??
Kiên nhẫn đợi cho hai bạn tha hồ đoán gìa đoán non, Linh mới giải tỏa, cô nghiêm chỉnh nói:
-         Nghe đây hai đứa, bệnh viện nơi mới nhận tớ làm việc tạm thời mấy tháng nay, họ đã đồng ý nhận tớ vào chính thức, và sẽ lo giấy tờ thẻ xanh cho tớ ở lại Mỹ.
-         Giời ơi ! Thế thì chẳng khác nào Linh trúng số mà không hề mua vé số…
-         Linh may mắn thật đấy. Tớ có nằm mơ  cũng chả thấy cơ hội nào cả…
Linh mỉm cười:
-         Tại sao là không mua vé số chứ? Chúng ta sang Mỹ du học là đã mua cái vé số đắt gía ấy từ lúc còn ở Việt Nam rồi, nào lo về tiền bạc, lo phỏng vấn, lo cho cuộc sống xa nhà nơi xứ sở hoàn toàn xa lạ, để mong “trúng số” một tương lai tươi sáng….
-         Ý tớ muốn so sánh với nhiều trường hợp du học sinh Việt Nam sang được Mỹ còn phải tốn bao công lao, tiền bạc nữa để tìm cách được ở lại, định cư chính thức tại Mỹ. Chỉ trong vòng nhóm nhỏ 3 đứa mình cũng đủ thấy bao nhiêu khê rồi, đứa nào cũng mơ ra trường sẽ tìm được việc hầu xin ở lại, hoặc làm quen với các anh giai người Việt Nam quốc tịch Mỹ, thậm chí không có tình thì chi tiền, coi như hợp đồng hôn nhân giả tạo, xong việc thì chia tay đường anh đường em hai lối rẽ.
Chi xen vào:
- Nhiều người vừa đặt chân lên nước Mỹ là lo đăng báo, đăng net tìm bạn bốn phương trời ngay, tìm bạn Mỹ, hay lai căng bất cứ chủng tộc nào miễn là mang quốc tịch Mỹ để đi đến hôn nhân...
Hiền so sánh:
- Y như các sinh viên ngoại thành lên Hà Nội học đại học, khi ra trường luôn tìm cách ở lại thủ đô, cầu cạnh xin việc làm hoặc lấy được tấm chồng, cô vợ có hộ khẩu Hà Nội là coi như trúng số.
Rồi Hiền kết luận:
-         Bây giờ thì tớ hiểu ý của Linh rồi, Lễ Tạ Ơn này là tiệc Tạ Ơn đầu tiên vì có ý nghĩa nhất, đã thay đổi cuộc đời Linh, phải không?
-         Ừ, Hiền thông minh thế lo gì không kiếm được một nửa của Hiền tại Mỹ. Anh chàng kỹ sư David Trần của Hiền tới đâu rồi?
-         Anh ấy có cảm tình với tớ lắm, nhưng mẹ anh không cùng quan điểm, bà mẹ vốn thành kiến với việc cho con trai cưới vợ còn ở Việt Nam hay vợ diện du học sinh, sợ  xong cái “vé” thẻ xanh cho vợ định cư ở Mỹ, con trai mình sẽ mất vợ. Mấy anh chàng lông bông thì mình chẳng thèm, gặp được anh đàng hoàng tử tế thì lại  trở ngại …linh tinh.
Chi ngao ngán thở dài:
-         Còn tớ vẫn chưa tìm ra mối nào, dù chỉ để làm “hợp đồng hôn nhân”. Trò chơi này là con dao hai lưỡi, tiền mất tội mang dễ dàng.
Linh an ủi hai cô bạn thân:
-         Cuối cùng chúng ta vẫn còn 1 con đường khác tuy tốn kém thời gian và tiền bạc là đăng ký học tiếp, kiểu “hàng ngang” hay “hàng dọc” học lấy cái bằng cử nhân khác hoặc học lên Cao học…để được kéo dài thêm thời gian ở Mỹ, vừa thêm kiến thức bằng cấp vừa…chờ thời.
-         Uí giời ôi ! thêm bằng cấp, thêm tốn tiền mà vẫn chưa lấy được chồng để làm gái gìa trở về Việt Nam báo đời bố mẹ hở ?
Chi tiếc rẻ:
-         Biết thế hồi ấy hai đứa tớ không học ngành Business mà học Nursing như Linh nhỉ? Những nghề thuộc về y tế có vẻ dễ xin việc được ở lại Mỹ hơn.
Hiền tán thành:
- Ừ nhỉ, tại tâm lý du học sinh Việt Nam vẫn “tự ái” chê nghề y tá không có vẻ gì là “đại học” cả dù thực tế Register Nurse là học 4 năm cử nhân, nên nhiều người cứ chọn ngành Business vừa dễ học vừa bằng cấp nói ra ai cũng biết là đại học.
Linh gật đầu rồi lại lắc đầu:
-         Tưởng thế mà…cũng chưa chắc thế. Bây giờ nền kinh tế Mỹ đang khủng hoảng, ngành Y tế cũng lay off bớt người kia kìa. Tớ may mắn thôi.
Linh vào phòng tắm, cô thấy nhẹ bổng cả người suốt từ lúc sáng khi nhận được tin vui này, Linh đã gọi phone về Việt Nam báo tin cho cha mẹ ngay, cả nhà cùng chia sẻ niềm vui với Linh.
Mọi hôm Linh tắm vội tắm nhanh cho xong, nhưng chiều nay Linh bày trò mở nước đầy bồn tắm và pha chút dầu thơm vào rồi nằm ngâm mình trong đó để tận hưởng phút thảnh thơi của thể xác, nhất là thảnh thơi cho tinh thần.
Linh và hai bạn Hiền, Chi đều là du học sinh, quen nhau tại Mỹ nhưng nhanh chóng thân nhau vì cả ba cùng có mục đích khi đến Mỹ sẽ tìm cách ở lại Mỹ, và đều xuất thân từ miền Bắc. Họ tiết kiệm thuê nhà duplex 2 phòng, chủ là người Việt Nam để dễ dàng ở chung cho đỡ tốn kém.
 Đứa nào cũng vừa đi học vừa đi làm part time thêm, Hiền làm cho văn phòng một bác sĩ , Chi tính tiền tại một quầy chợ Việt Nam, còn Linh bán hàng cho một cửa hàng food to go Việt Nam, bởi thế nên mới có những thức ăn ế thừa mà chủ nhân cho mang về mỗi ngày.
Cả ba sống hòa hợp, biết điều và cũng là để nương tựa lẫn nhau nơi xứ lạ quê người. Nên sự chung đụng càng vui và cần thiết.
Khi mới sang Mỹ, Linh đã có chút mặc cảm về bản thân mình, chỉ vì cô đến từ miền Bắc, trong khi đa số những người Việt Nam định cư ở Mỹ là di dân tị nạn, họ đến từ miền Nam Việt Nam.
Có lần Linh ra một chợ Việt Nam để lấy cái bánh sinh nhật đã đặt sẵn, cô gọi chị bán bánh đang bận làm gì đó trong quầy :
-         Chị ơi, cho em thanh toán tiền.
Chị bán hàng quay ra bỡ ngỡ:
-         Sao em ăn nói ghê gớm thế? trả tiền thì nói trả tiền, lại nói “thanh toán” như dân dao búa thanh toán nhau không bằng.
Một bà khách hàng sồn sồn đứng cạnh đấy lên tiếng hỏi thẳng Linh:
-         Em là dân Bắc kỳ hả?
Linh thành thật:
-         Vâng ạ, bố mẹ em gốc Hà Nội.
Khi chị chủ tiệm bánh trao tiền thối lại cho Linh, theo thói quen cô lịch sự nói:
-         Em xin !
Cô mang ổ bánh quay đi, Linh có cảm tưởng rằng bà khách sồn sồn đó đang nói gì với chị chủ hàng bánh, chắc chắn họ đang nói về Linh.
Người Việt Nam tinh mắt thật, ở đâu họ cũng nhận ra Linh là Bắc Kỳ, khi Linh đi chợ chỉ mở miệng ra nói vài câu dù từ ngữ bình thường, nhưng nghe âm hưởng là họ biết ngay.
Nhưng Linh chẳng quan tâm điều ấy, tính cách cô thế nào thì cứ sống thế ấy, miễn là không đụng chạm hay thiệt hại đến ai. Là một người con sinh đẻ ở miền Bắc, nhưng khi cô sinh ra đất nước đã hết chiến tranh, cô chỉ biết qúa khứ qua sách vở, qua cha ông, như một vở kịch đời và cánh màn nhung đã khép từ lâu.
Linh sống và lớn lên giữa xã hội mới mẻ, những người miền Nam Việt Nam cũ bây giờ là đồng bào trong nước. Tuổi trẻ và kiến thức đã cho Linh khách quan biết thế giới bao la, biết những điều hay lẽ phải về những kẻ thù xưa của thế hệ cha ông cô.
Bây giờ người ta không còn xem Mỹ là kẻ thù nữa, Mỹ thân thiện và dễ thương. Con gái Hà Nội lấy Mỹ thiếu gì.
 Hồi Linh chưa đi du học, còn ở Hà Nội, nhân mùa lễ Halloween toà đại sứ Mỹ đã cho mấy cái xe hơi của hãng chocolate Mỹ, mang kẹo chocolate ra đường phố phát cho trẻ con, cùng với những khăn áo, mặt nạ của ngày lễ ma qủy và những tờ giấy in bằng tiếng Việt Nam giải thích về ngày lễ Halloween ở Mỹ. Trẻ con Hà Nội vui thích với những món qùa lạ lùng này lắm.
Chẳng bù cho thời chiến tranh chống Mỹ, bố Linh kể trẻ con đã bị tuyên truyền chống giặc Mỹ ngay cả trong học đường, trong tất cả các môn học. Thí dụ trong một bài toán đố: “Các chiến sĩ phòng vệ huyện Y. lần đầu bắn hạ được 3 máy bay của giặc Mỹ, lần sau bắn được 7 máy bay nữa. Vậy tổng cộng các chú chiến sĩ phòng vệ đã bắn hạ được bao nhiêu máy bay Mỹ?”
Trong môn văn thì sự tuyên truyền không thực tế, vô lý đến ngốc nghếch và buồn cười, như có người dân nghèo căm thù giặc Mỹ đã nuôi đàn ong để làm vũ khí …tấn công giặc Mỹ. Hay 2 vợ chồng nhà kia chỉ có 1 cái cung để làm vũ khí giết giặc Mỹ, khi người chồng trèo lên cành cây nhắm bắn giặc Mỹ từ xa,  mỗi lần giết xong 1 mạng, người vợ vội vàng chạy ra xác tên Mỹ, nhổ mũi tên ra và chạy lại đưa cho chồng…bắn tiếp. Hay “Tay không đánh chiếm được xe tăng giặc Mỹ”. Hay “Lấy thân đè lỗ châu mai” Hay “Máy bay của ta bay trên không và …đậu sẵn trong đám mây chờ máy bay của giặc để bắn”.
Về môn nhạc thì các cháu học sinh hát các bài ngợi ca bác Hồ, các chú bộ đội hay căm thù giặc Mỹ.
Môn vẽ cũng là dịp để tuyên truyền, học sinh chỉ thích vẽ hình bác Hồ là được nhiều điểm.
Linh thấy lố bịch và qúa đáng. Những kiểu tuyên truyền ấy đã phản bội lại chính họ, kẻ tuyên truyền chỉ là người nói dối, lừa bịp.
Ngày nay chẳng ai còn thù ghét “giặc” Mỹ nữa,  những người lớn, có thể là những đứa học trò bị tuyên truyền năm xưa ra đường gặp khách “Tây” đều tưởng là người Mỹ và mỉm cười nói “Hello” để bày tò tình thân.
Chú Thế, chú ruột của Linh làm công an huyện, gần thủ đô Hà Nội, mấy lần chú nói với bố Linh:
-         Con cháu người ta đi Mỹ ầm ầm mà nhà mình chưa có ai, em muốn lắm mà chưa được, anh chị có điều kiện hơn em, lo cho cháu nào đi được thì lo ngay đi.
Khi Linh được bố hỏi ý kiến đi du học nước ngoài, Linh đã chọn đi Úc cùng với một đứa bạn thân cho vui, vì nhỏ bạn có nhiều thân nhân đang định cư ở Úc, nhưng bố Linh gạt phăng:
- Đã đi thì đi hẳn Mỹ, ai cũng thế cả, như bạn bè bố ngày xưa chống Mỹ hăng lắm, hay mấy diễn viên điện ảnh đóng phim chống Mỹ cực kỳ, cũng đều cho con du học ở Mỹ, có đứa còn lấy chồng Mỹ chứ có trở về Việt Nam đâu.
Hầu như bằng mọi cách người ta chọn đi du học ở Mỹ, chuyện du học ở Úc, Anh, hay Singapore khi người ta không thể lựa chọn khác hơn mà thôi.
-         Linh ơi, Linh ơi…
Tiếng Hiền gọi, và tiếng Chi tiếp theo:
-         Linh làm gì mà hôm nay tắm lâu thế? Cũng là buổi tắm “đầu tiên” ở Mỹ, đánh dấu kể từ giờ trở đi Linh được định cư ở Mỹ đấy hở?
-         Xong chưa? ra đây chúng ta cùng lo món gà tây này. Còn cái Chi lên mạng tìm cho tớ công thức làm món gà tây ngày lễ Tạ Ơn đi…Tự nhiên tớ thấy hào hứng trước tin vui của Linh…
-         Ừ, ừ…tớ cũng thấy hào hứng đấy. Biết đâu cái Linh mở màn con đường may mắn cho 2 đứa mình
Linh từ trong phòng tắm, người quấn mảnh khăn bông, thò đầu ra :
-         Nhất định lễ Tạ Ơn năm nay chúng ta sẽ ăn một bữa đàng hoàng và ngon miệng, vì tớ muốn tạ ơn nước Mỹ mà. Chi lên mạng xong thấy còn thiếu món gì thì ghi ra, tắm xong tớ sẽ đi mua ngay.
Chi nhăn mặt trêu bạn:
-         Biết rồi cô nương ạ, bọn em sẽ hết lòng giúp cô bữa tiệc Tạ Ơn ý nghĩa này. Cô nương mà ổn định thì cho bọn em “tạm trú” trong nhà cho tới khi nào kiếm được tấm thẻ xanh nhé?
Hiến ý kiến:
-         Chúng ta sẽ mời bạn bè khác nữa chứ?
Linh nói vọng ra:
-         Tớ đã tính đến điều này rồi, sẽ mời mấy người bạn thân của chúng ta, và mấy người năm nào cũng mời bọn mình ăn lễ Tạ Ơn nhà họ đấy, và đặc biệt là…có anh David Trần của Hiền nữa. Mẹ anh lo xa, nhưng tớ tin là trước sau gì Hiền cũng “cưa” đổ anh David thôi.
Chi nghiêm giọng:
-         Còn phải “cưa” cả mẹ anh David nữa. Này Hiền, mỗi lần anh ấy đưa Hiền về nhà chơi, hãy chứng tỏ cho gia đình anh ấy biết mình là người thế nào.
-         Ừ, chính anh David cũng bảo tớ thế. Một cuộc hôn nhân có sự hài lòng của cha mẹ, của gia đình thì David sẽ vui hơn.
Linh đã đi ra, ba cô gái trẻ cùng xúm xít trong gian bếp nhỏ cuả căn nhà Duplex, họ lôi ra con gà tây tươi chưa hề đông lạnh để rửa lại cho sạch trước khi tẩm ướp gia vị.
Chi ra mở internet, một lúc sau thì reo lên:
-         Đây này, có mấy cách nướng gà tây cơ đấy, hai “chị” kia nghe “em” đọc xem thích cách nào thì chúng ta sẽ làm cách đấy nhé…
Ngoài trời, gío cuối tháng mười một lành lạnh, trong nhà ba cô gái tha hương thì đang cười cười nói nói vui vẻ cho bữa tiệc Tạ Ơn ngày mai và ấm lòng với những tin vui và hi vọng ở phía trước.
            Nguyễn Thị Thanh Dương
                ( Thanksgiving, 2011)




Truyện Ngắn: Chuyện Làm Ăn.

                                CHUYỆN LÀM ĂN.
Kể từ ngày bị mất việc, chị Bông vừa ăn tiền thất nghiệp vừa chạy đôn đáo đi tìm cách kinh doanh.
Sau bao nhiêu năm làm hãng xưởng, chị chán chê những công việc này rồi. Hãng chị làm lâu dài, chăm chỉ, đi đúng giờ về đúng giấc, chị luôn tự hào tưởng hãng “qúy hóa” chị lắm, vì đã qua mấy lượt sa thải công nhân đều không có tên chị.Vậy mà chị bỗng bị gọi lên văn phòng ông manager, với gương mặt ra vẻ trầm ngâm thông cảm như đang phân ưu tại một tang gia, ông manager của hãng đã trân trọng thông báo tin “lay off” chị .
Ngồi không ở nhà chị sốt ruột và lo cuống lên, dù anh Bông đã khuyên chị:
-         Nhân dịp thất nghiệp này em cứ hưởng quyền lợi và nghỉ nhà một thời gian cho khỏe. Tha hồ ngủ cho chán chê mê mỏi, rồi ngắm bình minh lên và hoàng hôn xuống.
Chị thở dài:
-         Ngày tất bật đi làm thì mong ước thế, nhưng bây giờ em lòng dạ nào mà ngồi chơi ngắm cảnh cơ chứ…Thời buổi kinh tế này xin được một việc trong hãng thích hợp với mình là một điều khó khăn. Thời hoàng kim của công ăn việc làm dưới thời của tổng thống Bill Clinton qua rồi . Em muốn lợi dụng lúc rảnh rỗi này tìm một việc nào đó để kinh doanh, mình làm chủ mình cho khỏe, không ai “lay off” được mình cả. Bây giờ em “thù” cái từ “Lay Off” này lắm.
Anh Bông ngăn cản:
-         Đừng, đừng…kinh tế khó khăn cho mọi nghề, từ hãng xưởng đến kinh doanh. Người ta thất nghiệp nhảy ra kinh doanh như nấm dại mọc sau cơn mưa, thiếu gì người sống dở chết dở em ơi…
Chị cương quyết:
-         Con người ta có số cả, em sẽ thử thời vận. Biết đâu trong cái rủi lại có cái may và số em phất lên ngon lành? Business mà phát tài em cho anh …nghỉ hưu sớm luôn.
-         Thôi, em cứ lo thân em trước đi, để anh yên chí đi làm cho chắc ăn.
-         Xời ! nhát như anh cứ đi làm thuê cho người ta thì cả đời không bao giờ được làm chủ cho chính mình cả.
Thế là chị bắt đầu đi hỏi han bạn bè và lùng sục đọc báo nơi các mục rao vặt. Những tiệm sang lại nhiều nhất là tiệm nail.. Chị không ở trong nghề nhưng chẳng lạ gì làm chủ một tiệm nail, nhìn bề ngoài người ta cứ đánh gía chung là “dân” nail giàu, kiếm tiền dễ dàng, tiền típ tha hồ đi nhà hàng hay đi chợ v..v..Thật ra có thành công huy hoàng cũng có thất bại điêu tàn luôn.
Vì chị đã thấy cháu chị làm chủ tiệm nail rồi, hai vợ chồng cùng “xanh xao hao mòn” suốt 2 năm liền trước khi sang được tiệm, tống khứ được của nợ đời.
Tiệm mới mở đang “build” khách, hai vợ chồng nó thuê mướn thợ ăn chia nhưng chẳng ai chịu ở lâu dài để chờ khách tìm đến, cứ làm một thời gian thấy ít khách, lợi tức thấp là thợ nghỉ việc đi tìm nơi khác. Nếu chủ thuê bao thợ thì tiền đâu cho xuể? Vì “build” khách phải thời gian lâu dài nếu được tín nhiệm. Thợ thuê bao ngồi chờ khách mà chủ sốt cả ruột gan, dù không có nhiều việc làm, cuối tuần vẫn phải trả lương bao cho họ.
Hai vợ chồng chủ đành cùng nai lưng làm cật lực, vì tiệm của mình nên mình phải lo toan, lúc thì cả hai vợ chồng cùng ngồi không, nhìn nhau, cùng đau, lúc thì khách vào liên tiếp mấy người, nên họ chẳng có 3 đầu 6 tay làm cùng một lúc,  khách không chịu đợi bỏ đi tiệm khác. Thế là cái vòng luẩn quẩn thợ thuê bao đợi khách không có nên phải cho nghỉ việc, và khách vào nhiều  không đủ thợ nên khách đi.
Bởi thế hầu như khách chẳng bao giờ build lên được. Tiệm nail của cháu chị ế ẩm, lai rai, thoi thóp…
Những nhà hàng cũng thế, chủ cần sang gấp vì …hoàn cảnh gia đình, hay muốn về hưu sớm v..v.. cứ làm như nhà hàng đang làm ăn phát đạt nhưng vì lý do chính đáng nên chủ đành lòng phải sang lại mà thôi. Ở đời đang miếng ăn ngon, hái ra tiền chẳng mấy khi người ta nhả ra mà rao bán, nếu qủa thật họ vì lý do nào đó không thể hành nghề nữa, thì nhà hàng đang đông khách ấy cũng được ưu tiên sang lại cho người thân gần xa hay bạn bè rồi, khỏi mất công rao ê hề trên báo.
Làm chủ nhà hàng thì ngay tại thành phố chị ở, có tiệm phở cứ hết qua tay chủ nhân này đến chủ nhân khác, lại quảng cáo rầm rộ, lại đổi bảng hiệu thay tên, tưng bừng khai trương và đóng cửa lúc nào không ai hay biết.
Nhà hàng ế ẩm, thức ăn cũ vừa đổ đi vừa xử dụng lại thì làm sao mà ngon, mà lời cho được?? không đóng cửa sớm thì có ngày bán cả nhà ở mà bù lỗ vào.
Chị Bông đọc tới tiệm may sửa quần áo cần sang lại, chị lưu ý ngay, nghề này nhẹ vốn, không lệ thuộc vào ai vì chính bản thân chị cũng biết may vá nên chị sẽ là thợ chính đỡ lo cái khoản thuê mướn người như các nghề khác. Nếu tiệm đông khách, chị có thể ngồi chăm chỉ làm tới chiều, tới tối để giao cho khách đúng hẹn, không như nghề nail phải có người làm cho khách ngay tại chỗ. Nếu tiệm ế khách thì những kim, chỉ, vải vóc kia vẫn còn y nguyên đó, chẳng hề bị hư hỏng, thiu chảy mất phẩm chất như những món ăn trong nhà hàng.
Chị thấy nghề này chắc ăn qúa và quyết định chọn nó.
Các tiệm đăng báo thì  địa điểm không thích hợp hoặc vì nhiều lý do khác chị không ưng ý, nên cuối cùng chị đã chọn địa điểm trong khu phố gần nhà để build tiệm mới.
Chị sắm bàn máy may, máy vắt sổ, bàn ủi và các bàn ghế khác cùng quầy tủ kính để bày trong tiệm. Thế là chị đã có một cửa tiệm khang trang trong tay.
Thời buổi kinh tế khó khăn mật ít ruồi nhiều, tiệm sửa quần áo của chị chưa kiếm ra một đồng huê lợi nào người ta đã nhanh nhậy ngoài sức tưởng tượng của chị Bông, chị chưa kịp nghĩ đến việc quảng cáo thì người ta đã tự động đến chào mời,  nào các tờ báo địa phương, các đài radio, nàoYellow page của phone book…chị nhận lời ngay để quảng bá cho cửa tiệm mới mở của mình.
Nhưng chưa hết, có một bà điệu nghệ hơn, mang một cái áo đến sửa làm quen, xong bà giới thiệu bà là người Do Thái, ở khu vực này cộng đồng Do Thái đông lắm, và bà …mời chị quảng cáo trên Yellow page của người Do Thái do bà đảm trách. Nể khách đến sửa quần áo, chị Bông lại nhận lời .
Thế là chỉ phần quảng cáo đã tốn kém khá bộn rồi, nhưng chị hi vọng “bánh ít đi bánh quy về” cửa tiệm của chị sẽ được nhiều người biết đến.
Tưởng đã yên thân, thì một hôm có anh chàng Mỹ trắng trẻ tuổi, dáng cao ráo sạch sẽ bước vào tiệm, chị tưởng khách vào may hay sửa đồ nên hớn hở chào đón:
- Anh ngồi xuống ghế đi, nào anh cần gì?? Tôi có thể may và sửa tất cả các loại quần áo.
 Thì anh ta cũng…hớn hở mời chào lại:
-         Tôi chuyên đi lau thuê cửa kính các tiệm và nhà hàng với gía rẻ. Tôi sẽ chăm lo cho mặt tiền cửa tiệm chị luôn bóng bẩy sáng sủa…
Chị thở dài và nhìn anh chàng trẻ tuổi này, đáng lẽ anh phải ở trong trường đại học hơn là lang thang đi làm thuê những việc không tên vớ vẩn như thế này. Chị động lòng thương cảm và nhận lời vì muốn giúp anh Mỹ trẻ chứ cửa kiếng tiệm chị dù có mờ, có dơ chị cũng tự lau chùi được.
Quảng cáo tiệm chị đã đi khắp mọi nơi, từ cộng đồng bản xứ nói tiếng Anh, cộng đồng Do Thái tại địa phương và cũng không thể quên cộng đồng người Việt Nam của mình. Chị yên chí sớm muộn gì cửa hàng chị cũng đông khách.
Thế mà những tháng đầu tiên cửa tiệm chỉ lèo tèo mỗi ngày có vài người khách, dù chị làm khéo tay và chiều chuộng khách hàng. Sửa cái cúc quần, sợi chỉ có sẵn hơi khác màu một chút, mắt thường khó nhận ra, nhưng chị cũng sai anh Bông chạy ra chợ mua cho bằng được cuộn chỉ giống màu thật chính xác, anh Bông vất vả vì chị, mỗi chiều đi làm về anh lại ra tiệm xem có phụ giúp được gì cho vợ không? Hôm thì anh chạy đi mua cuộn chỉ, hôm thì mua cái zipper..v..v…
Mỗi tháng thu nhập của chị không đủ chi trả cho tiền thuê chỗ, tiền điện thoại, tiền nước, tiền điện…mà những thứ này gía dùng cho business đắt hơn gía người tiêu thụ nhà ở rất nhiều.
Chị Bông lo lắng qúa, mỗi ngày mở mắt ra là chị phóng ngay đến cửa tiệm, chỉ sợ muộn phút nào lỡ mất khách phút ấy. Những ngày nghỉ lễ, ngày cuối tuần chị cũng lê bước ra tiệm ngồi …uống mấy lít nước và đọc …một đống báo chờ khách, đọc báo chán chị mở computer lên net đọc tin tức và đọc mail bạn bè chat chit cho vui.
Thỉnh thoảng cho đỡ cuồng chân vì ngồi mãi một chỗ, chị chạy sang cửa hàng bán bảo hiểm của người Việt Nam bên cạnh, thấy bà bán bảo hiểm cũng đang bận rộn….nói chuyện phone tán gẫu với bạn bè đường dài nào đó, nên chị lại quay về tiệm mình, một hình một bóng đơn côi.
Chị Bông suy nghĩ mãi, một cửa tiệm chị đã đầu tư cả tinh thần lẫn vật chất kỹ càng như thế này mà vẫn ế…chị đổ thừa mấy quảng cáo không hay ho, không hiệu qủa.
Chị sẽ tung ra màn quảng cáo…đợt hai, công phu hơn, tốn kém hơn. Làm business ở Mỹ quảng cáo là cần thiết không thể bỏ qua được.
 Quảng cáo trên báo tờ, người ta đọc xong rồi bỏ, chị sẽ quảng cáo trên tạp chí đàng hoàng, một cuốn báo dù sao cũng dễ cầm, dễ giữ gìn hơn. Còn quảng cáo trên đài radio đúng là lời nói gío bay, người nghe đài nếu cần, có khi chưa kịp lấy bút giấy ghi nhớ số điện thoại hay địa chỉ của tiệm thì đã xong rồi, ai thì giờ đâu mà đợi nghe vòng trở lại lần nữa?, trừ khi mấy ông bà gìa về hưu lẩm cẩm không biết làm gì ngoài nghe đài, nghe đủ thứ tin cho hết thì giờ, cho đời đỡ buồn..
 Chị  nhờ anh Bông in một đống giấy flyer quảng cáo tiệm sửa quần áo này ra các bãi đậu xe đông đúc, cài lên mỗi kính xe.
Thế là ngày nghỉ làm, anh Bông ôm một đống giấy , qua mấy bãi đậu xe và đi cài từng tờ flyer một lên xe người ta. Có lần anh đang làm nhiệm vụ này, thì một xe đậu vào cạnh chỗ anh, chủ xe lạnh lùng lên tiếng:
-         Yêu cầu anh đừng cài giấy này vào xe của tôi.
Anh Bông ngượng ngùng, thấy tủi thân qúa, biết đâu những chủ nhân của những chiếc xe đã bất đắc dĩ nhận tờ giấy quảng cáo của anh, chốc nữa họ ra xe sẽ mắng thầm và xé bỏ tờ giấy xuống đường không thương tiếc? chuyện làm ăn sao lắm gian nan và cay đắng.
Chị còn thuê cả bảng quảng cáo to lớn, loại có bánh xe đẩy, anh Bông lại loay hoay xếp những mẫu tự của họ có sẵn thành câu quảng cáo như ý muốn của mình gắn lên bảng, rồi mới đẩy bảng quảng cáo ra một góc đường có đông người qua lại. Tưởng chỉ tốn tiền thuê bảng này thì “ông” city lù lù xuất hiện đòi đóng tiền thuế chỗ cho city nữa.
Toàn là chuyện tốn tiền…!!!!
Cái bàn ủi chị dùng thuộc loại dùng cho thương mại,  không phải dùng cá nhân như ở nhà, cũng làm chị tốn tiền, cần có chất cát đặc biệt để trong một bình nước to treo lên cao, có filter để lọc nước, giữ cho nước luôn trong vắt, qua một ống dẫn nối vào bàn ủi để khi ủi quần áo không làm hoen màu ra quần áo khách. Lúc nào cũng phải có sẵn cát lọc nước để chờ ủi lên quần áo, thỉnh thoảng chị Bông lại kêu lên với chồng:
-         Anh ơi, cát vàng rồi, đi mua cát về thay đi.
Những nhà sản xuất luôn nghĩ ra cách móc túi khách hàng một cách hợp pháp và hợp lý. Họ sẵn sàng bán rẻ như cho không món hàng, nhưng món phụ thuộc của món hàng sẽ thật đắt, như cái máy in dùng cho computer rất rẻ, nhưng mực in thì không rẻ chút nào. Cái bàn ủi này cũng thế, cát để lọc nước không rẻ chút nào, dù ủi nhiều hay ít, cứ ngâm trong nước thì tới một lúc nào đó cát sẽ vàng đi và phải thay cát mới.
Tiền móc ra thì dường như vô tận, còn tiền thu vào thì giới hạn !!
Cửa tiệm sửa quần áo của chị vẫn ế ẩm. Thế mà thiên hạ thiếu gì người làm giàu bằng nghề này.
Ngày chuẩn bị mở tiệm chị hào hứng yêu đời bao nhiêu thì bây giờ chị chán nản bấy nhiêu. Chị không thể kéo dài tình trạng làm ăn lỗ lã như thế này nữa.
Một ngày chị đã đăng báo sang lại cửa tiệm, dĩ nhiên với gía rẻ hơn gía vốn chị đã xuất ra.
Thỉnh thoảng chị tiếp những cú phone gọi đến hỏi han, rồi phone đi phone lại, người kia tự động biến mất.
Có một người nghiêm chỉnh quan tâm nhất, làm chị mừng thầm, nhưng bà đòi đến tiệm 2 tuần để theo dõi tình hình của business trước khi quyết định sang tiệm, chị đành chấp nhận, và không ngớt tô vẽ một tương lai phồn thịnh của tiệm.
Sáng ra chị vừa mở cửa bà ta đã có mặt theo vào, và lù lù ở trong tiệm như ma ám, ghi ghi chép chép mỗi khi hiếm hoi có người khách bước vào tiệm sửa đồ. Cho đến chiều chị đóng cửa cả hai cùng ra về.
Ngày cuối cùng bà ta nói :
-         Để tôi về bàn lại với chồng con rồi trả lời chị sau nhé.
Và bà ta biến mất, chị Bông thử gọi phone mấy lần nhưng bà ta không hề nhấc máy. Người Việt Nam mình cũng lạ, khi cần thì gọi phone hỏi dồn dập, không cần thì làm ngơ. Chuyện gì cũng có đầu có đuôi, thà rằng bà thẳng thắn trả lời “Không” một tiếng cho đúng phép lịch sự, có ai trách móc hay thù ghét gì bà đâu. Thuận thì mua không thì thôi.
Thế là chị Bông lỗ tiền lo phục vụ ăn uống cho bà ta suốt 2 tuần lễ và uổng công phí sức nghĩ ra mọi đề tài để chuyện trò với bà ta cho vui và …lấy cảm tình.
Hiện giờ chị Bông vẫn đang ôm cửa tiệm, ráng cầm cự thêm một thời gian nữa, chỉ mong kiếm đủ tiền trả rent và điện nước, còn sức lao động của vợ chồng chị coi như làm miễn phí…
Chị ngồi trong cửa hàng ế mà …oán hờn chủ hãng cũ đã lay off chị, làm chị phải điêu đứng như thế này.
Chị nhớ đến lời khuyên của anh Bông mà ân hận qúa, gía cứ nghe lời anh nằm khểnh ở nhà ăn ngủ cho chán chê rồi đi tìm việc ở hãng khác, mỗi ngày đi làm 8 tiếng khỏe thân, không phải bỏ vốn, tính tóan hay lo lắng gì cả.
Mỗi ngày ngồi trong tiệm sửa quần áo, chị Bông lại mở tờ báo ra xem mục tìm việc làm tại các hãng xưởng, chị không thèm  liếc qua cái mục rao bán hay sang nhượng các business nữa, vẫn đang đầy rẫy trên báo và biết đâu vẫn đang có bao người như chị vừa qua đã đọc và hí hửng tính chuyện làm ăn lâu dài?
Đọc báo chán, chị nhìn ra ngoài khung cửa, thấy mây trời lơ lửng hay thấy cánh chim bay, chị đều tủi thân tưởng như mình đang bị cầm tù trong cửa tiệm này, chưa dứt ra được để như áng mây ấy, như cánh chim kia  thảnh thơi bay đi giữa cuộc đời
                          Nguyễn Thị Thanh Dương
                             ( Nov. -2011)
.

Ước Nguyện Đêm Giáng Sinh

                     ƯỚC NGUYỆN ĐÊM GIÁNG SINH.
Cây thông tươi xanh được treo những gói qùa đồ chơi nho nhỏ xinh đẹp, đôi ủng và cặp chuông, được trang hoàng bằng những đèn màu giăng mắc từ trên xuống dưới đủ màu xanh đỏ tím vàng, những sợi dây kim tuyến lấp lánh trắng tinh như những hạt tuyết đang bay bay trong gío, và những tấm thiếp màu đỏ rực rỡ như những niềm vui đang hớn hở đón chào mọi người trong gia đình …
Bà Hiếu vừa ngắm cây Giáng Sinh lòng vừa lâng lâng một cảm giác vui thì ông Hiếu từ trong bước ra ngoài phòng khách, đến bên cạnh vợ:
-         Bà đang nghĩ gì mà có vẻ tươi tắn thế? Đang chờ hai đứa cháu nội đến mà cứ như người ta chờ tình nhân thuở 20 tuổi..
-         Tôi đang mơ, đang nghĩ đến một điều ước nguyện cho đêm Giáng Sinh, đêm nay khi chúng ta đi lễ.
-         Có phải bà ước nguyện chúng ta sẽ…trẻ mãi không gìa để bên nhau như thế này không?
-         Có đấy, nhưng ước nguyện này đã lâu rồi, mà ông thỉnh thoảng vẫn bảo là tôi càng ngày càng gìa và khó tính. Năm nay tôi sẽ ước nguyện  khác…sao cho cô con dâu thứ của mình chịu để thằng Nấm Cua cho tôi và ông baby sit như 2 đứa con nhà anh chị nó.
-         À, thì ra thế, mỗi năm bà mỗi có ước nguyện, Những năm trước bà ước cho hai thằng con trai có công ăn việc làm ngay tại thành phố này cho bà luôn gần gũi con cái, rồi ước hai thằng con lấy vợ hiền vợ ngoan nên nhà nên cửa, rồi ước có những đứa cháu nội…Chúa thương bà lần nào điều ước nguyện cũng thành hiện thực, thì năm nay điều ước này Chúa cũng sẽ thương.
Bà Hiếu áy náy:
-         Tôi chỉ e con Ánh khó tính không chịu thôi, đấy con vừa sinh xong được một tháng là nó mang đi gởi day care làm tôi thương cháu xót cả ruột. Nó e ngại tôi và ông gìa, nhà quê không biết cách săn sóc trẻ sơ sinh. Thế ai đã chăm sóc thằng chồng nó, nuôi tới lớn khôn như bây giờ?
-         Con Ánh nó sống theo kiểu Mỹ. Kệ nó, biết đâu có lúc nào đó nó sẽ nhận ra những bà mẹ Việt Nam  nuôi con tận tình thế nào.
Bà phàn nàn:
-         Nhưng tôi bực thằng Huyền nhà mình không nói được vợ, nó bảo tùy ý vợ con. Để mình baby sit thằng Nấm Cua, chúng nó vừa đỡ tốn tiền, thằng nhỏ lại được ông bà chăm sóc cẩn thận bằng 5 bằng 10 mấy cô ở day care. Hay …tại tôi ngày xưa đặt cho nó tên Huyền như tên con gái nên nó cũng…yếu thế hơn vợ, bị vợ lấn lướt ? Thằng Hùng Cường đó, cái tên nghe oai phong mạnh mẽ nên con Thu vợ nó nghe lời chồng, ngoan ngoãn biết điều biết bao nhiêu..
Ông Hiếu vui đùa:
-         Ai bảo ngày xưa bà mê cặp song ca Hùng Cường - Mai Lệ Huyền và quyết chí đặt tên con cho giống họ.
-         Bởi thế, thằng lớn tên Hùng Cường, đứa sau cầu đẻ con gái để đặt tên Mai Lệ Huyền cho đủ cặp, ai dè lại ra con trai, mà kỳ đó tôi phải mổ và không thể tiếp tục sinh đẻ gì được nữa, nên bất cứ gía nào tôi cũng phải đật tên nó là…Huyền. Ấy là tôi bỏ bớt chữ “Lệ” rồi, nếu không chắc thằng Huyền càng yếu thế, càng bị vợ lấn lướt hơn nữa.
-         May mà hồi đó bà hết đường sinh đẻ, nếu không nhà mình sẽ có thêm một mớ ca sĩ nữa. Cái tật đặt tên theo sở thích của bà chưa chừa, đến đời cháu bà lại xí đặt tên cho các …loại nấm mà bà hay ăn. Hai đứa con của thằng Hùng Cường là thằng Nấm Rơm và con Nấm Hương. Còn đứa con của thằng Huyền là Nấm Cua, cái loại nấm mọc lổm ngổm như càng cua đấy hả?  tên nghe hay lạ qúa…
Bà nghĩ ngay tới thằng Nấm Cua xinh xắn đáng yêu và rộn ràng trả lời ông:
-         Đúng thế, ngon ngọt lắm, không thua gì Nầm Rơm và Nấm Hương nhé.
Rồi bà Hiếu mỉm cười chấp nhận lời phê bình của chồng. Tên chính thức của các cháu dĩ nhiên là tên Mỹ, nhưng tên gọi bên ngoài thì bà nội đứng ra đặt cho các cháu. Bà còn…vài loại nấm nữa sẵn sàng đặt tên cho những đứa cháu kế tiếp, chỉ sợ hai con dâu không đẻ kịp cho sở thích ăn nấm phong phú của bà.
 Có tiếng xe đậu và tiếng lao xao của hai đứa trẻ. Chị Thu tay bế tay dắt con vào, thằng Nấm Rơm 3 tuổi và con bé Nấm Hương hơn 1 tuổi :
-         Con gởi cháu ở đây đến chiều để đi chợ và về nhà làm sẵn ít món cho buổi tối Giáng Sinh. Sau khi đi lễ về cả nhà chúng ta sẽ đoàn tụ.
Bà Hiếu đon đả:
-         Ừ, con cứ đi chợ thoải mái đi, bố mẹ ngày nào cũng như ngày nào, có các cháu là vui rồi…Thế con có cần mẹ giúp làm món gì thêm không?
-         Cám ơn mẹ, con đã tính tóan xong và có cả cô Ánh phụ con rồi.
Cô con dâu bước ra ngoài, bà Hiếu nhìn theo ra cửa, bà hài lòng vì hai đứa con dâu thân thiện với nhau, cô Thu lái xe đi khuất bà mới quay vào nhà.
Ngày Hùng Cường, con trai lớn của bà đòi cưới Thu, vợ chồng bà đã phải về Việt Nam, đến một ngôi làng khỉ ho cò gáy cũng chẳng ai nghe ở huyện Thốt Nốt để gặp gỡ cha mẹ Thu.
Đó là cái làng Thái An với con đường đất lồi lõm quanh co giữa hai hàng tre xơ xác, đi qua mấy bờ rào thưa bên cạnh những khu vườn cằn cỗi có mấy con gà  đang bới móc bên đám cỏ bụi rau, qua những mái nhà đơn sơ mới tới căn nhà lá vách gỗ của gia đình suôi gia tương lai cũng đơn sơ không kém, làm bà Hiếu thất vọng não nề.
Ông bà suôi gia thì hớn hở quy tụ những bà con giòng họ và vài hàng xóm thân cận để tham dự buổi đón tiếp ông bà suôi gia từ Mỹ về. Họ chộn rộn, trịnh trọng bao nhiêu càng làm bà Hiếu “ngứa mắt” thêm bấy nhiêu. Cứ nhìn đám nhà quê đen đủi vì lao động, lam lũ với nắng gió, mưa sa là bà Hiếu thêm đau lòng, thương cho thằng con trai lấy vợ con nhà nghèo.
Phải chi thằng Hùng Cường nhà bà đừng “đâm đầu” vào cưới con Thu? Thiếu gì gia đình ở bên Mỹ cho bà làm suôi gia, vừa tương xứng vừa tiện lợi mọi bề.
May qúa đến lượt thằng Huyền nó lấy vợ rất đúng ý bà, nhà suôi gia này chẳng những ở ngay bên Mỹ mà còn làm ăn khá gỉa. Cô con dâu tên Ánh.
Thế là tuy không nói ra nhưng bà ngấm ngầm qúy hóa cô Ánh hơn hẳn cô Thu . Bà đã về thăm Việt Nam một lần kể từ sau ngày về Thốt Nốt hỏi cưới cô Thu, nhưng không hề đến huyện Thốt Nốt lần nữa thăm suôi gia, bà viện cớ lý luận với vợ chồng Thu là đường xa qúa sức khỏe mẹ không cho phép, với lại chuyến này mẹ bận nhiều chuyện ..v.v…
Còn bà suôi gia ở Mỹ, khác tiểu bang, mà bà vẫn kiếm cớ đến chơi để thắt chặt thêm tình cảm giữa hai gia đình.
Ông Hiếu đã phàn nàn với bà:
-. Tôi biết nếu cha mẹ con Thu mà giàu có sang trọng, thì dù họ ở tận Ải Nam Quan hay mũi Cà Mau bà cũng hớn hở ghé thăm mà. Suôi gia nào cũng là suôi gia, họ giàu hay nghèo chẳng ảnh hưởng gì đến mình. Bà làm vậy là bất công đấy.
- Ở đời ai cũng muốn có con dâu hay suôi gia tương xứng cho đẹp mặt ông ơi.
- Nhưng mình giàu có gì nào? Tôi ăn tiền hưu, còn bà thì hưu non và vẫn ở căn nhà cũ mua từ hồi mới đến Mỹ tới giờ..
- Nhưng mình sống ở Mỹ, con người văn minh sáng sủa hẳn ra, gía trị hơn cả đám dân huyện Thốt Nốt nhà quê ấy cộng lại.
Ông Hiếu kêu lên:
-  Bà mẹ chồng chảnh chọe ơi, ăn thua con dâu ngoan là qúy rồi, chứ suôi gia dù nhà quê nhà nghèo thì chẳng nhằm nhò gì.
 Cô Thu hiền ngoan, nể chồng, qúy hóa và thân mật gần gũi với cha mẹ chồng, hai đứa con cô lần lượt đều gởi ông bà nội baby sit giùm nên ông bà có niềm vui được gần cháu.
Thằng Nấm Rơm và con Nấm Hương được ông bà nội chăm sóc từ lúc mới lọt lòng nên gần gũi với ông bà, hai đứa khỏe mạnh, ít ốm vặt., chả bù cho thằng Nấm Cua nhà cô Ánh, thằng bé sinh cùng tháng với Nấm Hương mà trông không mạnh khỏe bằng, thỉnh thoảng còn bị lây cảm từ đám trẻ ở day care làm bố mẹ nó vất vả mất ngủ mấy đêm liền.
                          ****************
Đêm nay là đêm Giáng Sinh, ông bà Hiếu sửa soạn đi lễ, sẽ đi cùng xe với nhà con trai lớn cho vui và đỡ phải vất vả tìm chỗ đậu xe rất đông.
Lễ tối bắt đầu lúc 9 giờ, trời mùa Đông về đêm gío lạnh, nhưng không khí chung quanh nhà thờ thì tưng bừng như hội, đèn thắp sáng từ cổng vào dọc theo những hàng cây được treo đèn Giáng Sinh lấp lánh.
Dường như tất cả những người có đạo đêm nay không ngủ, gìa trẻ lớn bé ai cũng ăn mặc chỉnh tề nhất, đẹp nhất để đi đến giáo đường…
Bà Hiếu phụ mang bình sữa, bình nước  trái cây và nước lọc cho con bé Nấm Hương, một ít snack cho thằng Nấm Rơm. Bà baby sit chúng nên hiểu rõ chúng thích gì cần gì. Trẻ con không thể ngồi yên một chỗ khi nhà thờ đang hành lễ, chúng đòi ăn đòi uống liên tục.
Bà cũng mang thêm phòng hờ cho thằng cháu Nấm Cua dễ thương của bà.
Người ta đầy nghẹt từ bên trong và đứng tràn lan ra tới cửa, ngoài hành lang của nhà thờ. Những đứa trẻ con thì lăng xăng chạy chơi với nhau làm cha mẹ thỉnh thỏang lại gọi con ơi ới hay chen đám đông ra ngoài để tóm con vào trong cho khỏi lạc.
Sự chuẩn bị của bà Hiếu không thừa tí nào, chốc chốc thằng Nấm Rơm lại kêu đói bụng đòi ăn chip, con Nấm Hương lúc thì bú bình sữa, lúc thì bú bình nước trái cây. Thằng Nấm Cua cũng thế, nếu không có bình sữa đút vào miệng nó thì chắc gì nó chịu ngồi yên.
Nhạc lễ ngân vang, tiếng cha giảng cũng ngân vang, tiếng kinh cầu nghiêm trang trong đêm Giáng Sinh càng thêm thiêng liêng …
Bà Hiếu đã đọc kinh và đã chắp tay cầu nguyện với tượng Chúa trên cao. Mong sao cho toàn thể gia đình bà được bình yên trong tay Chúa, 3 đứa cháu nội của bà mau lớn, mạnh khỏe và một điều ước nguyện bé nhỏ nữa là cô con dâu Ánh giao thằng bé Nấm Cua cho bà chăm sóc để bà được gần cháu và lo cho cháu.
Khi tan lễ, mọi người tràn ra sân nhà thờ, sân rộng lớn thế mà đêm nay hóa chật vì người đông, rồi họ túa ra những chỗ đậu xe.
Ông bà Hiếu và vợ chồng Huyền cùng về nhà Hùng Cường để ăn tiệc nửa đêm.
Ngôi nhà thật ấm cúng,  mọi người lớn xúm vào hâm lại đồ ăn và dọn  ra bàn cùng với thức uống. Toàn là người trong nhà nên thoải mái tự nhiên.
Trên bàn tiệc có những món Thu tự làm, có món Ánh mang đến, hai cô con dâu đều khéo tay hay làm cả, nào gà quay, chim cút quay, vịt tiềm ăn với bún, giò lụa, nem chua…và chai rượu Champagne
Bà Hiếu nhìn ổ bánh Giáng Sinh hình khúc cây tuyệt đẹp được trang trí bắng bơ màu Chocolate pha sữa thành một màu nâu nhạt, có cắm những cây nấm màu trắng và vui vẻ nói:
-         Mẹ thích những cây nấm qúa, chúng dễ thương như 3 đứa cháu nội của mẹ.
Ông Hiếu tán thành:
-  Có nấm là bà thích rồi.
Cô Thu nói:
-  Ổ bánh chị Ánh làm  bố mẹ ạ, chị biết mẹ thích nấm nên nhất định cho mấy cây nấm mọc trên khúc cây này.
Bà Hiếu cảm động nhìn cô Ánh, cô lên tiếng :
-         Thưa bố mẹ, sẵn trong bàn tiệc vui đông đủ đêm nay con có một điều muốn chia sẻ là từ ngày gởi thằng Nấm Cua cho day care, tuy có thuận lợi mặt này nhưng không hay ở mặt khác. Mới hôm qua nó bị một bé khác ném đồ chơi vào mặt làm sưng tím cả trán, con biết chuyện tai nạn thì ở đâu cũng có thể xảy ra, nhưng ở nhà với ông bà chăm sóc thì vẫn hơn, nên con ân hận là suốt hơn 1 năm qua đã không gởi cháu cho bố mẹ…
Huyền tiếp lời vợ:
-         Nghĩa là vợ chồng con muốn nhờ bố mẹ baby sit thằng Nấm Cua, trong vòng tay của ông bà chúng con sẽ yên tâm hơn.
Bà Hiếu mừng rỡ mắng yêu con trai và con dâu:
-         Hai con còn phải hỏi làm gì, cho mẹ quyền trông cháu là mẹ vui rồi, cứ nghĩ sáng sớm con bồng bế nó đi, chiều bồng bế về, làm thằng bé “vất vả” theo là mẹ đau lòng lắm, chỉ sợ nó bú không được no, ngủ không được kỹ… Nó ở đây, ăn ngủ ấm êm trong nhà này, bố mẹ ngồi không, vừa giúp các con vừa vui với cháu, tiện lợi cả đôi đường.
Thu nói với Ánh:
-         Hai đứa con chị có ông bà trông nên chị yên tâm lắm, chúng ăn ngủ đầy đủ nên khỏe mạnh hơn con người ta  em ạ.
-         Vâng, em cũng nhận thấy thế…
Chưa năm nào bữa tiệc Giáng Sinh lại kết thúc trong tình cảm gia đình đầm ấm vui vẻ đến thế.
Khi ông Hiếu chở bà Hiếu về nhà, trên xe ông khen bà:
-         Bà tài qúa, ước gì là được nấy, cứ như là Chúa nghe thấy lời bà cầu nguyện vậy.
Bà Hiếu tâm sự:
-         Nãy tôi cũng cầu xin Chúa tha thứ tội cho tôi, đã có lúc tôi không thích con Thu, coi thường ông bà suôi gia nghèo ở Việt Nam. Nếu có dịp về chơi Việt Nam lần nữa, thì bất cứ giá nào tôi cũng sẽ đến huyện Thốt Nốt thăm ông bà suôi gia. Họ đã cho tôi một đứa con dâu ngoan hiền.
-         Phải đấy bà, Chúa cũng cho bà đứa con dâu ngoan là Ánh. Khi mình đối xử thương yêu chúng thì sẽ nhận được sự thương yêu như Chúa đã dạy.
Bà Hiếu lắng nghe lời chồng nói, rồi kính cẩn thì thầm, như lúc nãy trong buổi lễ Giáng Sinh ở nhà thờ bà đã thì thầm :
-         Tạ ơn Chúa.!
      Nguyễn Thị Thanh Dương.
                 ( Dec.- 2011)

Thơ :Con Gái Bắc



     CON GÁI BẮC.
Dù sống ở đâu trên thế gian này,
Dù thế hệ nào em vẫn là gái Bắc,
Còn giữ lại từ mẹ cha phong cách,
Từ cội nguồn mảnh đất của cha ông.
          Không thể lầm em với người miền Nam,
          Con gái Bắc e dè từng lời nói,
          Đong đưa đấy, nhưng vẫn còn khách sáo,
          Em nắng về, em cũng biết gió mưa.
Con gái Bắc đỏng đảnh thật khó ưa,
Tính kiêu kiêu dù chắc gì đã đẹp,
Nhưng có lúc cô dịu dàng khép nép,
Như men say anh nếm sẽ nhớ đời.
           Em kiểu cách để giữ kẽ mà thôi,
           Lòng đã trao mà tay chưa cho nắm,
           Lúc có, lúc không, như trò đuổi bắt,
           Khi mệt rồi, em muốn ngã vào anh .
Không thể lầm em với người miền Trung,
Dù cô Huế cũng chẳng vừa, khó tính,
Em lịch sự ngay cả điều không muốn,
Khó trả lời dứt khoát một tiếng “không”.
           Xã giao như em chẳng phải dối lòng,
           Em thế đấy, như mơ và như thật,
           Em đanh đá nhưng chắc gì đanh ác,
           Em chua ngoa nhưng chưa chắc điêu ngoa.
Em đãi bôi, một chút Bắc Kỳ mà,
Tuy mắt liếc nhưng lòng em ngay thẳng,
Giả vờ ngây thơ cho anh lận đận,
Anh mệt mỏi đời, mệt mỏi tình em.
             Nếu mình mất nhau anh sẽ khó quên,
             Cô gái Bắc một thời anh xao xuyến,
             Bình an, hạnh phúc, đôi khi vẫn tiếc,
             Mùa tình yêu chín đẹp ấy đâu rồi?
    Nguyễn Thị Thanh Dương.
        ( Dec.14-2011)
            


             

ĐÊM GIAO THỪA.
( Viết theo tâm tình C. )

Nhà hàng đón giao thừa,
Đêm nay đông người qúa,
Bên thềm năm mới về,
Chênh vênh bờ năm cũ.
       Tình cờ gặp nhau đây,
       Tìm vui nơi chốn lạ,
       Gió cuối tháng Mười Hai,
       Lạnh tâm hồn đơn lẻ.
 Em và anh bên nhau,
 Kể chuyện đời vụn vặt,
 Đêm trong ánh đèn màu,
 Đêm tưng bừng tiếng nhạc.
          Anh mời em khiêu vũ,
          Bàn tay lạ bàn tay,
          Còn hơn là không có,
          Sẽ buồn suốt đêm nay.
Sắp đến giờ giao thừa,
Mọi người ngừng khiêu vũ,
Đợi trời đất giao mùa,
Sao mà huyền diệu thế.
          Mọi người nhìn một phía,
          Count Down giây từng giây,
          Theo màn hình rộn rã,
          Pháo bông nở tung bay.
Đã giao thừa rồi đấy,
Năm cũ chẳng còn gì,
Tiếng reo hò vang dậy,
Cùng: Happy New Year !.
             Mọi người cùng thổi kèn,
             Đốt pháo bông, tung nón,
             Người ta  mở Champagne,
             Ly đầy mời nhau uống.
Anh ôm em chúc mừng,
Rượu Champagne sủi bọt,
Dù hai người mới quen,
Chưa bao giờ là một.
            Sàn nhảy lại đông người,
            Nhạc chào mừng năm mới,
            Anh và em sánh đôi,
            Cuộc vui lại tiếp nối.
Trời đã qúa  nửa khuya ,
Bước chân vui chếnh chóang,
Rưọu đã vơi cạn ly,
Nhưng chuyện đời chưa cạn..
          Nhà hàng sắp đóng cửa,
          Cuộc vui khép lại rồi,
          Năm mới chia tay nhé,
          Mỗi người về một nơi.
Nguyễn Thị Thanh Dương
            
         

       


  HÔM QUA GIÓ THỔI.
Hôm qua về gió thổi,
Lá khô rụng đầy sân,
Lá khô che khuất lối,
Tôi lạc từng bước chân
            Sao lá rơi nhiều thế?
            Những linh hồn bơ vơ,
            Buông mình vì cơn gió,
            Hồn về đâu bây giờ?.
Hôm qua về gió thổi,
Thấy hoa rụng đầy sân
Những cánh hoa nằm lại,
Mùi hương vào hư không.
              Ôi những cánh hoa rơi,
              Ngậm ngùi tôi thương qúa,
              Cánh hoa buồn tả tơi,
              Lìa cội cành thương nhớ.
Hôm qua về gió thổi,
Nhà vắng một mình tôi,
Trong này đời trống trải,
Ngoài trời mây đơn côi.           .           
             Ngủ đi những cánh hoa,
             Đã hết thời khoe sắc,
             Ngủ đi tình cách xa,
             Đã hết thời say đắm.
Ngủ đi chiếc lá khô,
Đã hết mùa xanh thắm,
Ngủ đi tôi tình cờ,
Sẽ gặp người trong mộng.
           Hôm nay không gió thổi,
           Lá, hoa còn đầy sân,
           Nhưng lòng tôi gió nổi,
           Nỗi buồn rơi mông mênh.
Nguyễn Thị Thanh Dương
            ( Dec. 2011)